CN21_thuong_nien_nam_AChúa Nhật 21 Thường Niên, Năm A

Is 22:19-23; Rm 11:33-36; Mt 16:13-20

Ðá mang ý nghĩa dồi dào trong Thánh kinh. Ðá tượng trưng cho sự vững chắc và kiên cố. Vì thế Chúa Giêsu bảo các tông đồ phải xây nhà đức tin trên đá, để khi mưa to, bão lớn, gió cuốn, căn nhà vẫn có thể đứng vững. Khi ông Simon theo Chúa làm tông đồ, Chúa đổi tên ông thành Phêrô, có nghĩa là đá. Và Chúa hứa đặt Phêrô làm nền tảng Giáo Hội. Phúc âm hôm nay ghi lại việc Chúa trao chìa khoá nước Trời cho Phêrô: Thầy sẽ  trao cho con chìa khoá nước Trời: Dưới đất con ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy (Mt 16:19). Chìa khoá theo nghĩa Thánh kinh là biểu hiệu của trách nhiệm và uy quyền. Người mang chìa khoá có quyền quyết định cho ai vào và ai không được vào như chìa khoá nhà Ðavít được trao cho Engiakim để canh giữ triều đình (Is 22:22). Chìa khoá Chúa trao cho Phêrô tượng trưng cho quyền bính của các vị giáo hoàng.

Ðể giúp đánh giá quyền bính của thánh Phêrô, người ta cần nhìn vào hoàn cảnh mà Chúa trao chìa khoá nước Trời cho ông. Lúc mà thánh Phêrô nhận ra thiên tính của Thầy mình: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16:16) là chính lúc Chúa  trao quyền bính cho Phêrô và cũng là lúc mà Thánh Phêrô qui tụ được các tông đồ đến tụ điểm hiệp nhất. Việc mà thánh Phêrô tuyên xưng đức tin vào Ðấng thiên sai là một việc do ơn Chúa, chứ không phải dựa trên tầm hiểu biết của loài người. Vì thế mà Chúa nói với Phêrô: Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời (Mt 16:17).

Tầm hiểu biết của thánh Phêrô về Thầy mình lúc bấy giờ vẫn còn giới hạn. Do đó khi thánh Phêrô can ngăn Chúa đừng đi Giêrusalem chịu đau khổ, thì bị Chúa quạt cho một trận. Chúa gọi Phêrô là Satan khi ông cản bước của Chúa vì tư tưởng của ông không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người (Mt 16:23). Ðức tin của thánh Phêrô vẫn còn bị khủng hoảng và cần được củng cố sau khi chối Chúa ba lần (Mt 26:69-75).

Ðể sửa soạn cho vai trò lãnh đạo và cai quản, Chúa hỏi xem Phêrô có mến Chúa hơn các tông đồ khác không? Lúc này thánh Phêrô không dám tự hào là mình mến Chúa hơn các tông đồ khác, mà chỉ dám bày tỏ là Chúa biết ông yêu mến Chúa. Lần thứ ba Chúa hỏi xem ông có yêu mến Chúa không (Ga 21:15-19), khiến ông bị nhột, chắc là vì ông liên tưởng đến việc đã chối Chúa ba lần (Ga 13:38; Ga 18:17, 27). Thánh Phêrô hẳn đã có kinh nghiệm, không còn tự hào như xưa nữa, mà chỉ tuyên xưng lòng mến của mình ba lần vào Chúa  như để bù lại ba lần đã chối Chúa. Lúc này Chúa trao cho Phêrô sứ mệnh chăm sóc cả chiên con của Chúa (Ga 21:15) và cả chiên mẹ là chiên cừu lớn (c. 16, 17), gồm các anh em tông đồ, nghĩa là chăm sóc toàn thể Giáo hội mà Chúa sẽ thiết lập. Khi tiên đoán việc Phêrô chối Chúa, Chúa cũng tiên đoán ông sẽ trở lại, nên mới căn dặn ông rằng khi trở lại rồi, ông cần củng cố và nâng đỡ tinh thần các tông đồ khác (Lc 22:32). Lời Chúa trong hai trường hợp trên đây ngụ ý vai trò lãnh đạo của thánh Phêrô.

Phêrô được coi là người phát ngôn viên, đại diện cho các tông đồ bất cứ khi nào có cơ hội đến. Chính Phêrô đã nói thay cho các tông đồ trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1:15-20; 2:14-16). Phêrô là người đầu tiên chấp nhận người Do thái giáo và cả dân ngoại vào Giáo Hội (Cv 2:37-41; 10:44-48). Chính Phêrô là người đã đề nghị chọn một người làm tông đồ thay thế Giuda (Cv 1:21-26). Và Phêrô là người đã bênh vực các tông đồ khác trước toà án Do thái giáo (Cv 4:8-12; 5:29-33). Cũng chính Phêrô đã triệu tập và chủ toạ công đồng đầu tiên của Giáo Hội ở Giêrusalem (Cv 15:7-11). Ðọc thư thứ nhất của thánh Phêrô, ta thấy thánh nhân viết với vẻ uy quyền của người lãnh đạo. Phêrô viết thư ra lệnh cho các vị đại giáo trưởng và môn đệ trong Giáo Hội ở Tiểu Á. Chính Thánh Phêrô đã thiết lập Giáo Hội ở Rôma. Và bởi vì Thánh Phêrô chọn Rôma như là tông toà, cho nên các vị giáo hoàng kế vị được coi là thủ lãnh của Giáo hội Công giáo.

Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội bằng việc chọn mười hai tông đồ, đặt Phêrô làm Thủ lãnh  và ban cho ông quyền bính. Mục đích của việc thiết lập Giáo Hội với việc chọn Phêrô là người Lãnh đạo là để qui tụ người tín hữu trong việc hiệp nhất đức tin và tinh thần hiệp thông huynh đệ (Giáo Hội # 18). Suy đi nghĩ lại ta nghiệm thấy rằng đường lối của Chúa thật là khôn ngoan và thông suốt như thánh Phaolô đã nhận ra (Rm 11:33). Trải qua suốt dòng lịch sử Giáo hội, ta thấy quyền bính giáo hoàng đã là đề tài tranh luận và mâu thuẫn, đưa đến việc chia rẽ và phân tán trong thế giới Kitô giáo. Và lịch sử đã chứng minh rằng khi mà người ta tách rời khỏi Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập: công giáo, thánh thiện, duy nhất và tông truyền (Kinh Tin kính) thì họ còn tiếp tục phân rẽ nếu có sự bất đồng ý kiến về vấn đề thần học và luân lý. Do đó ngày nay người ta thấy có cả hàng trăm giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới. Có những trường hợp mà người ta tách rời ra khỏi Giáo hội để thành lập những giáo phái riêng là tại những lí do khác nhau như tham vọng cá nhân, phán đoán lệch lạc hoặc bất phục tùng quyền bính của Giáo hội.

Quyền bính Chúa ban trong Giáo Hội là để phục vụ. Chúa có thể trực tiếp hướng dẫn loài người mà không cần qua trung gian loài người. Tuy nhiên Chúa đã muốn loài người cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Chúa, nên mới đặt loài người cai quản Giáo Hội. Các vị cai quản Giáo hội cũng vẫn còn mang trong mình những yếu hèn và tội lỗi. Vì thế Giáo hội cũng trải qua những thăng trầm: cũng có những lạm dụng và lầm lẫn do cá nhân trong Giáo hội gây ra. Và bao lâu còn tại thế thì Giáo hội với tính cách lữ hành luôn trên đường tìm kiếm sự thật và tự thanh lọc khỏi những sai lầm và lạm dụng.

Vậy làm sao người tín hữu sống hiệp nhất và hiệp thông với Giáo hội? Người tín hữu cũng cần nhận thức rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất. Nếu trong quá khứ ta hãnh diện về tính cách đồng nhất trong Giáo hội: thánh lễ được cử hành bằng tiếng La tinh khắp nơi với cùng một nghi thức và bối cảnh, thì trong hiện tại ta cũng phải hãnh diện về tính cách đa diện: lễ bằng ngôn ngữ bản xứ, thánh nhạc khác nhau, giáo dân được khuyến khích tham phần vào phụng vụ thánh lễ như thừa tác viên thánh thể, thừa tác viên lời Chúa...

Hình ảnh cụ thể và sống động nhất của Giáo hội là giáo xứ. Xây dựng giáo xứ là xây dựng Giáo hội. Có nhiều cách thế để xây dựng giáo xứ như bằng cách gia nhập giáo xứ, tham gia vào sinh hoạt thờ phượng, giáo dục và công tác từ thiện bác ái của giáo xứ, bằng việc góp công lao, thời giờ và tiền của để giáo xứ có phương tiện làm việc tông đồ và bảo trì cơ sở. Ngoài ra gia đình cũng là hình ảnh của giáo hội nhỏ bé. Gia đình là một đơn vị tôn giáo đầu tiên. Chính trong gia đình mà những giá trị đạo đức được truyền đạt xuống cho con cháu và con cháu học được những việc làm đạo hạnh và những nguyên tắc luân lí. Như vậy xây dựng gia đình và giáo xứ là xây dựng Giáo hội. Và ta có thể cảm thấy vững tâm vào lời Chúa bảo đảm khi Chúa hứa với Phêrô là dù quyền lực tử thần cũng không thắng nổi Giáo hội (Mt 16:18).

Lời nguyện xin cho được ở lại trong Giáo hội:

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã xuống thế làm người,

thiết lập Giáo hội trên tảng đá thánh Phêrô.

Chúa còn cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất.

Xin ban cho các giáo phái Kitô giáo

biết khám phá ra căn nguyên cội rễ của mình

để tìm đường trở về hiêp nhất với Giáo hội

mà chính Chúa đã thiết lập.

Và xin cho con được trở nên dụng cụ hiệp nhất

trong cách cư xử, nói năng và viết lách thế nào

để khỏi gây hoang mang và chia rẽ trong lòng Giáo hội.

Cũng xin cho con được sống chết trong Giáo hội. Amen.

Lm Trần Bình Trọng