RIP_2Xin cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ đã qua đời: những người đã sống đời dâng hiến để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ đồng loại trong đời sống cộng đoàn để cầu nguyện và phục vụ trong những công tác giáo dục, xã hội, từ thiện, bác ái. .. Sau đây là hai phần trích dẫn để giúp độc giả biết thêm về ơn gọi, đời sống và những hoạt động của tu sĩ nam nữ.

-          Phần trích dẫn từ: Tu sĩ,  Anh, Chị là ai? Do Bạch Tuyết chuyển ngữ từ tài liệu của Báo Pèlerin. Nguồn: Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page:

Theo dòng thời gian, cùng với việc sáng lập các hội dòng, các tu viện, các cộng đoàn, và cùng với kinh nghiệm, những tính chất căn bản của đời sống tu trì cũng được đề ra.

Một lời mời gọi của Chúa.

Tất cả mọi Kitô hữu, qua phép Rửa, quyết tâm xa lánh tội lỗi để sống với Ðức Kitô. Mọi người được mời gọi vào cuộc sống thánh thiện, "trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là Ðấng hoàn hảo". Nhưng Thiên Chúa cũng kêu gọi một số người thể hiện quyết tâm này ở một mức độ trọn vẹn hơn bằng cách từ bỏ mọi sự để theo Ðức Kitô (như Chúa Giêsu đã kêu gọi người thanh niên giàu có trong Tin Mừng). Ðể đáp lại ơn gọi này và để "dâng hiến" trọn vẹn cho Thiên Chúa, những Kitô hữu nam, nữ này đã chấp nhận một cách tự do một cuộc sống đặc biệt, được Giáo Hội công nhận.

Các lời khấn theo đòi hỏi của Tin Mừng.

Ðể theo sát gương Ðức Kitô trong Tin Mừng, Người đã sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời Chúa Cha, các tu sĩ chấp nhận hy sinh một cách triệt để ba lãnh vực quan trọng của đời sống con người: của cải, tình cảm, tự do. Sau một thời gian là dự tu và tập sinh, người tu sĩ dấn thân "tuyên xưng", bằng các lời khấn, những đòi hỏi của Tin Mừng về sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Trước hết trong một khoảng thời gian, rồi sau đó là suốt đời.

Nghèo khó

Vì tình yêu, Ðức Kitô đã tự hạ mình xuống để làm người. Ngài đã tách mình ra khỏi mọi sự của thế gian nhưng không khinh chê nó. Ðức Giêsu đã chia sẻ tất cả với các môn đệ của Ngài: thời giờ, niềmvui, nỗi cực nhọc, công việc, Thần khí. Ngài đã tỏ ra một sự ưu ái đối với người nghèo, các trẻ em, những người bị khinh rẻ vào thời đó.

Người tu sĩ chọn cuộc sống khiêm nhượng, nghèo khó, không có gì làm của riêng, lao động chân tay hoặc trí óc, chia sẻ thân phận mình và những gì mình có được với cộng đoàn của mình và với những người nghèo khổ là những đối tượng mà người tu sĩ có một sự quan tâm đặc biệt.

Ðộc thân trong khiết tịnh

Ðức Kitô đã sống độc thân, không hề biết đến hôn nhân cũng như tình phụ tử, nhưng Ngài không tỏ ra rụt rè trước phụ nữ và cũng không phân biệt đối xử với các môn đệ vì tình trạng độc thân hay đã có gia đình của họ. Vì sứ mạng của mình, Ngài chỉ muốn là Con Thiên Chúa để mạc khải khuôn mặt thật của Chúa Cha và anh em của mọi người.

Qua sự tự nguyện sống độc thân, người tu sĩ muốn sống một cách nào đó tình yêu duy nhất của Ðức Kitô đối với Chúa Cha, và sống một cách sẵn sàng phục vụ mọi người vốn là anh em của mình.

Vâng lời

Chúa Giêsu nói: "Tôi luôn làm theo thánh ý Cha", và "Lương thực của ta là làm theo ý muốn của Ðấng đã sai ta". Và Ngài đã làm như thế cho đến chết...

Ðược Chúa gọi, người tu sĩ sau khi đã dấn thân vào một hội dòng phù hợp với ơn gọi của mình, cam kết tuân giữ một cách tự nguyện Luật dòng do vị sáng lập đề ra hay do hội dòng đề ra theo tinh thần của vị sáng lập. Và phải vâng lời bề trên là những người có nhiệm vụ áp dụng luật dòng một cách huynh đệ. Như vậy, người tu sĩ biểu lộ ước muốn noi gương Ðức Kitô đã thực thi ý muốn của Chúa Cha.

Ðời sống cộng đoàn

Như những Kitô hữu đầu tiên "bỏ tất cả vào làm của chung" và "có chung một trái tim và một linh hồn", người tu sĩ sống một cách bình dị, đơn sơ trong một cộng đoàn. Như trong một gia đình. Họ chia sẻ với nhau Phép Thánh Thể, kinh nguyện, sự im lặng, công việc, sứ mạng, của cải, thức ăn, vui đùa... Với sự hiện diện của chính Ðức Kitô: "Ở đâu có hai hay ba người tụ họp vì danh Ta, thì Ta ở giữa họ". Với cách sống như vậy: yêu thương nhau đến độ tha thứ cho nhau, người tu sĩ là chứng nhân cho đức tin, đức cậy và đức ái.

Cầu nguyện

Tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sống kết hợp với Ngài, người tu sĩ dành một vị trí đặc biệt quan trọng cho việc cầu nguyện để duy trì và đào sâu mối liên hệ với Chúa. Việc cầu nguyện được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng phụng vụ giờ kinh đọc chung với nhau, bằng những giờ yên lặng suy gẫm, bằng những kỳ tĩnh tâm... trong đó Bí Tích Thánh Thể là trung tâm.

Trong Giáo Hội và vì nhân loại.

Bằng cả cuộc sống của mình, người tu sĩ là một yếu tố quan trọng trong việc nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng họ được mời gọi hướng về sự thánh thiện; rằng Phúc Âm là một Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Và người tu sĩ giúp Giáo Hội trở nên dấu chỉ cho sự cứu rỗi này trong khi tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Người Tu Sĩ cũng làm chứng về một thế giới phải đến, trong đó mọi người sẽ được sống trong tinh thần các Mối Phúc thật và trong tình yêu.

-           Phần trích dẫn từ: Vai trò của các nữ tu trong bài viết với tựa đề: Thân phận và vai trò của phụ nữ của Gm Nguyễn Thái Hợp  trong Mạng Lưới của Giáp Phận Vinh 06/03/2012.

Cau_cho_nu_tuTu viện Mến Thánh Gía đầu tiên được thành lập năm 1670 tại địa phận Đàng Ngoài, với hai nữ tu Việt Nam tiên khởi. Dù là một hạt giống bé nhỏ “sinh bất phùng thời”, được gieo vào lòng dân tộc trong một giai đoạn cấm đạo rất khốc liệt, nhưng Hội Dòng đã phát triển nhanh và đóng góp rất tích cực cho Giáo hội trong suốt thời kỳ bách hại. Qua gánh hàng rong và những viên thuốc tễ, các chị đi từ vùng này sang vùng khác, len lỏi vào những làng “ngoại đạo” và tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội. Với thời gian, nhiều Hội Dòng khác được thành lập hay được du nhập vào Việt Nam để biến các Dòng nữ thành một vườn hoa muôn màu muôn sắc. Hôm nay, nữ tu hiện diện ở mọi miền đất nước, với tổng số 6375 thành viên, gấp đôi con số linh mục và nam tu sĩ.

Trong suốt hơn 300 năm qua, nữ tu là biểu tượng cho đời sống cầu nguyện, là hiện thân của tình thương, dấn thân phục vụ để đào tạo các mầm non của đất nước và xoa dịu nỗi khổ đau của con người, đặc biệt những người bất hạnh, hẩm hiu xấu số. Chọn lựa đồng hành với đại chúng để phục vụ và loan báo Tin Mừng cho họ, nên dĩ nhiên các nữ tu cũng phải chia sẻ những khổ đau, mất mát và thiệt thòi cố nhiên của đại chúng. Các chị đã âm thầm giáo dục, dìu dắt thế hệ trẻ, chăm sóc sức khỏe cho những người gìa yếu, bệnh tật và xoa dịu nỗi thương đau cho các nạn nhân của xã hội.

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời đau thương, chính thi sĩ Hàn Mặc Tử đã tìm được nơi trại cùi Qui Hòa tình người, nguồn vui, niềm an vui nội tâm và cả những nàng tiên tha thướt, dịu dàng, nhân ái, đạo hạnh… Khi Hàn MặcTử từ trần, một người bạn đồng bệnh tìm thấy trong túi áo của thi sĩ một bản văn ngắn bằng Pháp ngữ ca ngợi “Tâm hồn thanh khiết” (La pureté de l’âme), biểu tượng qua hình ảnh của các nữ tu Phan-sinh phục vụ tại Qui Hòa:

“Hỡi các vị thiên thần trên trời, thiên thần của Thiên Chúa, thiên thần hòa bình và hoan vui, các vị có thấy cái ánh sáng trong mờ càng ngày càng rõ rệt, cái màu sắc trắng như tuyết kia, cái hình hài không bợn nhơ kia, cái linh hồn hiện lên nơi cõi thế kia?… Ngay khi vừa thấy, tôi đã tin rằng đó cái hồn phách của các vì thánh, cái thi tứ, cái tinh hoa của sự cầu nguyện đáng lẽ phải bốc thành hương thơm và thanh khí, nhưng lại khiêm tốn quyết định làm người.

“Hỡi các vị thiên thần trên trời, thiên thần của Thiên Chúa, thiên thần hòa bình và hoan vui, xin hãy vỗ tay reo mừng: bởi vì đó là các Mẹ và các Chị Dòng Phan-sinh, xuống cõi trần gian để an ủi những đau khổ, lo âu của loài người yếu đuối, của các bệnh nhân tàn tật, của những kẻ phong hủi là chúng tôi đây”.

Trong giai đoạn liền sau biến cố 75, có lẽ các nữ tu phải lâm cảnh bơ vơ, lao đao vất vả hơn cả, khi bỗng dưng bị bứng ra khỏi khu vực sinh hoạt cố hữu là y tế và giáo dục. Nhiều Hội Dòng không biết phải làm sao để thích nghi với xã hội mới và cũng chẳng biết làm gì để sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó! Một vài nơi đành phân tán thành nhiều cộng đoàn nhỏ, hoặc dấn thân vào những sinh hoạt mới như Tổ hợp đan lát, chăn nuôi, đi nông trường, về vùng kinh tế mới… Vừa để kiếm sống, vừa tiếp tục hiện diện, âm thầm và lặng lẽ, ngõ hầu ấp ủ và nuôi dưỡng niềm tin của cộng đoàn tín hữu. Ôi cơ cực làm sao những hộ tập thể toàn phụ nữ và chưa hề kinh nghiệm về nghề nông ấy! Mặc dù ai cũng đã cố gắng hết sức và làm việc thật cực nhọc, nhưng nào có đủ ăn!

Người bình dân Việt Nam, bất luận lương giáo, đã đánh giá thật cao tấm lòng yêu thương, tinh thần phục vụ, thái độ dấn thân và khả năng hy sinh chịu đựng của các nữ tu. Có lẽ trên đời này không có huân chương nào lớn lao hơn cái tên mà người bình dân Việt Nam đã đặt cho các nữ tu: Các Dì hay đầy đủ hơn các Dì phước. Thật vậy, đối với mỗi người Việt Nam, Mẹ là hình ảnh linh thiêng và cao quý nhất, biểu hiệu tột đỉnh của tình thương và lòng hy sinh. Tiếng kêu cuối cùng hay tiếng kêu thất thanh của người con lúc hoạn nạn hoặc trước giờ lâm chung vẫn là Mẹ ơi hay Má ơi! Liền sau hình ảnh thân thương của Mẹ, chính là Dì. Ngoài ra, nếu bất hạnh không còn Mẹ thì Dì sẽ là người thay thế: “Dì ruột thương cháu như con/ rủi mà mất mẹ, cháu còn cậy trông“, người xưa thường nói thế. Các nữ tu là những người Dì đó, hơn nữa là những bà Dì phúc đức, hiền hậu và nhân ái.

Như vậy khi gọi các nữ tu là Dì người bình dân Việt Nam đã dành cho các chị một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim và trong cuộc đời của mình. Thật không còn cách nào để tuyên dương công trạng đúng và đẹp hơn.

Câu chuyện “Dì Hai Bến Sắn” chẳng hạn đã diễn tả một cách thật sắc nét tấm lòng và hình ảnh các “Dì nữ tu” trong con mắt người bình dân. Tên thật của Dì là Maria Regina Phạm thị Ngọc Loan, phó giám đốc Trại cùi Bến Sắn và đã từ trần ngày 31 tháng 7 năm 1993. Khi hay tin Dì từ trần, nhiều báo đã có bài viết về Dì. Báo SGGP số ra ngày 18.8.93 chẳng hạn, sau khi đề cao đức độ và cuộc đời phục vụ bệnh nhân của Dì, còn cho biết thêm: “Chị được chọn là phụ nữ tài năng và được mời đi báo cáo tại Hà Nội, nhưng chị đã từ chối, chị chỉ muốn chọn phục vụ hơn là vinh dự”.

Người ta còn kể nhiều giai thoại về con người và cuộc đời phục vụ bệnh nhân của Dì. Chẳng hạn lần kia ở chợ Bến Thành có một người phong xin ăn. Anh này dữ lắm, hễ không vừa ý là anh cắn. Tất cả mọi người khiếp đảm và cả đến cảnh sát cũng đành thua anh. Không ai dám đến gần anh. Cuối cùng cảnh sát báo cho trại Da liễu. Được tin ấy Dì đến tận nơi và nhận ra đó là một người bệnh bỏ trại. Dì đến nắm tay anh và nói: “Trời ơi, sao anh lại ở đây? Lên xe về với dì”. Thế là anh ngoan ngoãn vâng lời như một con chiên nhỏ. Mọi người có mặt ngỡ ngàng hỏi nhau: “Bà này là ai vậy?”.

Bà này là ai vậy? Xưa cũng như nay, có lẽ nhiều cha mẹ vẫn tự hỏi các Dì là ai và có thần thế gì mà đám nhóc con ngoan ngoãn vâng lời các Dì hơn cả vâng lời cha mẹ? Các Dì là ai mà hầu như không một trung tâm Da liễu hay bệnh viện nào mà bệnh nhân và nhân viên không quí mến và lưu luyến? Các Dì là ai mà dù tuổi đời còn ít, kinh nghiệm cũng chẳng là bao, thân hình mỏng manh, yếu ớt… thế mà dám dấn thân đảm nhận những công tác hay đi tới những nơi mà đa số giới màu râu đã đầu hàng? Cuối cùng, các Dì là ai mà đã được một đạo diễn điện ảnh giới thiệu là “mẫu người tử tế” trong một xã hội đang xuống dốc và không còn tử tế?

Ngày nay Đất nước cũng Giáo hội đang bước vào một vận hội mới, cần đến tấm lòng và bàn tay của các Dì hơn bao giờ hết. Cũng rất mừng là Nhà nước đã bắt đầu cho phép các Dòng nữ điều khiển nhà trẻ. Rất nhiều nữ tu, sau những năm dài gác bút nghiên vì những điều kiện khắc nghiệt của thời “bao cấp”, bây giờ đã can đảm tập tễnh cắp sách trở lại nhà trường, để lấy cho xong mảnh bằng sư phạm. Ước mong sao có những thay đổi sâu rộng hơn về y tế và giáo dục ngõ hầu những mầm non và tuổi trẻ của Việt Nam được những người vừa có khả năng, vừa đầy tâm huyết phục vụ và hướng dẫn.

Một dấu hiệu rất đáng mừng khác là trong mấy năm vừa qua việc nâng cao trình độ kiến thức của các nữ tu được đặc biệt quan tâm. Tất cả các Dòng nữ đã tích cực đầu tư cho thế hệ trẻ. Có người cho rằng trong lãnh vực xã hội và học vấn, người nữ tu tiếp cận nhiều với thực tế, tiếp thu nhanh và hăng say kiếm tìm hơn các giáo sĩ.