CN_16_TN_CChúa Nhật 16 Thường Niên, Năm C

St 18:1-10a; Cl 1:24-28; Lc 10:38-42

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nói lên tinh thần hiếu khách. Lòng hiếu khách đã thúc đẩy tổ phụ Áp-ra-ham dọn bữa cơm thịnh soạn, với sự tiếp tay của bà xã ông và người đầy tớ, rồi ông đích thân tiếp đãi ba vị sứ giả của Thiên Chúa.

Lòng hiếu khách của ông Ápraham đã được khen thưởng, khi sứ giả của Thiên Chúa loan báo là sang năm bà Xa-ra sẽ sinh hạ cho ông một con trai, mà sau này ông đặt tên là I-xa-ác (St 18:10a).

Còn hai chị em Mácta và Maria cũng tỏ ra tinh thần hiếu khách theo cách thế của mỗi người. Mác-ta tỏ ra tinh thần hiếu khách bằng cách sửa sọan thiết đãi Chúa một bữa cơm tươm tất. Bà đã có thể liếc mắt lườm người em là Maria, không chịu giúp việc bếp núc. Rồi bà xin Chúa can thiệp: Sao Thầy không bảo em con giúp con một tay? (Lc 10: 40). Chị em bà đã phải quen biết Chúa trước đó nên bà Mác-ta mới có thể nói với Chúa một cách chân thành như vậy. Ở đây ta phải thông cảm với bà Mácta vì bà phải sửa sọan bữa ăn một mình mà thiếu dụng cụ nhà bếp tân thời như ngày nay. Tuy nhiên yếu điểm của bà ta là bà quá lo lắng về những việc dọn cơm nước, đến nỗi bà đánh thấp giá trị của việc lắng nghe lời Chúa của em mình là Maria. Ta cũng có thể phản ứng giống như bà Mác-ta. Khi bận rộn với công việc làm, ta ưa phê bình người chỉ nói và ưa chuyện vãn mà không làm. Còn khi không chịu làm việc phục vụ, ta có thể dùng ví dụ về bà Maria để biện minh cho tính biếng nhác của mình.

Tuy nhiên Chúa lại khen bà Maria đã biết lắng nghe lời Chúa, biết chọn phần tốt nhất (c. 42). Khi Chúa nói bà Maria đã chọn phần tốt nhất, thì theo kiểu so sánh, phải hiểu rằng bà Mácta chọn phần không tốt bằng mà thôi, chứ không phải là chọn phần không tốt. Việc Chúa sinh ra làm người cũng đòi hỏi Chúa cần ăn uống. Ðể có của ăn lại cần phải có người nấu nướng. Hôm nay bà Mác-ta đã dọn cơm nước cho Chúa. Chúa chỉ nhắc nhở bà Mácta: Con băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá (c. 41). Chắc Chúa đã phải biết tính nết của hai chị em rồi vì nhà ba chị em - gồm ông Ladarô - thường là nơi Chúa và các tông đồ lui tới nghỉ chân và ăn uống miễn phí mỗi khi Thày trò về Giêsusalem. Có thể ý Chúa muốn nói rằng bà chỉ cần làm một vài món là đủ rồi, để lần sau làm món khác cho thay đổi. Rồi có lẽ Chúa cũng muốn kể cho cả bà chị nghe về việc Chúa đi rao giảng và chữa lành, dân chúng phản ứng ra sao, có nhóm nào chống đối hay nhóm nào ủng hộ không?

Vậy làm thế nào để dung hoà vai trò của hai chị em Mácta và Maria trong đời sống người tín hữu? Ðể dung hoà, ta vừa phải làm việc vừa phải cầu nguyện. Khi mẹ Têrêsa thành Calcutta được hỏi làm sao bà có đủ nghị lực để tiếp tục việc phục vụ trẻ nghèo bên Ấn độ một cách liên tục và hăng say như vậy? Bà trả lời: Chúa Thánh thể là sức mạnh của bà, và bà cầu nguyện hàng giờ trước Mình Thánh Chúa. Một cách dung hoà tốt nhất là làm việc trong bầu khí cầu nguyện, làm việc dưới sự hiện diện của Chúa. Ngày nay người ta bị chi phối bởi nhiều tiếng động và chia trí. Vì vậy ta phải học để lắng nghe tiếng Chúa. Ta phải tìm những giờ phút yên lặng để cầu nguyện, tìm cơ hội để hồi tâm, để ở một mình với Chúa và đặt mình dưới sự hiện diện của Chúa.

Ðó là lý do tại sao hôm nay sau những ngày giờ bận rộn với công ăn việc làm - việc nhà cũng như việc sở - ta tụ họp nơi đây trong nhà Chúa để thờ phượng và cầu nguyện, để xa tránh bầu khí náo nhiệt của cuộc sống, để tìm hiểu xem những màu nhiệm khổ hình, tử nạn và phục sinh của Chúa có ảnh hưởng tới đời sống mỗi ngưòi như thế nào?

Ðây cũng là cơ hội để giúp ta nhận ra Chúa đang mời gọi ta làm gì để tiếp tục sống làm môn đệ. Chúa hiện diện giữa ta khi ta họp nhau cầu nguyện và thờ phượng. Ta cần chuẩn bị sao cho được sẵn sàng để mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và lắng nghe tiếng Chúa trong Thánh kinh, qua Giáo hội và các phép bí tích mà ta lãnh nhận. Hôm nay mỗi người nên tự hỏi: ta đã sửa soạn cho việc thờ phượng ngày Chúa nhật như thế nào? Làm sao ta có thể lắng nghe tiếng Chúa khi ta bận tâm lo nghĩ xem hôm nay sau lễ ta phải làm gì, đi tiệm ăn món gì, đi chợ mua những gì?

Ðể cho tâm hồn được lắng dịu hầu có thể đặt mình dưới sự hiện diện của Chúa, trước lễ ta cần sửa soạn tìm ra phương thế để nhắc nhở cho mình những gì cần làm hay cần mua sau lễ, rồi ghi những thứ cần mua hay cần làm vào miếng giấy để trong túi thay vì để trong đầu óc khi dự lễ. Ðể áp dụng thực hành, những người có con nhỏ nên ước lượng xem trước khi đi lễ cần bao nhiêu thời giờ để sửa soạn cho mình và cho con cái. Rồi cắt đặt từ tối hôm trước xem xe còn xăng nhớt không, ai đặt đồng hồ báo thức, sáng hôm  sau ai đánh thức con cái dạy, ai tắm rửa cho con, ai thay quần áo, xỏ dày dép cho con. Con cái nhỏ cần ngủ cũng như cần ăn để khi đến nhà thờ con em khỏi quấy khóc làm chia trí cho người dự lễ. Ta không thể đợi tới nhà thờ mới cho con ăn uống, rồi còn thay tã cho con trong khu vực nhà thờ - trừ trường hợp khẩn thiết. Làm như vậy là mặc nhiên ghi vào ấn tượng con cháu ý tưởng coi thường nhà Chúa.

Trong tông thư về ngày Chúa nhật gửi toàn thế giới, Ðức Thánh cha Gioan Phaolo II nhắc lại: Chúa nhật là ngày của Chúa. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày và Chúa nghỉ ngơi một ngày. Chúa nhật còn là ngày Chúa phục sinh, ngày vui mừng. Ðức thánh Cha khẳng định lại: bỏ lễ Chúa nhật mà không có lý do chính đáng vẫn là tội nặng. Thánh lễ Chúa nhật là trung tâm điểm đời sống người tín hữu. Nói như vậy có nghĩa là mỗi tuần ta đến nhà thờ ít là một lần để được tăng sức và bổ dưỡng bằng lời Chúa và Mình thánh Chúa. Cuối tuần khi kiệt sức vì công việc làm, ta lại đến nhà thờ để được bổ dưỡng. Chúa nhật còn là ngày của Giáo hội. Theo Ðức thánh Cha, Giáo hội có bổn phận thánh hoá ngày Chúa nhật bằng cách nhắc nhở và khuyến khích giáo dân đi dâng lễ thờ phượng, nghỉ ngơi hoặc làm việc từ thiện bác ái.

Lời cầu nguyện xin cho được biết chọn phần tốt hơn:

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng khôn ngoan thượng trí.

Xin dạy con biết tìm lắng nghe lời Chúa.

Xin ban cho con ơn khôn ngoan

để con biết chọn phần tốt nhất

cho con và con cháu con sau này.

Xin đừng để con quá bận tâm về những chuyện phụ thuộc,

khiến con quên lãng phần thiết yếu cho tâm hồn con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng