Quân đội Việt Nam đã bàn giao 1.500 ha đất quốc phòng cho mười ba sân bay dân sự ở Việt Nam, truyền thông nhà nước cho hay. Hôm 12/7/2017, báo VietnamNet dẫn lời lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết chi tiết về động thái này.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trong một lần tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tại Hà Nội. Bản quyền hình ảnh STR/Getty

"Bộ Quốc phòng đã bàn giao hơn 1.500 ha đất quốc phòng cho 13 sân bay địa phương mở rộng sân bay, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế," VietnamNet viết.

Vẫn theo nguồn này, tại buổi kiểm tra và làm việc với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn sáng 12/7, khi đề cập vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết:

"Ngay từ đầu năm đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng các dịch vụ xây dựng công trình nhà hàng, khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê, chứ không phải chờ Thủ tướng chỉ đạo.

"Tôi yêu cầu dừng lại... Nhưng chúng ta cần tính đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đầu tư vào sân golf. Nếu đã thu hồi thì cương quyết không cho phép bất cứ doanh nghiệp khác đầu tư vào khu vực đó", Tướng Lịch được báo điện tử dẫn lời nói về việc sẵn sàng thu hồi sân golf trong phi trường này nếu chính phủ yêu cầu mở rộng Tân Sơn Nhất.

Theo vị Phó bí thư Quân ủy Trung ương của Việt Nam, việc bàn giao đã được Bộ Quốc phòng thực hiện từ năm 2013 và tướng Lịch khẳng định "sẽ rà soát và bàn giao" đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương để tạo điều kiện phát triển kinh tế.

"Ông cũng yêu cầu các đơn vị quân đội thực hiện tốt quy định, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong việc sử dụng đất quốc phòng," VietnamNet cho biết thêm.

'Giao đất ngay'

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói sẵn sàng thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, theo truyền thông Việt Nam. Bản quyền hình ảnh Tan Son Nhat golf course

Hôm thứ Tư, báo Tiền phong cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói: 'TP. Hồ Chí Minh bắt tay mở rộng sân bay, Bộ Quốc phòng giao đất ngay'.

Báo này dẫn lời tướng Lịch cho rằng việc chậm trễ giao nhận đất quốc phòng cho chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh không do phía quân đội, ông nói:

"Theo kế hoạch của TP.HCM, việc mở các tuyến đường này cần khoảng 6,65ha đất mà quốc phòng đang quản lý. Việc thực hiện kế hoạch này chậm là do địa phương chứ không phải do bộ. Tôi đề nghị Thành phố cho phóng tuyến làm ngay đi, Thành phố cử đơn vị chuyên môn làm việc cụ thể với Bộ Quốc phòng là chúng tôi bàn giao ngay.

"Được đi trên những con đường rộng thoáng của Thành phố bản thân tôi cũng sẽ rất tự hào."

Theo Tướng Lịch, những năm qua Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng ngàn hecta đất quốc phòng cho các địa phương "để phục vụ phát triển kinh tế và hiện đang tiếp tục rà soát" để bàn giao đất ở những khu vực, vị trí không còn phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

"Riêng những khu vực trọng yếu không thể bàn giao, bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị các địa phương cũng phải hết sức chia sẻ," Tiền phong tường thuật.

Tướng Lịch cũng cho hay "đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân chấm dứt việc cho thuê bến bãi, với quyết tâm không để việc làm kinh tế mà ảnh hưởng đến uy tín của quân đội, đến hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ," vẫn nguồn cho biết.

'Bước đầu tiên'

Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc Phòng Lê Chiêm cho hay việc quân đội ngưng làm kinh tế, kinh doanh, thương mại là một chủ trương của quân đội VN. Bản quyền hình ảnh Quân Đội Nhân Dân

Trong một tọa đàm gần đây với BBC Tiếng Việt về khả năng quân đội Việt Nam 'thôi làm kinh tế, kinh doanh', nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cho rằng việc bàn giao đất quốc phòng mà trên thực tế là 'phi quốc phòng' giao lại hết cho phát triển kinh tế là bước đầu để quân đội cải tổ vai trò và hoạt động của mình ở Việt Nam.

Ông nói: "Câu chuyện sân golf Tân Sơn Nhất vừa rồi, đó là đất quốc phòng, tôi gọi đó là đất quốc phòng 'phi quốc phòng', ở một quốc gia đặc thù như Việt Nam, triền miên bao nhiêu chiến tranh, th những khu đất đặc thù lớn, vị trí quan trọng, nhường cho mục tiêu quốc phòng, tôi cho đó cũng là lẽ đương nhiên.

"Nhưng sau 40 năm, gần nửa thế kỷ rồi, nhiều mảnh đất không còn sử dụng cho mục tiêu quốc phòng nữa, nhưng không được giao lại cho phát triển kinh tế, người ta vẫn để đó, để trống và quy quân đội để làm sao không được chuyển quyền sử dụng đất, không được chuyển mục đích sử dụng đất từ mục đích quân sự sang kinh tế, ví dụ như trong chuyện Đồng Tâm sao giao cho Viettel?

"Viettel là một tập đoàn kinh tế, thì nó nảy ra một điểm mà người dân đấu tranh, vì thế cho nên cũng như chuyện sân golf, không thể nói làm golf là mục tiêu quốc phòng được, bao nhiêu năm đó, đất quốc phòng đó cho dù vẫn thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, nhưng nó đã là phi quốc phòng rồi, anh phải giao lại cho mục tiêu kinh tế và các mục tiêu phát triển khác.

"Nhưng anh lại không giao, bây giờ anh lại liên doanh với Him Lam, rồi bên kia (Đồng Tâm) anh giao cho Viettel, cái đó tôi cho một vấn đề là cương quyết đất nào gọi là đất quốc phòng, nhưng đã phi quốc phòng rồi thì phải giao hết lại cho phát triển kinh tế.

"Đó là bước đầu tiên trong bước gọi là rút chân dần của lực lượng quân đội ra khỏi trận địa kinh tế."

Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn cho rằng quân đội tham gia làm kinh tế là một nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của đảng, nhà nước và quân đội VN. Bản quyền hình ảnh AFP

Bình luận về tác động có thể có đối với quân đội Việt Nam nếu có thay đổi trong chủ trương quân đội làm kinh tế và kinh doanh thương mại trong thời gian tới, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam nói:

"Nếu mà có chủ trương quân đội không được kinh doanh, không được làm kinh tế mà thực hiện được thì chắc chắn là sẽ có ảnh hưởng, ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận đặc quyền, đặc lợi không nhỏ ở trong quân đội. Những người trực tiếp, kể cả gián tiếp nắm các cục, vụ, phụ trách về tài chính và trực tiếp nắm các doanh nghiệp, điều hành các doanh nghiệp làm kinh tế của quân đội sẽ bị thiệt hại nặng nhất về vấn đề thu nhập.

"Trong khi đó, tôi không nghĩ là đại đa số binh lính và sỹ quan lại có bị ảnh hưởng gì, vì họ đã có nguồn ngân sách lo rồi. Ngân sách cho quân đội, kinh phí cho quốc phòng ở Việt Nam một năm không nhỏ. Theo các con số từ năm 2013, 2015 tới giờ, một năm cũng phải 13 tỷ rưỡi cho tới 14 tỷ rưỡi đôla, chứ không ít. Như vậy là tương đương với gần 100 ngàn tỷ đồng.

"Mà việc làm kinh tế trong quân đội chủ yếu (mà) trước chúng ta (Việt Nam) trong thời bao cấp gọi là ba lợi ích, thì chủ yếu phục vụ cho một bộ phận 'đặc quyền, đặc lợi', nếu không làm kinh tế nữa thì bộ phận đặc quyền, đặc lợi đó sẽ không còn tiền nữa, hoặc ít tiền đi. Vì thế tôi thấy nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bộ phận có thể nói là khá tiêu cực như vậy.

"Cái thứ hai, lại là ảnh hưởng rất tốt, tích cực đối với xã hội, tôi nói ngay tới vấn đề sân golf ở sân bay, bây giờ nếu như các doanh nghiệp quân đội mà không được làm kinh tế, thì điều mà anh Trương Duy Nhất gọi là đất quốc phòng 'phi quốc phòng' sẽ chính thức trở thành phi quốc phòng, do vậy sân bay Tân Sơn Nhất sẽ lộ diện ra là một hợp đồng sân golf vô hiệu, nói theo đúng lời của ông Nguyễn Đức Kiên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nói.

"Và do vậy sân golf Tân Sơn Nhất, toàn bộ 157 ha đã chiếm dụng từ thời của ông Phùng Quang Thanh cho tới giờ dứt khoát phải trả lại cho sân bay dân sự Tân Sơn Nhất, có nghĩa là trả lại cho xã hội, có nghĩa là trả lại cho người dân, đó là khía cạnh tích cực mà chủ trương chấm dứt làm kinh tế trong quân đội có thể mang lại được," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC.

BBC Tiếng Việt