Flag_of_Vatican_-USAChưa có vị Giáo Hoàng nào phát biểu trước Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ trước đây. Vị chủ tọa Quốc hội Hoa Kỳ, John Boehner mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội.

Ông Boehner gởi lời mời chính thức trong một bức thư gửi đến Vatican nhân kỷ niệm một năm triều đại giáo hoàng của ngài.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi cảm hứng cho hàng triệu người dân Hoa Kỳ bằng cung cách mục vụ và tinh thần lãnh đạo phục vụ của ngài, thách thức các khó khăn để sống một cuộc sống của lòng thương xót, tha thứ, đoàn kết, và khiêm tốn,” ông Boehner viết. “Lời kêu gọi không mệt mỏi của ngài để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta – người ốm yếu, người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, nghèo khổ, trẻ em chưa sinh – đã đánh thức con tim ở mọi châu lục.”

Ông Boehner, một người Công giáo, cho biết thông điệp của Đức Giáo Hoàng “thách thức các khó khăn cùng với  mọi người thuộc mọi niềm tin, ý thức hệ và đảng phái chính trị.”

Từ khi Đức Phaolô VI thăm Hoa Kỳ đầu tiên vào năm 1965, đã có ba vị giáo hoàng đến thăm nước Mỹ. Đức Gioan Phaolô II đến Hoa Kỳ bảy lần, gặp các đời tổng thống từ Jimmy Carter đến Bill Clinton.

Có một vị Giáo hoàng viếng thăm Liên Hiệp Quốc bốn lần, nhưng chưa có vị nào phát biểu trước Hạ viện và Thượng viện trong một phiên họp chung.

Lãnh đạo thiểu số tại Hạ Viện bà Nancy Pelosi, cũng là một người Công giáo, cùng phát biểu trong thư mời.

“Lấy cảm hứng từ thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh chăm sóc tất cả các tạo thành của Thiên Chúa, hay từ thánh Giuse, vị thánh bảo trợ giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sống xứng đáng và nâng cam kết của mình thành một sức mạnh đạo đức để bảo vệ người nghèo và người túng thiếu, để phục vụ như người bênh vực những ai kém may mắn, và để thúc đẩy tình yêu và hiểu biết giữa các tôn giáo và các quốc gia.”

Các quan chức quốc hội nói với ABC News rằng họ không biết liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có chấp nhận lời mời tới thăm Washington hay không vì đó là lời mời mở.

“Giáo huấn xã hội của ngài bắt nguồn từ “niềm vui Tin Mừng”, đã thúc đẩy suy tư và đối thoại của nhiều người, thuộc nhiều quan điểm tôn giáo, tư tưởng tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt giữa những ai đấu tranh cho nhân phẩm, tự do và công bằng xã hội,” ông Boehner nói.

Nguồn: Ucan News tiếng Việt, theo Jeff Zeleny cho ABC News