Kinh Thánh, một cuốn sách không thể hiểu bình thường, đơn thuần như những cuốn sách khác, mà Kinh Thánh là cuốn sách có một không hai trong lịch sử loài người.

Kinh Thánh là cuốn sách Siêu Thư [Siêu sách], Kinh Thánh cũng không phải là cuốn sách khôn ngoan triết học, hay kinh viện minh triết, và chẳng bao giờ có trong đó về các vấn đề tư duy, tư tưởng thuần túy, trí tuệ, ý chí, và chẳng bao giờ có trong đó hình nhi thượng, cũng chẳng có thái cực lưỡng nghi v.v... mà toàn bộ Kinh Thánh chỉ thấy Thiên Chúa ẩn mình [Cựu Ước] và Thiên Chúa làm người [Tân Ước]. Toàn bộ Kinh Thánh cho biết, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên trời đất hữu hình và vô hình và chỉ thấy trong đó dấu chỉ của một hiện diện ần náu - tự biểu lộ và phô diễn trọn vẹn tình yêu nơi Chúa Cha  - và cụ thể tình yêu ấy bởi Chúa Giêsu Kitô làm người. Với ý định ban sư sống cho loài người ở đời này và hưởng hạnh phúc vĩnh cửa với Thiên Chúa đời sau.

 Hơn nữa, “Kinh Thánh dùng mọi lối nói, nhất là lối nói mà các dân tộc Đông Phương thường quen dùng để diễn tả Chân Lý, với điều kiện lá lối nói đó không đối nghịch với sự thánh thiện và Chân Lý của Thiên Chúa. Thánh Thomas cũng đã nói lên điều này, khi người viết : “Trong Kinh Thánh Thiên Chúa truyền dạy Chân Lý của Người theo một cách lối quen thuộc đối với con người” (Đức Piô XII)

 Vì  vậy - “Đọc Kinh Thánh, hãy đọc vì lòng mến chân lý thuần túy. Nếu muốn được ích khi đọc Kinh Thánh, bạn hãy đọc cho khiêm tốn, đơn thành và tin tưởng, mà đừng bao giờ để mang tiếng thông giỏi” [Trích Sách Gương Chúa Giêsu]

 Đọc Một Cách Khiêm Nhường

 “Chúng ta hãy đọc Kinh Thánh, nhưng hãy đọc như các giáo phụ đã đọc. Các ngài đã chỉ cho chúng ta phương pháp tốt  nhất và bổ ích nhất, chúng ta hãy qùy gối mà đọc Thánh Kinh, đừng đọc với ý muốn phê bình, với tính tò mò ngốc ngếch, thái độ đó chỉ đưa đến cái hão huyền. Nhưng hãy đọc Kinh Thánh với tất cả đam mê của một tâm hồn đói khát! Nếu người ta bảo chúng ta: trong đó có sự sống, có ánh sáng, thì tại sao ta lại không tìm cách nếm thử một chút cái ngọt ngào mà Kinh Thánh có thể đem lại cho ta?” (P. Claudel 1955)

 Tôn kính và coi trọng Lời Chúa, thì ta phải loại bỏ tính tự cao tự đắc và tránh dùng tiêu chuẩn con người để đánh gía Tin Mừng (Kinh Thánh). Nếu ta tự cao tự đắc ta sẽ không bao giờ hiểu Kinh Thánh. Vì, “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người”. (Is 55,8). Kinh Thánh luôn luôn mời gọi chúng ta thay đổi tâm tình, thay đổi để có thê trở về với Thiên Chúa. Đọc Kinh Thánh để giảm thiểu và loại bỏ, gĩa từ tính tự cao tự đại và  tuyệt đối “tin vào Tin Mừng” Mc 1,15)

 “Hồi trước, khi tôi bắt đầu quay về với Kinh Thánh, tôi đã không đánh gía Kinh Thánh như bây giờ tôi đánh gía. Trái lại, lúc đó tôi cho là Kinh Thánh không xứng đáng được so sánh với tác phẩm của Ciceron. Tâm trí tự nhiên của tôi quen thổi phồng ra, nổi dậy chống lại cái lối âm thầm của Kinh Thánh, và cái nhìn của tôi không nhìn thấu cái ý nghĩa bên trong Kinh Thánh. Và đúng như vậy, cái đặc biệt của Kinh Thánh là chỉ phát triên, nảy nở nơi những người hèn mọn, nhưng lúc đó tôi cho rằng, danh gía của tôi không cho phép tôi là một người hèn mọn. Lòng kiêu căng thổi phồng tôi lên, tôi tưởng tôi to lớn lắm”. (Au-gu-tinh 430)

 Sẵn Sàng Thực Thi Lời Chúa

 Ai đọc Kinh Thánh chỉ vì tò mò, hay thỏa mãn tính ham hiểu biết, hay tỏ ra cái mốt thông giỏi, hoặc phê phán những câu này ý kia thì sẽ không bao giờ “thân thiện và làm bạn” với Kinh Thánh. Đó cũng là cái cung cách trong những lý do chính làm Kinh Thánh nhiều khi không liên quan gì đến chúng ta. “Thiên Chúa nói với chúng ta, là để chúng ta hành động theo Lời Người, chứ không phải là để chúng ta cặm cụi giải thích những chỗ tối nghĩa” (Kierkegaard). – “Dù trong Kinh Thánh bạn chỉ hiểu một điều mà thôi, thì bạn cũng đã phải làm theo điều đó, chứ đừng có ngồi nán lại  mà bóp trán suy nghĩ luẩn quẩn trên những chỗ tối nghĩa”. (Kierkegaard).

 Như vậy, trong khi đọc Kinh Thánh, ta phải luôn tự hỏi : Đoạn này nói gì với ta? Sau đó là phải đem áp dụng, thực hành những điều ta vừa hiểu. Sau đó cố gắng “hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37). “để loan truyền những kỳ công của Ngưòi”  (1Phêrô 2, 9) – “để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Eph 1,14).- Bởi vì : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

 Nhưng – “Khi cảm thấy tự mình không làm được gì, thì Kinh Thánh đến giúp đỡ tôi. Trong đó tôi tìm thấy một nguồn luơng thực trong sạch, đem lại cho tôi sức mạnh. Trước hết là Phúc Âm, nó đem lại cho tôi những cái cần thiết cho việc cầu nguyện nội tâm. Trong Phúc Âm, tôi tìm thấy những gì cần cho linh hồn bé nhỏ và nghèo nàn của tội. Trong Phúc Âm tôi luôn luôn tìm thấy những ánh sánh mới, những ý nghĩa thầm kín và bí ẩn”. (Th. Theresa 1897)

 Yêu Mến Kinh Thánh

 Ai yêu Thiên Chúa, thì cũng yêu Lời Thiên Chúa. Yêu Chúa nồng nhiệt như Thánh Phaolô, Au-gu-tinh và bao vị thánh khác đã yêu, là một hồng ân của Thiên Chúa, không phải ai cũng yêu nồng nhiệt như vậy được. Nhưng ai trong chúng ta cũng có thể được Thiên Chúa ban cho hồng ân yêu Người, tùy theo mức độ của mỗi người, nhưng làm thế nào để có một tâm hồn Mát-ta, lắng nghe lời Chúa (x. Lc 10,38-42) và thực thi để đón nhận hồng ân đó?

 “Chớ gì Lời của Phúc Âm phá tan mọi tội lỗi chúng ta”, đó là câu mà Phụng vụ thường dùng. Nhưng làm sao việc nghe và việc đọc Phúc Âm có thể phá tan tội lỗi? Khi nghe Lời Chúa trong thái độ tin, ta chăm chú lắng nghe Thiên Chúa, chính Người mở mắt cho ta nhìn thấy tội lỗi chúng ta : “ Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi ...,” (Dt 4,12).

 Nhờ Lời Chúa, chúng ta được trở nên trong trắng : “Anh em được sạch rồi , nhờ Lời Thầy đã nói với anh em: (Ga 15,3). Việc đọc Kinh Thánh vào giờ nào? Lúc nào? Là tùy ở tâm tình và lòng yêu mến Kinh Thánh của mỗi người, như Thánh Au-gu-tinh nhắc bảo, luôn luôn “Hãy cầm lấy mà đọc”. Bởi vì: “Không biết Kinh Thánh là không Đức Kitô. Bạn hãy yêu Kinh Thánh, và đức khôn ngoan vĩnh cửu sẽ yêu thương bạn. Hãy yêu mến Kinh Thánh và Kinh Thánh sẽ giúp đỡ bạn, hãy tôn kính Kinh Thánh, và Kinh Thánh sẽ ôm bạn vào lòng” (Th. Giê-rôm).

 Vũ Công Chính