VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 9-10-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích về đặc tính ”Công Giáo” của Giáo Hội. Quảng trường Thánh Phêrô như ”một rừng” các ô dù nhiều màu, tràn ra tới nửa đường Hòa Giải. Tuy trời mưa, ĐTC vẫn dành 40 phút đi xe díp mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu.

Trong số đông đảo các GM hiện diện cũng có nhiều GM đến từ hai nước Ethiopia và Eritrea bên Phi châu. Trước đó, các vị đã cùng với ĐHY Leoardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, cử hành thánh lễ trước mộ thánh Phêrô Tông Đồ để cầu nguyện cho các thuyền nhân bị thiệt mạng trong vụ vượt biên hôm 3-10 vừa qua gần đảo Lampedusa, cực nam Italia, trong đó có đông đảo người Ethiopie và Eritrea.

Sau phần tôn vinh lời Chúa, ĐTC đã bắt đầu bài giáo lý về đề tài: ”Giáo Hội Công Giáo”, qua đó ngài xác định Giáo Hội là Công Giáo theo nghĩa nào, và ngài cổ võ các tín hữu tăng cường tình hiệp thông và tích cực tham gia vào đời sống của Giáo Hội.

Bài giáo lý của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.. Nhưng tôi thấy rằng hôm nay, một ngày trời xấu, anh chị em thật can đảm, tôi khen anh chị em!

1_0_735761”Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo...”. Hôm nay chúng ta dừng lại để suy tư về đặc tính này của Giáo Hội: đặc tính Công Giáo. Trước tiên, Công Giáo có nghĩa là gì? Thưa nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp ”kathòlón” có nghĩa là ”theo tất cả”, toàn thể. Vậy đặc tính toàn thể này được áp dụng cho Giáo Hội theo nghĩa nào? Theo nghĩa nào chúng ta nói Giáo Hội là Công Giáo? Tôi muốn trình bày trong 3 ý nghĩa cơ bản.

1. Trước hết. Giáo Hội là Công Giáo vì là không gian, là căn nhà trong đó toàn thể đức tin được loan báo cho chúng ta, trong đó ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang đến cho chúng ta, được trao tặng cho mọi người, Giáo Hội làm cho chúng ta gặp gỡ lòng từ bi của Thiên Chúa Đấng biến đổi chúng ta vì trong Giáo Hội có Chúa Giêsu Kitô hiện diện, Ngài ban cho Giáo Hội được tuyên xưng đức tin chân thực, được cuộc sống sung mãn nhờ các bí tích, thừa tác vụ thánh chức chân chính. Trong Giáo Hội mỗi người chúng ta tìm được những gì cần thiết để tin, để sống như Kitô hữu, để nên thánh, để tiến bước trong mọi nơi và mọi thời.

Như một ví dụ, chúng ta có thể nói rằng giống như trong đời sống gia đình: trong gia đình mỗi người chúng ta nhận được tất cả những gì giúp chúng ta lớn lên, trưởng thành và sống. Ta không thể tự tăng trưởng một mình, không thể tự mình bước đi, tự cô lập, nhưng tiến bước và tăng trưởng trong một cộng đoàn, trong một gia đình. Trong Giáo Hội chúng ta có thể nghe Lời Chúa, tin chắn rằng sứ điệp mà Chúa ban cho chúng ta, trong Giáo Hội chúng ta có thể gặp Chúa trong các bí tích là những cánh cửa mở rộng qua đó ánh sáng Chúa Kitô chiếu dọi cho chúng ta, những dòng suối từ đó chúng ta kín múc chính sự sống của Thiên Chúa; trong Giáo Hội chúng ta học cách sống tình hiệp thông, tình thương đến từ Thiên Chúa. Hôm nay mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: tôi sống thể nào trong Giáo Hội? Khi tôi đi nhà thờ, có giống như tôi đi xem xinê, đi dự một cuộc đấu bóng hay không? Không, không phải vậy! Vậy tôi đi nhà thờ thế nào? Tôi đón nhận thế nào những hồng ân được trao tặng cho tôi, để lớn lên và trưởng thành như Kitô hữu? Tôi có tham dự vào đời sống cộng đoàn hoặc là tôi khép kín trong những vấn đề của tôi, cô lập với người khác? Theo nghĩa đầu tiên này, Giáo Hội là Công Giáo vì là nhà của tất cả mọi người: tất cả đều là con của Giáo Hội và tất cả ở trong nhà này.

2. Ý nghĩa thứ hai: Giáo Hội là Công Giáo vì là phổ quát, và Giáo Hội xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới, loan báo Tin Mừng cho mỗi người nam nữ. Giáo Hội không phải là một nhóm những người ưu tú, không phải chỉ liên quan đến vài người. Giáo Hội không bị khép kín, Giáo Hội được gửi tới tất cả mọi người, tới toàn thể nhân loại. Và Giáo Hội duy nhất hiện diện cả trong những phần bé nhỏ nhất của Hội Thánh. Mỗi người có thể nói rằng trong giáo xứ của tôi có Giáo Hội Công Giáo hiện diện, vì giáo xứ của tôi cũng là thành phần của Giáo Hội hoàn vũ, cả giáo xứ này cũng có đầy đủ các hồng ân của Chúa Kitô, đức tin, các bí tích, thừa tác vụ, hiệp thông với ĐGM, Đức Giáo Hoàng và, cởi mở đối với tất cả mọi người, không phân biệt ai. Giáo Hội không phải chỉ ở dưới bóng tháp chuông của chúng ta, nhưng ôm lấy tất cả mọi người, mọi dân tộc tuyên xưng cùng một niềm tin, được nuôi dưỡng bằng cùng bí tích Thánh Thế, được các mục tử phục vụ. Cảm thấy mình được hiệp thông với tất cả các Giáo Hội, với tất cả các cộng đoàn Công Giáo lớn nhỏ trên thế giới! và rồi cảm thấy rằng tất cả mọi người đều ở trong sứ mạng, các cộng đoàn lớn nhỏ, tất cả chúng ta phải mở cửa để ra ngoài loan báo Tin Mừng. Vì thế chúng ta hãy tự hỏi: tôi đang làm gì để thông truyền cho tha nhân niềm vui được gặp gỡ Chúa, niềm vui được thuộc về Giáo Hội? Loan báo và làm chứng đức tin không phải là công việc của vài người, nhưng cũgn liên hệ đến tôi, đến anh chị em, đến mỗi người chúng ta!

3. Tư tưởng thứ ba và sau cùng: Giáo Hội là Công Giáo vì là ”Nhà của sự hòa hợp” trong đó sự hiệp nhất và khác biệt liên kết với nhau để trở thành một sự phong phú. Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh một bản hợp ca, nghĩa là một sự đồng thuận và hòa hợp, các nhạc khí khác nhau cùng được đánh lên, mỗi nhạc khí giữ nguyên sắc thái riêng của mình và những đặc tính âm thanh riêng, nhưng hòa hợp với nhau về một cái gì chung. Rồi có người nhạc trưởng hướng dẫn. Trong bản hợp ca các sắc thái riêng của mỗi nhạc khí không bị xóa bỏ, đặc tính riêng của mỗi nhạc khí được đề cao giá trị tối đa!

Đó là một hình ảnh thật đẹp nói với chúng ta rằng Giáo Hội giống như một ban đại hợp xướng, trong đó có sự khác biệt: không phải tất cả chúng ta đều giống nhau, và chúng ta không thể giống nhau như vậy. Tất cả chúng ta khác nhau, mỗi người với những phẩm tính riêng, và đây là điều đẹp đẽ của Giáo Hội: mỗi người mang những gì Chúa ban, để làm cho tha nhân được phong phú. Giữa các phần tử của Giáo Hội, có những sắc thái khác nhau giữa các thành phần, nhưng không xung đột với nhau, không đối nghịch nhau; đó là một sự khác biệt để cho mình trở thành một sự hòa hợp nhờ Thánh Linh; chính Chúa là Ca trưởng đích thực, chính Ngài là sự hòa hợp. Và ở đây chúng ta tự hỏi: chúng ta có sống sự hòa hợp trong các cộng đoàn chúng ta hay không hay là chúng ta cãi nhau? Trong giáo xứ của tôi, trong phong trào của tôi, có những vụ nói xấu nhau không? Nếu có như thế thì không có sự hòa hợp, có sự đấu tranh, và như thế không phải là Giáo Hội: Giáo Hội là sự hòa hợp tất cả mọi người. Không bao giờ nói hành nói xấu nhau, không bao giờ cãi nhau. Chúng ta có chấp nhận người khác, chúng nhận có một sự khác biệt chính đáng hoặc chúng ta có xu hướng đồng nhất hóa? Sự đồng nhất hủy hoại sự sống, sự sống của Giáo Hội là sự khác biệt, và khi chúng ta muốn áp đặt sự đồng nhất cho tất cả mọi người, chúng ta giết chết các hồng ân của Chúa Thánh Linh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh là tác giả sự hiệp nhất trong sự khác biệt làm cho chúng ta ngày càng ”Công Giáo” hơn, nghĩa là ở trong Giáo Hội Công Giáo và hoàn vũ!

Chào thăm các đoàn tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các GM thuộc HĐGM miền Bắc Phi và khích lệ các vị hãy củng cố các quan hệ huynh đệ với những người Hồi giáo. Và với tất cả mọi người, ngài nói: 'Anh chị em đừng sợ cầu xin Chúa Thánh Linh, xin Chúa làm cho mỗi ngừơi trở thành một người hiệp thông, luôn sẵn sàng hân hoan loan báo cho mọi người và mọi nơi, Tin Mừng cứu độ!”.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC chào thăm các bạn hữu của Học Viện Đức và Hungari đến Roma thể tham dự lễ truyền chức LM và phó tế, cũng như các tham dự viên tuần lễ giới thiệu đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Arập, ngài nhắc lại biến cố cách đây 1 năm, ngài 10-10 năm 2012, sau cuộc viếng thăm tại Liban và trao Tông Huán ”Giáo Hội tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá”, ĐGH Biển Đức 16 đã du nhập tiếng Arập trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần, như các Nghị Phụ thỉnh cầu, để biểu lộ với tất cả các tín hữu Kitô ở Trung Đông sự gần gũi của Giáo Hội Công Giáo với các con cái Đông Phương. Hôm nay khi nói về câu ”Tôi tin Giáo Hội Công Giáo”, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông: tại Siria, Irak, Ai Cập, tại Liban và Thánh Địa, nơi vị Vua Hòa Bình, Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra. Chúng ta hãy cầu nguyện để ánh sáng Chúa Kitô đi tới tâm hồn mỗi người và mọi nơi, cho đến tận bờ cõi trái đất.

Sau cùng, khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC chào thăm cách riêng các GM thuộc Giáo Hội Công Giáo theo truyền thống Alessandria ở Ethiopia và Eritrea. Tôi đặc biệt gần gũi các vị trong kinh nguyện và trong đau buồn vì bao nhiêu người con của phần đất này đã bỏ mình trong thảm trạng ở Lampedusa.

ĐTC đã kết thúc buổi tiếp kiến với kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh ban cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch