Đây là một cách làm gia phả, áp dụng cho bất cứ dòng tộc, dòng họ nào của người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo. Trong cách làm gia phả này, hoặc gia phả mẫu của hai bài kế tiếp, những gì áp dụng cho người Công giáo, thì người khác tôn giáo có thể bỏ đi, hoặc đem những nét tôn giáo của mình vào. Ví dụ đối với người Công giáo, có thêm thánh danh ghi sau tên họ, đệm, gọi, thì người Phật giáo có thể thêm pháp danh vào. Vì thánh danh không có  trong sổ khai sinh, nên được viết sau tên gọi cách bằng dấu phảy và viết nghiêng như để bổ túc vào. Khi làm gia phả, nên tách họ nội ra khỏi họ ngoại, để tất cả những người trong gia phả họ nội đều là bà con với nhau và những người trong gia phả họ ngoại đều là bà con với nhau. Họ nội là họ của bố sinh ra mình. Họ ngoại là họ mẹ đẻ ra mình. Nếu làm gia phả họ nội chung với họ ngoại của một người thì có những người trong gia phả là bà con với người này mà không phải là bà con với người kia trong cuốn gia phả.

A. Làm Gia phả họ nội:

Khi lập gia phả họ nội, cần bắt đầu từ những người họ hàng gần nhất, nghĩa là liệt kê tên bố (tên họ, đệm, gọi, tên thánh); bố lập gia đình với mẹ ngày tháng năm nào (tên họ, đệm, và tên gọi của mẹ và cả tên thánh, và quê của mẹ). Ghi tên thánh để khi một người trong dòng họ qua đời mà cầu nguyện cho họ. Ghi ngày sinh hay kỉ niệm để khi có dịp mà chúc mừng nhau. Nếu người Phật giáo thì ghi pháp danh của họ. Cũng có thể ghi bí danh, tục danh, tên hiệu, hay bút hiệu .. của người nọ người kia trong dòng tộc.

Rồi kê khai các con cái của bố mẹ với đầy đủ tên. Nếu con đã lập gia đình, thì kê khai đầy đủ tên của người phối ngẫu như có thể. Sau đó kê khai đầy đủ tên của các cháu. Nếu cháu đã lập gia đình thì kê khai đầy đủ tên của người phối ngẫu và cứ thế đi xuống mà làm.

Kế tiếp là kê khai tên người cha của bố tức là ông nội mình. Rồi kê khai tên của các con ông nội mình nghĩa là tên của các anh chị em ruột của bố, tức là bác, chú, cô của mình. Kế tiếp khai anh hay chị em ruột của bố đã lập gia đình với ai với đầy đủ tên của người phối ngẫu. Rồi kê khai con cái của các anh chị của bố với đầy đủ tên như có thể. Sau đó kê khai con cái của các anh chị em ruột của bố đã lập gia đình với ai với đầy đủ tên như có thể.

Rồi đi hỏi han để khai tên của các anh chị em ruột của ông nội mình. Khai anh chị em ruột của ông nội mình đã lập gia đình với ai, sinh ra các con nào, đã lập gia đình với ai. Cứ thế đi xuống mà khai.

Sau đó tìm kiếm xem ông thân sinh ra ông nội của mình tên gì, tức là ông cố nội. Tiếp theo cứ vậy mà khai đi xuống. Sau đó đi tìm khai tên ông thượng tổ. Có thể viết thư nhờ người trong dòng họ khai sổ gia đình theo mẫu khai sổ gia đình mình muốn họ khai đính kèm trong thư hay nhờ người nào quen viết lách đi từng gia đình trong dòng họ để khai.

Khi tìm được ông cố tổ cao nhất thì gọi là đại (đại, đại) dòng tộc họ ông nọ, ông kia (viết tên ông ấy ra và tính là (đời 1), rồi xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, nghĩa là từ đời cao nhất đến đời thấp nhất. Các con Ông gọi là đại (đại) Dòng tộc ông nọ kia (đời 2). Các con ông đời 2 có thể gọi là Đại Dòng tộc ông (viết tên ra, rồi gọi đời 3). Các con ông đời 3 gọi là Dòng tộc ông nọ  ông kia (viết tên ra và gọi là đời 4). Các con ông đời 4 gọi là Dại chi tộc ông nọ ông kia (viết tên ra và gọi là đời 5). Rồi cứ thế mà tính xuống. Người trẻ nhất trong dòng họ là đời mấy thì biết là gia phả dòng tộc của mình tính về quá khứ được mấy đời.

Nên viết mấy lời nói đầu hay vào đề, nêu lí do tại sao làm gia phả. Cũng nên làm trang nội dung hay mục lục ở đầu tập gia phả và ghi số trang cho dễ tìm (Coi ví dụ nội dung trang 1 trong gia phả mẫu A tóm gọn, hoặc gia phả mẫu B tóm gọn). Trong phần ghi chú về cá nhân của người trong dòng họ, có thể ghi lại những sự nghiệp, những gương đạo hạnh, những câu nói để đời, hay những câu nói tếu của thành viên trong dòng họ. Những tên họ, tên đệm, tên gọi... trong bài này đều là phịa ra để làm ví dụ.

Các con ÔB Vàng = cháu ÔB ? = chắt ÔB ? = chút ÔB ? = chít ÔB?

Nguyễn Văn Vàng, Phanxicô 01/01/1930 kết hôn Phạm Thị Bưởi, Maria 02/02/1931, tại.., sinh:

-          Nguyễn Văn Bạc, Giuse 02/02/1950 - (ghi ngày tháng năm qua đời vào sau gạch ngang) Đà Lạt, Lâm Đồng

-          Nguyễn Thị Cam, Terêsa 03/03/1953 -   (ghi ngày ..........................................................        ) Lạt, Lâm Đồng

-          Nguyễn Văn Đồng, Philipphê 04/04/1957 -  ( ghi ngày ....................................................      ) Đà Lạt, Lâm Đồng

-          ....

Các con ÔB Bạc = cháu ÔB Vàng = chắt ÔB ? = chút ÔB ?

Nguyễn Văn Bạc, Gioan kết hôn Trần Thị Chanh, Anna ngày tháng năm nếu có, tại .., sinh:

-          Nguyễn Thị Mận, Catarina        ...... 1975 - .....   Bảo Lộc, Lâm Đồng

-          Nguyễn Hữu Chì, Bênêdictô     ..... 1978 - ....     Bảo Lộc, Lâm Đồng

-          Nguyễn Văn Thiếc, Phaolô      ..... 1981- ....       Bảo Lộc, Lâm Đồng

-          ...

Các con ÔB Kền = cháu ÔB Vàng = chắt ÔB ? = Chút ÔB?

Nguyễn Thị Cam kết hôn  Phạm Văn Kền, Phêrô, ngày, tháng, năm nếu có, sinh:

-          Phạm Văn Sắt, Gioan            ........ 1979 - .......    Gia Kiệm, Đồng Nai

-          Phạm Văn Nhôm, Simon       ........ 1981 - ......    Gia Kiệm, Đồng Nai

-          Phạm Thị Mít, Têrêsa             ........ 1984 - ......    Gia Kiệm, Đồng Nai

-          ...

Các con ÔB Đồng = cháu ÔB Vàng = chắt ÔB ? = chút ÔB ?

Nguyễn Văn Đồng kết hôn ...

Lưu ý:

Có những cha mẹ sinh con ở ngoại quốc đặt tên gọi ngoại quốc cho con, còn tên đệm vẫn giữ tên Việt Nam như Phạm Minh Kevin, hoặc ngược lại đặt tên đệm cho con là ngoại quốc, còn tên gọi là Việt Nam. Ví dụ như: Phạm Henry Mẫn.

Trước đây Việt Nam là xứ truyền giáo nên khi xin cho con rửa tội, cha mẹ được hướng dẫn đặt cho con một tên thánh để xin ông thánh nọ hay bà thánh kia phù hộ. Ở ngoại quốc khi xin rửa tội cho con, linh mục ngoại quốc không đòi hỏi tên thánh cho em bé. Tuy nhiên ở những xứ đạo Việt Nam tại hải ngoại, linh mục Việt Nam vẫn giữ thói quen đề nghị đặt tên rửa tội cho em bé. Khi chịu phép Thêm sức, con em có thể dùng tên rửa tội làm tên thêm sức, hoặc chọn tên thánh khác làm tên thêm sức. Trường hợp con cái có cả tên rửa tội và tên thêm sức, thì nên ghi cả hai thánh danh vào gia phả, như: Phạm Quang Trung, John-Paul chẳng hạn.

B. Làm Gia phả họ ngoại:

Khi làm gia phả họ ngoại, kê khai đầy đủ tên của mẹ (tên họ, gọi, đệm, và cả tên thánh); rồi khai mẹ lập gia đình với bố với đầy đủ tên của bố. Kế tiếp kê khai đầy đủ tên của các con của mẹ cũng là các con của bố. Nếu các con đã lập gia đình, thì kê khai đầy đủ tên của người phối ngẫu. Rồi kê khai đầy đủ tên của các cháu bố mẹ. Và cứ thế đi xuống mà khai.

Tiếp theo khai đầy đủ tên của các anh chị em của mẹ, chứ không phải anh chị em ruột của bố. Sau đó tiếp tục gia phả họ ngoại theo những bước tương tự như khi làm gia phả họ nội trên đây.

Còn tiếp 2 bài nữa cùng loại:

- Gia phả mẫu B tóm gọn của một dòng họ: họ ngoại người này hoặc họ nội người ngoại.

- Gia phả mẫu A tóm gọn của một dòng họ: họ nội người này hoặc họ ngoại người kia

Lm Trần Bình Trọng