Nếu một người được sinh ra và lớn lên phải trải qua các giai đoạn trưởng thành, thì một gia đình cũng phải trải qua các giai đoạn trưởng thành của nó. Đây là điều hiển nhiên, dù đôi khi ta không để ý quan tâm.

Mỗi giai đoạn trưởng thành của một người đều cần được đáp ứng những nhu cầu tương xứng, thì gia đình, trong từng giai đoạn trưởng thành, cũng cần được đáp ứng những nhu cầu thích hợp, mà nếu không, những vấn nạn xảy ra là điều không thể tránh. Đâu là những giai đoạn trưởng thành của gia đình?

Người ta đề ra các giai đoạn trưởng thành cụ thể của gia đình như: 1/ giai đoạn độc thân, 2/ giai đoạn mới cưới, 3/ giai đoạn nuôi dạy con cái, 4/ giai đoạn con cái đã trưởng thành, lập gia đình và ra riêng.

  1. 1. Giai đoạn độc thân

Đây là giai đoạn quan trọng nhất, diễn ra trước khi lập gia đình. Rất nhiều vấn nạn diễn ra trong gia đình vì đã không có sự chuẩn bị chu đáo trong giai đoạn độc thân là giai đoạn mà người thanh niên, thanh nữ học hỏi những tiêu chuẩn giá trị, đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng đối xử, kỹ năng làm việc, kỹ năng tạo dựng mối quan hệ gia đình mới, sống tách rời nhưng vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình gốc của mình.

Rủi ro trong giai đoạn độc thân là sự thiếu chuẩn bị cho cuộc sống tự lập. Cha mẹ có thể đóng góp vào rủi ro này bằng cách luôn luôn bao che, bảo bọc cho đứa con, làm cho khả năng sống tự lập của nó bị thui chột. Từ khi con cái còn thơ ấu, nếu cha mẹ biết chăm sóc và dạy cho con khả năng sống tự lập bằng cách tôn trọng, khuyến khích con cái phát biểu ý kiến riêng, biểu lộ cảm xúc riêng trong khuôn khổ lễ giáo của gia đình; tạo điều kiện và tập cho con cái có những chọn lựa riêng phù hợp với lứa tuổi... là phưong pháp tốt nhất để giúp con cái phát triển một cách tự nhiên, và khi trưởng thành, lập gia đình chúng mới có thể sống tốt với gia đình mới và vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình gốc một cách bền vững.

  1. Giai đoạn mới cưới

Vợ chồng trẻ từ bỏ cuộc sống độc thân, bắt đầu sống chung; tập cách chia sẻ công việc, trách nhiệm gia đình, trách nhiệm về tài chính; học cách giải quyết mâu thuẫn trong tinh thần ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau; học cách chăm sóc lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong việc duy trì những mối quan hệ lành mạnh bên ngoài gia đình như quan hệ với cha mẹ hai bên, với bạn bè; quyết định chung về chuyện “chăn gối”, về việc sinh con... Trong giai đoạn này vợ chồng có trách nhiệm nâng đỡ nhau để cả hai cùng xây dựng được một gia đình lành mạnh và hạnh phúc, trong đó mỗi người đều được hỗ trợ để đạt đến khả năng phát triển cao nhất của bản thân, và chu toàn trách nhiệm đối với nhau.

 

Quả vậy, nếu không có sự tôn trong nhau, không ai phục ai, người này chỉ muốn người kia làm theo ý của mình, không ai chịu nhường nhịn ai, và cả hai đều tỏ ra không cần nhau, thì nguy cơ vợ chồng rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực với nhau là không thể tránh. Và đây là nguyên nhân dẫn đến mất hạnh phúc và đổ vỡ trong đời sống vợ chồng. Cuộc tranh giành quyền lực này làm cho cả hai vợ chồng đều kiệt sức và đều khao khát tìm kiếm một sự đồng cảm, một cảm tình thương yêu hỗ trợ lẫn nhau mà họ không thể có trong gia đình. Chính vì thế mà ta có thể hiểu tại sao, trong xã hội ngày nay, có những cặp vợ chồng trẻ, đẹp, thành công về mọi mặt nhưng lại không hạnh phúc, và đi tìm những mối quan hệ ngoài hôn nhân (ngoại tình).

  1. Giai đoạn nuôi dạy con cái

Công việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái là một trong những thách thức lớn nhất của những bậc làm cha mẹ. Khủng hoảng có thể diễn ra trong giai đoạn này khi vợ chồng trẻ không biết chuẩn bị để thích ứng với những đòi hỏi mới của vai trò làm cha mẹ. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị, mặc dù công việc chăm sóc con cái trong tuổi thơ ấu rất mất thì giờ, nhưng sẽ không làm mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, mà trái lại, còn làm cho mối quan hệ đó trở nên nồng nàn hơn, gắn bó hơn và đầm ấm hơn, khi vợ chồng biết cùng nhau, và đồng thuận với nhau trong trách nhiện chăn sóc và nuôi dạy con cái.

Khi con cái bước vào giai đoạn thiếu niên, những căng thẳng mới liên hệ đến lứa tuổi "nổi loạn" này có thể tạo ra những khủng hoảng mới cho gia đình, nếu cha mẹ không biết thích ứng một cách uyển chuyển. Ví dụ, những quy luật chặt chẽ cần thiết cho đứa con khi nó còn ở lứa tuổi ấu thơ phải được dần dần thay đổi. Nghĩa là, cách chăm sóc, nuôi dạy một đứa con khi nó đã tới tuổi thiếu niên thì khác với khi nó còn thơ ấu. Khi đứa con đã tới tuổi thiếu niên, cần phải thay đổi cách thức nuôi dạy sao cho phù hợp với tính cách của nó, hầu uốn nắn nó dần trở nên tốt. Ở lứa tuổi thiếu niên, cha mẹ phải làm sao tạo điều kiện cho con cái thêm tự do, hầu chuẩn bị cho nó sống tự lập. Sự ép buộc cứng nhắc theo những luật lệ gia đình cũ kỹ, đã có từ khi đứa trẻ mới ra đời, có thể tạo được một bề ngoài phẳng lặng một cách giả tạo hoặc miễn cưỡng, nhưng cái giá của nó là những thương tổn về sự trưởng thành tâm lý của đứa con và của cả gia đình là không thể tránh khỏi. Nghĩa là đứa con có thể nghe theo cha mẹ, nhưng đó chỉ là vì bị ép buộc, và đến một lúc nào đó không còn chịu được, chúng sẽ nổi loạn. Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ cần phải giúp cho chúng dần dần trưởng thành trong nhân cách sống, nghĩa là giúp cho chúng ý thức được những điều đúng - sai, tốt - xấu, để chúng có được những chọn lựa đúng đắn, mà không cần có một sự ép buộc nào.

  1. Giai đoạn con cái đã trưởng thành, lập gia đình và ra riêng

Giai đoạn này bắt đầu khi đứa con đầu lòng rời khỏi gia đình và kéo dài cho đến khi đứa con cuối cùng ra khỏi nhà. Đây cũng là giai đoạn luôn có những khó khăn và thuận lợi riêng. Khó khăn là sức khỏe bắt đầu suy yếu dần, cảm giác cô đơn trầm cảm dễ diễn ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, vợ chồng không còn vướng bận nhiều vào những công việc, và, mặc dù những trách nhiệm lo cho con cái luôn vẫn còn, nhưng những trách nhiệm đó cũng phần nào cũng bớt đi, vì khi đó chúng đã trưởng thành, đã có gia đình riêng. Chính vì thế, vợ chồng sẽ có nhiều thời giờ hơn dành cho nhau và an nhàn trong tuổi già. Thế nhưng, vợ chồng có thể an nhàn trong tuổi già với nhau hay không, điều đó phần lớn tùy thuộc vào các giai đoạn trên. Nghĩa là, nếu cả hai có được sự chuẩn bị tốt trước khi bước vào đời sống hôn nhân (giai đoạn độc thân), sống tốt giai đoạn mới cưới, và nhất là chu toàn tốt giai đoạn nuôi dạy con cái.

Tóm lại, khi bước vào đời sống hôn nhân, ai cũng muốn mình được hạnh phúc bên người bạn đời của mình, và nuôi dạy con cái tốt, hầu xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình. Tất nhiên, bây giờ bạn đã bước vào đời sống hôn nhân rồi, và vì vậy giai đoạn độc thân không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là ngay bây giờ, vì là những người mới bước vào đời sống hôn nhân, các bạn cần phải sống tốt giai đoạn mới cưới, và nuôi dạy con cái cho thật tốt, giúp chúng có được sự trưởng thành tốt nhất về tâm – thể lý, nhất là trưởng thành về nhân cách sống của một con người. Được như vậy, sau này, khi con cái các bạn trưởng thành và lập gia đình, chúng sẽ có được hạnh phúc, và khi đó, bạn sẽ hưởng được sự an nhàn, hạnh phúc và bình an của tuổi già.

Cầu chúc các bạn hạnh phúc!

Hương Quê

Nguồn: gplongxuyen.org