Giữa những người Việt Nam làm trong mỏ, số tín hữu công giáo chỉ là thiểu số. Dù ít so với tổng số người Việt Nam bấy giờ, các tín hữu công giáo cũng tụ họp lại để sống đức-tin mà họ đã lãnh nhận được, dù là một đức-tin thô sơ. Nhưng thô-sơ mà bền vững vẫn hơn là phức-tạp, văn-minh mà lỏng-lẻo yếu ớt thì không khác gì một căn nhà được xây trên cát (Mt. 7,27).

Nhà Thờ Chúa Kitô Vua tại Tân Đảo Nouvelle CalédonieLúc đó, chưa có linh mục Việt Nam tại Tân đảo. Theo như các hồ sơ Rửa-tội còn được lưu-trữ tại toà Tổng Giám Mục Nouméa, cách riêng cha Barbault SM, lúc đó là cha xứ ở Koumac và vùng Tiébaghi, cũng như một số các linh mục phục vụ tại vùng lân cận, tới dâng lễ, lo ban các phép bí-tích, nói chung là lo về đời sống thiêng liêng cho các tín hữu công giáo Việt Nam.

Sau này khi các người Việt Nam đã mãn nhiệm kỳ làm tại các mỏ, họ có thể tìm kế sinh nhai cách tự do, họ về Nouméa và vẫn tụ họp lại với nhau để sống đạo. Các tín hữu sống đạo không khác gì một đoàn chiên không chủ chăn.

Vào khoảng giữa năm 1953, cha Giuse Nguyễn Năng Vịnh, được Đức Giám Mục Địa phận Bùi-Chu, Bắc Việt-Nam, gửi qua Port-Vila, Vanuatu, để chăn dắt người công giáo Việt Nam bên đó. Trên đường đi Vanuatu, cha Vịnh phải đi qua Nouméa và phải ở lại một tuần vì nhu cầu phương tiện di chuyển thời đó.

Trong những ngày cha Vịnh ở Nouméa, ngài có một buổi họp với những người công giáo Việt-Nam và khi sang tới Port-Vila, ngài viết thư sang cho Đức Cha Bresson để cùng với anh chị em công giáo Việt-Nam tại Nouméa xin Đức Cha thương tình tìm kiếm một linh mục Việt-Nam qua Nouméa phục-vụ cho người công giáo Việt-Nam, (thư viết ngày 01-09-1953 từ Port-Vila).

Đức cha Bresson đã chấp nhận lời thỉnh cầu và Ngài đã xin được một linh mục Việt-Nam qua Nouméa.

Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tôn (1955 – 1965)

cgtd-02Linh mục Giuse Maria Nguyễn Duy Tôn được Giám Mục địa phận của ngài tại Việt Nam cử sang chăn dắt người công Giáo Việt Nam tại Tân Đảo. Ngài tới phi trường Tontouta ngày 20 tháng 7 năm 1954 với nghĩa vụ là lo truyền giáo cho những người chưa biết, phục vụ những người đã biết và duy trì những gì đã theo. 

Sau vài ngày nghỉ ngơi, ngài bắt tay vào việc, kêu gọi anh chị em trở lại đời sống công giáo cổ truyền mà ngài thấy đã bắt đầu phai nhạt.

Lúc đó Cha Giuse Tôn và anh chị em công giáo Việt Nam tụ họp tại nhà thờ Chính Toà Thánh Giuse, Nouméa, để dâng lễ và cử hành các bí-tích. Đời sống tôn giáo của người Việt-Nam bắt đầu trở nên sầm uất. Nghĩa Binh Thánh Thể, Thanh Niên Thiếu Nữ Công Giáo, các hội đoàn... được thành lập. Ngài cũng in ra nhiều sách kinh, sách hát bằng tiếng Việt, tiếng La-tinh và tiếng Wallis vì thời đó có nhiều người Wallis tới dự lễ tại nhà thờ Kitô Vua.

Việc đầu tiên của ngài là xây một ngôi nhà thờ cho người công giáo Việt Nam và đương nhiên là xây dựng cả một trung-tâm, gồm nhà xứ để cha xứ có chỗ ở và nhà hội. Ngài đã bàn hỏi với anh chị em công giáo Việt-Nam trong một phiên hội vào đầu thánh 10-1954, rồi ngày 12-10-1954, nhân dịp lễ kính thánh Edouard, thánh bổn mạng của Đức Giám Mục địa phận Nouméa, Đức Cha Edouard Bresson, cha Giuse Tôn cùng anh chị em giáo hữu kéo nhau lên Toà Giám Mục chúc mừng Ngài, đồng thời xin đất xây cất thánh đường cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam. “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cửa cho...” (Mt. 7,7).

Đức Giám mục niềm nở đón nhận lời chúc mừng, cũng như lời thỉnh cầu hợp lý ấy, nên ba ngày sau tức 15-10-1954, Ngài truyền cho cha Clément, chưởng ấn của Địa phận, đưa cha Giuse Tôn đi xem đất nhiều nơi như trường học cũ của người Nam Dương tại Trianon, và ngôi nhà nguyện bỏ không của người Mỹ tại Anse Vata (mảnh đất Receiving bây giờ và hiện có CPS mới).

Ngay từ lúc đó, theo như lời cha Tôn, một câu hỏi cũng đã được đặt ra: đạo công giáo là đạo chung, nhà thờ nào chả được, cứ gì phải nhà thờ Việt-Nam ? Có một nhà thờ cho giáo hữu Việt-Nam, không phải vì đạo Công giáo Việt-Nam khác với đạo Công giáo Pháp, nhưng vì ngôn ngữ diễn tả lại những điều phải tin, những giới răn phải giữ... truyền đi từ nhà thờ người Pháp không thuận tiện cho người Việt Nam, nhất là những người “chân đăng” - lớp người đã nghe và bặp bẹ tiếng Việt-Nam ngay khi còn náu ẩn trong bào thai mẹ - lớp người sang tới Nouméa khi tai đã ù, lưỡi đã cứng, chỉ còn có thể đọc được tiếng “mỏ nhá” thay cho tiếng “moyen”, “xảy ế” (ça y est), “mi-nhông” (camion), “bồng vỏ giát” (bon voyage)...

Hơn nữa, đối với người Việt-Nam Công giáo thời đó, một Chúa Nhật không có Thánh Lễ thì ngày Chúa Nhật đó không có hồn, không có gì gọi là vui vẻ hớn hở sau một tuần làm việc nặng nhọc. Rồi đi dự lễ tại nhà thờ Pháp thì không hấp thụ được gì vì bất đồng ngôn ngữ, không hiểu bài giảng và không hiểu những mục rao lúc cuối lễ! Thực là một sự chán nản cho người Công giáo Việt-Nam, (Jean Vanmai).

Vì ngôn ngữ, vì văn hoá, vì tình đồng bào, vì là Công giáo Việt-Nam nên có một nhà thờ cho người Việt Nam vẫn tốt hơn là cảnh đoàn chiên không chủ chăn.

Trong gần hai tháng tìm đất, mọi người hầu như ngã lòng! Rồi đùng một cái, một ngày kia, cha Tôn được Đức Giám mục mời lên, tỏ ý nhường cho cộng đồng công giáo Việt Nam một khu đất tại đường 2 ème Vallée du Tir, nhưng với điều kiện là phải điều đình với cha Paul Bichon, bấy giờ là cha xứ của xứ Bon Pasteur, người làm chủ đất ấy và chính quyền tỉnh Nouméa. Lý do phải điều đình với hai khía cạnh đó là vì khu đất ấy (tức là khu đất hiện tại của chúng ta bây giờ) chính phủ đã nhường cho nhà thờ Bon Pasteur để xây một thánh đường kính thánh Pierre Chanel, vị Tử đạo đầu tiên tại Thái Bình Dương, thuộc Dòng Mariste (Đức Mẹ Maria).

Sau một thời gian quây quần bên nhau tại nhà thờ Chính Toà Nouméa để sống đạo, cha Tôn và toàn cộng đồng công giáo Việt-Nam chuyển về “nhờ” nhà thờ Bon Pasteur vì có rất nhiều người công giáo Việt-Nam làm việc tại lò nấu Nikel, và một số đông người ở Vallée du Tir. Nhà thờ Bon Pasteur lúc đó tọa lạc trên mảnh đất gần trường học Marie Jeanne Vouchey bây giờ. Từ thời điểm đó, ý định xây nhà thờ cho người Việt Nam tại Vallée du Tir nẩy mầm.

Cuộc gặp gỡ giữa ba cha: cha Clément, cha Tôn và cha Bichon, cũng không có gì gọi là cản trở lớn nhưng lại rất hóc búa về phía chính quyền, vì chính quyền Pháp hướng về phần đời nhiều hơn là phần đạo. Sau những ngày đi lại bàn bạc với chính quyền tại Nouméa, thì ngày 02-12-1954, chính quyền Nouméa chấp nhận.

Thế là bước đầu, và cũng có thể nói bước khó khăn nhất đã trải qua.

Cha Giuse Tôn đã áp dụng cách triệt để câu ca-dao:

“Làm nhà phải cất liền tay,
Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”.

cgtd-03Và việc xây cất nhà thờ được bắt đầu ngay kẻo nguội! Ngày 19-12-1954, người ta bỡ ngỡ khi nhìn thấy người Việt lũ lượt tiến về phía đường 2 ème Vallée du Tir. Trên một mảnh đất, người ta thấy kẻ đào người xới, kẻ vác người khuân, chen lẫn tiếng hát vang trời của các em nhỏ, không phải là đào một mỏ gì gì đó mà là ai nấy đang vui vẻ hớn hở bắt tay vào việc xây nhà thờ.

Tưởng cũng nên nói qua về miếng đất hiện tại của họ giáo Kitô Vua chúng ta. Miếng đất này trước kia là một nghĩa trang. Hiện giờ, bên vệ đường, phía bên phải tượng thánh Giuse, gần sát tường của hội trường, còn một vài di-tích của nghĩa trang cũ. Vì xưa kia là một nghĩa trang nên đất thường hay bị lún theo thời gian, do đó chúng ta thấy bức tường của nhà thờ hiện tại đang bị nứt.

cgtd-04Cuộc xây cất nhà thờ do cha Giuse Tôn khởi xướng được tiến hành mau lẹ và đều hòa. Và ngày 10-04-1955 Đức Giám Mục Địa Phận về làm phép.

Tuy nhiên cũng có một sự bất mãn nảy ra nơi các cha Dòng Mariste vì nhà thờ dành cho người công giáo Việt Nam qúa gần nhà thờ Bon Pasteur, Vallée du Tir. Cha Lemaire Bề Trên Tỉnh Dòng Mariste có mặt trong buổi lễ làm phép nhà thờ nói: “Tôi mà đến sớm, nhất định không có ngày hôm nay...”. Rồi tờ báo La Raison chỉ trích: “Từ nay phải gọi đường 2 ème Vallée du Tir là 2 ème vallée des églises”.

Nhà thờ bắt đầu mở cửa, thì nhà xứ và hội trường cũng bắt đầu khởi công. Hai ngôi nhà này cũng bắt đầu mở cửa vào cuối tháng 12 năm 1955. Lúc đó, nhà thờ chỉ được dựng lên bằng gỗ vì điều kiện: nhà thờ này được duy trì bảo tồn cho tới khi nào bị hư hỏng hoàn toàn và người Việt Nam sẽ không còn phép xây nhà thờ nào khác thay cho nhà thờ gỗ này. Đồng thời, hội trường lúc đó cũng được dựng lên bằng gỗ, duy chỉ có nhà xứ là được xây bằng xi-măng vững chắc như chúng ta thấy ngày hôm nay. 

cgtd-05Trung tâm Công Giáo Việt Nam coi như là đã tạm có một nền móng vững chắc với ba ngôi nhà quan trọng nhất: nhà thờ, nhà xứ và nhà hội. Tuy nhiên, đối với sự hăng say của cha Tôn trong việc mở mang Nước Trời và rao giảng Tin Mừng, trung tâm còn thiếu một yếu tố quan trọng khác, đó là khía cạnh trí-dục để phát triển văn-hoá Việt Nam.

Ngày 20-03-1956, cha Tôn đệ đơn lên chính phủ xin mở trường học nhưng bị bác bỏ.

Cha Tôn không nản chí, ngài cố gắng tìm cách duy trì tiếng Việt Nam. Ngày 04-06-1956, ngài lại xin ra một nguyệt-san bằng tiếng Việt, dưới nhan đề: “Đường Hạnh Phúc”, nhưng cũng bị từ chối!

cgtd-06Quyết không nản chí, ngài tự viết ra những trang huấn luyện không tên, khi thì đề cập tới vấn đề này, lúc thì đề cập tới vấn đề kia... Ngài làm như vậy với mục đích là để nâng cao văn-hóa và phong-hoá trong cộng đồng người Việt Nam. Toàn nội-dung của những trang đó ra sao thì không được rõ nhưng ngài “mới ra được 5 số, thì bị bọn người nặng đầu óc báo rượu lậu xuyên tạc và tố giác, ngài đành phải bỏ!”

Năm 1958, một phái đoàn Việt Nam về Saigon dự lễ Quốc-khánh. Phái đoàn được chính phủ Saigon tiếp đón nồng hậu và phái đoàn cũng nhân dịp đó xin giúp mở trường học Việt ngữ bên Nouméa. Mọi người đều mong đợi ngày khai trương trường học Việt ngữ, nhưng có lẽ vì hoàn cảnh với nhiều éo-le, dự-án mở trường học Việt ngữ không thành công.

Cha Tôn không thể đứng dậm chân tại chỗ mãi được. Ngài bèn quay qua khía cạnh rất quan trọng khác. Đó là thể dục hầu tạo nên những cơ hội giải trí cho thể xác được lành mạnh, từ đó tâm hồn mới được thoải mái, nếp sống đạo mới vui tươi hơn, trung tâm sẽ sầm-uất hơn...

Sân vận động thánh Giuse

Vì khu đất nhà xứ qúa nhỏ, các em không có chỗ chơi. Trong các trẻ em đến nhà thờ đọc kinh chiều, có nhiều đứa ngứa chân qúa, vớ lấy qủa bóng đá ngang đá dọc và hậu qủa là tường nhà thờ bị thủng lỗ, kính cửa nhà thờ bị vỡ! Đương nhiên các anh hùng tí hon ngứa chân đó bị quở phạt, và đôi khi, dù không xin, còn được hưởng vài cái bợp tai nảy đom đóm!

Trước cảnh đó, cha Tôn phải suy nghĩ và cố tìm ra một giải pháp. Bên cạnh nhà thờ có một mảnh đất nhỏ, tạm chơi bóng chuyền được. Nhưng bóng chuyền thì chỉ có thể chơi được một số người, còn những trẻ lún-phún thì vẫn thất nghiệp!

Sau một thời gian suy nghĩ, cha Tôn bèn liên lạc với cha Paul Bichon, cha xứ của nhà thờ Bon Pasteur, để điều đình xin cho các em có thể chơi trên miếng đất nhỏ nằm ngay dưới nhà thờ Kitô Vua. Cha Paul Bichon chấp thuận và chính cha Bichon đi vào sở nikel xin giúp đỡ người Việt một tay để miếng đất đó trở thành sân chơi cho trẻ em.

Thế là các trẻ lún-phún đã có chỗ chơi, bây giờ đến lượt đội túc cầu của họ giáo! Lo cho các nhóm nhí xong thì phải lo cho các anh chị dài tay dài cẳng hơn. Họ mang trong người một khí huyết hăng-nồng, nhựa sống tràn-ngập, nếu không có chỗ cho họ khuây khoả, giải trí, thì rất có hại cho đời sống đạo-đức và tinh-thần của họ.

Và Chúa đã an bài cho cộng đồng công giáo Việt Nam. Ngày 6-6-1962, cha Tôn được hai ông bà ngoan đạo kia đến mách cho ngài là có một miếng đất khá lớn tại Dumbéa và có thể mua và biến mảnh đất đó thành sân vận động, có chỗ giải trí cho mọi người dù hơi xa đối với Nouméa. Sau mấy tháng suy nghĩ, qua ba phiên họp và bàn cãi tới bàn cãi lui. Sau cùng, một giải quyết được chấp nhận: một người trong công đồng Công Giáo Việt Nam đứng tên mua để biến nó thành “sân vận động” theo như dự án. Miếng đất lớn 2 hectares 12 ares, ngay cạnh suối Dumbea. Các thủ tục giấy tờ xong đâu vào đó là vào tháng 10 năm 1962.

Ngày 1-1-1963, tất cả cộng đồng công giáo Việt Nam vào “sân vân động” mổ bò ăn mừng, dù hãy còn là rừng xanh.

Sau ngày ăn mừng, mọi người đều bắt tay vào việc để có “sân vận động”. Cha Tôn, trước khi đi dưỡng bệnh tại Úc, đã cố gắng kêu gọi mọi người hăng say bắt tay vào việc dù ai đó có đến phá hoặc gièm-pha. Mọi người, nam phụ lão ấu, đều hăng say làm việc tùy theo khả năng của mỗi người, kẻ thì trồng chuối, kẻ thì lo làm hàng rào, kẻ thì lo phát cỏ, vun cây... Người công giáo Việt-Nam nói riêng và cộng đồng Việt-Nam nói chung, vì cũng có nhiều anh chị em không công giáo cũng phụ giúp làm việc chung vì tình thân hữu, đã đổ ra bao nhiêu là mồ hôi nước mắt, công lao để gây dựng lên “sân vận động”.

Ngày 1-5-1963, ngày kính thánh Giuse Thợ và cũng là ngày Quốc-tế Lao-động, “Sân vận động” được khai-trương rất là linh đình, được bắt đầu bởi hai ban: “khánh tiết” (lo việc trang hoàng lễ nghi...) và ban “ám sát” (giết gà mổ lợn và lo về thực phẩm). Thánh lễ trọng thể đã được dâng lần đầu tiên tại “sân vận động” và đã chọn thánh Giuse làm quan thầy, vì vậy chúng ta mới có tên là sân vận động thánh Giuse. Sau thánh lễ là ăn uống vui chơi khai trương sân vận động.

Vì mang tên Giuse, nên cha Tôn và mọi người nghĩ là cần phải có tượng thánh Giuse tại sân vận động. Một quyết định đã được đưa ra: xây một đài và trên đó đặt tượng thánh Giuse để muôn thủa đây là di-tích của người Việt-Nam tại Tân Đảo với bao nhiêu là khó nhọc đã phải gánh vác. Ngày 18-05-1963 là ngày khởi công xây đài thánh Giuse. Những ai đã tham dự việc xây đài thì còn nhớ những thùng nước, những hòn đá bự nệ-khệ bưng từ dòng suối Dumbéa lên tới bờ là 10 mét, rồi tới chỗ xây đài là 120 mét !!! Đài được xây cao và có tượng thánh Giuse bằng đồng cao 1m40 uy nghi trên đài.

Đài được xây lên rất là vững chắc để in dấu người Việt-Nam trên xứ này, với hy-vọng lưu danh muôn thủa: “Cọp chết để da, ta chết để tiếng”. Trong giữa đài có một chai thủy tinh và trong chai đó cha Tôn có viết lại bằng tiếng Pháp những biến cố lịch sử của người Việt Nam tại Tân đảo.

cgtd-07Sân vận động và đài thánh Giuse được chính thức khánh thành ngày 1-5-1964. Thực là một đại lễ cho người Việt Nam công giáo nói riêng và cho tất cả người Việt Nam tại Tân đảo nói chung. Đức Cha Pierre Martin tới dâng lễ, khánh thành sân vận động và làm phép đài thánh Giuse.

Theo như lời cha Tôn viết lại, “Sân vận động Giuse” và đồ đạc tại đó thuộc về quyền sở hữu của Việt kiều Công giáo, nhưng dùng để làm nơi giải trí, gặp gỡ giữa Nam Bắc... là của chung mọi người. Thực vậy, riêng với người Việt-Nam công giáo, sân vận động suối Dumbéa còn là nơi bày tỏ Đức tin, nếu chúng ta nhìn lại cái tên bất hủ: “Sân vận động thánh Giuse”, với pho tượng bằng đồng uy nghi trên đài. Hằng năm, cứ đến ngày 19-3- và ngày 1-5, giáo dân xứ Tân Việt Kitô Vua tụ họp tại đó để mừng kính Thánh Cả Giuse.

cgtd-08Nhưng than ôi, ngày mổ bò ăn mừng ngày 1-1-1963 cũng là ngày mở đầu cho một biến cố đau thương đang đợi mọi người vì lòng bất trung của con người. Cũng vì lòng bất trung của loài người mà Chúa Giêsu đã phải chết nhục nhã trên thập gía. Trong Thánh Kinh, từ trang đầu tới trang cuối, Thiên Chúa luôn luôn nhắc nhở loài người hai chữ trung-thành. Trung-thành trong khoảng khắc thì hầu như ai cũng có thể chứng minh ý chí của họ nhưng trung-thành trường-kỳ mới là quan trọng và khó khăn. Tại sao ? Thưa: vì phải trải qua nhiều thử thách và sự thử thách lớn nhất lại chính là lòng hay thay đổi của con người !

Thời gian qua đi, và bất thình lình, một ngày kia, “Sân vận động Giuse” đã bị bán và người bán (cũng là chủ đất trên giấy tờ hồi mua đất) đã bán cho một nhóm đạo rối (Missions Adventistes de France). Đất đã bán đi thì tất cả những gì trên mảnh đất đó không còn thuộc về mình nữa. Mồ hôi nước mắt của người Việt Nam đã đổ ra trên mảnh đất đó cũng coi như là bị bán đứng. Di tích của người Việt Nam mà cha Tôn nghĩ là có thể tồn tại được nay cũng không còn huống hồ là đài và tượng thánh Giuse.

Vì than tiếc và vì nghĩ lại di tích của qúa khứ, ban Chấp Hành Giáo xứ Kitô Vua, năm 1987, đã phải mua lại tượng thánh Giuse dù tượng thánh Giuse là của mình và phải làm giấy tờ notaire đàng hoàng.

Ngày 06-7-1987, ngày đau đớn cho cộng đồng công giáo Việt Nam tại Nouméa.

Sáng ngày 6-7-1987, cha Quý, ban Chấp Hành Giáo Xứ và một số giáo dân vào sân vận động Giuse với các máy móc và xe cần cẩu để rỡ đài và đưa tượng thánh Giuse về nhà thờ Kitô Vua. Sau khi đưa tượng thánh Giuse xuống thì tìm thấy cái chai thủy tinh trắng mà cha Tôn đã chôn trong đài với một gói giấy trắng nhỏ nằm trong cái chai và đã được đập ra trước mặt mọi người, cha Quý mở gói giấy nhỏ đó ra thì vỏn vẹn chỉ có hai trang giấy cha Tôn viết qua lại đời sống của ngài trên Tân đảo, qua về lịch sử người Việt Nam công giáo tại Nouméa và công cuộc gây dựng lên sân vận động Giuse, cũng như việc xây đài.

cgtd-09Ngày 5-5-1963, đài thánh Giuse được xây lên. Sau 24 năm, tức ngày 6-7-1987 đài thánh Giuse bị phá vỡ trong nước mắt ! Tượng thánh Giuse đã không còn chỗ đứng, phải tìm một nơi nào đó cho xứng đáng. Sau cùng, ban Chấp Hành đã xây lại đài và đặt tượng thánh Giuse trên đài hiện giờ tại ngay sân của nhà thờ họ giáo Kitô Vua. Đài mới và tượng thánh Giuse được đức Tổng Giám Mục Michel Calvet làm phép ngày 1-5-1988.

Sau một thời kỳ cha Giuse Nguyễn Duy Tôn dưỡng bịnh tại Paita (Sanatorium và tại trung tâm thánh Têrêsa, nhà các thầy Dòng Maristes), tháng 11 năm 1967, cha Giuse Nguyễn Duy Tôn về Việt Nam dưỡng bịnh và qua đời tại Saigon, cuối tháng 5 năm 1975.

Cha Giuse Nguyễn Duy Tôn đã để lại trong tâm hồn người công giáo Việt Nam tại Tân đảo một hình ảnh: người thợ không biết mệt xây dựng lên họ giáo Kitô Vua tại Tân đảo và cũng nhờ ngài mà một số người Việt Nam tại Nouméa hiểu “thiên đàng trần thế” là gì. Những ai đã lớn lên và sống đạo “thời cha Tôn” thì không bao giờ quên công ơn ngài.

cgtd-10Trong thời gian phục vụ cho người công giáo Việt Nam tại tân đảo, cha Giuse Nguyễn Duy Tôn đã thành công hai khía cạnh « Đức Dục » và « Thể Dục », như người ta thường nói: sinh ra ở đời phải phát triển ba khía cạnh: đức dục, trí dục và thể dục.

Về đức dục, ngài đã gây dựng lên họ giáo Kitô Vua mà năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm. Cha Giuse Tôn đã họa theo lời của Đức Giám mục Fénélon (Pháp): “Người thiếu đức dục tức là người thiếu tư cách làm người”.

Do đó, làm người phải có đức. Người không có đức coi thường tư cách làm người nơi mình, đồng thời cũng coi nhẹ tư cách làm người của kẻ khác.

Về thể dục thì ngài đã tạo nên được sân vận động Giuse. Tuy thể dục không quan hệ cho tư cách làm người, nhưng chính thể dục đã nâng đỡ và đề cao tư cách làm người. Thiếu thể dục nâng đỡ, đời sống tinh thần vật chất con người sẽ bị suy giảm, nếu không phải là sụp đổ. “Một linh hồn lành mạnh trong một thân thể cường tráng” là một câu Phúc-âm của đời sống và sự tiến bộ của con người.

cgtd-11Riêng về khía cạnh trí dục, thì cha Giuse Tôn không thành công vì ngài có xin phép mở trường học nhưng chính phủ không cho phép vì hoàn cảnh thời đó. Mặt khác, ngài cũng không thành công nhiều về vấn đề tạo dựng đoàn kết giữa những người công giáo Việt Nam trong một công đồng.

Các vị Chủ tịch Hội Đồng Mục-Vụ thời cha Giuse Nguyễn Duy Tôn:

Ông Chu văn Ngọc
Ông Lai văn Châu
Ông Tống mạnh Quang
Ông Lã đình Hảo
Ông Phạm văn Thục

Linh mục Dominicô Đinh Công Uẩn (1966 – 1975)

cgtd-12Năm 1966, cha Đinh Công Uẩn từ Saigon sang Nouméa thay thế cha Giuse Nguyễn Duy Tôn phục vụ cộng đồng công giáo Việt Nam. Đời sống đạo của cộng đồng vẫn tiếp tục với các hội đoàn đã được thành lập thời cha Giuse Tôn.

cgtd-13Cơ sở đã có sẵn nhưng bảo trì là một sự cần thiết. Năm 1967, nhà hội bị mục nát. Thấy cần phải tiếp tục duy-trì, cha Giuse Uẩn đã kêu gọi các tín hữu để cùng nhau sửa chữa lại nhà hội để có nơi hội-họp, nơi ăn tiệc, có chỗ tổ chức văn nghệ khang trang hơn. Sau những cuộc bàn tính, cha Uẩn và Ban Chấp Hành đã quyết định xây lại nhà hội mà chúng ta hiện có bây giờ, ngoại trừ sân khấu vừa mới được sửa chữa lại để mừng kỷ niệm 40 năm thành lập họ giáo Kitô Vua.

Cha Giuse Đinh Công Uẩn sống giữa các tín hữu và phục vụ cộng đồng Kitô Vua cho tới thánh 9 năm 1975 thì ngài hết nhiệm kỳ và ngài rời Nouméa.

cgtd-14Sau khi cha Đôminicô Uẩn rời Nouméa, cộng đồng công giáo Việt Nam Kitô Vua không có linh mục Việt Nam hướng dẫn. May thay, lúc đó có một số linh mục thuộc Hội Thừa Sai Ba-lê (MEP) vừa mới bị chính quyền cộng sản Việt Nam trục xuất ra khỏi Việt-Nam, tới Nouméa. Lợi dụng dịp này, Đức Tổng Giám Mục Eugène Klein cử cha Denys Cuenot (Hội thừa sai MEP) tới giúp đỡ cộng đồng công giáo Việt Nam vì ngài nói được tiếng Việt Nam.

Các vị Chủ tịch Hội Đồng Mục-Vụ thời cha Dominicô Đinh Công Uẩn:

Ông Phạm văn Đề (1965-1967)
Ông Tạ văn Cạnh (1967-1970)
Ông Nguyễn văn Dần (1970-1973)
Ông Phạm văn Tóan (1973-1975)

Linh mục Lucas Phạm Quốc Sử (1976 – 1984)

Vào đầu năm 1976, cha Lucas Phạm Quốc Sử từ Rôma tới Nouméa và được Đức Tổng Giám Mục Eugène Klein đặt làm linh mục quản nhiệm của cộng đồng công giáo Việt-Nam.

Với sự hiện của một linh-mục Việt-Nam, các tín hữu thấy phấn khởi hơn vì cùng ngôn ngữ, cùng chủng tộc nên dễ hiểu nhau hơn.

cgtd-15Đến với người công giáo Việt Nam tại Nouméa, cha Lucas Sử lo tiếp tục giúp các em học giáo lý và cố gắng mở lớp dậy tiếng Việt. Tiếp vào với các lớp học giáo lý, ngài tổ chức những lễ cho các em Rước Lễ lần đầu và bí-tích Thêm Sức có Đức Tổng Giám Mục Nouméa về. Đời sống cộng đồng cũng rất sầm-uất.

Nhà thờ họ giáo Kitô Vua lúc đó đã bắt đầu xiêu vẹo, nước mưa chẳng nể vì, cứ tự nhiên chảy vào như là chỗ không người ! Cha Lucas Sử đã nghĩ ngay đến việc tu-sửa lại nhà thờ.

Sửa chữa lại hay xây lại nhà thờ ? Theo như Địa Phận đã ấn định thì khi nào nhà thờ Kitô Vua của người Công giáo Việt Nam đổ nát sẽ không có nhà thờ nào khác được xây lên !

Thế nhưng các tín hữu và cha quản nhiệm Lucas Sử đã thuyết phục được Đức Tổng Giám Mục Địa-phận và nhà thờ cũ phá đi, nhà thờ mới được xây lên.

cgtd-16Nhà thờ mới được xây lên ngay vào chỗ nhà thờ cũ nhưng rộng hơn và Đức Cha Klein, Tổng Giám Mục Địa phận về đặt viên đá đầu tiên. Mọi người vui vẻ góp công góp của, bắt tay vào việc xây nhà thờ.

Ngày vui đã đến, ngày 22-4-1978, ngôi nhà thờ mới của người công giáo Việt-Nam được khánh thành trọng thể. Thế là từ đó, người công giáo Việt Nam có một nhà thờ vững chắc chứ không còn là tạm thời như trước.

Ngày 22-4-1978, ngày khánh thành nhà thờ mới

Trong những năm đầu, Cha Lucas Sử còn tổ chức những đại lễ Rước Lễ lần đầu và bí-tích Thêm Sức nhưng vì các xứ đạo tại Nouméa muốn tụ họp tất cả các em về xứ chính của các em để học giáo lý và chịu các phép bí-tích, hơn nữa các em đều thông thạo Pháp ngữ, thậm chí nói tiếng Pháp còn thạo hơn tiếng mẹ đẻ. Điều này cũng có phần “lỗ vốn” cho cộng đồng công giáo Việt-Nam vì như vậy đời sống cộng đồng bớt sầm-uất và loan báo cho một tương lai bấp bênh.

Nhà Thờ MớiKhoảng tháng 8 năm 1984 thì cha quản nhiệm Lucas Phạm Quốc Sử rời Nouméa. Nhà thờ Việt Nam không còn linh mục làm lễ cho giáo dân. Các cha người Pháp thay phiên nhau tới làm lễ; trên bàn thờ cha đọc tiếng Pháp, ở dưới giáo dân thưa bằng tiếng Việt. Mọi tổ chức trong cộng đồng thì do Hội Đồng Mục Vụ gánh vác.

Các vị Chủ tịch Hội Đồng Mục-Vụ từ thời cha Lucas Phạm Quốc Sử cho tới ngày nay:

Ông Phạm văn Hòa (1975-1981)
Ông Nguyễn văn Dần (1981-1984)
Ông Phạm văn Hòa (1984-1985)
Ông Nguyễn văn Phiến (1985-1987)
Ông Vũ đình Ất (1988.. ... )

Trong thời gian này, một vài thầy Dòng De La Salle được phép Bề Trên Dòng tới giúp đỡ họ giáo Kitô Vua. Dòng De La Salle cũng đã góp công rất nhiều cho sự sống còn của họ giáo Kitô Vua.

Tình thế cứ kéo dài như vậy cho tới đầu tháng 8 năm 1985 thì cứ chiều Chúa Nhật và các ngày lễ trọng thì LM. Phêrô Ngô Quang Qúy về dâng lễ cho cộng đồng.

cgtd-18Tới đầu năm 1987, Đức Tổng Giám Mục Michel Calvet cử cha Pierre Jeanningros (MEP) về phục vụ cho cộng đồng công giáo Việt Nam. Cha Pierre Jeanningros biết nói tiếng Việt vì trước kia ngài phục vụ tại Việt Nam lâu năm. Ngài sang Tân đảo để phục vụ cho Địa-phận. Tới lúc ngài thấy cần phải về hưu vì cao niên thì chính là lúc cộng đồng công giáo Việt Nam cần một linh mục để hướng dẫn cộng đồng.

Đời sống đạo của cộng đồng được tiếp tục với cha Pierre Jeanningros và ngài phục vụ cho cộng đồng 3 năm.

Ngày 14-5-1991, vì tuổi già và vì sức khoẻ, ngài xin rời cộng đồng và về hưu dưỡng tại Pháp, với gia đình của ngài.

Cha Pierre Jeanningros ra đi, cha Qúy từ Paita lại trở về dâng lễ cho cộng đồng vào các ngày Chúa-nhật và lễ trọng. Trước đó một thời gian, cha Giuse Ngô Duy Linh từ Hoa-kỳ sang thăm thân nhân tại Nouméa, thấy hoàn cảnh thiếu linh mục Việt Nam hướng dẫn cộng đồng, ngài đã suy nghĩ tìm cách giúp họ giáo Kitô Vua.

cgtd-19Ngày 1-6-1991, cha Giuse Ngô Duy Linh, dù rất nhiều việc vì ngài là một nhạc sĩ nổi tiếng của Giáo Hội việt Nam, đã quyết định sang Nouméa phục vụ cho cộng đồng công Giáo Việt Nam.

Ngày 20-7-1992, cha Giuse Linh rời Nouméa trở về Hoa-kỳ sau một năm sống giữa người Việt Nam tại Nouméa. Trong thời gian ngài phục vụ cho họ giáo Kitô Vua, ngài đã nỗ-lực, với hết khả năng của ngài, làm cho đời sống tinh thần của các tín hữu sống động hơn. Các ngày lễ Chúa-nhật, giáo dân đi lễ đông hơn, đời sống bắt đầu sầm uất hơn mặc dù không thể so sánh với qúa khứ vì các vị “chân đăng” đã từ từ ra đi về với Chúa.

Cha Giuse Linh ra đi, họ giáo Kitô Vua lại vắng bóng linh mục Việt Nam. Cha Qúy cứ lật đật từ Paita chạy tới lui với người Việt Nam. Trong lúc đó thì Đức Ông Philippe Trần Văn Hoài, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt làm chủ tịch văn phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại từ Rôma sang thăm cộng đồng công giáo Kitô Vua. Mọi người đều xin Đức Ông giúp tìm cho một linh mục Việt Nam tới với họ giáo Kitô Vua.

Một điểm quan trọng là nếu không có sự hiện của một linh mục Việt Nam tại họ giáo Kitô Vua, nhà thờ Việt Nam còn tồn tại được bao lâu nữa? Cùng với vị chủ chăn, các tín hữu cố gắng duy-trì nhà thờ họ giáo. Hơn nữa, nhà thờ Kitô Vua là di-tích lịch-sử đức-tin đầu tiên của người công giáo Việt Nam tại Tân đảo. Nếu nhà thờ Kitô Vua này không còn đứng vững thì cộng đồng công giáo Việt-Nam cũng dễ bị tan-rã và dễ trở thành mồi cho sói rừng! Do đó, mọi tín hữu công giáo Việt Nam, dù sinh trưởng tại Nouméa hoặc mới tới, đều phải có bổn phận gìn-giữ ngôi nhà thờ Kitô Vua.

cgtd-20Sau một thời gian ngắn, Đức Ông Philippe Trần Văn Hoài viết thư giới thiệu cha Stanislas Phạm Quí Hoà mà Đức Ông gặp trong trại tỵ-nạn ở Palawan, Philippines.

Sau khi làm tất cả các thủ-tục thường-trú, cha Stanislas Phạm Quí Hoà tới Nouméa ngày 20-1-1993 và từ đó ngài sống giữa cộng đồng và phục vụ cho cộng đồng công giáo Việt Nam cho tới ngày hôm nay.

cgtd-21Một biến cố quan trọng tại họ giáo Kitô Vua là Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nhân dịp Tổng Giáo Phận Nouméa kỷ niệm 150 năm Thánh Lễ đầu tiên được cử hành trên Tân đảo, từ Roma tới thăm cộng đồng công giáo Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng công giáo Việt Nam tại Nouméa đón tiếp một vị Giám Mục Việt Nam. Ngài tới và tạo nên một niềm vui cho mọi người. Với đức-tin, với niềm hy-vọng của ngài, ngài đã hâm nóng tình yêu thương giữa người với người, hâm nóng đức-tin giữa các tín hữu với Thiên Chúa.

Năm nay, 1995, họ giáo Kitô Vua kỷ niệm 40 năm được thành lập. Họ giáo Kitô Vua đã trải qua bao nhiêu là thăng-trầm, bao nhiêu là khó khăn từ bên ngoài đưa tới, hoặc ngay từ giữa cộng đoàn nẩy sinh ! Trước những thử thách lớn lao, nhất là trong gần mười năm qua, toàn Ban Hội Đồng Mục Vụ đã hết sức nỗ lực lèo-lái tình thế để cộng đồng luôn đứng vững và nếp sống đạo được tiếp tục.

Thiên Chúa đã soi-sáng và nâng đỡ các tín hữu, ngôi nhà thờ vẫn còn đó, mọi người vui vẻ gặp nhau tại nhà thờ để cùng nhau dâng lễ.

Bây giờ một câu hỏi được đặt ra: “Phải làm gì để tiếp tục gìn giữ ngôi nhà thờ Kitô Vua của chúng ta?” Ai cũng có thể trả lời cách nhanh chóng: “Tự ta, bằng mọi cách, cố gắng giữ lấy”, nhưng thực-thi câu trả lời của mình mới thấy là khó.

“Một cây làm chẳng lên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Một vài người cố gắng thì kết qủa sẽ không được tốt đẹp, nhưng nhiều người cùng cố gắng thì nhà thờ Kitô Vua của người công giáo Việt-Nam sẽ còn tồn tại lâu dài hơn, thế hệ mai sau sẽ hoan nghênh những nỗ-lực, hy-sinh của tổ tiên.

Lạy Chúa, xin hãy luôn nâng đỡ chúng con trong tình thương của Chúa. Xin kết hợp chúng con nên một để duy trì kho báu mà Chúa đã dành riêng cho người Việt chúng con.

Lm. Phêrô Ngô Quang Quý


Tài liệu tham khảo:

* Le Mémorial Calédonien, Vol. 6. PP.159-190
* Lão Làng (1974), JM. Nguyễn Duy Tôn, trang 84
* Sân Vận Động Thánh Giuse (1963), JM.Nguyễn Duy Tôn
* Tài liệu trong chai thủy tinh đã được chôn trong đài thánh Giuse tại Sân Vận Động
* Hồ-sơ tại Tòa Tổng Giám Mục Nouméa gồm các thư từ và sổ Rửa-tội
* Những lời thuật lại của các ông bà “chân đăng”
* Centenaire de la présence viêtnamienne en Nouvelle Calédonie 1891-1991, Jean Vanmai, Ctrdp
* Bulletin “Aí Hữu Việt Nam”, Nouvelle Calédonie, Centenaire 1891-1991.
* Les Vietnamiens en Nouvelle Calédonie. Aí Hữu Việt Nam, Spécial Souvenir, 4-10-1986.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch