Trong một lần dự tiệc liên hoan nhân kỷ niệm mười năm ngày cưới của một đôi bạn. Ai cũng tay bắt mặt mừng, huyên náo trao đổi, chia sẻ muôn vàn những câu chuyện đời thường trong cuộc sống, cho đến những chủ đề ở những lãnh vực chuyên biệt: Văn hóa, tôn giáo, chính trị, xã hội.

Và dĩ nhiên, chủ đề kỷ niệm mười năm ngày thành hôn của đôi bạn vẫn thường xuyên được gợi nhớ, với những kỷ niệm vui buồn, sướng khổ, thăng trầm, vinh hoa tủi nhục mà họ đã trải qua.

Khách mời đa phần là những người trẻ, và hầu hết họ đi dự tiệc có đôi có cặp. Không thể biết được cụ thể hoàn cảnh sống và tình trạng hôn nhân gia đình của từng đôi bạn như thế nào? Nhưng nhìn vẻ bên ngoài: trang phục, giày dép, trang điểm, phương tiện đi lại… có thể đoán được họ có nghề nghiệp, có thu nhập, đang sống trong hạnh phúc, mặc dù sự phỏng đoán này có thể không đúng.

Và nhất là trong cách ăn nói, dù khiêm nhường hay kiêu ngạo, dù to tiếng hay thì thầm, dù công khai hay riêng tư… vẫn dễ dàng nhận ra được thái độ so sánh, tự hào, khoe khoang, hơn thua lẫn nhau về mức độ thành công trong cuộc sống, dựa trên những tiêu chí: nghề nghiệp, thu nhập cao, có sổ đỏ nền nhà ở vị trí đắc địa, nhà vừa mới xây ở mặt tiền, có con cái gởi đi du học nước ngoài, điện thoại xịn, giày dép, quần áo, xe cộ thuộc loại sang trọng hàng hiệu… và có cả những mối liên hệ quen biết với chính quyền cấp cao, người này người kia, ông này bà nọ.

Những mô tả trên, không chỉ diễn ra trong buổi tiệc kỷ niệm mười năm ngày cưới vừa mới nêu lên, mà còn nhan nhãn trong khắp những cuộc gặp gỡ của con người thời đại hôm nay, từ thôi nôi, sinh nhật, ma chay, cưới hỏi, hội hè, đình đám cho đến những tiếp xúc đời thường hằng ngày… Có phải chăng, những giá trị về mặt tinh thần: niềm tin, tình yêu, hạnh phúc, đạo đức, đối nhân xử thế, ngay thẳng, lương tâm, công bình, bác ái, vị tha, nhẫn nhịn, chịu đựng, tha thứ… đã bị lãng quên mất rồi? Bởi vì quan sát thấy, rất ít ai tha thiết trao đổi, chia sẻ về những vấn đề này. Mà thay vào đó là những suy nghĩ đậm mùi vật chất, với những ánh mắt nhìn hơn thua nhau dựa trên đẳng cấp ở những vị trí mà mình đang có.

Và nếu là như vậy, thì phải nói rằng: Gia đình thời nay, họ chú trọng xây dựng một căn nhà hơn là xây một tổ ấm. Xây nhà và xây tổ ấm giống và khác nhau ở điểm nào? Hệ lụy của nó ra sao? Để có câu trả lời cho những vấn đề vừa nêu, hãy bắt đầu bằng hình ảnh hết sức gần gũi: NHỮNG CHÚ CHIM LÀM TỔ ĐẺ TRỨNG VÀ NUÔI CON.

Đến mùa sinh sản, đa phần những loài chim làm tổ thật nhanh chóng, nó dành phần lớn thời gian còn lại để đẻ, ấp trứng, chăm sóc con non cho đến khi rời khỏi tổ. Khi đã hội nhập vào môi trường tự nhiên, nó tiếp tục dạy cho con những kỷ năng sống: bắt mồi, tìm nguồn nước, trốn tránh kẻ thù, di cư, trú đông… Giai đoạn này kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là vài năm, trong khi thời gian làm tổ chỉ mất vài tuần. Tự thân nơi loài chim, cũng như nhiều loài khác trong thiên nhiên, đã được phú bẩm một bản năng: Xây tổ quan trọng, vì tổ chim thuộc về vật chất, nhưng không bằng chăm sóc và trao cho con cái những kỷ năng sống, nó thuộc về lãnh vực tinh thần.

Có phải chăng, gia đình thời nay họ dành nhiều thời gian để xây những căn nhà? Và rồi một ít ỏi thời gian còn lại, là không đủ để họ xây một mái ấm. Nhìn vào đời sống của các gia đình sẽ thấy rõ điều này: Cưới vợ lấy chồng vừa xong là lo ngay tìm kiếm tiền bạc của cải để xây nhà, mua sắm trang thiết bị cho bằng chị bằng anh, và dường như thời gian dành cho việc tìm kế sinh nhai đã nuốt trọn gần hết quỹ thời gian của đời người. Trong khi đó, thay vì dành nhiều thời gian để nuôi dưỡng, giáo dục, đồng hành, chăm sóc con cái… thì lại trao phó nhiệm vụ thiêng liêng này cho những người vú nuôi, cho trường học, cho nhà thờ. Thậm chí tệ hại hơn, là phó mặc con cái với chiếc tivi, hay điện thoại hoặc những trò game độc hại.

Theo thời gian, con cái sống và lớn lên trong căn nhà xinh đẹp với đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng những kỹ năng sống lại nghèo nàn. Gia đình không còn là mái ấm, mà thay vào đó chỉ là một căn nhà che nắng che mưa thật tốt, nhưng lại khô cằn về tình thương, hiệp nhất và bình an. Và lẽ dĩ nhiên, hệ lụy của nó là con cái trưởng thành về thể chất nhưng chưa lớn nổi thành người, do bởi khiếm khuyết về việc huấn luyện đào tạo những giá trị tâm linh tinh thần, cũng như những kỹ năng sống trong cách đối nhân xử thế với nhau.

Để xây dựng gia đình thành một tổ ấm, điều trước tiên và trên hết phải bắt đầu từ cha mẹ. Cha mẹ cần có tầm nhìn cho tương lai gia đình và con cái của mình. Tương lai ở đây không phải là một gia đình giàu có vật chất, nhưng trước tiên phải là một gia đình giàu tình người. Tương lai của con cái không phải là trở thành quan to chức lớn, ông này bà nọ, nhưng là huấn luyện dạy dỗ con cái trở thành những người đạo đức và trí thức. Nghĩa là thành nhân rồi mới thành tài.

Muốn được như vậy, cha mẹ hết sức can đảm hy sinh sự thành đạt phô trương vật chất. Mà thay vào đó, là dành nhiều thời gian đồng hành cùng con cái, tạo dựng môi trường lành mạnh nơi gia đình như: tắt tivi và dùng cơm chung với nhau, thay vì mỗi người một tô cơm và ngồi xem tivi. Sắp xếp thời gian để có thể đọc kinh tối vắn gọn với nhau trong gia đình, thay vì cứ phải bận rộn đưa đón con cái học thêm, tăng ca, la cà quán xá. Bằng cách nào đó, cha mẹ tạo những nhịp cầu, để con cái có thể quây quần cùng nhau, và với cha mẹ trong gia đình, sẽ tốt hơn là mỗi đứa một phòng riêng với chiếc điện thoại vào face, check mail, đấu game, lướt web.

Một vài gợi ý, để những bậc đã đang và sẽ làm cha mẹ tiếp tục ưu tư về một mái ấm gia đình, hơn là một căn nhà xinh đẹp. Trao cho con cái những kỹ năng sống cho nên người, hơn là những mánh lới làm giàu tiền của. Đồng hành với con cái của mình để cảm nhận sự cao quý của thiên chức làm cha mẹ, hơn là sinh con ra rồi tặng cả thiên chức làm cha mẹ cho người vú nuôi. Làm cho bầu khí gia đình trở thành môi trường giáo dục đạo đức lành mạnh, hơn là trao phó cho nhà trường, nhà thờ.

Gia đình ơi! Xây tổ ấm thì tốt hơn là xây một căn nhà.

Gia đình ơi! Căn nhà xinh đẹp rồi cũng sẽ có ngày sụp đổ, chỉ có tổ ấm mới là nơi trú ẩn vững chắc cho gia đình.

Gia đình ơi! Tương lai sẽ đi vào tăm tối, nếu giây phút này những bậc làm cha mẹ không biết lo xây dựng tổ ấm nơi gia đình của mình.

Lm. Pet. Trần Trọng Khương (WebGPMT)