thang_longHÀ NỘI (NV) - Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam vừa được “Ủy ban di sản thế giới” trong kỳ họp thứ 34 tại Brazil hôm 1 tháng 8, công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ðây cũng là di sản thế giới thứ 900.

Trước khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Việt Nam đã có 5 di sản thế giới (trong tổng số 890 đã được công nhận tính đến trước kỳ họp này).

                             116820-big_VN-ThangLong-01-081aa  

                                   Di tích Hoàng Thành Thăng Long trong thời gian được khai quật. (Hình: AFP/AFP/Getty Images)

Trong số này, có 3 di sản văn hóa: Quần thể di tích cố đô Huế công nhận năm 1993, Phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn công nhận năm 1999 và 2 di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long công nhận năm 1994, được công nhận mở rộng vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, công nhận năm 2003.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín, viện trưởng Viện Khảo Cổ Học Việt Nam, “Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long ngày nay được giới nghiên cứu xác định gồm khu di tích Thành Cổ Hà Nội và khu vực 18 Hoàng Diệu. Ðó là khu vực trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý (1009-1225), thời Trần (1226-1400), thời Lê Sơ (1428-1527), thời Mạc (1527-1572), thời Lê Trung Hưng (1593-1789) và thành Hà Nội (Bắc thành) thời Nguyễn (thế kỷ 19). Ðây cũng là khu vực trung tâm của thành Ðại La (thế kỷ 7-9), và một trung tâm lớn thời Ðinh Lê (thế kỷ 10). Phần diện tích còn lại đó chỉ là một phần trong tổng thể quy mô lớn rộng của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long nghìn năm. Tuy chỉ còn lại một phần trung tâm nhưng nó lại có một hệ thống di tích dày đặc và liên tục kéo dài trong suốt 13 thế kỷ với nhiều loại hình di tích, di vật phong phú, đa dạng.”

Khu vực 18 Hoàng Diệu được giới khảo cổ học khai quật trên 19,000 mét vuông. Trong khu vực khai quật, người ta tìm thấy tầng văn hóa dày từ 3.50m đến trên 4m. Trong các tầng văn hóa, giới khảo cổ tìm thấy dấu tích nền móng các kiến trúc của nhiều triều đại chồng xếp lên nhau, đan xen lẫn nhau và cắt phá lẫn nhau cùng hàng triệu di vật khảo cổ học.