Sách Công Vụ Tông Đồ từ Chương 8 trở đi, mô tả Saolô, là người Do thái, thông minh lanh lợi, thông biết tiếng Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo nhóm thượng tế quyền bính ở Giêrusalem.

Phaolô thuộc nhóm biệt phái nhiệt thành đi lục soát bắt bớ các Kitô hữu Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô. Theo dõi kiểm soát mọi nẻo đường ở Đamát, truy lùng tìm bắt các môn đồ theo Chúa: “Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục”. (Cv 8,3).

Phaolo là một người Biệt phái rất nhiệt thành với các Thượng tế và Hội Đồng Kỳ Mục Do Thái. Ông đã hăng say vâng phục lên đường truy tìm người Kitô-hữu thời sơ khai. Trên đường đến Đamas, ông đã bị đánh gục bởi một luồng ánh sáng của Chúa Giêsu. Ông không bao giờ nghĩ ông có thể bị đánh bại, khuất phục, ngã qụy. Bỗng nhiên ông bị một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông gã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông : “Sa-un, Sa-un. Tại sao ngươi bắt bớ Ta. Ông nói : Thưa Ngài, Ngài là ai? Người đáp : Ta là Giêsu mà ngươi đang lùng bắt” (Cv 9,3-5). Ông đã nhận ra tiếng nói này và chỉ với con người này ông đã chịu khuất phục.

Bất thình lình được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại.

Cú ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Phaolô.Từ một kẻ thù Chúa đã biến Ngài thành một người bạn, một người chân thành, trung tín, đáng mến, đáng yêu. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sãn sàng chết vì Người.

Phaolô đã nói những lời thật tha thiết cảm động: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo… Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. (xem 2 Tm 4,6-8 + Rm 8,18-19.32.33.38.39).

Ngài xác tín rằng :

“Đối với Đức Kiô bị đóng đinh là điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1Cor 1,23)...

Ngài tuyên tín rằng :

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (2Cor 1,3-6).

Qua biến cố Đamas, Phaolô đã hoàn toàn thay đổi thái độ, lột xác hoàn toàn. Từ một con người quái ác, khát máu, tàn sát các tín hữu, giờ đây đã trở nên con người đầu phục ngoan hiền như một con chiên. Ông đã hết lòng cải tà quy chính và nhận ra Chúa Giêu Kitô đã biến đổi ông. Điều mà trước đây ông nghĩ là đúng, nhìn đúng thì giờ đây Chúa cho ông nhận ra là sai lầm nghiêm trọng về những ác tâm của ông. Niềm tin, lối sống đạo của ông trước đây dựa vào lề luật của hàng Tư tế và Hội Đồng Kỳ Mục Do thái, độc tôn như đinh đóng cột. Thì giờ đây, qua biến cố ngã ngựa, ông đã hoàn toàn thay đổi, đảo ngược cuộc đời. Quy phục Đức Kitô để trở thành khi cụ rao giảng Tin Mừng cho Đức Giêsu.  Như một người tự hối, ông đã chân thành nói lên, điều mà : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Tôi coi mối lợi tuyệt vời nhất là được biết Đức Giêsu Kitô. Vì người tôi đành mất hết để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài” (Pl 3,7-8).

Qủa thật, cú ngã ngựa của Saolô, thành Phaolô đổi đời, đã thức tỉnh tuyệt đối xác tín vào Đức Kitô, “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Nhất là được “Hiểu biết Chúa Kitô là một lợi lộc cao vời. Vậy phải phải chấp nhận mất tất cả để được ở trong Người” (SGLCG Số 428).

Nhận ra chương trình cứu độ toàn diện của Đức Kitô, ông đã hết lòng cống hiến cuộc đời ông cho Ngài. Từ đó, Thánh Phao-lô say mê Chúa Ki-tô Phục Sinh “như điếu đổ” tới độ ông không còn màng tưởng điều gì khác ngoài Chúa Ki-tô. “Sống là Đứa Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Thánh Phao-lô coi tất cả mọi sự trên trần gian này như rơm rác và nhận chịu mất mát mọi sự, kể cả mạng sống mình, miễn là có thể đem mọi người về với Chúa Giêsu Ki-tô (x. Pl 3,8-9).

Đọc qua nội dung 14 Thư của Ngài. Bất cứ ai cũng có thể nghiệm ra rằng : Thánh Phaolô là vị Tông Đồ Dân Ngoại, là nhà sáng lập, là người tổ chức, là nhà thần học, là người cha, người thầy, là giáo lý viên, là người linh hướng, có biệt tài phân biện và tranh luận. Ngài qủa là một thiên tài, đã được Đức Kitô chiếu cố, tuyển chọn, biến thành lợi khí loan truyền Đức Kitô cho mọi người, từ khắp các ngõ ngách dương gian đến tận cùng bờ cỗi trái đất.

Hôm nay mừng lễ Thánh Phaolo Tông Đồ trở lại, xin Ngài giúp chúng con cảm thức về những nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm phải làm, vì Danh Chúa Kitô và vì Tin Mừng.

Sửa soạn mừng Lễ Kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở lại 25-1-2018

Vũ Công Chính