HÀ NỘI - Tại cuộc hội thảo tổ chức tại Hà Nội sáng 7 tháng 12, Bộ Y Tế Việt Nam xác nhận: mỗi một năm trôi qua, Việt Nam có thêm 800,000 gia đình “rớt hạng” vì mất 40% lợi tức hàng năm để chữa bệnh.

Phúc trình của Bộ Y Tế cũng cho thấy, người bệnh phải chi tiền thuốc, dịch vụ về y tế cao hơn hoặc ngang bằng các nước phát triển trong khi lợi tức hàng năm chỉ bằng 10%. Khoảng 60% người bệnh không có tiền trả viện phí, mua thuốc khi cần chữa bệnh trong thời gian qua. Tính ra mỗi năm, họ chỉ có 3 lần cơ hội đi khám bệnh. Vì vậy, phần lớn người dân nghèo ôm bệnh chờ chết chứ không có tiền để chữa.

   Bệnh viện không đủ chỗ, người bệnh phải nằm chung giường. (Hình: Người Lao Ðộng)

124162-VN_BenhNhanChungGiuong_NLD_120810-400Theo tin riêng của Người Việt, một số điều dưỡng viên ở các bệnh viện lớn thỉnh thoảng phải bỏ tiền túi ra giúp người nghèo mua thuốc. Cô X. Nguyễn tâm sự: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân, nhất là những người lớn tuổi, xin mua một nửa số lượng thuốc kê trong đơn vì không đủ tiền trả. Trong những trường hợp thương tâm như vậy, mặc dù lương tháng không bao nhiêu, chúng tôi đã phải gom tiền túi giúp họ mua thuốc mang về dùng.”

Quả vậy, người dân nghèo trong nước không có lối ra mỗi khi lâm bệnh vì Việt Nam hiện nay không có nhà thương thí, đi đâu cũng phải trả tiền thuốc men, khám bệnh, chưa nói đến việc phải dúi tiền “lót đường” vào túi các y bác sĩ để được cứu mạng.

Trong một phúc trình khác, theo báo Lao Ðộng, chỉ có 10% người bị bệnh ung thư được chữa trị đúng mức vì bệnh viện thiếu máy móc, thiếu bác sĩ lành nghề. Trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 150,000 người mắc bệnh ung thư và một nửa trong số này không qua khỏi vì việc điều trị quá muộn màng.

- Người Việt On-line