truyen_thong_2Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vừa gửi đi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 vào thứ Năm 24-01-2013, lễ Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng của các nhà báo. Sứ điệp năm nay tập trung vào các phương tiện truyền thông hiện đại, với chủ đề: “Mạng xã hội: cửa vào sự thật và đức Tin; những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”.

Sau đây xin tóm lược những nét chính:

– Sự phát triển của mạng xã hội giúp tạo ra một “agora” mới, một quảng trường công cộng mở ngỏ, nơi đó mọi người chia sẻ ý tưởng, thông tin và ý kiến, và cũng là nơi hình thành các mối quan hệ cũng như các hình thái cộng đồng mới.

– Việc trao đổi thông tin nơi mạng xã hội có thể trở thành việc truyền thông đích thực, những mối liên kết sẽ trở thành tình bạn, và các kết nối (links) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp thông.

– Trong những không gian này, không phải chỉ có ý tưởng và các thông tin được chia sẻ, nhưng cuối cùng chính bản thân của chúng ta cũng được chia sẻ.

– Sự phát triển mạng xã hội đòi hỏi phải dấn thân: người tham gia mạng xã hội có thể xây dựng các mối tương quan và kết bạn, tìm được câu trả lời cho các vấn nạn và được giải trí, nhưng cũng phải vận dụng trí óc, chia sẻ kiến thức và các bí quyết.

– Mạng xã hội đang ngày càng trở thành một phần của đời sống xã hội, vì đã làm cho con người gặp nhau. Mạng xã hội được nuôi dưỡng bởi những khát vọng cắm rễ sâu trong lòng con người.

– Thách đố của mạng xã hội là người ta dễ chạy theo sự phổ biến hơn là tầm quan trọng và giá trị nội tại của sứ điệp. Và sự phổ biến lại thường do sự nổi tiếng của các nhân vật hoặc chiến lược lôi kéo hơn là từ logic của lập luận.

– Một thách thức khác của mạng xã hội là làm thế nào để nó có tính toàn diện: mạng xã hội sẽ sinh ích lợi nhờ việc tham gia trọn vẹn của các tín hữu, những người mong muốn chia sẻ sứ điệp của Chúa Giêsu và các giá trị nhân bản từ những giáo huấn của Ngài.

– Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới hoàn toàn ảo, nhưng là một phần cuộc sống của nhiều người, nhất là giới trẻ. Mạng xã hội là kết quả sự tương tác của con người, nhưng rồi chính nó cũng định hình các mối tương quan.

– Khả năng sử dụng ngôn-ngữ-mới là rất cần thiết, không chỉ để theo kịp thời đại, nhưng là để làm cho sự phong phú vô hạn của Tin Mừng có được một hình thức diễn đạt khả dĩ đến được với trí óc và con tim mọi người.

– Cuộc đối thoại ngày càng gia tăng trong các mạng xã hội về đức Tin và tín ngưỡng xác nhận tầm quan trọng của tôn giáo trong các cuộc tranh luận công cộng và trong đời sống xã hội.

– Mạng xã hội là một phương tiện truyền giáo, và cũng có thể là một tác nhân cho việc phát triển con người. Ví dụ, trong một số hoàn cảnh địa lý và văn hóa, nơi mà các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, mạng xã hội có thể củng cố ý thức đoàn kết thực sự với cộng đồng tín hữu trên toàn thế giới. Các mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các nguồn tài nguyên tinh thần và phụng vụ, giúp mọi người cầu nguyện với cảm giác gần gũi với những người chia sẻ cùng một đức Tin.

– Mạng xã hội không chỉ cung cấp cơ hội để cầu nguyện, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa mà còn có thể mở ra cánh cửa dẫn vào những chiều kích khác của đức Tin.

– Khi nỗ lực làm cho Tin Mừng hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có thể mời mọi người đến với nhau để cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ ở những nơi cụ thể như nhà thờ và nhà nguyện. Như vậy sẽ có sự gắn kết và hiệp nhất trong đức Tin và làm chứng cho Tin Mừng trong bất kỳ môi trường nào, dù là ở thế giới thực bên ngoài hay trong không gian kỹ thuật số.

Giuse Mạnh Hữu                            Nguồn: WHĐ