Communion_of_saintsTrong Kinh Tin Kính, Người Công Giáo và nhiều anh em Thiên Chúa Giáo tuyên xưng: Tôi tin các thánh thông công hoặc tôi tin hội thánh thông công. Vậy thế nào là các thánh hay hội thánh thông công?

Thưa, trước hết, thông công nghĩa là thông hợp hay kết hợp với nhau qua công nhiệp để giúp đỡ lẫn nhau đi đến hay đạt được một mục đích nào đó cho mình và cho mọi người cùng thông công với mình.

Kế đến, thông công không phải là một triết thuyết hay một quan điểm nhân sinh mà là một năng tính tự nhiên của con người được thể hiện từ khi con người biết sống chung với nhau thành một gia đình hay một xã hội. Ngoài năng tính thông công, con người còn có nhiều năng tính khác. Ðói chẳng hạn. Ðói không phải là một triết thuyết hay một quan điểm nhân sinh. Ðói cũng không phải là một tiến trình được phát triển theo năm tháng mà là một nămg tính tự nhiên của con người. Thế nhưng ‘thông công’ và ‘đói’ khác nhau ở chỗ là mỗi một cá nhân đều phải đói, nhưng muốn thông công với nhau thì phải có ít nhất là hai người.

Kế đến nữa, có thể là chúng ta không để ý nhưng cuộc sống con người là một cuộc sống thông công. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ những công ty nhỏ nhoi cho đến những đại xí nghiệp, từ những băng đảng du thử du thực cho đến những đạo binh hùng mạnh được tổ chức chặt chẽ, ngoại trừ những người không thể được, còn lại, ai thuộc về tổ chức nào thì phải thông công với những người trong tổ chức đó. Như vậy, thông công chẳng những là một năng tính mà còn là một hiện thực; một hiện thực phải có, không chối cãi được mà cũng không gạt bỏ ra ngoài đời sống cộng đồng được.

Sau hết, con người không phải là sinh vật duy nhất biết sống đời sống thông công, nhưng sự thông công của con người khác với các sinh vật khác ở những điểm sau:

Con người có thể thông công với nhau trong những công nghiệp thân xác cũng như tinh thần.

Con người biết thông công với nhau để thăng tiến.

Sự thông công của con người không bị lệ thuộc vào thời gian vì con người có thể lưu truyền công nghiệp của mình cho con cháu hay cho các thế hệ sau.

Sự thông công của con người không bị lệ thuộc vào không gian vì những người thông công với nhau không cần phải phải thấy nhau, mà cũng không cần phải thấy hay biết việc làm của nhau.

Sự thông công của con người không chỉ là cộng nghiệp mà còn là trao ban. Vì biết trao ban nên con người có thể cho không hay ban tặng công nghiệp của mình cho những người không có khả năng, không có điều kiện để có thể lập công cho chính mình.

Ðó là vài nét đại cương về sự thông công trong đời sống dương thế. Ðời sống đức tin của con người cũng không khác. Khi đã kết hợp với nhau thành một hội thánh thì sự thông công với nhau trong việc thờ phượng Chúa, và sự nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc hành trình đức tin để cùng nhau được xum họp trong nước Chúa là lẽ đương nhiên. Nếu sự thông công với nhau trong đời sống đức tin không là cần thiết thì Chúa Giêsu đã không thành lập một hội thánh. Như vậy, ai thuộc về hội thánh nào thì người ấy đương nhiên được thông hiệp trong công nghiệp với tất cả những người khác trong hội thánh của mình. Tôi tin hội thánh thông công hay các thánh thông công là tin như vậy. Thế nhưng, tuy Người Công Giáo và nhiều anh em Thiên Chúa Giáo khác cùng tuyên xưng, tôi tin hội thánh thông công, mỗi một hội thánh đều khác nhau.

Thánh Phaolô dạy hội thánh là thân thể Chúa Kitô. 1-Cor 12:27, “Anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi cá nhân là một chi thể trong thân thể này.”; mà đã là thân thể Chúa Kitô thì phải có mình và máu Chúa Kitô. Cho nên, đối với người Công Giáo thì hội thánh hay thân thể Chúa Kitô là hội thánh có mình và máu Chúa Kitô. Và vì máu Chúa Kitô nuôi dưỡng tất cả các chi thể trong thân thể của người; cho nên ai thuộc về thân thể này thì người đó cũng được thông công vào mọi công nghiệp của Chúa Kitô, và của tất cả mọi chi thể khác.

Vậy họ được thông công với nhau như thế nào? Quan trọng nhất là mọi chi thể trong thân thể Chúa Kitô đều được kết hợp với cái đầu là chính Chúa Kitô, được nuôi dưỡng bằng mình và máu của người trong Phép Thánh Thể, được hưởng nhờ và thông công với Chúa Giêsu trong công trình ơn cứu chuộc chúng ta của người. Kế đến mỗi một cá nhân hay mỗi một chi thể trong thân thể Chúa Kitô đều được thông công với nhau để nâng đỡ nhau trên cuộc hành trình đức tin:

1.Về thân xác.

Người mạnh khoẻ có thể giúp đỡ người đau yếu. Matthew 14:34-36 và 15:29-31 ghi: Khi Chúa Giêsu tới địa hạt Gennesaret và Hồ Galilee thì dân trong những vùng này đem nhiều người bệnh tật đến xin người cứu chữa, và Chúa Giêsu đã chữa những người này. Có những người chỉ đụng tay vào áo Chúa Giêsu là được lành bệnh. Tất cả những người đau yếu này, họ đến được với Chúa Giêsu là nhờ công nhiệp của những người mạnh khoẻ chứ chính họ, họ đã không tự mình mà đến với Chúa Giêsu được. Ðây là chứng cớ hiển nhiên cho thấy sự thông công giữa người mạnh khoẻ và kẻ ốm đau.

2. Về đức tin.

Người có đức tin mạnh mẽ có thể giúp người không có đức tin hay chỉ có đức tin yếu kém. Theo Thánh Luca 7:1-10 thì Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ của vị quan bách quản ở Capernaum vì lời cầu xin của những vị trưởng lão Do Thái, và vì đức tin mạnh mẽ của vị quan bách quản chứ người đầy tớ này không xin. Cũng theo Thánh Luca 12:17-20 thì Chúa Giêsu  chữa lành cho người bị bất toại vì đức tin mạnh mẽ của những người dở mái nhà mà thả ông ta xuống cho Chúa Giêsu chứ người bất toại không xin. Nhưng dù người đầy tớ và người bất toại vừa kể không xin, Chúa Giêsu vẫn chữa họ được lành vì người muốn cho chúng ta thấy được sự thông công giữa những người có đức tin mạnh và những người không có đức tin hay những người ở trong những hoàn cảnh không có thể tự liệu được. Về việc rửa tội cho trẻ em sơ sinh cũng vậy; các em không xin được rửa tội, nhưng cha mẹ các em xin. Thông công với nhau là như vậy.

3. Người sống có thể cầu nguyện cho kẻ đã chết.

Theo Phúc Âm Thánh Matthew 9:18-26 thì Chúa Giêsu cho đứa con gái duy nhất của ông Jairus được sống lại khi ông ta đến qùy xuống xin Chúa Giêsu cứu đứa con gái của ông đã chết. Ðiều hiển nhiên ở đây là đứa con gái của ông Jairus đã chết nên không thể xin gì được cho chính mình; cô bé này được sống lại là do lời cầu xin của cha cô. Cho nên, thật là rõ ràng, người sống và kẻ chết vẫn còn liên hệ với nhau, và nhất là vẫn có thể thông công để giúp đỡ lẫn nhau. Nếu chết là hết thì kẻ chết không còn là chi thể trong thân thể Chúa Kitô nữa, và như thế, được trở thành một chi thể trong thân thể Chúa Kitô chỉ có ở đời này mà thôi thì có ích gì? Trong thư gởi tín hữu Rôma 8:38-39, Thánh Phaolô đã chẳng dạy là không có gì, ngay cả sự chết cũng không thể chia cách chúng ta hay sao? Nếu ta không cầu nguyện cho người quá cố thì khi gặp lại, chúng ta phải nói với họ thế nào về sự sao lãng này đây? Hay bạn tin là bạn sẽ không bao giờ gặp lại họ? Nếu bạn không bao giờ gặp lại họ, thì bạn cũng nên chắc chắn là không ai sẽ gặp lại bạn trên nước thiên đàng.

4. Kẻ chết cũng vẫn thông công với người sống.

Trong dụ ngôn Con Chiên Lạc Chúa Giêsu nói đến sự vui mừng của người chủ chiên khi người này tìm lại được con chiên lạc; rồi Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn như thế này: Lk 15:7, “Cũng một lẽ ấy, ta bảo các ngươi, niềm vui trên thiên đàng vì một kẻ tội lỗi ăn năn trở lại thì còn vui hơn sự vui mừng vì chín mươi chín người công chính không cần ăn năn.” Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn này như vậy vì chết không phải là hết, và vì những người đã chết và được lên thiên đàng thì họ vẫn còn quan tâm và cầu nguyện cho kẻ còn sống; có như vậy thì họ mới vui mừng khi một kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Thêm vào đó, trong dụ ngôn người giàu có và Lazarus, Lk 16:19-31, thì sau khi đã chết, người giàu có vẫn còn nài xin Abraham cho Larazus giúp đỡ mình, và giúp đỡ những anh em của ông ta vẫn còn sống. Như vậy thì thật là rõ ràng-người chết vẫn còn thông công với người còn sống, và chết không phải là hết.

5. Tất cả mọi chi thể trong thân thể Chúa Kitô đều có thể trao ban công nghiệp của mình cho kẻ khác.

Một điều mà mọi Kitô hữu đồng ý với nhau đó là tất cả những ai kết hợp với Chúa Giêsu thì đều được đón nhận ơn cứu chuộc do chính Chúa Giêsu trao ban. Như vậy, khi cái đầu trao ban công nghiệp của mình cho mọi chi thể thì mọi chi thể trong một thân thể cũng có thể trao ban công nghiệp của mình cho những chi thể khác. Có như thế mới là thông công; bằng không thì chỉ là đón nhận. Thành ra, thông công phải gồm cả đón nhận lẫn trao ban. Chính Thánh Phaolô đã dạy và làm như vậy. Trong thư gởi tín hữu Côlôsê 1:24 ngài viết: "Và bây giờ tôi vui mừng vì được chịu đau khổ thay cho anh em, bởi nhờ vào những đớn đau thân xác của tôi, tôi được hiệp công để làm cho nên trọn những đau khổ mà Chúa Kitô vẫn còn chịu vì thân xác của Ngài, là hội thánh."  Thánh Phaolô vui mừng vì được chịu đau khổ thay cho anh em, tức là ngài trao ban công nghiệp của ngài cho người khác. Khi làm như vậy là ngài hiệp công (hay thông công) để làm cho nên trọn những đau khổ mà Chúa Kitô vẫn còn chịu vì thân xác của Ngài, là hội thánh. Chúng ta cũng vậy, cũng có thể chịu đau khổ thay cho nhau bằng những hy sinh, hãm mình, và ngay cả những lời cầu nguyện cho nhau; vì khi ta làm những việc này với ý nguyện làm thay cho kẻ khác là ta trao ban công nghiệp của mình cho họ. Thiên Chúa thật quá rộng rãi khi người thành lập một hội thánh để trao ban mọi ơn lành cho chúng ta qua hội thánh này.

Bạn thân mến, tôi vừa chia xẻ với quý bạn ít nét đại cương về sự thông công trong đời sống vật chất. Một cách rất khái quát, tôi cũng đã nói đến sự thông công trong đời sống đức tin, và nhất là tôi đã tóm lược sự thông công giữa những người cùng thông hiệp với nhau theo đức tin Công Giáo. Ðể kết thúc bài này, tôi không thể không chia xẻ với quý bạn hai sự hiểu lầm lớn lao về tín lý “Hội Thánh Thông Công” theo đức tin Công Giáo.

Hiểu lầm thứ nhất là có nhiều người cho rằng khi nói đến Hội Thánh Thông Công là người Công Giáo nói đến chỉ có những người có tên trong danh sách các thánh nam nữ mà thôi. Thưa không phải như vậy. Hội Thánh Thông Công theo tín lý Công Giáo, thứ nhất là để nói đến một hội thánh; hội thánh này là thân thể Chúa Kitô trong đó tất cả những ai kết hợp với nhau qua hội thánh này thì được thông công với nhau, và với Chúa Kitô. Thứ hai, sự kết hợp với Chúa Giêsu không phải chỉ có ở đời này mà gồm cả đời sau. Như vậy, Hội Thánh Thông Công gồm có kẻ sống trong sự kết hợp với Chúa Giêsu và cả những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa. Thứ ba, trong số những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa thì có những người đã hoàn toàn được đẹp lòng Chúa và họ đang được vinh hiển trên nước thiên đàng, họ là những vị thánh khải hoàn; lại có những người chưa chu toàn thánh ý Chúa cách trọn vẹn nên họ cần phải đền bù hay phải được thanh tẩy, họ là những vị thánh đau khổ. Như vậy thân thể Chúa Kitô, hay Hội Thánh Thông Công theo tín lý Công Giáo gồm có những vị thánh khải hoàn, những vị thánh đau khổ, và những vị thánh còn sống, còn đang chiến đấu với sự dữ trong sự thông hợp với Chúa Kitô qua hội thánh của người. Cả ba thành phần hội thánh này luôn thông công với nhau; cầu nguyện cho nhau, nâng đỡ và ủi an lẫn nhau để sau cùng, tất cả đều được khải hoàn trong nước Chúa.

Hiểu lầm thứ hai là có nhiều người cho rằng khi phong thánh là Hội Thánh Công Giáo làm ra thánh (Makes saint). Không, Hội Thánh Công Giáo không thể làm ra thánh. Hội Thánh Công Giáo chỉ nhìn nhận là thánh những người đã sống một đời sống đạo đức phi thường, có những công nghiệp lớn lao trong nỗ lực xây dựng nước Chúa, đã để lại những gương sáng đáng ghi nhớ, và nhất là đã được Thiên Chúa ban cho những ơn trọng đại hiển hình. Như vậy, chính đời sống của những người này làm họ trở nên thánh chứ Hội Thánh Công Giáo không làm họ thành thánh. Trường hợp Mẹ Thánh Teresa Thành Calcutta là một điển hình. Giả như mẹ đã không có những công nghiệp mà cả thế giới đều biết thì Hội Thánh Công Giáo có phong thánh cho mẹ được không? Dĩ nhiên là không. Như vậy mẹ trở thành thánh là do công nghiệp, gương sáng, và đời sống đạo đức phi thường của mẹ chứ Hội Thánh Công Giáo không làm ra Thánh Teresa Thành Calcutta.

Giuse Phạm Văn Tuyến