Khó quản lý: Trong hai năm trở lại đây, các ứng dụng gọi xe trên điện thoại thông minh như Grab, Uber trở nên thông dụng, được nhiều người dân sử dụng.

Tuy nhiên, dịch vụ này gây ra một số vấn đề gây khó cho cơ quan chức năng và vấn đề được nêu ra chờ quyết định của chính phủ.

Gần đây, số lượng người tham gia chạy xe, cộng tác với các hãng cung cấp ứng dụng đặt xe trên điện thoại thông minh như Grab và Uber tăng lên nhanh chóng; đặc biệt tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn...

Lái xe Grab Bike tại Việt Nam.

Những người chạy xe gắn máy dạng này được gọi là “xe ôm công nghệ”. Và trong thực tế công việc chạy xe dạng này trở thành công việc chính mang lại thu nhập hàng tháng cho giới ‘xe ôm công nghệ’ này.

Tuy nhiên công việc của họ không hề suôn sẻ mà vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của những người lâu nay hành nghề chạy xe ôm; và mọi người gọi là ‘xe ôm truyền thống’. Có những người thuộc nhóm ‘xe ôm công nghệ’ bị các nhóm lái xe ôm truyền thống bao vây, hành hung tập thể.

Đó là hệ quả của tình trạng cạnh tranh giữa hai nhóm đối tượng  dù rằng theo nhóm công nghệ thì dịch vụ của họ không gây tác động lớn cho những người chạy xe ôm truyền thống lâu nay.

Bạn Cao - chạy xe Grab Bike tại khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, bạn e ngại khi đi qua các “điểm nóng” như bệnh viện, nhà ga, bến xe:

“Thực chất grab bike thì đón khách qua ứng dựng và khách hàng có thể đặt một tài xế mà người ta không biết ở đâu đó ra sao và tài xế tự tìm đến khách hàng chứ không bắt khách ở bên ngoài, vì thế cũng không có trường hợp tranh khách của xe ôm truyền thống.”

Lái xe Grab Bike tại Việt Nam. RFA PHOTO

Tuy nhiên, bạn Cao cũng thừa nhận do công nghệ phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng với các ứng dụng trên điện thoại thông minh ngày càng tăng lên:

“Đến đón khách thì, xe ôm nghĩ rằng grab cướp khách của mình nhưng thật chất là không phải mà do công nghệ đã phát triển và người dân người ta thích ứng với sự phát triển đó.”

Theo bạn Thanh Tùng - một lái xe Grab Bike khác nhận định, xe ôm truyền thống đang bị “thất thế” trong cuộc cạnh tranh:

“Xe ôm truyền thống không có lợi thế so với cả Uber hoặc Grab, và Uber hoặc Grab thì giá cả được biết trước, tuyến đường khách hàng cũng được biết trước, tài xế có bên hãng họ quản lý rồi chứ không như bên xe ôm truyền thống.”

Cần thay đổi và hoàn thiện hơn

Trong mọi cuộc cạnh tranh, để có thể tồn tại và phát triển, các bên đều cần phải có sự thay đổi và hoàn thiện hơn để thích ứng - xe ôm truyền thống hiện nay cũng vậy.

Bạn Tùng nhấn mạnh đến việc các lái xe ôm truyền thống cần chuyên nghiệp hơn:

“Mình nghĩ là họ phải họp lại với nhau, thành lập những đội nhóm xe ôm chuyên nghiệp, giá cả định trước và tài xế phải có sự chuyên nghiệp hơn thái độ phục vụ tốt hơn.”

Bạn Cao cũng cho rằng, các lái xe ôm truyền thống cần thay đổi về thái độ phục vụ và giá cả để cạnh tranh. Tuy nhiên, họ vẫn có nguồn khách riêng của mình:

“Những người không sử dụng ứng dụng họ vẫn có thói quen đi xe ôm truyền thống, nếu muốn thích ứng nhiều hơn xe ôm truyền thống có thể đăng ký bằng ứng dụng có thể kiếm thêm thu nhập từ từ khoản ứng dụng đó.”

Dù cả hai phía hiện có xung đột quyền lợi; thế nhưng thông tin về kế hoạch chính quyền Hà Nội đến năm 2030 sẽ cấm xe máy trong nội thành chắc chắn sẽ có tác động đến phần lớn người dân và cả giới xe ôm công nghệ nói riêng.

Bạn Tùng đánh giá, đây là một đề xuất phi lý trong thời điểm hiện nay:

“Đề xuất cấm xe máy này khá phi lý trong thời điểm hiện tại bởi vì giá ô tô ở Việt Nam cao, hệ thống cơ sở hạ tầng đường xá chưa phục vụ được số lượng lớn của ô tô, ô tô công cộng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.”

Bạn Cao thì nhìn nhận, việc hạn chế xe máy là xu thế phát triển thiết yếu của mọi đô thị, nhưng đòi hỏi phải có sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng:

“Thành phố phải phát triển những phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn thì người ta mới có thể xử dụng được và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.”

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc tại kỳ họp vừa qua gửi ý kiến đến Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đề nghị lãnh đạo Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber.

Chính phủ Việt Nam có văn bản chấp thuận cho Bộ Giao thông - Vận tải triển khai thí điểm xe công nghệ Grab, Uber; gọi tắt là Đề Án 24. Sau một năm rưỡi triển khai, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ này có nhiều bất hợp lý.

Chính phủ Việt Nam sẽ trả lời ý kiến của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về các vấn đề Grab, Uber trong thời gian 20 ngày sau khi nhận được.

Phương Anh, phóng viên RFA