Bán hàng rong từ lâu đã là một trong những phương cách mưu sinh của người nghèo tại Việt Nam. Tiếng rao hàng hằn sâu trong ký ức của nhiều người, nhất là những người phải rời xa làng quê của họ.

Bán rong không phải dễ

Hang_rongKhắp nơi, trên mọi miền đất nước chỗ nào chúng ta cũng dễ dàng thấy các gánh hàng rong. Tuy nhiên gần đây lượng người từ các địa phương khác nhau đổ về Sài Gòn kiếm sống bằng những gánh hàng, những xe đẩy, hay chỉ những mẹt nhỏ mỗi ngày một nhiều.

Hằng ngày họ tìm đến các khu trung tâm thành phố như Quận 1, Quận 3… là nơi có lượng khách tiềm năng đối với giới bán hàng rong. Thế nhưng đó lại là những nơi mà lực lượng Trật tự Đô thị lại đông dày và “làm việc” tích cực nhất.

Một phụ nữ lớn tuổi bán hàng rong cho biết nổi khổ của bà:

“Lớn tuổi rồi đi mệt, ngồi xuống là đau, đứng dậy không được, lỡ bị đuổi một cái là thôi, đứng ngó nó hốt chứ đừng nói chuyện… chạy đâu có được.”

Một người bán hàng rong khác cũng tâm sự:

“Bản thân cô hiện tại giờ đâu có ai nuôi đâu, bố thằng nhóc hiện tại giờ đang học rồi bố nó chết còn có mình cô à. Giờ cô không làm ai nuôi nó, bản thân cô cũng chẳng ai nuôi mà giờ cô lại nhà mướn nhà thuê, ở đây ai cũng biết hết trơn, giờ không cho cô bán thì cô sống bằng nghề gì đây.

Bán cái này đâu có lời bao nhiêu đâu cũng phải đi bán rồi trời mưa gió cũng phải bán rồi công an chạy rượt chạy muốn chết luôn, đâu phải không biết mình vi phạm hàng rong ngoài đường đâu.”

Giải pháp nào?

Những người phải hằng ngày ra đường kiếm sống với gánh hàng rong vì do không còn con đường nào khác. Thế nhưng đối với những nhà quản lý đô thị thì hoạt động của họ làm mất đi vẻ mỹ quan của thành phố, lấn chiếm lòng lề đường… Điều này cũng được một người dân đồng tình:

“Bán thì cũng có chỗ bán chứ đâu phải muốn ngồi đâu thì ngồi, mình bán mình thuê mình mướn cũng được vậy, mình ngồi đau thì ngồi cho nó gọn thôi chứ mình ngồi mà mình bày tùm lum ra đường thì đương nhiên người ta cấm là đúng rồi , mình chiếm lề đường của người ta mà”.

Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng cần phải sắp xếp cho dân chứ không thể cấm cản như hiện nay. Một bạn sinh viên nói với phóng viên RFA:

“Thật ra thì không nên cấm bán mà mình nên tập trung tại khu vực nào đó khi nào người ta muốn ăn thì tới khu vực đó người ta mua thôi . Theo em thì nên tạo ra một khu vực riêng để người ta tập trung vào khu vực đó người ta bán như vậy sẽ không lấn chiếm lòng đề đường nữa”.

Một câu hỏi được đặt ra, đó là tại sao nhiều người bán hàng rong dù bị cấm, bị bắt nhưng rồi vẫn phải tiếp tục công việc buôn bán vất vả, khó khăn như thế?

Câu trả lời thuộc chính quyền và các nhà quản lý xã hội.

Gia Bảo, RFA Việt Nam