5 tháng 3 2018. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào vịnh Đà Nẵng trưa 5/3. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến VN kể từ khi kết thúc chiến tranh VN, đánh dấu mối quan hệ chiến lược giữa hai nước từng là kẻ thù, vào thời điểm ảnh hưởng khu vực của TQ đang gia tăng, theo Reuters.

 

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào vịnh Đà Nẵng trưa 5/3.

Họp báo của Hải quân Hoa Kỳ trong lễ đón các chiến hạm vào Đà Nẵng chiều 05/03 trên trang Facebook Live của BBC Tiếng Việt

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được nhìn thấy vào sáng thứ Hai 5/3 tại vùng biển ngoài khơi Vịnh Đà Nẵng, nơi tàu sân bay có lượng giãn nước 103.000 tấn và hai tàu khác của Hoa Kỳ bắt đầu chuyến thăm năm ngày.

Các bạn xemHọp báo của Hải quân Hoa Kỳ trong lễ đón các chiến hạm vào Đà Nẵng chiều 05/03 trên trang Facebook Live của BBC Tiếng Việt.

'Chuyến thăm lịch sử'

Sự xuất hiện của USS Carl Vinson đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ năm 1975 - nhưng cũng minh hoạ cho mối quan hệ phức tạp và tiến triển của Hà Nội với Bắc Kinh đối với khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Việt Nam đã nỗ lực hàng tháng trời để làm dịu bớt mối lo ngại của người láng giềng Trung Quốc đối với chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson và triển vọng hợp tác an ninh tăng cường giữa Hà Nội và Washington.

Các tàu sân bay Hoa Kỳ thường xuyên qua lại trên Biển Đông trong một đợt triển khai hải quân tăng cường, và hiện nằm trong sự theo dõi của các tàu hải quân Trung Quốc, giới chức hải quân khu vực cho hay.

Việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng trong quần đảo Trường Sa khiến Việt Nam và chính phủ các nước trong khu vực lo ngại khi nước này tìm cách thực thi tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các khu vực đường thủy đang tranh chấp, nơi hàng trăm nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.

Mặc dù không có tàu sân bay Mỹ nào đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc nhưng các tàu chiến nhỏ khác của Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao khi mối quan hệ được cải thiện trong những năm gần đây.

Các chuyến thăm nói trên bao gồm chuyến thăm 2016 của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục USS John S. McCain tới vịnh Cam Ranh, một khu hậu cần quan trọng trong chiến tranh Việt Nam.

Một ban nhạc hải quân Hoa Kỳ sẽ trình diễn hòa nhạc tại Đà Nẵng trong chuyến viếng thăm của tàu Vinson, và thuỷ thủ từ tàu sân bay dự kiến sẽ tới thăm một trung tâm điều trị cho những người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.

Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson sẽ neo đậu tại thành phố cảng Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, khiến nơi đây trở thành một địa điểm mang tính biểu tượng cao.

Cuộc viếng thăm này nhằm minh chứng cho mối quan hệ quân sự ngày càng tăng của Việt Nam và Hoa Kỳ.

'Thông điệp tới Trung Quốc'

Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc này chắc chắn sẽ gửi một thông điệp tới Trung Quốc khi nước này tiếp tục bành trướng tại khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Phóng viên BBC Jonathan Head hiện đang có mặt tại Đà Nẵng, cho biết mặc dù hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến triển nhưng vẫn còn hạn chế, và Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ thông điệp của chuyến thăm này.

Trung Quốc hiện là một siêu cường trong khu vực và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Vì vậy, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang rất thận trọng để tránh bất kỳ động thái nào có thể gây bất lợi cho mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ của mình, phóng viên Jonathan Head của BBC bình luận.

USS Carl Vinson là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, còn gọi là tàu sân bay lớp "Nimitz". EPA. Bản quyền hình ảnh

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và hòn đảo mà một số quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoa Kỳ luôn tuyên bố không can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Hải quân Hoa Kỳ đã liên tục có các hoạt động "tự do hàng hải" tại các vùng biển đang tranh chấp, một thách thức rõ ràng đối với các tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Tàu USS Carl Vinson đã thực hiện nhiều chuyến đi đến khu vực rộng lớn hơn trong hàng thập niên qua.

Đà Nẵng là căn cứ quân sự chính của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Việc hàng không mẫu hạm Mỹ, có thể mang tới 90 máy bay, cập cảng Đà Nẵng, sẽ đại diện cho sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh và sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975.

Chiến tranh Việt Nam - cái mà Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ - kéo dài và đẫm máu. Chính phủ Việt Nam ước tính hàng triệu người, cả dân thường và lính Cộng sản, đều bị giết. Chỉ hơn 58.000 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến.

BBC Tiếng Việt