Jesus_165_smallPhỏng vấn Linh Mục Xavier Tilliette, niên trưởng các triết gia âu châu

Ngày 23-7-2011 Linh Mục Xavier Tilliette, dòng Tên, người Pháp, niên trưởng các nhà tư tưởng âu châu, đã mừng sinh nhật thứ 90. Cha Xavier Tilliette là một triết gia, một nhà sử học và thần học gia nổi tiếng, tác giả của hơn 2.000 đề mục gồm sách, các bài khảo luận và bài báo đăng trên các nguyệt san thuộc các bộ môn kể trên.

Trong nhiều năm trời cha đã là giáo sư triết học tại Học viện công giáo Paris, đại học giáo hoàng Gregoriana, đại học Laterano và Trung tâm Sèvres ở Paris. Cha cũng là giáo sư được mời dậy học tại các đại học Lima, Santiago de Chile, Berlin, Bremen, Fribourg, Heidelberg, Hamburg, Muenchen, Bonn, Tuebingen, Torino, Ferrara, Urbino, Roma, Macerata, Napoli và Palermo.

Cha đã thắng giải Hàn Lâm viện Pháp 4 lần, và rất nhiều tác phẩm của cha đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Ý, Đức và Tây Ban Nha. Cha là thành viên Học viện nghiên cứu triết học Italia và Hàn lâm viện khoa học Bayern Muenchen và từ năm 2006 cha là thành viên Hàn lâm viện mỹ thuật quốc tế Rapallo.

Linh Mục Xavier Tilliette có nhiều thầy dậy, bạn đồng môn và sinh viên nổi tiếng, trong đó có các vị tên tuổi như: Hans Urs von Balthasar, Karl Rahner, Henri de Lubac, Gaston Fessard, Hans Georg Gadamaer, Juergen Habemas, Maurice Merleau Ponty, Jean Paul Sartre, Louis Bouyer, Jean Daniélou, Emmanuel Lévinas, Paul Ricoeur, Gabriel Marcel, Ambroise-Marie Carré, Yves Congar, Michel de Certeau, Stanislas Fumet, Maurice de Gandillac, Paul Doncoeur, Pierre Blet, Marcel Brion, Robert Bresson, Enrico Castelli Gattinara di Zubiena, Luigi Pareyson, Michel Henry, Claude Bruyaire, Jean Greisch, Francois Varillon, Albert Vanhoye, Jean-Luc Marion và Jean-Louis Vieillard-Baron.

Trong các nghiên cứu của mình linh mục Xavier Tilliette đã chú ý tới các tư tưởng gia lớn nhất âu châu, bắt đầu là Schelling. Nhưng nhân vật mà cha đã đối thoại thân tình hằng ngày, trình bầy và dậy bao thế hệ sinh viên tại Học viện công giáo Paris cũng như tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma đó là Đức Giêsu Kitô triết gia.

Trong số các sách viết về Đức Giêsu Kitô triết gia có cuốn ”Các triết gia trước Đức Kitô” năm 1989; ”Tuần thánh của các triết gia” năm 1992; ”Đức Kitô của những người không tin và các khảo luận của triết học kitô” năm 1994; ”Các nghiên cứu về trực giác trí thức từ Kant cho tới Hegel” năm 1995; ”Đức Kitô của triết học. Các tổng luận cho một kitô học triết lý” năm 1996. Bên cạnh đó là ”Đức Kitô của các triết gia” năm 1990; ”Các triết gia đọc Thánh Kinh” năm 2001; ”Ký ức về Đấng Vô Hình” năm 2001; ”Đức Giêsu lãng mạn” năm 2002; ”Giáo Hội của các triết gia từ Nicolas de Cuse cho tới Gabriel Marcel” năm 2006; ”Các triết lý thánh thể từ Descartes cho tới Blondel” năm 2006.

Từ nhiều năm nay cha Xavier Tilliette đã về hưu; ngài không tham dự các sinh hoạt trí thức nữa, nhưng dành thời giờ cho việc cầu nguyện và chiêm niệm.

Hỏi: Thưa Cha con muốn khởi hành từ ”nền kitô học triết lý”, là đề tài mà cha đã nhấn mạnh nhiều nhất trong các nghiên cứu của cha, và cha cũng là người đầu tiên đưa ra công thức này.

Đáp: Đức Kitô trong triết học là một khám phá của tôi. Có một Đức Kitô thần học chỉ có thể hiểu được với tất cả suy tư của triết học đi trước, với một sự cương quyết thật sự triết lý về sự hiện diện của Đức Kitô trong nền văn hóa cũng như trong triết học. Điều quan trọng đó là không lẫn lộn niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người, với Đức Kitô của nền văn hóa, là nhân vật lịch sử. Đức Kitô của triết học đã là một nhân vật của nền văn hóa. Từ một sự hiểu biết thực nghiệm, hầu như vật lý, ngẫu nhiên, người ta bước sang một sự hiện diện chắc chắn và mạnh mẽ trong triết học. Đó là khám phá của tôi: khám phá ra vai trò chính yếu của Chúa Kitô trong nền văn hóa nhân loại, và như thế nó hiện hữu trước triết lý.

Hỏi: Thưa cha, cha cũng đã soạn thảo ra một sự phân biệt cuối cùng nữa. Trước hết người ta đã chú ý tới các triết gia đã nghiên cứu gương mặt của Đức Kitô, cả khi họ không phải là các kitô hữu, mà không dẫn chứng lòng tin, nhưng chỉ từ quan điểm hoàn toàn văn hóa. Đây là điều hết sức quan trọng và trước đây đã không có ai làm điều này, nhưng rồi cha cũng đã cho thấy có một nền kitô học triết học tìm thấy triết gia nơi chính Đức Kitô, có đúng thế không?

Đáp: Đức Kitô len vào trong triết học như là một yếu tố nhiệm mầu, nhưng là động cơ: không phải chỉ như là một sự kiện, mà cũng như là một hành động nữa. Vì thế đối với tôi, một cách bí mật, xem ra triết học là một nền kitô học. Nhưng điều này người ta không thể nói như vậy, mà không đưa ra các giải thích cuối cùng. Cần phải nghiên cứu vai trò của chính Đức Kitô trong triết học, giữa các triết gia. Ban đầu tôi đã làm điều này, nhưng tôi đã biến nó trở thành đề tài sau đó. Các vấn đề kitô học sâu xa nhất thuộc triết học. Chẳng hạn như sự đau khổ. Bởi vì đối với một triết gia sự đau khổ là gì? Ít chuyện lắm, nó là một mầu nhiệm. Nhưng triết học trao ban chìa khóa cho nó.

Hỏi: Thưa cha, Kitô học triết lý cũng dẫn đưa chúng ta tới cánh chung học: thế thì trong tương lai sự khổ đau sẽ ra sao?

Đáp: Kitô học triết lý cũng trở thành một triết lý của sự khổ đau và tháp nhập khổ đau vào trong chính cấu trúc của triết học.

Hỏi: Nói một cách cánh chung học cũng sẽ có ký ức về khổ đau chứ thưa cha, hay là sẽ chỉ có một ”apocatastasi” một sự tiêu diệt mọi điều tiêu cực; nghĩa là một sự trở lại tình trạng hoàn thiện ban đầu của thế giới, sau sự hủy diệt, như là việc thành toàn cuối cùng của các lời Thiên Chúa hứa?

Đáp: Không, sẽ có lý do hiện hữu.

Hỏi: Đã nhiều lần Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc tới vấn đề môi sinh một cách hữu hiệu, bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của của suy tư thần học về việc bảo vệ và cứu vớt thụ tạo, trước các khả thể của các tai ương môi sinh sắp đổ ập xuống thế giới, và chúng có thể là các tai ương thiên nhiên hay do con người gây ra. Cha thì cha nghĩ gì về một nền kitô học triết lý như cha dự phóng, chẳng hạn như nhắc tới chương 8 thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma, trong đó thánh nhân nói tới sự kiện thụ tạo run rẩy chờ đợi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ sự hư nát mà nó đã phải chịu?

Đáp: Cái tiêu cực, sự khổ đau, sự khước từ và cả sự ngu dốt nữa: tất cả những gì ở trong việc suy tư mà không thực sự được tiêu hóa hay chấp nhận, tất cả những thứ đó nhắc cho con người biết rằng nó được đưa vào trong bí mật, vào trong mầu nhiệm không thể hiểu biết được, không thể quan niệm được, không thể lý lẽ hóa được. Chúng ta phải tháp nhập sự đau khổ, việc khước từ và sự dữ vào trong một hình thái đặc biệt của triét học, là mầu nhiệm tiêu cực của nó, chứ không phải tích cực. Đó là điều tôi tin rằng đã có ít triết gia trông thấy. Các triết gia nghiên cứu sự khổ đau, nỗi khó khăn, sự đau đớn là các triết gia thuộc loại đặc biệt của tư tưởng, là một phần cuộc sống của chúng ta.

Hỏi: Thưa cha, có một đề tài lớn khác mà cha đã đào sâu trong các nghiên cứu của cha: đó là trực giác trí thức, có đúng thế không?

Đáp: Trực giác trí thức cũng là trực giác của sự khó khăn, của sự dữ, của sự cô đơn. Tôi đã muốn lên cho tới vùng tiêu cực này chung quanh triết học, lên cho tới mầu nhiệm của sự sống, của kinh hghiệm. Tôi tin rằng mầu nhiệm, bí mật, cái vô danh không được biết tới là một phần của triết học.

Hỏi: Nghĩa là nó là tột đỉnh của sự hiểu biết như là sự ”dốt nát thông thái”, có phải vậy không thưa cha?

Đáp: Hay là như là sự ngu dốt không thông thái. Cần phải để cho triết học vài điều gì đó thuộc phần ở bên này cuộc sống, trong đó nó sống với một quan niệm hơi bi quan về cuộc đời. Và cần phải coi triết học như là một khoa học luôn luôn trên đường tìm kiếm, luôn luôn trên đường trở thành.

(Avvenire 23-7-2011)

Linh Tiến Khải