Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A

Dcr 9, 9-10; Rm 8, 9. 11-13; Mt 11, 25-30

Tin mừng Chúa Nhật 13 vừa qua, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy cách Thiên Chúa đánh giá các sự việc. Ngài không có những hứa hẹn bên ngoài,

cũng không đánh giá trị của chúng ta dựa vào khối lượng công việc mà chúng ta thực hiện, cho bằng dựa vào động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu đó là một lý do tốt thì dù công việc bé nhỏ cũng có giá trị và được trả công xứng đáng.

Lời Chúa hôm nay tiếp tục cho chúng ta thấy một nghịch lý nhưng không vô lý của Tin mừng: đó là việc Chúa Cha mạc khải chân lý cho những người bé mọn nhưng lại giấu đối với những người hiền triết và khôn ngoan, hay nói đúng hơn, đối với những người tự cho mình là hiền triết và khôn ngoan (x. Mt 11, 25). Nhưng ai là người bé mọn mà Tin mừng muốn nói đến hôm nay?

1. Người bé mọn theo Tin mừng:

Để có thể nhận ra ai là người bé mọn được mạc khải Tin mừng, chúng ta có thể điểm qua danh sách các môn đệ của Đức Giêsu, bởi họ chính là những người được mạc khải Tin mừng Nước Thiên Chúa cách rõ ràng nhất. Trong đó, chúng ta thấy có Phêrô và các bạn là những ngư phủ thất học như cái nhìn của người Do thái, có Matthêu, một quan chức nhà nước làm nghề thu thuế, một người tội lỗi theo cái nhìn của người Do Thái. Rồi sau này còn có cả Phaolô, một người Biệt Phái, dòng dõi quý phái, học trò của Rabbi Gamaliel nổi tiếng (x. Pl 3, 5). Như thế, các môn đệ của Đức Giêsu gồm đủ mọi hạng người. Điều đó, cho thấy Ngài không hề từ chối bất cứ một người nào đến với Ngài, dù đó là nam hay nữ, già hay trẻ, tầng lớp lao động hay trí thức, công chính hay tội lỗi. Nhưng chỉ cần họ sẵn sàng mở lòng là họ sẽ đón nhận được lời Đức Giêsu rao giảng.

Như thế, chúng ta có thể có một khái niệm sơ khởi về hình ảnh người bé mọn mà Đức Giêsu đề cập tới trong bài Tin mừng hôm nay. Người bé mọn không dựa vào trọng lượng cơ thể, cũng không dựa vào tuổi tác hay trình độ văn hoá, nhưng là dựa vào cách sống và cách mỗi người đón nhận sự việc.

Trước hết, người bé mọn là người không sống theo xác thịt, nhưng luôn sống theo Thánh Thần (x. Rm 8, 9). Trong cuộc sống hiện nay, do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng, đứng trước mỗi việc, chúng ta thường lý luận và tìm cách giải quyết theo khả năng của mình và khi có kết quả, chúng ta mặc nhiên coi đó là do sự tài giỏi của mình. Nhưng thực tế, không phải là như thế, trong thư gởi tín hữu thành Corinhtô, thánh Phaolô đã từng nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống và trí khôn cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta có đều được nhận lãnh.

Thật vậy, giống như một cái ly đầy nước thì không thể đổ thêm vào được, một người nghĩ rằng mình đã đầy đủ rồi thì không thể tiếp nhận thêm bất cứ điều gì. Người ta chỉ có thể đón nhận cái gì mà mình còn thiếu, chưa có. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trẻ em luôn thắc mắc vì em chưa biết nhiều. Do đó, các em dễ học được nhiều cái mới hơn người lớn. Người lớn ít thắc mắc vì hai lý do: một là đã biết rồi; hai là vì tự ái sợ người khác cho rằng mình dốt nên không dám hỏi (nhưng chúng ta quên một điều: nếu hỏi chỉ mang tiếng dốt một lần thôi, còn nếu như không hỏi sẽ dốt suốt đời), nên cũng khó đón nhận những thay đổi, những suy nghĩ khác với suy nghĩ của mình. Như thế, một cách nào đó, trẻ em chính là người bé mọn, còn người lớn là những người hiền triết và khôn ngoan. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa không hề có thái độ kỳ thị, mạc khải cho người này, bỏ người khác, nhưng là do con người có muốn mở lòng mình ra để đón nhận mạc khải hay không.

Kế đến, người bé mọn là người không kiêu căng, hợm hĩnh nhưng là người tác tạo hoà bình. Ngôn sứ Zacharia trong bài đọc một đã mô tả về Đấng Messia của Thiên Chúa với những lời lẽ hết sức nhẹ nhàng như sau: “Nầy vua ngươi đến với ngươi… Người khiêm tốn ngồi trên con của lừa mẹ.. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim và ngựa Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người công bố hoà bình cho các dân tộc.” (x. Dcr 9, 9-10). Thế đó, một vị vua không ngồi trên lưng con Thiên lý mã bách chiến, bách thắng, nhưng là cỡi trên con lừa con. Một vị vua không xây thành đắp lũy, nhưng lại loại bỏ chiến xa, phá huỷ cung tên; không gây chiến, nhưng công bố hoà bình. Một vị vua sống tinh thần bé mọn, cũng là vị vua luôn tìm cách tạo dựng bình an.

Tóm lại, người bé mọn theo Tin mừng là người nhận ra sự thiếu thốn của mình và luôn biết mở lòng để đón nhận người khác, biết tác tạo hoà bình trong đời sống. Những người như thế sẽ đón nhận được mạc khải của Nước Thiên Chúa.

Quy chiếu với đòi hỏi của Tin mừng, tôi và quý vị đang là hạng người nào? Chúng ta là những người hiền triết và khôn ngoan hay là người bé mọn? Đây là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự trả lời trước mặt Chúa, nếu muốn đón nhận được mạc khải Nước Trời.

2. Gia đình sống tinh thần bé mọn:

Trong đời sống gia đình, nếu cả hai vợ chồng đều ý thức biết sống tinh thần bé mọn của Tin mừng, nghĩa là cả hai vợ chồng đều ý thức rằng mọi sự không do bởi mình, hơn nữa, mình còn phải đón nhận rất nhiều từ nơi người bạn của mình, cụ thể như: người chồng cần hiểu rằng nếu không có một người vợ tần tảo ở nhà thì tất cả những gì mình làm ra sẽ có thể không cánh mà bay; còn người vợ cũng cần ý thức: nếu không có bàn tay người chồng thì mình cũng chẳng có gì để mà tần tảo, tiết kiệm hay nói theo cách nói của cha ông chúng ta, cả hai vợ chồng cần nhớ rằng: “của chồng, công vợ”. Đồng thời, luôn ý thức nhường nhịn, sống hiền lành, tạo bầu khí bình an trong gia đình theo gương Chúa Giêsu, thì ắt hẳn mầu nhiệm hạnh phúc gia đình theo tinh thần Tin mừng cũng sẽ được mạc khải cho từng người chúng ta.

Tương tự như thế, sống trong cộng đoàn, không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần thợ để hớt tóc, may đồ; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần anh công nhân làm ra các sản phẩm sử dụng mỗi ngày; cần người đánh cá, cần người quét đường… Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình, nhưng cần khiêm tốn, nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, và tích cực góp sức mình để xây dựng và làm phát triển cộng đoàn.

Còn ngược lại, nếu chúng ta tự cho mình là “hiền triết khôn ngoan”, nghĩa là đầy đủ, không cần đón nhận ai nữa. Chắc hẳn mầu nhiệm về hạnh phúc gia đình, về bình an trong cộng đoàn cũng sẽ bị giấu kín đối với chúng ta.Giờ đây, bí tích Thánh Thể sắp cử hành trên bàn thờ đây cũng là một mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hãy mở rộng lòng trong tâm tình của những người con bé nhỏ, sẵn sàng đón nhận Ngài ngự vào tâm hồn mình. Nhờ đó, mỗi người chúng ta được thêm ân sủng để có thể ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn