Trong các ngày từ 31 tháng 5 đến mùng 4 tháng 6 Phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh đã nhóm đại hội tại Roma nhân kỷ niệm 50 năm thành lập.

Đã có 30.000 thành viên đến từ 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có 600 linh mục, 50 Hồng Y và Giám Mục. Trong các ngày đại hội đã có nhiều sinh hoạt khác nhau gồm các buổi thuyết trình, gặp gỡ, cầu nguyện, thánh lễ được cử hành tại nhiều vương cung thánh đường khác nhau trọng thành phố Roma. Đặc biệt đã có buổi canh thức cầu nguyện đại kết với ĐTC Phanxicô tại trường đua ngựa cổ Circo Massimo thời đế quốc Roma, và thánh lễ kính Chúa Thánh Thần hiện xuống do ĐTC Phanxicô chủ sự trước thềm đền thờ thánh Phêrô sáng Chúa Nhật mùng 4 tháng 6. Tham dự buổi canh thức cầu nguyện cũng có 5.000 thành viên phong trào Pentecostal của Giáo Hội tin lành. Bà Michelle Moran, Chủ tịch Phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh công giáo, cho biết những người nghèo và vô gia cư cũng có một chỗ đặc biệt trong buổi canh thức này.

Phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh nảy sinh tại đại học Duquesne ở Pittsburg tiểu bang Pensylvania bên Hoa Kỳ. Trong một cuối tuần tĩnh tâm của các sinh viên  hồi tháng 2 năm 1967 các sinh viên đã cùng nhau cầu nguyện lâu giờ xin Chúa cho họ được sống kinh nghiệm mới của ơn thánh rửa tội và thêm sức. Và ngày hôm đó họ đã sống một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa là Đấng đã thay đổi con tim của họ, và kinh nghiệm này đã trở thành biến cố “Rửa Tội trong Thánh Linh”.

Kinh nghiệm canh tân đặc sủng thánh linh đã  mau chóng lan nhanh trong các giáo xứ và các cơ cấu khác của Giáo Hội bên Hoa Kỳ, rồi lan tràn khắp nơi trên thế giới. Đã có các tổ chức và mạng lưới độc lập được thành hình. Các thành viên bắt đầu tổ chức các buổi diễn thuyết canh tân đặc sủng thánh linh công giáo, quy tụ hơn 30.000 người trong đại học Đức Bà ở South Bend Indianana giữa thập niên 1970. Phong trào đã được ĐHY Leo Joseph Suenens cố TGM Bruxelles bên Bỉ, đẩy mạnh qua các sách vở và tài liệu hướng dẫn, trình bầy tinh thần và cung cách huấn luyện, tổ chức.

** Sự kiện Phong trào lan tràn và hoạt động mạnh mẽ đã lôi kéo sự chú ý của Giáo Hội và các vị lãnh đạo. Và giới lãnh đạo phong trào đã gặp ĐGH Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhiều lần. Ngoài ra các  HĐGM của nhiều quốc gia đã công bố các thư mục tử khích lệ và ủng hộ phong trào. Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh không phải là một trong trào công giáo thống nhất trên toàn thế giới. Nó đã không có một vị sáng lập duy nhất hay các nhóm sáng lập như các phong trào khác. Nó cũng không có danh sách các thành viên. Nó là một tập họp của nhiều cá nhân, các nhóm và  hoạt động. Nó lôi cuốn các cộng đoàn Giao ước, các nhóm cầu nguyện, các nhóm hiệp thông đức tin nhỏ, các giáo xứ được canh tân. Phong trào tổ chức các đại hội, các buổi tĩnh tâm và tham gia vào nhiều công tác tông đồ và sứ vụ khác nhau, thường khi độc lập với nhau, trên các bình diện khác nhau với các phương pháp phát triển khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các kiều diễn tả này đều chia sẻ cùng kinh nghiệm nền tảng và bao gồm các mục tiêu chung.

Kinh nghiệm chung của phong trào là biến cố “Rửa tội trong Thánh Linh”. Đối với nhiều người kinh nghiệm nhận được tràn đầy Chúa Thánh Thần mạnh mẽ biến đổi xảy ra trong khung cảnh của một cuộc hội học được ý thức một cách chuyên biệt gọi là “Cuộc sống trong Thánh Linh”, mặc dù rất nhiều người được “rửa tội trong Thần Khí” ngoài khung cảnh của khóa học.

Phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh công giáo hiện hoạt động tại 238 quốc gia trên thế giới, và liên quan tới cuộc sống của 120 triệu thành viên.  Trong các năm qua tại một số nước số thành viên giảm sút, trong khi tại nhiều nước khác lại có thêm rất nhiều người gia nhập.

Bà Michelle Moran, chủ tịch Phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh công giáo, cho biết phong trào nảy sinh như là hoa trái của Công Đông Chung Vaticăng II nên đã luôn luôn có chỗ trong tim của Giáo Hội. Chúng tôi đã cần học hiểu ơn thánh  của việc canh tân đặc sủng trong các thời gian sau Công Đồng, và cần có thời gian để chu toàn lộ trình ấy với sự yểm trợ của các Giáo Hoàng. Chúng tôi đã có các liên lạc đặc biệt với từng vị. Chúng tôi chờ đợi một việc đổ tràn đầy mới Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội, trên thế giới, và cả vài kinh ngạc nữa. Chúng tôi sẵn sàng phục vụ Giáo Hội và cũng để trợ giúp việc canh tân và cải cách mà ĐTC Phanxicô đã bắt đầu, cũng như để phổ biến nền văn hoá của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, bởi vì Thần Khí làm cho mọi sự nên vĩ đại.

** Ông Salvatore Martinez, chủ tịch Phong trào canh tân Italia, cho rằng đây là một dịp lớn giúp ghi dấu việc đại kết tinh thần như lý do thời sự và lớn lao nhất của sự hoà giải giữa các truyền thống kitô khác nhau. Sự kiện ĐTC Phanxicô muốn tổ chức một buổi canh thức không phải chỉ là một kiểu cử hành phong trào canh tân trong 50 năm qua, nhưng là để cử hành Chúa Thánh Thần là lý do của hiệp nhất, niềm vui và hoà giải. Có biết bao thách đố mà Phong trào được mời gọi  phải đương đầu, trước hết là sự hiệp nhất trong khác biệt, nhưng cũng có các vấn đề cấp bách liên quan tới các gia đình, người trẻ. Nhưng phần đóng góp mà Phong trào đã thực hiện trong 50 năm qua được đo lường bởi việc rao truyền Tin Mừng và truyền giáo. Nói cho cùng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là biến cố bùng nổ khai nguyên của cuộc sống đặc sủng và nó không gì khác hơn là nhiệm vụ đặc biệt mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các tông đồ: “Các con hãy ra đi đạy dỗ muôn dân nước rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Việc rao truyền Tin Mừng được Thần Khí hướng dẫn trong mọi môi trường cuộc sống, trong mọi phần đất truyền giáo. Chúa Thánh Thần như tác nhân ban tặng cho chúng ta mỗi ngày các kinh ngạc như thiện ích chung. Vì thế trong thời đại lạc lối nghiêm trọng này, ai biết trao ban một ý nghĩa cho lịch sử và chứng tá thì nắm các chià khoá tương lại trong tay. Canh tân là một trách nhiệm lớn.

Các Giáo Hoàng như Đức Phaolô VI và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng về Phong trào. Giáo huấn của các vị đã trao ban ánh sáng và sức mạnh cho phong trào. Uỷ ban lãnh đạo Phong trào đã cho in ấn các giáo huấn này trong cuốn sách tựa đề “Và Phêrô đứng lên…” Tuyển tập diễn văn của các Giáo Hoàng nói với Phong trào từ ban đầu cho tới năm 2000. Với cuốn sách là phần bổ túc bao gồm mọi diễn văn từ năm 2000 cho tới ngày nay.

Ngày mùng 10 tháng 10 năm 1973 trong đại hội quốc tế lần đầu tiên của các vị lãnh đạo phong trào tại Grottaferrata, Đức Phaolô VI đã nói: “Làm sao việc canh tân tinh thần này lại không có thể là một cơ may cho Giáo Hội và thế giới? Và trong trường hợp đó làm sao chúng ta lại không góp phần vào với mọi giá để cho nó mãi mãi là như thế? Không có gì cần thiết hơn cho thế giới ngày càng bị tục hóa này cho bằng chứng tá của một việc canh tân tinh thần như thế, vì chúng ta trông thấy Chúa Thánh Thần hoạt động trong các vùng miền và môi trường khác biệt nhất. Các biểu hiện của Ngài thật đơn sơ: sự hiệp thông sâu xa giữa các linh hồn, việc tiếp xúc chặt chẽ với Thiên Chúa phù hợp với các lời hứa rửa tội, lời cầu nguyện thường là cầu nguyện cộng đoàn, trong đó mỗi người tự do diễn tả góp phần vào việc nâng đỡ và khích lệ lời cầu nguyện của các người khác, và ở nền tảng của tất cả những điều này là xác tín cá nhân. Suối nguồn của xác tín đó không chỉ là giáo huấn đã nhận được từ đức tin, mà cũng từ một kinh nghiệm của cuộc sống thực nào đó, có nghĩa là không có Thiên Chúa con người không thể làm được gì, rằng với Chúa trái lại mọi sự đều trở thành có thể”.

** Trong lần gặp gỡ đại hội quốc tế lần thứ hai tại Roma ngày 19 tháng 5 năm 1975 Đức Phaolô VI khẳng định: “Tôi xác tín rằng phong trào này là một dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần. thế giới rất cần hoạt động này của Chúa Thánh Thần, và cần có nhiều dụng cụ cho hoạt động ấy”.

Trong buổi tiếp kiến giới lãnh đạo Phong trào tại đại hội quốc tế lần thứ 4 ở Roma ngày mùng 7 tháng 5 năm 1981 Đức Gioan Phaolô II nói: “Tôi xin anh chị em và mọi thành viên Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh cùng với tôi tiếp tục la to lên với thế giới: Hãy mở cửa cho Đấng Cứu Độ… Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô cho thế giới. Và anh chị em tham dự vào  sứ mệnh đó một cách hữu hiệu trong mức độ, trong đó các nhóm và các cộng đoàn của anh chị em đâm rễ sâu trong các Giáo Hội địa phương, trong các giáo phận và giáo xứ của anh chị em”.

Ngày 30 tháng 4 năm 1984 ngỏ lời với các tham dự viên đại hội quốc tế lần thứ 5 tại Roma Đức Gioan Phaolô II nói: “Chiều kích đầu tiên của việc canh tân như thế hệ tại việc sống theo Thần Khí, bằng cách kháng cự lại các nịnh hót của xác thịt và rộng mở chính mình cho sự lôi cuốn mạnh mẽ và dịu dàng của Thiên Chúa. Việc canh tân nội tâm này, việc chữa lành chính các gốc rễ này của cuộc sống, việc đào tạo một tâm thức mới này được các lý lẽ của Thần Khí thống trị là ơn gọi của anh chị em, như là các kitô hữu, như là các người nam nữ, người trẻ và người lớn của thời đại chúng ta muốn làm chứng tá và khiến nở hoa trên thế giới,  ngày nay không chỉ kiểu sống tu đức, mà cũng là mẫu gương của nền văn minh mà chúng ta trông thấy xuất hiện trong sáng từ các điều luật sống của thánh Phaolô”.

Trong sứ điệp gửi các tham dự viên hội nghị quốc tế lần thứ 7  các huynh đoàn của các  hiệp hội canh tân đặc sủng giao ước ngày 9 tháng 11 năm 1996 tại Roma, Đức Gioan Phaolô II viết: “Phong trào canh tân đặc sủng công giáo là một trong biết bao hoa trái của Công Đồng Chung Vaticăng II, mà như là lễ Hiện Xuống mới, nó đã dấy lên trong cuộc sống Giáo Hội một việc nở hoa ngoại thường của các hiệp hội và phong trào, đặc biệt nhậy cảm đối với hoạt động của Thần Khí. Làm sao không cảm tạ vì các hoa trái tinh thần quý báu mà Phong trào đã làm nảy sinh ra trong cuộc sống Giáo Hội và cuộc sống của biết bao nhiêu người? Có biết bao nhiêu tín hữu nam nữ, giới trẻ, người lớn, người già đã có thể sống trong cuộc đời mình quyền năng ngoại thường của Thần Khí và các ơn của Ngài! Có biết bao nhiêu người đã tái khám phá ra đức tin, việc hưởng nếm lời cầu nguyện, sức mạnh và vẻ đẹp của Lời Chúa, bằng cách diễn tả tất cả những điều đó ra trong việc phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội! Có biết bao cuộc sống đã được biến đổi sâu rộng! Vì tất cả những điều đó, ngày hôm nay cùng với anh chị em tôi muốn chúc tụng và cảm tạ Chúa Thánh Thần”.

Linh Tiến Khải

Nguồn: vi.radiovaticana.va