Những người bảo thủ nói ngài rửa chân cho phụ nữ là không phù hợp. Vào tối thứ Năm (17-4), theo một nghi thức quen thuộc từ xưa, Đức Giám mục Robert Morlino của Madison, Wis., sẽ rửa chân cho 12 người, tất cả đều là chủng sinh – tái diễn việc Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài rửa chân cho các môn đệ và, theo giáo lý Công giáo, chính thức thiết lập chức linh mục.

nghi-thc-Ra-chnĐức Thánh cha Phanxicô rửa chân cho các tội phạm vị thành niên (Ảnh: AFP/Osservatore Romano)

Cũng trong đêm này, cách đó hàng ngàn dặm, Đức Phanxicô cũng cử hành nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, mặc dù không phải trong nhà thờ chính tòa như Đức cha Morlino nhưng là tại trung tâm dành cho người khuyết tật. Tại đây ngài rửa chân cho một số người của trung tâm, tất cả đều là giáo dân và có thể có phụ nữ và thậm chí là người ngoài Kitô giáo hay người vô tín ngưỡng.

Năm ngoái Đức Phanxicô đã làm một việc tương tự, ngay sau khi lên ngôi giáo hoàng. Ngài làm các nhà quan sát Giáo hội ngạc nhiên khi đi đến một nhà tù trẻ vị thành niên bên ngoài Rôma và rửa chân cho 12 người trẻ ở đó, trong đó có hai phụ nữ và hai người Hồi giáo.

Một số người Công giáo mang tính bảo thủ đã kinh ngạc về việc làm của Đức Thánh cha và họ hoan nghênh nỗ lực duy trì truyền thống chống đổi mới của Đức cha Morlino, ít ra là trong giáo phận Wisconsin của ngài.

“Luật Giáo hội quy định chỉ có đàn ông mới có thể được rửa chân”, linh mục John Zuhlsdorf, blogger thích cãi cọ nổi tiếng nơi phe cánh hữu Công giáo, viết. “Hướng dẫn của Đức cha Morlino” – các linh mục phải rửa chân cho 12 người đàn ông hoặc không rửa cho người nào cả – “không làm gì cả trừ việc nhắc lại luật của Giáo hội, là việc mà các giám mục và linh mục buộc phải noi theo”.

Vậy thì ai đúng?

Phải chăng Đức Thánh cha là người bất tùng? Hay Đức cha Morlino và những người khác quá tuân thủ pháp luật? Thế nghi thức rửa chân tượng trưng cho điều gì?

Trả lời những câu hỏi này không đơn giản, mặc dù lịch sử và phong tục – chưa nói đến thẩm quyền – dường như thiên về phía Đức Thánh cha.

Giải thích về nghi thức rửa chân có từ thế kỷ thứ 6. Theo Peter Jeffrey viết trong cuốn sách xuất bản năm 1985: “Một Điều răn mới: Hướng tới một nghi thức rửa chân mới”, thường có hai hình thức: “Mandatum Pauperam”, hay rửa chân cho người nghèo, và “Mandatum Fratrum”, rửa chân cho “anh em”.

Ngoài nghi thức phụng vụ vào Thứ Năm Tuần Thánh, các vị giáo hoàng và giáo sĩ còn thường rửa chân cho người nghèo để thể hiện dấu chỉ phục vụ và khiêm tốn. Trong các tu viện, “phụ nữ rửa chân cho nhau”, và họ rửa chân cho khách và trẻ em, theo Rita Ferrone, tác giả của nhiều cuốn sách nói về phụng vụ và là nhà cố vấn cho các giáo phận Mỹ về các vấn đề phụng vụ.

“Rửa chân có truyền thống lâu đời và mãi cho đến năm 1955 phụ nữ mới không được phép tham gia nghi thức rửa chân”, Ferrone nói.

Đó là lúc Đức Giáo hoàng Piô XII đơn giản hóa các nghi thức Tuần Thánh, hình thức cải cách đưa nghi thức rửa chân vào trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh trước khi kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vấn đề xảy ra từ đó, phụ nữ Công giáo không được phép vào khu vực hạn chế gần bàn thờ và khác với ngày nay, họ không có phần trong Thánh lễ. Vì thế mới có quy định 12 người đàn ông được chọn – “viri selecti” theo tiếng Latinh – được linh mục hoặc giám mục rửa chân.

Do thay đổi đó, nghi thức rửa chân còn được xem là sự tái diễn Bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích truyền chức thánh.

“Truyền thống này không phải là muốn diễn hoạt cảnh việc Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc Ly nhưng là đáp lại mệnh lệnh phục vụ khiêm nhường”, Ferrone nói.

Trong khi Công đồng Vatican II vào thập niên 1960 khởi xướng rất nhiều cải cách, trong đó có nghi thức phụng vụ, quy định về việc chỉ rửa chân cho đàn ông không hề được đề cập đến.

Nhưng vào thập niên 1970, nhằm phản ánh tính cởi mở mới của Giáo hội, các giám mục và linh mục ở nhiều giáo phận làm ngơ quy định cũ này và bắt đầu rửa chân cho giáo dân, trong đó có phụ nữ. Có lúc 12 người, có lúc nhiều hơn.

Thật sự có một bức hình chụp Đức Thánh cha Phanxicô, khi còn là Hồng y Jorge Bergoglio của Buenos Aires, rửa chân cho các phụ nữ có con nhỏ, trong đó có một vài người đang cho con bú.

Ngày nay, Hội đồng Giám mục Công giáo Mỹ thừa nhận ngữ nghĩa pháp lý này nhưng nhấn mạnh nghi thức này nhằm biểu thị việc làm từ thiện và “phục vụ khiêm nhường” chứ không phải tái diễn việc thiếp lập bí tích truyền chức thánh. Hội đồng không đề cập gì đến việc rửa chân cho 12 người (12 tông đồ) và lưu ý “nhiều nơi có thói quen mời cả đàn ông lẫn phụ nữ tham gia nghi thức này nhằm công nhận sự phục vụ của tất cả các tin hữu dành cho Giáo hội và cho thế giới”.

Vì thế theo ý nghĩa đó, nó trở lại truyền thống cổ xưa hơn, và rất phù hợp với những gì Đức Phanxicô đang làm.

Ucan Việt Ngữ

David Gibson cho Religion News Service  /  Nguồn: Religion News Service