imagesCAJAGO2TVATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 6-4-2011, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức 16 đã đề cao tấm gương của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu như mẫu gương của mọi tín hữu, đặc biệt là cho các nhà thần học.

Buổi tiếp kiến chung mở đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc ngắn trích từ thánh vịnh 144: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương”.

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã tiếp tục trình bày về các vị thánh đã ảnh hưởng đến nền thần học và tu đức của Giáo hội. Lần trước ngài đã nói về thánh Alphongsô Liguori, thánh tổ dòng Chúa Cứu Thế, và hôm qua, ngài nói về thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Tóm lược

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Con gái của hai chân phước Louis và Zélie Martin là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, sinh năm 1873 tại Pháp. Mới lên 4 tuổi, Têrêsa mồ côi mẹ, điều này gây tổn thương sâu xa cho thánh nữ. Têrêsa hoàn toàn được chữa lành và hoán cải vào lễ Giáng Sinh năm 1886, và trở thành nữ tu dòng kín Cát Minh năm 15 tuổi, trở thành hiền thê của Chúa Kitô, như chính thánh nữ đã nói, để “cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục”. Têrêsa đã trải qua những đau đớn về thể lý và tinh thần, kết hiệp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và trong một đức tin anh hùng cho tới khi qua đời năm 24 tuổi. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng là Tiến Sĩ Hội Thánh và là Bổn Mạng các xứ truyền giáo, ngài tự hiến hoàn toàn cho Đấng là Tình Yêu Thương Xót, và muốn trở thành tình yêu giữa lòng Giáo Hội. Tác phẩm của thánh nữ, “Chuyện một tâm hồn” là một cuốn chú giải sáng ngời về Tin Mừng được sống dưới ánh sáng khoa học tình yêu. Tình yêu có một Khuôn Mặt, một Danh Xưng, đó chính là Chúa Giêsu! Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi Tin Mừng, chính là Bí tích Tình Thương của Chúa. Tình yêu giống như hơi thở liên tục của linh hồn và nhịp đập con tim của thánh nữ Têrêsa. “Yêu là cho đi tất cả, là tự hiến thân mình”. Các bạn thân mến, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là vị hướng đạo cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho các nhà thần học. Vốn là một chuyên gia về khoa học tình yêu, thánh nữ dạy chúng ta rằng con đường nên thánh chính là hoàn toàn tín thác và yêu thương”.

Quảng diễn

Trước bài huấn dụ bằng tiếng Pháp trên đây, ĐTC đã quảng diễn dài hơn bằng tiếng Ý về cuộc sống và giáo huấn của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng. Ngài nói:

“Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu sinh ngày 2-1-1873 tại Alencon miền Normandie, con thứ 9 và cũng là con út của ông bà Louis và Zélie Martin, đôi vợ chồng và là cha mẹ gương mẫu, được phong chân phước chung với nhau ngày 19-10-2008. 4 người con qua đời và còn lại 5 người con gái, tất cả đều trở thành nữ tu. Sau khi bà Zélie qua đời, Ông Louis cùng với các con dọn đến Lisieux. Về sau Têrêsa bị bệnh nặng về thần kinh, nhưng được lành bệnh nhờ ơn Chúa, ơn mà thánh nữ gọi là “nụ cười của Đức Mẹ”.

imagesNăm 14 tuổi, Têrêsa ngày càng đến gần với với Chúa Giêsu chịu đóng đanh, và đặc biệt quan tâm đến trường hợp tuyệt vọng của một tử tội bị kết án tử hình mà không hoán cải. Têrêsa cầu nguyện để anh ta khỏi sa hỏa ngục. “Đó là kinh nghiệm đầu tiên và cơ bản của thánh nữ về tình mẫu tử thiêng liêng”.

Tháng 11 năm 1887, Têrêsa hành hương Roma cùng với thân phụ và chị Céline và trong cuộc tiếp kiến của Đức Lêô 13, Têrêsa xin phép ĐGH cho vào Đan viện Cát Minh ở Lisieux mặc dù mới gần được 15 tuổi. Một năm sau ước nguyện này được thành tựu. Nhưng đồng thời, bệnh tâm trí đau thương và tủi nhục của cha cũng bắt đầu. Chính sự đau khổ lớn lao ấy dẫn đưa Têrêsa đến chỗ chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người. Vì thế tên dòng của thánh nữ “Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh” diễn tả trọn vẹn chương trình sống của thánh nữ, trong niềm hiệp thông với các mầu nhiệm chủ yếu Nhập Thể và Cứu Chuộc. Lễ khấn dòng của thánh nữ vào ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ năm 1890 thực là một “hôn lễ thiêng liêng thực sự' đối với Têrêsa. Hôm đó, Têrêsa viết một kinh nguyện nói lên hướng đi cho cả cuộc đời: “Xin Chúa Giêsu ban hồng ân tình yêu vô biên của Ngài, được trở nên bé nhỏ nhất, và nhất là xin ơn cứu độ cho tất cả mọi người: ước gì không một linh hồn nào bị luận phạt ngày nay”.

ĐTC nói thêm rằng: Năm 1896, “Ơn Vượt Qua” được gửi đến cho Têrêsa, mở ra giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời thánh nữ, bắt đầu cuộc khổ nạn của Têrêsa: đó là một cuộc khổ nạn về thể xác, với bệnh tật dẫn thánh nữ đến cái chết qua những đau khổ lớn, nhưng hơn hết, đó là một cuộc khổ nạn của linh hồn, với một thử thách rất lớn về đức tin. Têrêsa sống đức tin anh hùng nhất, như ánh sáng trong tăm tối tràn ngập tâm hồn thánh nữ. Têrêsa ý thức mình đang sống thử thách lớn để cứu độ tất cả những người vô thần trong thế giới tân tiến, những người mà Têrêsa gọi là “anh em”. Thánh nữ càng sống khẩn trương hơn tình huynh đệ đối với các nữ tu trong cộng đoàn, đối với hai người anh tinh thần thừa sai, cũng như với các linh mục và đặc biệt là những người xa xăm nhất. Thánh nữ thực sự trở thành một “người chị đại đồng”.

Thánh nữ Têrêsa qua đời ngày 30-9-1897 miệng thốt lên câu “Lạy Chúa của con, con yêu mến Chúa!”, mặt chị nhìn cây Thánh Giá mà chị cầm chặt trong tay. Những lời cuối cùng ấy của thánh nữ chính là chìa khóa để hiểu toàn thể đạo lý, sự giải thích của thánh nữ về Tin Mừng. Cử chỉ yêu thương được biểu lộ trong hơi thở cuối cùng, như một nhịp thở liên tục của tâm hồn thánh nữ, như nhịp đập của tim”.

Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là tác giả cuốn “chuyện một tâm hồn” được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đọc trên toàn thế giới. Thánh nữ được phong thánh, rồi năm 1997, được Đức Gioan Phaolô 2 tôn làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

ĐTC nhận xét rằng thánh nữ Têrêsa thành Lisieux là vị hướng đạo cho mọi người, nhất là cho các nhà thần học, với lòng khiêm tốn và bác ái, đức tin và đức cậy. Thánh nữ Têrêsa liên tục đi vào trọng tâm của Kinh Thánh, bao trùm mầu nhiệm Chúa Kitô. Việc đọc Kinh Thánh như thế, được nuôi dưỡng bằng khoa học tình yêu, không hề đi ngược với khoa học nghiên cứu. Thực vậy, khoa học của các thánh là khoa học cao cả nhất”.

Chào thăm

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, ĐTC cũng đưa ra những lời khích lệ vắn tắt, như với các em học sinh trung học từ Pháp, ĐTC nói: “Các con đừng sợ noi gương thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu! Đời sống Kitô hệ tại sống trọn vẹn ơn bí tích rửa tội qua sự tận hiến cho tình yêu Chúa Cha, để, như Chúa Kitô, trong ngọn lửa của Chúa Thánh Linh, biểu lộ tình yêu của Chúa cho tha nhân”.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhiệt liệt chào thăm các tham dự viên hội nghị về bệnh Parkison cho Hàn lập viện Tòa Thánh bảo trợ. Ngài cũng nhắc đến một nhóm sĩ quan thuộc Học viện Quốc Phòng của khối Nato và chúc mừng họ vì công việc phục vụ quan trọng dành cho hòa bình. ĐTC chào thăm các LM từ Mỹ đang tham gia khóa thường huấn tại Học viện Bắc Mỹ, trong đó cũng có 2 LM Việt Nam đến từ San José California và New York.

Với đông đảo tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nhắc nhở rằng thánh nữ Têrêsa Hài Đồng mời gọi chúng ta đi vào “con đường nhỏ”: qua đó chúng ta tín thác rằng Chúa Kitô hoạt động trong chúng ta và chúng ta đáp lại qua tình yêu thương đối với tha nhân. Như thế, chúng ta có thể dành chỗ đứng cho hoạt động của Thiên Chúa trong trần thế.

Với các tín hữu nói tiếng Croát, ĐTC nhắc đến sự hiện diện đặc biệt của các cảnh sát và nhân viên bộ nội vụ của nước này. Ngài nhắn nhủ rằng: “Trong công tác cao quí là phục vụ tha nhân, anh chị em hãy theo Chúa Giêsu Đấng đã yêu thương anh chị em đến cùng và đã hiến mạng để chúng ta được sống”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm một nhóm đông đảo tín hữu có lòng sùng mộ và gắn bó đặc biệt với Đền Thánh Chúa Ba Ngôi ở Vallepietra. Ngài nhiệt liệt khích lệ họ tiếp tục bảo tồn sinh động truyền thống hành hương tại Đền thánh ấy. ĐTC cũng không quên chào thăm các sinh viên người Do thái và Palestine tham dự một khóa học do Văn phòng mục vụ đại học thuộc Tòa Giám Quản Roma tổ chức. Ngài khuyến khích họ luôn dấn thân làm chứng về tình huynh đệ và hòa bình. Với các bệnh nhân và các đôi tân hôn, ngài nói: “Anh chị em bệnh nhân quí mến, anh chị em hãy để cho Thánh Giá Chúa soi sáng hầu được vững mạnh trong thử thách. Và hỡi các đôi tân hôn, hãy chị em hãy biết ơn Chúa vì hồng ân gia đình: hãy luôn trông cậy nơi ơn phù trợ của Chúa, hãy biến cuộc sống của anh chị em thành một sứ mạng yêu thương chung thủy và quảng đại”.

G. Trần Đức Anh OP