29_Sun_BChúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B

Mc 10,35-45

Có lẽ bây giờ có người trong chúng ta sẽ nghĩ : « sự thẳng thắn chân thành của hai người môn đệ kia thật đánh kính nể. Hơn nữa sự mong ước được gần Chúa không có chi là xấu cả !

Một khi người ta yêu thương ai thì người ta cũng muốn gần gũi người đó, muốn được sống bên cạnh người đó với bất cứ cách nào ! Tại sao đối với Thiên Chúa lại thế khác được ? » Nhưng rồi một câu hỏi khác có liên quan đến các môn đệ khác lại được đặt ra : Phải chăng số môn đệ còn lại yêu mến Thầy mình ít hơn Gia-cô-bê và Gio-an ? Hay họ khiêm tốn một cách không đúng chỗ ? Phải chăng hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an hoàn toàn có lý trong thái độ của mình ? Ðể có thể tìm ra được câu trả lời, chúng ta hãy nhìn thẳng vào cuộc sống mình và hãy lắng nghe câu trả lời của Ðức Giêsu !

Ở đời này luôn có những người chỉ mong được làm « đầu », chỉ muốn được ngồi vào chiếc ghế danh dự, v.v... Ðó là kinh nghiệm sống mà ai cũng có thể có được ! Và hậu quả đương nhiên của thái độ chỉ muốn « ăn trên ngồi trước » như thế, là sự bất bình nơi người khác. Bởi vì người ta vẫn nói : « Ai bào ở đâu thì xác bào rơi xuống chổ đó », hay như Sách Nho vẫn dạy : « Phóng ư lợi nhi hành đa oán : Làm việc mà chỉ tìm lợi lộc riêng thì chỉ gây ra oán thù ». Những người bạn bỗng nhiên trở thành những kẻ đối thủ của nhau. Những tham vọng và ganh đua trong nghề nghiệp thường tạo nên những vết thương đau đớn trong gia đình cũng như giữa các người đồng nghiệp; tính tự phụ kiêu kỳ và sự dễ bị chạm tự ái thường làm sai lạc cái nhìn của chúng ta về người khác ! Ðiều đó rất có thể đưa đến những tranh chấp và những xung đột công khai, hay những bất bình và oán hờn ngấm ngầm. Cả trong Giáo Hội cũng như trong các giáo xứ vẫn không thể dễ dàng tránh hết được những tham vọng tương tự, tức tìm cách xin xỏ và chạy chọt cho được sự khen thưởng và vinh dự cá nhân ! Bởi vậy, bằng một cách nào đó, chúng ta cũng đều nhiễm phải tinh thần của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an, hay nói cách khác : bằng một cách nào, hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an là những người đại diện cho chúng ta, những người môn đệ khác của Chúa, những người môn đệ của thế kỷ XXI. Vì thế, với tính cách là cộng đoàn các môn đệ tân thời của Ðức Giêsu, chúng ta cũng cần tìm ra một câu trả lời cho câu hỏi : Chúng ta cần phải đối xử với nhau thế nào ? Ðức Giêsu sẽ nhận xét gì về cách cư xử của các môn đệ của Người ở (T.) như thế nào ? Ðức Giêsu có hài lòng với cuộc sống chung của chúng ta trong cộng đồng giáo xứ không ?

Chúng ta nhận thấy rằng Ðức Giêsu đã không hề trách mắng hay thẳng tay gạt bỏ nguyện vọng của hai người môn đệ sang một bên. Người thấu biết tư tưởng và lòng trí mỗi người hơn ai hết. Không ! Người đã ghi nhận nguyện vọng của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an, và thay vì gạt bỏ, Người đã mở ra cho họ cũng như cho các môn đệ khác một viễn cảnh mới : Thứ bậc và giai cấp theo tinh thần Phúc Âm hoàn toàn khác hẳn với quan niệm của thế gian, tức : Ai muốn làm đầu thi hãy làm người cuối cùng, ai muốn làm người quan trọng nhất thì hãy làm người phục vụ mọi người!

Cuộc nói chuyện với các môn đệ của Người đưa dẫn Ðức Giêsu tiến về Giêu-ru-sa-lem. Người loan báo cho các ông biết về số mệnh khủng khiếp đang chờ đợi Người : « Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại » (Mc 10,33).

Chúng ta thử suy nghĩ : Ðang khi Ðức Giêsu và các môn đệ Người trên đường tiến về thành phố Giê-ru-sa-lem, nơi số phận Người đã được định đoạt, nơi cuộc khổ nạn và cái chết đau thương đang chờ đợi Người, thì các môn đệ lại tranh dành nhau về danh vọng và chức quyền ! Người đang đầy lo âu sầu khổ trước một sứ mệnh cực kỳ đau thương, thì họ lại cứ hành động như thể mọi sự đã qua rồi. Trong khi con đường thập giá đầy gai góc và dốc dác chưa hề đi qua, thì các môn đệ lại hành động như thể việc bước theo Ðức Giêsu chỉ là một chuyến đi dạo dễ dàng. Người đang trên đường tự hy sinh mạng sống mình để làm « giá cứu chuộc cho nhiều người », thì họ lại tranh dành nhau về địa vị và ngôi thứ trong Nước Thiên Chúa. Chính điều đó càng làm cho Ðức Giêsu trở nên cô đơn lẻ loi và sầu khổ.

Một điều mà Ðức Giêsu phải nói cho các môn đệ của Người xưa kia cũng như ngày nay, chắc chắn phải là điều này : Người ta sẽ không thể đạt tới được sự vinh quang trong Nước Thiên Chúa, nếu không đi qua con đường thập giá ! Sự phục vụ của Ðức Giêsu đối với nhân loại là mẫu mực cho các môn đệ của Người trong mọi thời đại phải noi theo. Người là Ðấng ngay từ ban đầu đã ở nơi Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ mọi vinh quang để trở nên phàm nhân, để phục vụ mọi người. Qua đó Người đã vạch ra cho đời sống nhân loại chúng ta một hướng đi mới và một ý nghĩa cao cả. Trong đó, không phải quyền hành và sự tự khẳng định chính mình là điều đáng kể, nhưng là sự phục vụ và sự hy sinh ! Cả cuộc đời Ðức Giêsu là một sự phục vụ trọn vẹn.

Tất cả những ai đang nắm giữ quyền hành trên thế gian, luôn phân chia xã hội ra từng giai cấp : người làm bề trên, kẻ làm bề dưới; đều tạo ra cấp bậc : kẻ trên, người dưới; kẻ ra lệnh, người chấp hành. Tinh thần giai cấp thứ bậc đó đã bị Ðức Giêsu đảo lộn hoàn toàn : « Nơi các con không thể như thế được ! Ai trong các con muốn làm lớn thì hãy làm người phục vụ các con » (Mc 10,43). Ðức Giêsu đã tóm chặt lấy những tham vọng của chúng ta và đặt chúng ta trên một chỗ đứng mới : « Ai trong các con muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ cho mọi người » (Mc 10,44)). Và những gì Ðức Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ, chính Người đã sống như thế. Vâng, như Người xưa kia đã phục vụ các môn đệ của Người trong bữa ăn, Người cũng đã phục vụ tất cả mọi người đã tin vào Người, bằng chính mạng sống mình và tự hiến mình làm của ăn cho họ.

Là cộng đoàn của Ðức Kitô, chúng ta hãy sống bằng việc cử hành Bữa Tiệc Huyền Nhiệm của Chúa, mầu nhiệm Thánh Thể, một cách sốt sắng và liên tục. Ai trung thành với Ðức Giêsu Kitô trong một cộng đoàn đầy sức sống như thế, người đó sẽ sống trong một trật tự mới của tinh thần phục vụ.

Vâng, Ðức Giêsu đã bắt đầu một kỷ nguyên mới. Người đã loan báo và đã mang đến một cuộc sống mới. Ðó là điều quá rõ ràng trong những tương quan của Người với nhân loại. Người đã mang đến cho nhân loại sự giải thoát, nghĩa là sự tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi tội lỗi mà con người đã sai phạm. Người đã đoái thương những người thu thuế, những người tội lỗi, những người đau yếu bệnh tật. Với con mắt đức tin chúng ta sẽ nhìn thấy được trật tự mới mà bài Phúc Âm hôm nay tường trình. Không phải những gì chúng ta phô diễn ra bên ngoài, là điều quan trọng, nhưng là những gì thực sự đáng giá trước mặt Thiên Chúa mà chúng ta có được, đó là sự trung thành thực thi thánh ý Thiên Chúa và tinh thần phục vụ tha nhân, như Ðức Giêsu đã sống và hành động trước chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều đã được dọn sẵn cho một chỗ danh dự trước mặt Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại không vui mừng và hãnh diện về điều đo ?

Nếu tất cả những Kitô hữu chúng ta sống trọn niềm xác tín của mình vào Ðức Kitô thực sự, chúng ta đều trở nên những người dẫn đường lẫn cho nhau đạt tới những chỗ danh tự đó trước mặt thiên Chúa. Ðiều đó có nghĩa là : Trong cộng đoàn giáo xứ chỉ còn lại một mục đích duy nhất mà mọi thành phần của cộng đoàn đều ra sức theo đuổi, đó là sự phục vụ vô vị lợi!

Nói tóm lại, chúng ta cần phải trở nên những người như chúng ta từng được kêu mời : Những người bạn hữu của Ðức Giêsu Kitô và những người phục vụ kẻ khác theo tinh thần Phúc Âm. Nếu chúng ta biết thực thi như thế trong cuộc sống cụ thể của mình, chúng ta sẽ tránh đi được sự khiêm tốn không đúng chỗ và sẽ trở nên những người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa !

LM Nguyễn Hữu Thy