Ma Maison, cái nhà của tôi. Tên  này quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Cách đây hơn hai năm, khi tới Lyon, một người bạn đã dẫn vợ chồng chúng tôi vào một ngôi nhà nhiều tầng lầu đồ sộ. Tôi hỏi chị sao có ý nghĩ  đưa chúng tôi vào đây.

Chị trả lời : đây là nơi tôi làm việc mỗi ngày trong tuần, đây là thế giới thực của đời tôi.

          Nghe như thế, tự nhiên có những tò mò nảy ra trong đầu. Tôi tìm hiểu : tại sao có cái tên Ma Maison. Được giải thích Ma Maison, là nơi đây, chốn tôi nương thân. Nhưng hai chữ đó là chữ đầu của Ma Maison des petites soeurs des pauvres, Nhà tôi, nhà của các tiểu muội phụng sự  người nghèo.

          Cả mấy thập niên khi đức cha Điền còn là một linh mục. Ngài cư trú tại một căn nhà nhỏ hẹp tại Bàn Cờ, Sài Gòn  với mấy người thanh niên chuyên đi làm việc lao động. Họ ăn mặc rất sơ sài, không ai nhận là hàng tu trì. Cuộc sống của họ đầy lam lũ giữa  đám thợ thuyền. Khi ngày tàn, họ tụ tập vào căn nhà nhỏ này, ngồi trầm lặng trong chiêm niệm trước Thánh thể. Cứ lâu lâu, những buổi chiều chúa nhật, khi không bận nhiều vào việc học hành, tôi với người bạn tên Hà, cũng tới nơi này, ngồi giờ lâu trong thinh lặng để lắng nghe lời Ngài.

          Một buổi sớm, người em trai của chị Quy, đưa chị tới đây để nhập cuộc. Cậu em trai đã khóc ròng khi thấy chị mình chọn cảnh nghèo túng, thấp hèn, một lựa chọn cho cả cuộc đời.  Chị Quy đã lựa chọn cuộc sống nghèo khó  để  theo vết chân Ngài . Năm nay chị đã bảy mươi tuổi mà vẫn làm  việc với những người nghèo. Chị đã ở Jerusalen trên bốn chục năm. Chị là tiểu muội của chúa GiêSu ( petite soeur de Jésus, dòng cha thánh Charles de Foucauld ).

          Với những cơ hội nho nhỏ trong nhiều năm qua được biết đến cái tên Petits Frères de Jésus, tôi dễ bắt nhịp được cái tên Petites Soeurs Des Pauvres. Cũng nhân dịp đến thăm Ma Maison với người bạn tôi vừa kể trên, tôi mới hỏi thì được chị trả lời: đây là viện đưỡng lão của các sơ. Cái viện đưỡng lão khác hẳn với những viện khác :  ở chỗ người ta thương yêu nhau, lo lắng cho nhau không khác gì mọi người trong một gia đình, trong một nhà. Chân phước Jeanne Jugan ( 1792-1879 ) là người đầu tiên sáng lập tu hội này để giúp người nghèo khó.

          Mơ mộng của tuổi trẻ là ánh sáng chiếu soi cho những bước thăng tiến của cuộc đời. Ai cũng mong cho tuổi trẻ có một giấc mơ đẹp, có một ước vọng thăng tiến. Cũng chính nhờ đó mà tuổi trẻ vươn lên cao trong giai cấp và địa vị xã hội. Có những người được ơn gọi, thì mơ ước của họ nhiều khi người đời nhìn vào đã không cho là thiết thực với  tuổi trẻ, hay nói khác hơn nó có vẻ  xa vời với cái ước mơ thường tình của giới trẻ.

                Vừa bước vào khu làm việc, tôi thấy từ nhiều phía khác nhau, người đi được, kẻ lăn xe, lăn xả tới người bạn của chúng tôi. Những tiếng hôn, những nụ cười, những cái xiết tay chắc nịch. Họ quây quần chung quanh chị. Bạn tôi được tràn đầy hạnh phúc. Lúc đó tôi mới hiểu được câu nói của chị : Đây là thế giới thực của đời tôi. Nếu không lầm thì bạn tôi đã làm việc ở đây gần ba mươi năm, trong nhà Ma Maison. Chị chia sẻ ngọt bùi với những bệnh nhân trong chặng chót cuộc đời của họ, để họ chuẩn bị đi vào cõi tận cùng bên kia thế giới.

          Mẹ Anne Cécile hôm nay nháo nhác khi thấy sức khỏe của bà cụ suy yếu quá. Mỗi buổi sáng cùng soeur Marie, mẹ tắm rửa cho bà cụ, thay quần áo, cho ăn uống và thuốc men. Công việc ấy kéo dài cả tiếng đồng hồ. Hai người làm việc trong thinh lặng. Với cả tâm hồn hiến dâng cho những bệnh nhân đã vào trong nhà Ma Maison này. Tôi đã có dịp diễn tả trên một trang giấy nhỏ với tựa đề động lực tình yêu “. Thế nhưng đấy chỉ là một cái nhìn bên ngoài, hãy còn sơ sài quá, vẫn chưa đi sâu vào con đường sứ mệnh của các vị nữ tu ở đây.

          Mỗi khi thấy bệnh nhân sức khỏe suy thoái quá độ, Mẹ Anne Cécile cố tìm cho bằng được thân nhân của bệnh nhân, để trong những giây phút chót cuộc đời, người bệnh nhân ra đi khi thân nhân kề cận họ và trao cho họ sự trìu mến để họ thanh thả ra đi.

          Đêm nay trời trong vắt, những ánh sao cao vót tận bầu trời sâu thẳm, Mẹ đứng cầu kinh cho cụ bà. Khi sắp từ giã cuộc đời, tứ chi cứng đờ, con mắt trắng đục, cơ thể không biết gì, nhưng hai lỗ tai của con người trong lúc đó rất tỉnh táo và là cơ phận duy nhất để đón nhận những tín hiệu từ bên ngoài. Mẹ căn dặn người con của bà cụ : đừng đọc kinh nhiều quá, đừng dồn nén nhiều quá. Hãy đưa hồn bà cụ vào những thế giới tuyệt mỹ, vào những cuộc hành hương đầy ý nghĩa của cuộc đời. Làm như thế là giúp cho người sắp ra đi một tâm hồn thư thả, một tâm hồn đang chờ đón Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của an bình.

          Là một nhạc sỹ với những bản nhạc chàng đã làm từ tuổi ấu thơ cho tới mỗi chặng đường đời, những khung cảnh khác nhau. Chàng đã hát. Chàng đã hát suốt đêm thâu bên  cạnh giường của mẹ mình. Quây quần chung quanh là các em, các soeurs đang canh thức và cầu nguyện. Chàng đã hát những thánh ca : nhạc Việt êm nhẹ làm sao. Chàng đã đưa thân mẫu mình vào một thế giới đầy ánh sáng. Tình yêu bao la của Chúa Cha, sự hy sinh cùng kiệt của Chúa Cứu Chuộc và đưa người vào  thần trí của Chúa Thánh Linh. Ơn cao vời vợi đã nâng tâm hồn bà tới chín tầng trời, nơi đây bà hằng mong ước cả đời.   

         Mọi người cầu nguyện cả đêm cho bà. Qua đêm, tới lúc này bà đã mệt lắm. Sắc mặt bà tái nhợt. Hai tay hai chân tím bầm. Người bác sỹ tới thăm vào buổi chiều báo hiệu giây phút bà sắp về bên kia thế giới. Vào buổi chiều tối giờ của  bà đã điểm. Các con bà tề tựu chung quanh bà. Mẹ Bề trên miệng lẩm bẩm lời ca : linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Các linh mục trong nhà Ma Maison đứng gần kề chung quanh giường bà. Người con trai lớn của bà giơ tay ban phép lành lần chót. Bà thinh lặng rơi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Với bàn tay nhẹ nhàng, Mẹ Bề trên đặt tay trên mỗi mi mắt giúp bà đóng chặt nhẫn giới giã biệt cõi đời. Bà ra đi bình an.

          Theo thông lệ của Ma Maison, mỗi khi một người ra đi, sau khi được tắm rửa và thay quần áo, các soeurs chuyển xác xuống một căn phòng riêng. Xác được đặt trên một giường lạnh bằng đá, một chiếc máy lạnh giữ cho xác tươi. Trong ba ngày, các linh mục, các soeurs và những người trong nhà không phân biệt, suốt ngày đêm tới đây để cầu nguyện cho người vừa ra đi. Qua ba ngày là lễ an táng. Thủ tục này diễn tiến đều đặn tại các nhà Ma Maison trong khoảng bảy mươi nhà trên khắp năm châu. Nghi thức cầu nguyện rất trang trọng cho mỗi người và đây mới thực là ý nghĩa sống của nhà Ma Maison.

         Sau khi thân nhân đủ mặt hẹn về trước khi bà cụ qua đời. Hôm nay nghi lễ tiễn bà được tổ chức thật chu đáo và long trọng. Trên bàn thờ, mười lăm linh mục vừa Pháp vừa Việt từ nhiều nơi khác nhau tới đây. Bên cạnh quan tài của bà là thân nhân, con cháu. Trong nhà nguyện ấm cúng là cả nhà Ma Maison với ca đoàn gồm các soeurs. Mẹ Bề Trên đánh nhịp như bất cứ trong buổi lễ nào. Tất cả thánh lễ được cử hành bằng tiếng Pháp để mọi người có thể thông công. Vào cuối lễ, người con trưởng cũng là linh mục đã ngỏ lời từ biệt người mẹ thân yêu của mình, ngõ lời cảm tạ Mẹ Bề Trên, các soeurs và mọi người đã dầy công giúp đỡ bà. Trong lễ an táng này, cũng có rất nhiều giáo dân Việt, nhiều phật tử và thượng tọa chùa Thiện Minh đã tới đây tiễn đưa bà. Lễ an táng được kết thúc bằng nhạc bản : Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa do giáo dân từ Lyon xuống. Lời ca cảm động tiễn đưa linh hồn bà bay về nơi vĩnh phúc.

          Bà là người được Chúa lo liệu . Những ngày cuối đời bà được tràn đầy an vui và hạnh phúc tại nhà Ma Maison. Những ngày tháng xẩy ra ở đây trường hợp nào cũng được lo lắng thấu đáo như thế để  đem lai hạnh phúc và niềm vui cho mỗi người sống trong nhà này, nhà Ma Maison.

         Có bao nhiêu người cảm động khóc không nên lời. Có bao nhiêu nhạc sĩ, có bao nhiêu thi sĩ, có bao nhiêu nhà văn để diễn tả cuộc sống ân tình này, tôi chưa biết. Tôi xin mượn lời của Hàn Mạc Tử để nói về những việc làm của Mẹ Bề Trên và những nữ tu tại Ma Maison:

“ 

Hỡi các vị thiên thần của Trời, Thiên thần của Chúa, thiên thần hòa bình và hoan lạc, xin hãy mang lại cho tôi một vòng hoa. Tôi muốn tắm trong bể ánh sáng và lòng yêu kính thiêng liêng. Bởi vì dưới cõi trần gian, đã thành tựu nhiều phép lạ nó làm cho người ta phải nghẹn ngào vì khâm phục ngưỡng vọng cái sự nghiệp thần bí của Đấng tối Cao… bởi vì đó là các Mẹ và các chị dòng…xuống cõi trần gian để an ủi những đau khổ, lo âu của loài người yếu đuối, của các bệnh nhân tàn tật, của những kẻ phong cùi là chúng tôi đây (Trích:đêm thứ tư 24 Octobre 1940, Francois Trí, tức Hàn Mạc Tử,  trong lời Cảm Tạ thiên Chúa). .

 

Trần Khánh Liễm