Chúng ta đang sống trong Năm Thánh kỷ niệm 30 năm mừng kính 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam được Tôn Phong Hiển Thánh, nhìn lại những trang sử bi hùng đó, qua những cơn cấm đạo của Vua Chúa, Quan Quân bắt bớ, giam cầm,

chém giết các Ki Tô Hữu không nương tay, nhưng bên cạnh đó vẫn có những vị bênh đỡ Giáo hội trong thời buổi khốn khó này. Điển hình như Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt nay mộ phần vẫn còn ở vùng Gia Định Sài Gòn, mà dân gian thường gọi là “Lăng Ông Bà Chiểu”, với lòng thành kính tri ân.

I.- TẢ QUÂN  LÊ  VĂN  DUYỆT! ÔNG LÀ AI ?

Lê Văn Duyệt sinh 1763 tại chợ Ông Hổ, trên Rạch Gầm, làng Long Hưng, Định Tường. Nguyên gốc gác người Quảng ngãi, do từ thời Nội tổ đã di cư vào làm ăn sinh sống ở Định Tường (nay là Tiền Giang) từ lâu.

Từ năm 16 tuối, do khuyết tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục, nên Lê Văn Duyệt được tuyển vào làm thái giám tại phủ Nguyễn Vương, và cận kề theo Nguyễn Ánh trong công cuộc thu phục giang sơn Đàng Trong của các Chúa Nguyễn. Năm 1802 được phong làm Khâm Sai Chưởng Tả Quân, Bình Tây Đại Tướng Quân, tước Quận Công.

Sau nhiều năm công tác gian nan vất vả vào sinh ra tử giúp Gia Long, Ông được cử làm Tổng trấn Thành Gia Định lần thứ nhất từ 1813 đến 1816, cai quản một vùng đất rộng lớn toàn xứ Nam Bộ khi ấy gồm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên Trấn, Định Tường, Vĩnh Long và Hà Tiên. Là một người cai trị dân nổi tiếng rất nghiêm minh, luôn được nhân dân kính trọng và yêu mến.

Ngày 23 (Kỷ Hợi) Tháng 12 năm 1819 (Kỷ Mão) Vua Gia Long đau nặng, cho triệu Hoàng Thái Tử Đảm (Minh Mạng) và các Hoàng Tử Tước Công cùng Các Đại Thần là Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng… đến nhận di chúc. Trong đó sai Lê Văn Duyệt kiêm Giám Năm Dinh Quân. Ngày 22 Tháng 2 năm 1820  Vua Gia Long băng hà, thọ 58 tuổi, lúc này Lê Văn Duyệt đích thực trở thành là Quan đầu triều, khi  Vua Minh Mạng lên nối ngôi Gia Long.

Sau những năm tháng Lê Văn Duyệt ở lại kinh đô, nhận nhiều trọng trách, dẹp được các loạn quân ở những địa phương nổi lên chống triều đình, phải tuân phục. Sau đó để gìn giữ an toàn phía Nam, Vua Minh Mạng cắt cử Tả Quân về lại giữ chức Tổng trấn Thành Gia Định. Sau nhiều lần từ chối không được, Ông mới nhận lệnh làm Tổng Trấn lần hai từ 1820 cho tới khi từ trần 1832, chẳng những cai quản vùng đất rộng lớn phương Nam mà còn bao trùm cả vùng biên giới Ai Lao và Cao Miên nữa, hầu bảo toàn từ xa cho lãnh thổ Việt Nam.

II .- LÊN TIẾNG CAN NGĂN VUA – BÊNH VỰC NGƯỜi CÔNG GIÁO

Ông Lê Văn Duyệt, Vị khai  quốc công thần, đã được Vua Gia Long phong làm Tổng trấn Thành Phiên An từ năm 1812, nhưng vẫn không tán thành chủ trương cấm đạo Gia-Tô “Vì sự nghiệp mà vô ơn“ của Vua Minh Mạng, chỉ vì quan niệm hẹp hòi “Bế quan Tỏa cảng” lỗi thời, rồi đây sẽ đem đến mất nước. Nhìn trước thấy hậu quả đó, nên Ngài đã lên tiếng can ngăn Triều đình nhà Nguyễn.

Riêng về những sắc lệnh cấm đạo sau khi nhà Vua ban hành, đều được cấp tốc giao về các địa phương cho thi hành triệt để. Riêng đối với Tả Quân Lê Văn Duyệt, trong sách “Biên tích Đức thầy Vêrô Pinho” của Ông Trương Vĩnh Ký kể  rằng: “Sắc dụ đầu tiên cấm đạo Công giáo và người Tây phương nói chung, ra lệnh triệt hạ nhà thờ, do Minh Mạng ban bố năm 1827. – Quan Tổng Trấn đang xem chọi gà khi chỉ dụ cấm đạo đưa tới. Ông kêu lên: Sao chúng ta lại bách hại người đồng đạo của Bi-Nhu (Giám mục Bá Đa Lộc)? Họ từng đem gạo đến cho chúng ta ăn! Bằng một cử chỉ dận dữ, ông xé sắc dụ và nói: Bao lâu tôi còn sống thì không được làm thế!”. Trong thời gian này nhờ sự giúp đỡ của Tả Quân mà các Giáo sĩ cùng với Giáo dân phương Nam được sống Đức tin bình yên hơn bất cứ nơi đâu.

Được biết Minh Mạng có ác cảm và khinh thường bài bác Công giáo sâu xa, nên Quan Tả Quân đã cho thu thập các tài liệu, sao chép 14 thư chữ Nôm của Nguyễn Ánh gửi cho Giám đốc Chủng Viện Liot yêu cầu Công Giáo giúp đỡ, để Ông mang tới Kinh Đô dâng lên Minh Mạng làm bằng cớ về công ơn của người Công giáo. Với chủ tâm đó nên sau khi sắp xếp công việc, ngay cuối tháng 12 năm Đinh Hợi (1827) Ông đích thân ra Huế gặp Minh Mạng, nhắc nhở chiến tích và công đức của Thượng sư Bi-Nhu đã giúp Vua Cha trước đây cùng với tài liệu chứng cớ, và Tả Quân có những lời cứng rắn này: “Tâu Hoàng Thượng, chúng ta định bắt bớ các Đạo trưởng người Âu, trong khi chúng ta còn nhai cơm do các vị cung cấp cho chúng ta sao? Ai đã giúp Tiên Hoàng lấy lại Giang sơn? Hoàng Thượng làm như muốn mất nước? Tây Sơn chém giết người Gia-Tô; Tây Sơn đã mất ngôi. Vua Pe-Gu (Miến Điện) vừa đuổi các Đạo Trưởng khỏi nước, liền bị truất ngôi. Hình như Hoàng Thượng không còn nhớ những công ơn của các Thừa sai, làm như Lăng của Thượng Sư Phêrô không còn nơi chúng ta? Không thể được. Bao lâu thần còn sống, Hoàng Thượng sẽ không được làm điều ấy. Thần chết rồi, Hoàng Thượng muốn làm gì thì làm...” (Trích Công giáo trên quê hương Việt Nam trang 93).

Thêm một chi tiết nữa, theo Sử Gia Trương Bá Cần cho biết thêm: “Trong chính sử không nói rõ Lê Văn Duyệt tâu trình thế nào về tình hình Công giáo, nhưng ngày 01/06/1828, ba thừa sai Taberd, Gagelin và Odoric được phép rời Huế (coi như bị quản thúc làm thông dịch viên cho Triều đình) để đi vào Gia Định. Các Thừa sai đều cho là nhờ sự can thiệp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt.”

         Qua việc can ngăn trên, quả nhiên Vua Minh Mạng nể vì, từ năm 1827 tâu trình sự việc cho đến khi Lê Văn Duyệt từ trần vào năm 1832, Minh Mạng không ban hành chỉ dụ cấm đạo nào nữa, nhờ vậy Giáo Dân được thong dong giữ đạo một thời gian, chuẩn bị tinh thần đón nhận những cơn bắt đạo khủng khiếp ập đến, vì khi Đức Tả Quân vừa qua đời, Vua liền ra lệnh cấm đạo ác liệt trở lại.

III- HẬU QUẢ CỦA VIỆC CAN NGĂN – SỰ CẤM ĐẠO VÀ SỨC SỐNG ĐỨC TIN

Đánh giá về Vua Minh Mạng từ xưa đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, trong khi có sử gia ca ngợi ông là vị Vua thông minh, chăm chỉ, có tài thao lược, thì cũng có người liệt ông vào hàng bạo chúa, một hôn quan, một Nê-rông đối với đạo Công giáo.

Với 21 năm trên ngai vàng (1820-1840), Minh Mạng đã ra 6 sắc chỉ cấm đạo, so sánh cho thấy 13 năm đầu từ 1820 cho đến 1832 chỉ có 2 sắc chỉ, riêng 8 năm về sau từ 1833-1840 khi không còn bóng dáng Lê Văn Duyệt can ngăn nữa, Nhà Vua đã ra lệnh cho quân quan truy lùng các đạo Trưởng ngoại quốc và bản xứ cùng tìm các nhục hình tra tấn, tù tội giam cầm, phân sáp, tịch thu tài sản nhà cửa ruộng vườn để cho người Công Giáo sợ hãi mà bỏ đạo, nhưng mọi mưu mô thâm độc đó đều thất bại, các Tín Hữu vẫn giữ vững Đức Tin, bằng chứng là 117 vị Thánh Tử Đạo được tôn phong 19/6/1988, trong đó có non một nửa 58 /117 vị Thánh bị bách hại do triều đại Minh Mạng cấm cách.

Sử sách ghi lại rằng, đang lúc Vua Minh Mạng hăm hở bắt đạo, tưởng rằng không chóng thì chầy sẽ tiêu diệt được hết bọn “Gia Tô Tả Đạo“ như chương trình đã dự định, không ngờ qua năm 1840 nhà Vua bị ngã ngựa chết, đem xuống mồ cái hận thù muôn đời không bao giờ gột rửa được!.

Riêng về việc Tả quân khi sinh thời dám can ngăn Vua cấm đạo, thì vào ngày 25 tháng 8 nám 1832 (Nhâm Thìn), Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, được an táng tại làng Bình Hòa (Quận Bình Thạnh ngày nay) trong một khu đất rộng lớn và cao ráo. Tuy nhiên do mối tị hiềm trước đây, nên Vua Minh Mạng đã ngang nhiên bãi bỏ chức Tổng Trấn Gia Định Thành đổi tên lại là Phiên An, giao cho Nguyễn Văn Quế làm Tổng Đốc và Bạch Xuân Nguyên làm Bố Chánh. Và ông Nguyên nói rằng theo mật chỉ nên đã truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, cùng bắt bớ nhiều người liên can trong đó có Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt. Sau nhờ được đồng đảng giải thoát khỏi ngục, Khôi nổi lên chống đối Triều Đình, sau  gần 3 năm cầm cự, vụ nổi loạn thất bại. Liên lụy đến việc này Lê Văn Duyệt phải vạ lây, Ông bị Minh Mạng ghép vào 7 tội và khu mộ phải gia hình, sai quan địa phương “Đến chỗ mả đắp, san bằng mặt đất“ cùng dựng trụ đá hài tội khắc 8 chữ “Quyền Yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử“ (Chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).

  

Ngoài ra Vua còn quyết định: tước đoạt chức tước, bằng sắc, phẩm hàm, tịch thu toàn bộ gia sản, riêng bà Chánh thất phu nhân Đỗ Thị Phận cũng bị khép tội như chồng, nhưng vì Lê Văn Duyệt có tật “ẩn thân” về lý không thể là vợ của Ông được, nên tạm tha cho về ở với mẹ ruột trong một ngôi chùa tại Chợ Lớn, khi Bà Phận qua đời chôn nơi khuôn viên Chùa, sau này các bộ hạ thân tín mới cải lên bí mật đưa về chôn bên cạnh ông. Hai ngôi mộ đều có hình thức giống như hai quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc nằm song song bên nhau.

Vì bị án nên mồ mả, nhà bia, lăng mộ của Lê Văn Duyệt bị tàn phá và bỏ hoang phế, mãi đến năm 1841, sau khi Vua Thiệu Trị lên ngôi được 9 năm, nỗi oan khiên trên mới được giải. Nhà Vua cho xuất tiền kho sửa sang đắp lại lăng mộ Tả quân cùng xây cất thêm các công trình khác rất mỹ thuật và khang trang, trên một khuôn viên rộng lớn hơn 18.500 m2. Nghe rằng tác giả công trình này về sau được trọng dụng xây lăng cho Vua Tự Đức ở Huế.

Được biết trước đây có một thời, chính quyền muốn dùng cổng tam quan lăng Tả quân Lê Văn Duyệt để làm biểu tượng cho Sài Gòn, vì kiến trúc rất độc đáo, hiện nay các du khách tới tham quan đều trầm trồ trước một di tích lịch sử, cổ kính có một không hai. Nhiều lễ hội hằng năm được tổ chức tại đây, thu hút rất đông khách thập phương đến thăm viếng.

Khi còn sinh thời Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã thi hành một chính sách cai quản vừa cứng rắn vừa nhân đạo nhằm dung hòa mọi quyền lợi tinh thần cũng như vật chất của nhân dân, nên ngày nay nơi lăng mộ Ông không ngớt kẻ đến lễ bái, cầu xin, dâng hương, chứng tỏ mọi tầng lớp dân chúng đều mến phục và tôn kính. Riêng người Công Giáo đã được Ông bênh vực, chở che nâng đỡ nhiều mặt lúc loạn ly, trước các chỉ thị cấm đạo gắt gao của triều đình. Vì thế chúng ta phải biết nhớ đến Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt với lòng biết ơn sâu xa.

                                                                                  Hoa Thịnh Đốn, mùa Thu 2018

                                                                                      Vinh Sơn VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG