Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia 'gian lận thương mại' vừa bị Tổng thống Hoa Kỳ ký lệnh hành pháp hôm 31/03. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia trong danh sách này còn có Nhật Bản,

Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mexico, Ireland, Ý, Canada.

_95444465_gettyimages-505315260Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images. Một xưởng may tại Hà Nội

Lệnh của ông Donald Trump nhằm xem xét lại "lý do và thủ phạm" gây thâm hụt thương mại lên tới hơn 500 tỷ USD mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung Quốc.

Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida tuần này.

Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, dù Washington nhấn mạnh lệnh của Tổng thống Trump không tập trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.

Bản thân ông Trump không tiếc lời chỉ trích các nền kinh tế nói trên.

"Họ là những kẻ lừa đảo. Từ giờ trở đi, những ai phá luật sẽ phải chịu hậu quả và sẽ có những hậu quả nghiêm trọng," Tổng thống Trump nói mà không nhắc tên bất kỳ nước nào.

Phát biểu tại Phòng Bầu Dục hôm 31/03/2017 sau khi ký sắc lệnh, ông nói:

"Hàng nghìn nhà máy bị đánh cắp đi khỏi đất nước chúng ta, nhưng những người Mỹ không có tiếng nói nay đã có tiếng nói của họ trong Tòa Bạch Ốc. Chính quyền của tôi sẽ chấm dứt các vụ trộm cắp sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ bảo vệ nền công nghiệp của mình và tạo ra sân chơi bình đẳng cho người lao động Mỹ."

Lệnh này cũng sẽ khởi động cuộc điều tra "từng quốc gia một, từng sản phẩm một" trong 90 ngày, theo Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Điều tra sẽ truy tìm chứng cứ cho thấy có "lừa đảo", các hành vi sai phạm, thỏa thuận thương mại không đúng cam kết, thi hành lỏng lẻo, sai lệch về tiền tệ và "những giới hạn gây phiền nhiễu của Tổ chức Thương mại Quốc tế", trang Investvine dẫn lời.

'Bán phá giá'

_95446729_gettyimages-660474428`Bản quyền hình ảnh Getty Images

Hoa Kỳ có mức thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, dự kiến vấn đề này sẽ được đưa ra trong cuộc họp sắp tới giữa ông Tập Cận Bình và Donald Trump

Trang USA Today trích lời ông Peter Navarro, cố vấn thương mại cao cấp của tổng thống, nói đây là phần "cực điểm" trong lời hứa mang lại công việc cho người Mỹ được đưa ra từ chiến dịch tranh cử của ông Trump.

"Hôm nay, đây là khởi đầu của việc thực hiện những lời hứa đó một cách vĩ đại," tiến sỹ Navarro nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sean Spicer nói nhiều quốc gia "bán phá giá hàng hóa giá trị thấp" vào thị trường Hoa Kỳ, khiến doanh nghiệp nội địa "không thể" cạnh tranh với mức "giá rẻ giả tạo".

"Vấn đề này đặc biệt xuất hiện ở những quốc gia mà chính quyền trợ cấp xuất khẩu hàng hóa sang đất nước chúng ta. Vậy, để ngăn cách làm này, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ có cơ chế đánh giá cách giao dịch kiểu này và áp dụng hình phạt tài chính, được gọi là thuế chống trợ cấp, khi cơ quan này xác định có xảy ra tình trạng bán phá giá độc hại," Financial Time dẫn lời ông Spicer nói.

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ lớn nhất với Trung Quốc (347 tỷ USD), Nhật Bản 68,9 tỷ USD; với Việt Nam, con số này là 32 tỷ USD.

Bộ trưởng Wilbur Ross giải thích thêm, con số thâm hụt thương mại không hoàn toàn do các thỏa thuận thiếu công bằng hay gian lận mà còn do lượng nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ, hoặc việc buộc phải nhập khẩu một số sản phẩm Hoa Kỳ không sản xuất, Investvine viết.

Dự kiến vấn đề này cũng sẽ được đưa vào lịch trình trong cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida sắp tới.

BBC Tiếng Việt