Khi nói gia đình là: “Đền thánh của sự sống”, ấy là lúc chúng ta nhìn nhận sự thánh thiêng của sự sống được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, “Đấng yêu sự sống” (Kn 11,26) đã trao phó sự sống của Người cho con người gìn giữ và phát triển,

để làm sao sự sống ấy được triển nở và diễn ra trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã chết để đánh đổi thay cho nhân loại hầu mang lại cho con người được sống và sống dồi dào.

Dẫn nhập:

Ngay từ thủa tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã yêu thương và sáng tạo muôn loài và trao ban cho chúng sự sống. Phần con người, Thiên Chúa đã tác phúc cho người nam và người nữ, để họ tuy hai, nhưng là một xương một thịt trong đời sống hôn nhân. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Thật vậy, ngay từ thủa ban đầu: Thiên Chúa “Đấng yêu sự sống” (Kn 11,26), đã giao cho gia đình sứ mạng “gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu” qua việc trở nên “Đền thánh của sự sống” (x. St 1,28;  FC 17).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã nâng đời sống hôn nhân gia đình lên hàng Bí tích, để củng cố và ban nhiều ơn thánh nhằm giúp họ chu toàn nghĩa vụ và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân.

Như vậy, qua đời sống hôn nhân, Thiên Chúa đã chúc lành và yêu thương, gìn giữ và thánh hóa, để từ trong cung lòng, nơi phát sinh sự sống, con người được diễm phúc cưu mang sự sống thánh thiêng mà Thiên Chúa đã an bài, quan phòng nơi người nữ khi kết hợp với người nam trong việc tạo sinh.

1.   Sự sống thiêng liêng được khởi đi từ Thiên Chúa và được phát sinh từ gia đình

“Gia đình thật sự là ‘đền thánh của sự sống’, là nơi sự sống quà tặng của Thiên Chúa, có thể được đón nhận và bảo vệ cách xứng hợp chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải hứng chịu, và có thể phát triển hợp với sự tăng trưởng đích thật của con người… Gia đình đóng một vai trò đặc biệt trải dài suốt cuộc đời của các thành viên, từ khi sinh ra cho tới khi qua đời” (EV. Số 92).

Giáo Hội luôn dành cho các gia đình một vị trí quan trọng đến mức độ cần thiết:

Công Đồng Vaticanô II đã ví “gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (x. LG, số 11). Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã định nghĩa: “gia đình là Hội Thánh tại gia” (x. FC, số 11).

Với thánh Augustinô thì: gia đình là một Hội Thánh “cỡ nhỏ”, một Hội Thánh được thu hẹp, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống động, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục chịu chết và sống lại.

Khi nhìn về viễn cảnh trong tương lai, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Qua đó, ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò của đời sống gia đình trong xã hội và Hội Thánh tương lai. Nơi gia đình, mỗi người, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ, sẽ phát huy rõ nét nhất vai trò trở thành: “Đền thánh của sự sống”; “Cho nên gia đình giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không ai thay thế được trong công cuộc xây dựng nền văn hóa sự sống” (x. EV 92).

Như vậy, khi nói “Đền thánh của sự sống”:

Trước hết, gia đình là nơi cưu mang và phát sinh sự sống.

Kế đến, gia đình là nơi nuôi dưỡng sự sống, làm cho sự sống ấy lớn lên và phát triển.

Sau hết, gia đình là nơi che chở và bảo vệ sự sống.

2.   Mối nguy hại cho “Đền thánh sự sống” nơi các gia đình Công Giáo

Tuy nhiên, ngày nay, hơn bao giờ hết: như một “âm mưu chống lại sự sống”, và chúng ta, những người kitô hữu, phải đối diện với chúng như một thách đố, đòi hỏi chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt và dè chừng khi những chiêu thức tinh vi, lời nói ngọt ngào của sự khôn ngoan thế gian như những vị ngọt của “trái cấm”. Những thử thách này có khi do ngoại cảnh tác động, nhưng đôi khi cũng do chính sự chủ quan của chúng ta, khiến: “Cung thánh của sự sống” bị tổn thương.

Những mối đe dọa đó là:

- Nạn phá thai dưới nhiều hình thức. Theo thống kê của WTO, trung bình 40-50 triệu ca phá thai trong một năm.

- Bên cạnh đó, sự ngừa thai dưới nhiều vỏ bọc đang làm xói mòn tình yêu phu thê vì hành vi yêu thương vợ chồng cách tự nhiên bị ngăn chặn và thay vào đó là những biện pháp nhân tạo, khiến cho sự giả trá và ảo tưởng ngay trong những giờ khắc yêu thương và thiêng thánh của hành vi truyền sinh sự sống nơi vợ chồng.

- Những kỹ thuật tạo sinh mới được núp bóng dưới khía cạnh khoa học. Những chuyên gia thường nhân danh ích lợi của con người, xã hội để áp dụng những kỹ thuật sinh sản qua thụ tinh nhân tạo, nơi đó, họ sàng lọc bào thai theo não trạng ưu sinh. Điều này đã làm cho sự sống của con người ngay từ lúc ban đầu không còn thiêng liêng nữa. Vì thế, người ta có thể làm theo ý muốn của con người qua các phương tiện khoa học. Nhưng thực chất những lựa chọn giới tính chỉ vì sự ích kỷ của con người (x. EV, số 12-17).

Trên đây là những thử thách trực tiếp đến sự sống do cả một xã hội tạo nên, hay do sự tiến bộ của nghành khoa học, nền văn minh của sự chết tạo ra.

Bên cạnh đó “Đền thánh của sự sống” còn bị tổn thương do chính những lựa chọn sai lầm đi ngược lại với bản chất và mục đích của hôn nhân, đã đang và sẽ hành động chống lại chính nguồn sự sống của gia đình là tình yêu, thể hiện qua bạo lực, ly dị và hôn nhân đồng tính…

Trong hoàn cảnh đó, gia đình kitô hữu sống và loan báo Tin Mừng Tình yêu – sự sống cần phải làm gì?

3.   Trở thành “Đền thánh của sự sống”, Gia đình phải làm gì?

Khi nói đến “Đền thánh của sự sống”, ấy là lúc nói đến tầm quan trọng, thiêng thánh của sự sống mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi người nam và người nữ khi họ kết hợp với nhau trong việc truyền sinh.

Đây là một hành vi nằm trong ý định của Thiên Chúa khi truyền lệnh cho con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Vì thế, đây là lời chúc lành, là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, con người chỉ có bổn phận là đón nhận trong tâm tình biết ơn và làm cho nó trở nên phong phú, ý nghĩa và giá trị mà thôi. Như vậy, con người không có quyền tuyệt đối nào trên sự sống của mình cũng như của người khác. Bởi lẽ, ngay từ giây phúc đầu tiên sự sống được triển nở, con người phải có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối để sự sống được lớn lên trong cung lòng của người mẹ.

Mọi biện pháp nhằm phá thai hay ngăn ngừa được sử dụng như một phương pháp nhân tạo nhờ sự can thiệp của khoa học đều bị loại bỏ để ưu tiên cho phương pháp tự nhiên đã được Hội Thánh công nhận.

Như đã nói, sự sống mới mà người mẹ đang cưu mang trong lòng do tình yêu của người nam và người nữ trao tặng cho nhau phải được bảo vệ tuyệt đối trong sự kính trọng, yêu thương và tri ân.

Muốn làm được điều trên để bảo vệ sự sống và trở thành “Đền thánh của sự sống”:

Trước hết, các gia đình kitô hữu phải hiểu biết về giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống. Siêng năng học hỏi các tài liệu của Huấn Quyền về việc bảo vệ sự sống, tránh đi cái gọi là: “Vô tri bất mộ”.

Đạt được điều thứ nhất, chúng ta tiến tới bước thứ hai là phải biết yêu thương và quí trọng sự sống như Chúa và Hội Thánh mong muốn. Tình yêu thương đó được biểu hiện bằng việc phải kính trọng, che trở và bảo vệ sự sống ngay từ khi sự sống mới còn trong cung lòng người phụ nữ. Đây là lập trường của Hội Thánh muôn đời. Không ai và không có gì dập tắt được lập trường này của Hội Thánh, vì đây là ý định và lệnh truyền của Thiên Chúa.

4.   Bảo vệ “Đền thánh của sự sống” bằng hành động có trách nhiệm

Như những gì vừa trình bầy ở trên, các bậc cha mẹ còn phải ưu tiên, quan tâm đế việc lưu truyền lại cho con cháu những điều liên quan đến ý nghĩa và giá trị của sự sống. Làm được điều đó, hẳn chúng ta mới chu toàn trách vụ của mình trong vai trò cưu mang, lưu truyền và bảo vệ sự sống. Đây là việc làm khó khăn nhưng quan trọng.

Các bậc cha mẹ: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được”(x. Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3).

Ngoài ra, mỗi người còn phải chu toàn trách nhiệm trong bổn phận của mình nơi gia đình, để sự sống thể xác được đảm bảo hầu thăng tiến sự sống tâm linh.

Chúng ta vẫn thường nghe những câu: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá, giáo bất nghiêm, sư chi đọa, tử bất học, phi sở nghi, ấu bất học, lão hà vi, ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý…”, được dịch ra với nghĩa là “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha, dạy mà không nghiêm là lỗi của người thầy, người mà không học thì không biết lễ nghi cư xử, nhỏ mà không học thì già không biết làm gì,  ngọc mà không được mài dũa thì không thành đồ hữu dụng, người mà không học thì không biết  nghĩa lý…”.

Tạm kết:

Khi nói gia đình là: “Đền thánh của sự sống”, ấy là lúc chúng ta nhìn nhận sự thánh thiêng của sự sống được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, “Đấng yêu sự sống” (Kn 11,26) đã trao phó sự sống của Người cho con người gìn giữ và phát triển, để làm sao sự sống ấy được triển nở và diễn ra trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã chết để đánh đổi thay cho nhân loại hầu mang lại cho con người được sống và sống dồi dào.

“Đền thánh của sự sống” này được Thiên Chúa thiết lập từ thủa ban đầu trong xã hội nơi đời sống hôn nhân gia đình. Người đã chúc phúc cho gia đình đầu tiên trong xã hội là Ađam và Eva. Người chúc lành và trao ban trách vụ cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo sinh qua việc sinh sản, bảo vệ và phát huy sự sống cho ông bà và con cháu qua muôn thế hệ.

Trải dài nơi dòng thời gian, sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã nâng đời sống hôn nhân gia đình lên hàng Bí tích, để qua đó, như một sự khẳng định sự sống của con người được phát sinh, tồn tại và phát triển hoàn toàn nằm trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Như vậy, chỉ khi nào chúng ta lãnh trách nhiệm ấy và trung thành cũng như thi hành đúng theo thánh ý của Thiên Chúa, gia đình mới trở thành: “Đền thánh của sự sống” và xứng đáng đón nhận sự chúc lành của Thiên Chúa.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Nguồn: simonhoadalat.com