Thời gian này, Biển Hồ đang trong mùa nước xuống, người dân gọi báo cho tôi nói rằng nếu có quay lại thăm, thì sẽ phải đi xa vào trong lòng biển. Như thế sẽ tốn tiền xăng hơn để vào bờ, sóng điện thoại và Internet cũng yếu dần, nhưng nếu không thì nước cạn, cá ít, không có miếng ăn.

Nhưng đó là cách họ đã sống từ bao đời qua. Chuyện người gốc Việt sinh sống ở Campuchia không phải là điều gì mới mẻ.

Từ xa xưa, người Việt đã có nhiều đợt di cư đến Campuchia.

Từ trước thế kỷ 19, khi Đại Việt lấn vào Chăm Pa mở rộng bờ cõi phía nam, cho đến khi Triều Nguyễn sáp nhập thêm phía Đông Campuchia vào Đại Nam.

Vào thời kỳ Pháp vẫn còn quản chế đô hộ toàn Đông Đương, không ít người Việt đã bị đưa lên Campuchia để lao động trên các đồn điền.

Chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ nhất gần đây là cuộc đảo chính lật đổ vương triều Sihanouk do Lon Nol cầm đầu vào đầu thập niên 1970. Hàng nghìn người Việt bị sát hại, hoặc bị nhốt trong trại tù. Khoảng vài trăm nghìn sống sót, chạy về Việt Nam để "tỵ nạn".

  

Thùy Linh/BBC. Bản quyền hình ảnh    //    Nhiều người gốc Việt che giấu gốc gác, thân phận để sống yên bình trong lòng xã hội Campuchia.  

Bắt đầu từ sau 1975, cuộc chiến giữa Khmer Đỏ và nước Việt Nam cộng sản xảy ra, thêm nhiều người Việt bị đánh đuổi về Việt Nam.

Tưởng chừng lúc đó sự hiện diện của người gốc Việt trên đất Campuchia đã hoàn toàn bị xoá sổ, nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc, nhiều bộ đội Việt Nam lựa chọn ở lại, lập gia đình, định cư tại Campuchia.

Vào cuối năm '79 đầu '80, những người gốc Việt tràn về Việt Nam cũng lần lượt quay trở lại Campuchia, nơi họ cho là quê hương xứ sở.

Nhiều người gốc Việt che giấu gốc gác, thân phận để sống yên bình trong lòng xã hội Campuchia.  Thùy Linh/BBC. Bản quyền hình ảnh

Con dê tế thần của xã hội

Lịch sử mâu thuẫn biên giới kèm theo số lượng người gốc Việt tăng dần càng khiến Campuchia có thêm lý do để tin rằng Việt Nam vẫn đang tìm cách bành trướng, nhằm "thôn tính trọn vương quốc Chùa Vàng".

Hiềm khích nuôi dưỡng hận thù. Người Khmer bản địa từ lâu đã thường gọi người gốc Việt bằng cái tên gọi phỉ báng "Yuon".

Đối với người Campuchia, người gốc Việt là con dê tế thần, con tốt thí, là ngọn nguồn của tất cả mọi thứ tồi tệ nơi đây. Trời nắng tại Yuon, trời mưa cũng tại Yuon, ngã xe đạp cũng tại Yuon và bị đuổi việc cũng do Yuon nốt.

Vụ việc cụ thể gần đây nhất là vào 2016, khi nhà phân tích chính trị vô cùng được yêu mến, Kem Lay, bị sát hại, người qua đường đã tìm cách ngăn cản một viên cảnh sát di chuyển thi thể.

Đám đông đột nhiên đồng loạt hét "Yuon! Thằng đó là Yuon."

Làm sao đám đông có thể nhanh chóng và thống nhất rằng viên cảnh sát là 'Yuon' - mà không có bất kỳ bằng chứng nào, chỉ vì ông ta đang làm một việc bị cho là gây đe doạ đến một người hùng chính trị của họ?

"Điều này nói lên rất nhiều điều về quan điểm của Campuchia đối với người Việt," nhà nghiên cứu Tim Frewer viết trên tờ Diplomat.

Quân cờ chính trị

Một biểu ngữ tuyên truyền cho Đảng Nhân dân Campuchia với khuôn mặt Thủ tướng Hun Sen. Thùy Linh/BBC.  Bản quyền hình ảnh

Theo một báo cáo của Cơ quan Cứu trợ Tỵ nạn Jesuit (JRS) vào 2015, có gần 90% người gốc Việt không có giấy tờ tuỳ thân hợp pháp nào, nhưng 45,2% trong số họ lại có phiếu bầu cử.

Nhiều người gốc Việt chia sẻ từ những năm 2003, 2005 họ đã đi bầu, dù chưa bao giờ được thừa nhận là công dân Campuchia. Hầu hết đều bỏ phiếu cho Thủ tướng đương nhiệm của Campuchia, Hun Sen, người cũng bị phe đối lập chỉ trích là thân Việt Nam.

Đối thủ lớn nhất của Hun Sen và đảng cầm quyền Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là Kem Sokha, đại diện cho Đảng Giải cứu Dân tộc (CNRP).

Kem Sokha và CNRP luôn cổ suý cho phong trào bài Việt, chuyên dùng những ngôn ngữ tuyên truyền kích động sự hận thù đối với cộng đồng người gốc Việt, để thu hút cử tri.

Chính vì vậy cộng đồng người gốc Việt cho Hun Sen một lượng phiếu không nhỏ, cần thiết, và ổn định.

Nhưng chuyển biến chính trị vào tháng 9, 2017, khiến cục diện chính trị Campuchia thay đổi.

Đối thủ của Hun Sen, người lãnh đạo của CNRP, Kem Sokha bị bắt giữ tại gia, và không lâu sau, đảng CNRP bị giải tán vì bị buộc tội phản quốc.

Với sự tan rã CNRP, Hun Sen có thể sẽ không còn cần đến số phiếu bầu của cộng đồng người gốc Việt nữa.

Nỗi lo của cộng đồng gốc Việt ở Campuchia

Ngược lại, với việc tiến hành Nghị định 129, nhằm thu hồi giấy tờ người gốc Việt cùng với ngôn ngữ đanh thép, răn đe có thể là một cách để thu hút những cử tri Khmer bài Việt.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đây có thể là một cách của Hun Sen để thu hút các cử tri từng ủng hộ CNRP, quay sang bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra trong 2018.

Sam Rainsy, biểu tượng chính trị của CNRP, từng có những lời lẽ miệt thị, phân biệt người Việt, bỗng dưng quay sang chỉ trích Hun Sen vì Nghị định thu hồi giấy tờ người của gốc Việt.

Có thể nói, người gốc Việt bị tung hứng như những quả bóng chính trị, lúc thì là kẻ thù dân tộc, lúc lại là cử tri trung thành.

Trái khoáy hơn, không ít người trong cộng đồng quốc tế và người Khmer cấp tiến vốn mạnh mẽ đấu tranh cho dân chủ và công bằng tại Campuchia lại ủng hộ phe đối lập.

Mặc cho những lời tuyên truyền bài Việt, không ít các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận vẫn cảm thấy sự tồn tại của một đảng đối lập là cần thiết để gìn giữ nền bán dân chủ ở Campuchia, vốn đang dần rơi vào bàn tay chuyên chế của Hun Sen.

Nhiều nhóm hoạt động xã hội dân chủ chuyên làm các công tác hỗ trợ người nghèo, xoá nạn mù chữ, thì lại từ chối giúp đỡ người Việt vì những hiềm khích, thù hằn.

Nhưng dù sao, đó là những vấn đề khó khăn cấp vĩ mô. Đối với những người dân vùng Biển Hồ, khó khăn trước mắt vẫn là cuộc sống lênh đênh, nay đây mai đó, vô tổ quốc.

Cái nghèo luẩn quẩn

Không có giấy khai sinh, nhiều trẻ gốc Việt chỉ có thể được phép học đến cấp I. Những trường trung học này ngoài tầm với của các em. Thùy Linh/BBC. Bản quyền hình ảnh

Đa số người gốc Việt vẫn nằm trong các diện nghèo khó, sinh sống hầu hết ở trên các nhà thuyền nhà nổi ở dọc vùng Biển Hồ, có một số khá giả hơn sống trong thành thị.

Nhưng đây là mặt bằng chung của cả toàn Campuchia.

Đất nước chùa Vàng này vẫn là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á và cũng là nước tham nhũng nhất khu vực này, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Những vụ việc bị ép làm tiền, đe doạ và uy hiếp, là không chỉ xảy ra đối với người gốc Việt, mà cũng xảy ra với cả người Khmer bản địa.

Tuy nhiên, người gốc Việt là nhóm thiểu số dễ bị tổn thương hơn hẳn vì những thiệt thòi về danh tính pháp lý, gây ra nhiều hệ luỵ.

Không có giấy tờ, nhiều người gốc Việt không thể mua đất, cất nhà, vay ngân hàng. Nếu có điều kiện đi học, trẻ em cũng chỉ được học đến hết cấp I, vì nếu không có giấy khai sinh, không thể học tiếp lên cấp II, III.

Tôi đã chứng kiến nhiều em bỏ học, phụ cha mẹ công việc chài lưới, đánh bắt, kiếm sống qua ngày.

Thùy Linh/BBC. Bản quyền hình ảnh

Trong chuyến đi đến vùng Biển Hồ, tôi thấy nhiều thế hệ người Việt vẫn sống quanh quẩn với cộng đồng, vẫn không thể giao tiếp bằng tiếng Khmer bản địa.

Họ buộc phải phụ thuộc vào Hội người Campuchia gốc Việt để nhờ hỗ trợ khi gặp vấn đề pháp lý với quan chức địa phương.

Nhưng chính hiệp hội này cũng bị một số người cáo buộc là câu kết với quan chức Khmer để lạm thu, điều quan chức hiệp hội bác bỏ.

Cuộc sống người gốc Việt nơi đây gần như không thay đổi dù đã sinh sống qua nhiều thế hệ.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói chính quyền Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc đàm phán thương thảo với chính quyền Campuchia để đảm bảo quyền lợi của kiều bào, nhất là trong vấn đề thu hồi giấy tờ.

Người dân cũng cho hay một phái đoàn kiểm tra cũng vừa đến tận địa phương lấy lời khai của người dân về các vụ việc tiêu cực.

Báo Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa mới ghé thăm Siem Reap phát gạo cho bà con kiều bào.

Nhưng một số người dân tôi gặp bày tỏ lo ngại đây chỉ là những biện pháp tạm thời, chưa thể giải quyết được những vấn đề gốc rễ.

Giữa lòng Biển Hồ, người Việt cô độc giữa sóng biển mênh mông.

Họ trơ trọi giữa các đợt sóng ngầm, không hay biết phía xa còn có giông bão.

Thuỳ Linh / BBC

Phóng viên Thùy Linh có chuyến thăm đến Campuchia trong tháng 12/2017.