small_1271204051_nvChúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm C

Đức Giêsu Phục Sinh vẫn luôn luôn ở với con người, nhưng có thể họ không nhận ra Ngài. Đức Giêsu Phục Sinh luôn quan tâm săn sóc con người, như xưa Ngài quan tâm săn sóc các tông đồ. Ngài không bao giờ bỏ con người, Ngài sẽ ở với con người cho đến ngày tận thế.

Hành vi không bình thường

Các tông đồ trở lại Galilê và ít nhất có bảy người tham dự đêm đánh cá với Simon Phêrô. Sau một đêm mệt nhọc mà không được gì, Đức Giêsu đã chờ họ sẵn ở bờ hồ. Ngài gợi chuyện, hỏi thăm, và tìm cách giúp đỡ: “thả lưới bên mạn thuyền thì có đó”.

Mẻ cá lạ giúp Gioan nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh: “Thầy đó”. Chúa vẫn hiện diện đó, nhưng người ta không nhận ra Ngài. Vẫn cần một dấu lạ, ngay cả đối với các tông đồ, để con người có thể nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh; và cũng phải nói, không phải ai cũng nhận ra.

Thái độ của Phêrô rất là tức cười. Đang ở trần, nghe Gioan nói đó là Thầy, ông liền mặc đồ vào, rồi nhẩy xuống biển bơi vào bờ để gặp Chúa, bỏ các bạn ở lại với lưới cá dù rằng chính ông là người đề nghị các bạn đi đánh cá!Tại sao vậy? Vào bờ, ông nói gì với Chúa, hay ông chỉ làm vậy vì muốn gần Thầy mà thôi?

Cách hành xử của Đức Giêsu

Đức Giêsu đã dọn sẵn bánh và cá cho các tông đồ bên bờ hồ. Đức Giêsu dọn ăn cho các tông đồ. Đức Giêsu vẫn làm công việc của một người đầy tớ, Ngài vẫn luôn là người phục vụ những người Ngài yêu thương.

“Hãy mang cá các anh vừa bắt được lại đây”. Một khi có bếp và lửa, có bánh và cá, tại sao Ngài không dọn cho đủ? Thiên Chúa vẫn muốn có sự đóng góp của con người, ngay cả trong chuyện nhỏ nhất.

Tại sao lại là con số 153 con cá? Có người nói rằng, vì đó là tất cả các loại cá mà con người ngày đó tìm được. Con thuyền Giáo Hội, tung một mẻ lưới với sự trợ giúp của Đức Giêsu Phục Sinh, bao gồm tất cả mọi dân tộc trên hoàn vũ này.

Không một ai trong các ông dám hỏi “Ngài là ai”, vì tất cả đều biết đó là Chúa. Dường như Ngài vẫn có một cái gì đó khác trước, vì nếu không thì tại sao lại “không ai dám hỏi Ngài là ai”. Tuy vậy, không ai dám hỏi “Ngài là ai”, vì tất cả đều biết đó là Thầy.

Số phận và thái độ cần có của con người

Sau bữa ăn, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “anh có yêu Thầy hơn những người này không?”Nếu chỉ là câu hỏi: “anh có yêu Thầy hơn yêu những người này không”, chắc là Phêrô không cảm thấy khó khăn để trả lời. Có lẽ câu hỏi là: “Phêrô, anh có yêu Thầy hơn những người này yêu Thầy không?”Phêrô, trước đó khi ở bữa tiệc ly đã quả quyết: “dù tất cả mọi người bỏ Thầy, con thà chết chứ không bỏ thầy”, và hậu quả là Phêrô đã chối Thầy ba lần. Bây giờ, Phêrô khiêm tốn hơn: “Vâng, Thầy biết rằng con yêu Thầy”. Ba lần hỏi, bù vào ba lần chối. Phêrô không còn dám tin vào mình nữa: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết rằng con yêu Chúa”. Dường như Phêrô muốn nói: Với bao lần phản bội, Chúa biết con sẽ như thế nào trong tương lai, nhưng lúc này, Chúa biết rõ rằng con yêu Chúa. Khiêm tốn là thái độ rất quan trọng của người lãnh đạo, chăn dắt đàn chiên của Chúa.

“Khi con còn trẻ, con muốn đi đâu tuỳ ý, nhưng khi con về già, con sẽ giang tay và người ta sẽ dẫn con tới nơi con không muốn”. Phêrô được ơn biết tương lai mình. Còn những người khác? Tương lai của chúng ta ở trong tay Chúa, chúng ta không dám tin vào sức mình, nhưng có một điều rất chắc chắn: Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, và Ngài sẽ làm điều tốt nhất cho chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa quyền năng trong tình yêu.

“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta”. Phêrô đã trả lời những người lãnh đạo dân Do Thái như vậy. Đây là một tiêu chuẩn mà mỗi người tin vào Thiên Chúa đều phải áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, dù điều này có gây hại cho mình. Thái độ tương tự như vậy, đã dẫn Phêrô và những người “làm chứng”đến cái chết.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Xin bạn trình bày lý do tại sao bạn tin Đức Giêsu đã phục sinh!

2. Bạn thích điều gì nhất trong đoạn Tin Mừng hôm nay? Tại sao?

3. Tại sao “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời con người”?

Lm Phạm Thanh Liêm