Lời Tòa Soạn: Nếu những ai muốn tìm hiểu về cây lúa, về cây lúa Việt Nam, về lịch sử trồng lúa Việt Nam thì không thể nào bỏ qua quyển sách “Lịch Sử Trồng Lúa Việt Nam” của TS Trần Văn Đạt vừa được xuất bản.

Những dữ kiện nghiên cứu, sưu tập, đánh giá được trình bày trong sách thật quý giá, đáng tin cậy do tác giả là người đã lăn lộn hầu như hết cuộc đời trong lãnh vực này. Ông nguyên là Chánh Chuyên Gia Lúa Gạo và Thư Ký Điều Hành Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế của Tổ Chức Lương Nông Liên iệp Quốc tại Rome, Italy.

BBT khoahocnet trân trọng giới thiệu “Lịch Sử Trồng Lúa Việt Nam” của TS Trần Văn Đạt và mong được bạn đọc xa gần ủng hộ.

sach-lichsutrongluavietnamLỜI GIỚI THIỆU của GS TS Thái Công Tụng

Từ thời đại lập quốc đến ngày nay, dân tộc Việt trường tồn là nhờ lúa gạo. Thực vậy, câu tục ngữ ‘Sống vì gạo, bạo vì tiền’ đã nói lên hai nhu cầu thiết yếu trong nền kinh tế. Xưa kia, giống lúa là các giống cổ truyền, loại ‘rơm nhiều thóc ít’. Lúc đó dân số không đông thế mà đã xảy ra nhiều nạn đói. Ngày nay, với đô thị hóa, diện tích đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp nên phải tăng năng suất trên diện tích canh tác.

Với sự biến đổi khí hậu do khí nhà kính gây nên, nhiều hệ sinh thái sẽ bị biến đổi: nơi này cường độ khô nóng kéo dài hơn, nơi kia nước mặn sẽ xâm nhập sớm hơn, sâu hơn và cao hơn với nhiều vùng đất thấp bị ngập. Như vậy, cây lúa cũng phải có giống thích nghi với các điều kiện sinh thái khác: cần giống thích nghi với nước sâu, cần giống lúa kháng hạn hơn, ít nhu cầu về nước hơn. Tóm lại, vẫn còn nhiều thách thức về lúa gạo trước mắt.

Điều này đòi hỏi các nhà nông học phải lai tạo các giống mới thích nghi với các điều kiện sinh thái khác. Với công nghệ di truyền ngày càng tinh vi, khoa học đã khảo cứu bản đồ genome của cây lúa và từ đó biết tính chất của mỗi gen trong tế bào cây lúa, kéo theo triễn vọng lai giống với ít bất trắc hơn, nhanh chóng hơn. Nếu không có các giống lúa ‘rơm ít, thóc nhiều’ như ngày nay thì nhân loại đã phải chịu đựng những nạn đói khủng khiếp.

Tôi đã gặp tác giả lúc còn làm việc ở Phi châu, cùng đi thăm các ruộng lúa và cũng có gặp tác giả ở Rome, lúc Tiến sĩ Đạt làm việc tại cơ quan Lương Nông Quốc Tế. Ở cương vị sau này, tác giả đã đi nhiều nơi trên thế giới nên đã tiếp xúc được nhiều nguồn tư liệu về lúa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, tác giả về hưu, nhưng vẫn muốn cống hiến những gì thu thập trong đời mình, thực là một việc văn hoá thiết thực và bổ ích. Bổ ích vì truyền lại các tri thức cho thế hệ tiếp nối; thiết thực vì lúa gạo là lương thực chủ chốt con người Á đông. Sách này dẫn chứng nhiều tài liệu, nhiều hình ảnh nên rất phong phú và đóng góp các kiến thức tích lũy trong cuộc đời chuyên viên.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả bốn phương một quyển sách rất giá trị.

Thái Công Tụng

Nguyên Giám Đốc Viện Khảo Cứu (trước 1975),

Nguyên Giáo Sư Trung Tâm Quốc Gia Giáo Dục Nông Nghiệp (trước 1975)

Sách xuất bản tại Mỹ, ghi giá ấn phí 20MK

Nguồn: khoahoc.net