Le_Minh_Mau_Thanh_Chua_Kito_nam_ALễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm A

Ðnl 8:2-3, 14b-16a; 1Cr 10:16-17; Ga 6:51-59

Trước khi về trời, Chúa Giêsu ban tặng cho loài người một kỉ vật cao qúi nhất do động lực yêu thương thúc đẩy. Ðó chính là Mình và Máu thánh của Người. Trong bữa Tiệc li, Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể (1) để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người và để ở lại với loài người cho tới ngày tận thế. Bữa Tiệc li là thánh lễ đầu tiên mà Chúa cử hành với các tông đồ trước khi chịu khổ hình thập giá. Qua lễ hi sinh thánh giá, Chúa lập một giao ước vĩnh cửu với loài người. Các thánh lễ được cử hành kế tiếp trên khắp hoàn cầu theo lệnh truyền của Chúa: Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày (Lc 22:19) là việc làm mới lại lễ hi sinh thánh giá. Tham dự vào bàn tiệc của lễ hi sinh thánh giá là dấu chỉ người tín hữu chấp nhận giao ước mới với Thiên Chúa.

Người Do Thái trong suốt dòng lịch sử Cựu ước sống bằng lời Chúa. Lời Chúa là lẽ sống và là nguồn hi vọng của họ mặc dầu họ gặp gian nan, thử thách và khổ cực: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra (Ðnl 8:3). Người Tin lành cũng sống bằng lời Chúa. Lời Chúa nuôi sống đức tin của họ.

Lời Chúa giảng dạy về việc ăn thịt và uống máu Người khiến cho người Do Thái bị vấp phạm. Họ tranh luận với nhau: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được  (Ga 6:52)? Ðối với người tin tưởng thì Mình Thánh Chúa còn là lương thực thiêng liêng: Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời (Ga 6:58). Bánh manna mà Chúa ban cho dân Do Thái trong sa mạc (Ðnl 8:16) là để nuôi dưỡng thân xác của họ và cũng được coi là dấu chỉ tiên báo bánh hằng sống. Còn bánh hằng sống là Mình thánh Chúa Giêsu là để nuôi dưỡng phần hồn: Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết (Ga 6:54).

Trước khi trở thành tấm bánh để nuôi dưỡng thân xác loài người, hạt lúa miến phải trải qua những tiến trình như được tróc vỏ, được xay ép, được nghiền nát và nhào lặn thành bột, rồi nướng thành bánh để được bẻ ra và phân phát cho nhiều người. Ðể làm lễ vật hi sinh đền tội cho loài người được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha và để trở thành bánh hằng sống, bẻ ra và phân phát cho nhiều người, Chúa Giêsu cũng trải qua những giai đoạn bị tẩy chay, bị chống đối, bị bách hại, bị tra tấn, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai và chịu chết trên thập giá. Chúa tự hiến toàn thân để trở thành tấm bánh hằng sống cho loài người ăn, hầu được sống. Ðược tiếp nhận Mình thánh Chúa vào tâm hồn, người tín hữu lại cố gắng sống theo đường lối Chúa và tuân giữ giới răn Chúa để được hưởng sự sống vĩnh cửu.

Tin vào lời Chúa khiến cho người Do thái được hiệp nhất với nhau. Tin vào lời Chúa cũng khiến cho người Tin lành được hiệp nhất. Qua việc tin tưởng vào lời Chúa và ăn cùng một bánh thánh, người tín hữu còn được hiệp nhất với nhau trong một nhiệm thể mà Chúa Kitô là đầu như lời Thánh Phaolô dạy: Tất cả chúng ta cùng chia sẻ một Bánh thánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1Cr 10:17).

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta đến dự bàn tiệc thánh để được rước Mình thánh Chúa. Ðể đáp trả lời Chúa mời gọi, ta cầu nguyện để xin cho được tránh khỏi những thái độ và cử chỉ quen quá hoá nhàm hầu có thể tỏ lòng tôn kính, mến yêu và quí trọng Bí tích Thánh thể. Ta không biết đánh giá điều mà ta luôn có trong tầm tay. Chỉ khi mất đi ta mới luyến tiếc. Giả sử trong một thời gian khá lâu, không có thánh lễ và Thánh thể, ta mới đánh giá được tầm quan trọng của thánh lễ và Thánh thể. Ta cũng cầu xin cho được khỏi xúc phạm đến Mình và Máu thánh Chúa như thánh Phaolô cảnh giác: Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa (1Cr 11:27). Vậy thì ta cầu xin cho được hưởng sự sống đời đời như lời linh mục chủ tế cầu nguyện thầm cho mình và cho cộng đoàn dân Chúa ngay sau khi bẻ Bánh trong thánh lễ: Xin Mình và Máu Chúa Giêsu hoà lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận, cho chúng con được sống muôn đời.

Lời nguyện xin cho được tin và sống nhờ việc ăn bánh hằng sống:

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể.

Con xin cảm tạ Chúa đã lập Bí tích Thánh thể

để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người.

Xin tha thứ những lần con rước lễ một cách máy móc,

tỏ thái độ và cử chỉ bất kính khi lên rước Mình Thánh Chúa.

Xin Chúa làm mới lại đức tin của con vào sự hiện diện thực sự

của Chúa trong Bí tích Thánh thể.

Xin Chúa hãy đến ngự trị trong tâm hồn con,

nuôi dưỡng và ban sức sống thiêng liêng cho linh hồn con

để con được hưởng sự sống vĩnh cửu trong nhà Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

_____________________

1. Theo mạch văn Phúc âm Mát-thêu và Mác-cô, người ta có thể suy luận rằng khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể (Mt 26:26-28; Mc 14:22-24) thì Giuđa không hiện diện, vì theo Phúc âm thánh Gioan, người được Chúa yêu mến, được tựa vào lòng Chúa trong bữa tiệc li, thì Giuđa đã ăn bánh (Ga 13:26) trước khi Xa-tan nhập vào y (c. 27) rồi đi ra ngoài  (c. 30). Còn theo Phúc âm thánh Luca, thì Chúa lập Bí tích Thánh thể (Lc 22:19-20) trước khi tiên báo Giuđa phản bội (c. 21). Theo vị trí của mạch văn thì hình như Giuđa có dự tiệc Thánh thể.