THU_SAU_TUAN_THANH_BThú Sáu Chịu Nạn, Năm A, B, C

Is 52:13 – 53:12; Dt 4:14-16, 5:7-9; Ga 18:1 –19:42

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày toàn thể Giáo hội tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Ðể được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, trong mùa Chay, người tín hữu làm việc cầu nguyện, việc sám hối đền tội như hi sinh, hãm mình, ăn chay, kiêng thịt, cùng với việc từ thiện bác ái.

Hôm nay Giáo Hội không cử hành thánh lễ để người tín hữu có thể tập trung vào thánh giá Chúa Kitô cùng với sự thương khó và tử nạn của Chúa. Lễ nghi Thứ Sáu Chịu nạn gồm ba phần: Phụng vụ Lời Chúa, Tôn kính Thánh Giá, và Ruớc Lễ.

Bài Thương Khó của Chúa Giêsu theo thánh Gioan hôm nay ghi lại cuộc khổ nạn của Chúa từ lúc Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni cầu nguyện, qua lúc bị bắt, bị tra tấn, bị đánh đòn, chịu đội mão gai, vác thập giá lên đồi Can-vê, tới lúc bị treo trên Thánh giá giống như một tội nhân (Ga 18:1-19:42). Ðó là hình ảnh của người tôi trung chịu đau khổ mà sách ngôn sứ Isaia đã bàn đến (Is 52:3-5). Bằng việc gánh lấy tội trần gian, người tôi trung sẽ làm cho muôn người được nên công chính (Is 53:11). Thánh Phaolô cũng xác nhận trong thư gửi tín hữu Do thái là vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, mà Ðức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai phục tùng Người (Dt 5:8-9).

Trong lễ nghi tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa, cộng đoàn tín hữu được mời lên hôn kính Thánh giá, phương tiện cứu rỗi của người tín hữu. Thánh giá là một nghịch lí trong đạo Kitô giáo. Vào thời Chúa Giêsu sinh sống, người ta khiếp sợ thập giá vì đó là một hình phạt tội nhân trong xã hội Do thái. Ðó là lí do tại sao có hai người tội nhân cũng cùng chịu đóng đinh trên thập giá với Chúa Giêsu. Và chính Chúa cũng bị coi là một tội nhân. Ngày nay thánh giá đã trở nên dấu chỉ của tình yêu, một biểu hiệu của cuộc toàn thắng tội lỗi và sự chết. Do đó mà thánh Phaolô mới dạy tín hữu Corintô: Thật vậy, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta, là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa (1Cor 1:18).

Ðể áp dụng thực hành, mỗi gia đình Kitô giáo nên trưng bầy thánh giá trong nhà, trong phòng và dạy con cháu cũng làm như vậy để nhắc nhở cho gia đình về biểu hiệu của đạo giáo, về sự hiện của Thiên Chúa mà mình tôn thờ. Ðó là cách thế để tạo khung cảnh và bầu khí đạo đức và bầu khí đức tin trong gia đình. Nếu là thiên thần, thì không cần biểu hiệu. Tuy nhiên là người có xác thì cần biểu hiệu, để giúp ta suy ngẫm về những mầu nhiệm trong đạo và nhắc nhở cho mình về sự hiện diện của Thiên Chúa. Có linh mục kia hồi còn học trong tiểu chủng viện, được ban giảng sư tập cho thói quen đặt thánh giá bên gối đầu giường, để giúp mình nhớ đến mà suy gẫm về mầu nhiệm đau khổ của Chúa. Sau này và cho đến bây giờ, linh mục đó vẫn giữ thói quen xưa. Khi không có thánh giá bên gối đầu giường, linh mục đó cảm thấy thiếu vắng một bảo vật gì quan trọng và còn cảm thấy khó ngủ và ngủ không yên.

Người Kitô giáo không thể tin vào Chúa Kitô mà lại chối bỏ thánh giá. Nếu chối bỏ thánh giá, ta không còn phải là người Kitô giáo nữa. Người Kitô giáo phải tôn vinh thánh giá như là phương tiện cứu rỗi. Người Kitô giáo phải hãnh diện về dấu thánh giá, một dấu chỉ của Ðạo giáo. Hãnh diện về dấu thánh giá phải là căn tính của người Kitô giáo.

Nói như vậy không có nghĩa là người Kitô giáo dừng lại ở thánh giá. Người tín hữu phải vượt qua thánh giá để tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá: thánh giá của bệnh tật, thánh giá của cảnh cô đơn buồn chán, thánh giá của lo âu bối rối, thánh giá của cảnh phân li chia rẽ, thánh giá của nghèo đói, thánh giá của những lời nói vu khống, bỏ vạ, cáo gian, thánh giá của những đau khổ về thể xác và tinh thần.. Ðó là những thánh giá mà Ðức Kitô muốn cho người môn đệ mang vác khi phán bảo: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23).

Người Kitô giáo không vác thánh giá vì thánh giá. Người tín hữu không chịu đau khổ vì đau khổ như một đường cùng không lối thoát. Có một câu hỏi mà người chịu đau khổ thường nêu lên là câu hỏi tại sao. Tại sao Chúa gửi thánh giá, bệnh tật và đau khổ đến cho tôi và gia đình tôi? Ðối với người Kitô giáo, đau khổ vẫn là nhiệm mầu, nghĩa là người ta không hiểu bởi vì có những người tốt lành, thánh thiện mà cũng phải chịu đau khổ. Ngay cả trẻ con vô tội cũng phải chịu bệnh tật đau khổ.

Bằng cách chấp nhận đau khổ thánh giá vì yêu mến để chuộc tội cho nhân loại, Ðức Kitô đã đem lại ý nghĩa cho việc chịu đau khổ và mang vác thánh giá. Thánh Gioan Newman đã đặt bút viết: Thập giá Ðức Kitô đã khiến cho những giá trị của trần thế phải được xét lại, bằng cách bầy tỏ một tình yêu mạnh đến nỗi đã san bằng hố sâu giữa sự sống và sự chết. Còn thánh Âu-cơ-tinh thì xác nhận hiệu quả của tình yêu khi viết: Ở đâu có yêu, ở đấy không còn đau khổ. Và giả như vẫn còn đau khổ, người ta lại chấp nhận nỗi đau khổ đó vì yêu. Thánh Âu-cơ-tinh muốn nói, khi đượm tình yêu mến Chúa vào công việc làm, nghĩa là khi làm việc vì yêu mến Chúa, thì công việc làm sẽ trở nên nhẹ nhàng và mang lại ý nghĩa và ơn phúc cho cuộc sống.

Lời cầu nguyện xin cho được tìm ra ý nghĩa của thánh giá đau khổ:

 

Lạy Chúa Giêsu nhân lành hay thương xót!

Vì yêu thương nhân loại tội lỗi,

Chúa đã vui lòng chịu đau khổ và chịu chết

trên thánh giá để cứu chuộc loài người.

Xin dạy con biết đáp trả lại tình yêu,

bằng việc mang vác thánh giá hằng ngày vì yêu mến,

để được tham dự vào cuộc phục sinh của Chúa. Amen.

 

Lm Trần Bình Trọng