Bài viết này không phải là một nghiên cứu hay phân tích sâu rộng về chính sách của vị Giáo Hoàng thứ 266. Đây chỉ là những nhận xét dựa theo những lời phát biểu và việc làm của  Ngài mà tác giả nghe và thấy được trên những bài viết và phương tiện truyền thông.

Dĩ nhiên là không ai có thể nghe và xem được hết mọi việc Ngài nói và làm. Độc giả có thể nghe và thấy những điều Ngài nói và làm mà người viết bài này không nghe và thấy. Những lời phát biểu và việc làm có tính cách ngoại lệ của Ngài có phải là do bản tính riêng của Ngài hay Ngài đã chịu ảnh hưởng đường lối của Tổng quyền Dòng Tên mà Ngài là thành viên hay vì lí do nào khác? Đây chỉ là cách đặt giả thiết chứ không hẳn là xác quyết về những việc đã xẩy ra như thế, thì lí do phải là như vậy. Những lời nói và việc làm ngoại lệ với vị thế giáo hoàng của Ngài thì khá nhiều. Tuy nhiên trong phạm vi bài này, người viết chỉ trưng ra một số lời nói và việc làm ngoại lệ điển hình thôi.

--------------------------------------

Xin lưu ý:

  • Bài mới được sửa và thêm phần bổ túc.
  • Bài tương đối dài. Quí vị và các bạn có thể đọc từng phần.
  • Nếu thích thú và hứng khởi, có thể đọc hết một lúc - dễ đọc chứ không khó.
  • Bài thuộc thể văn phân tích và phê bình, nhưng đượm vẻ tôn trọng và cầu nguyện.
  • Bài bằng Anh ngữ cùng đề tài, cùng nội dung và cùng tác giả sẽ được đưa lên mạng này, trong mục này và trong tương lai rất gần.

-----------------------------------

Quá trình ảnh hưởng của Dòng Tên

Có những cá nhân hoặc nhóm người tu hành sống đời đạo đức và kỉ luật nghiêm ngặt, mà sau khi dòng tu của họ hoặc Giáo Hội trải qua một cuộc đổi mới đa diện, thì họ có thể áp dụng lối sống ngược lại. Họ có thể đặt câu hỏi vậy những việc họ sống và thực hành trước kia có còn phù hợp không và bây giờ có còn cần thiết để giữ không?  Để phản ứng lại, họ đi đến quyết định theo lối sống dễ dãi, kỉ luật lòng lẻo, hoặc đạp đổ quá khứ.

Dòng Tên cũng không thoát khỏi hệ luỵ đó. Khi Thánh I-nha-xi-ô (I-Nhã / Ignatius), người Tây Ban Nha Basque, thiết lập Dòng Tên (Society of Jesus – The Jesuits) vào năm 1534, Ngài áp dụng phần nào kỉ luật hàng đội nhà binh mà Ngài đã chịu ảnh hưởng vào Dòng Ngài mới lập. Dòng được tiếng là kỉ luật và tranh đấu bảo vệ tính chính tông Công Giáo. Trọng tâm của đường lối Dòng là trung thành tuyệt đối với quyền bính giáo hoàng, nhiệt thành cải cách chống lại những tệ đoan trong Giáo Hội và hướng đến việc truyền giáo nhiệt thành tại Âu Châu và Thế giới mới.

Sau Công Đồng Vaicanô II với những viễn kiến mới về Giáo Hội và xã hội và đổi mới về lễ nghi phụng vụ, Dòng Tên gặp khủng hoảng trầm trọng về căn tính và sứ mệnh của Dòng, làm suy yếu tính tự tin về việc huấn luyện và hoạt động trí thức mà người ta thường biết đến về giới linh mục của Dòng. Dưới thời linh mục tổng quyền Pedro Arrupe, cũng là người Tây Ban Nha Basque, người ta thấy Dòng Tên không còn phải là Dòng Tên trước thời Vaticanô II nữa. Dưói quyền lãnh đạo của linh mục tổng quyền Dòng Tên từ năm 1965 tới 1983, Arrupe mô phỏng căn tính Dòng Tên theo hướng quan tâm đến công bình xã hội và quyền tự do con người, đả kích giáo lí đức tin và luân lí truyền thống của Giáo Hội và không còn muốn tuân phục quyền bính giáo hoàng.

Hướng đi này không thuận với mọi cấp bậc trong Dòng. Nhiều linh mục giáo sư Đại Học Dòng Tên, nhất là linh mục Dòng trong Đại Học Grê-go-ri-ô tại Rôma chống đối mạnh mẽ đường lối lãnh đạo của Arrupe. Thêm vào đó, bên Tây Ban Nha có phong trào muốn tách rời Dòng Tên. Nhóm “Canh Gác Cũ” của Dòng tìm cách vãn hồi lại đường lối của Dòng trước đây. Nhờ có sự can thiệp của Giáo Hoàng Phao-lô VI theo lời khẩn cầu của Hồng Y Tarancón, thủ lãnh Giáo Hội Tây Ban Nha, vì sợ cho một cuộc chia li Giáo Hội Công Giáo tại Tây Ban Nha, mà đã ngăn cản được viễn tượng phân li này. Giữa cảnh xáo trộn đó, người ta thấy xẩy ra một cuộc ra đi lớn của giới linh mục trẻ trong Dòng, với con số từ 800 tới 1100 linh mục bỏ áo dòng mỗi năm trong những năm 1966 đến 1974. Đồng thời số người trẻ vào Dòng lại ít hơn. Từ giữa thập niên 60 tới giữa thập niên 90, tuổi trung bình của linh mục Dòng Tên trên khắp thế giới tăng từ 35 đến 65 [1].

Giáo hoàng Phaolô VI tố cáo Dòng Tên áp dụng kỉ luật lỏng lẻo. Ngài nghĩ rằng Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên phải trừng trị những linh mục nào của Dòng cổ võ cho nền thần học giải phóng bên Trung và Nam Mĩ.

Dưới thời Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người ta có cảm tưởng Ngài trọng dụng những giáo sĩ Dòng Opus Dei hơn. Dòng Opus Dei (Công việc của Chúa) được thiết lập  bên Tây Ban Nha  năm 1921 do linh mục Josemaria Escrivá và được Giáo Hoàng Piô XII phê chuẩn năm 1950. Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đặt Opus Dei như là Tông Toà dưới quyền cai quản của giám mục Opus Dei vào năm 1982, bao trùm các thành viên của Opus Dei ở bất cứ đâu. Vào năm 2016, Phủ Doãn Tông Toà Opus Dei có 92.667 giáo dân và 2.109 linh mục hoạt động trong 90 quốc gia, chưa kể 2.000 linh mục giáo phận thuộc Hiệp Hội Thánh Giá của Tông Toà Opus Dei [2].

Đức Gio-an Phao-lô II tỏ ra nghi ngờ Dòng Tên dưới thời lãnh đạo của Bề Trên Tổng Quyền Arrupe. Năm 1980, Ngài đòi hỏi các linh mục Dòng Tên phải rời bỏ việc tham gia chính phủ. Tại Mĩ, linh mục Robert F. Drinan, Dòng Tên, là nghị viên quốc hội Hoa Kì, đã tuân lệnh. Khi Đức Gioan Phao-lô II tông du sang Nicaragua vào năm 1983, một quốc gia ở Trung Mĩ, linh mục Ernesto Cardenal, Dòng Tên, là Bộ Trưởng Bộ Văn Hoá trong Chính Phủ Nicaragua, bái gối đón tiếp Ngài ở sân bay. Đức Giáo hoàng vẫy ngón tay mắng và nói đại khái là phải cải chính đường lối của đương sự. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục làm linh mục, thì phải rời khỏi chức Bộ Trưởng Văn Hoá. Lí do tham chính là làm chính trị đảng phái. Mà làm chính trị đảng phái, có khi phải dùng đến thủ đoạn và ma giáo. Ma giáo và thủ đoạn thì không hợp với chức vị và sứ vụ của linh mục.

Khi linh mục Arrupe bị tai biến mạch máu vào năm 1981 khiến cho hoạt động lãnh đạo Dòng Tên bị gián đoạn. Lúc đó giáo triều Rôma bắt lấy cơ hội, kêu gọi phải kỉ luật Dòng Tên. Do đó, Đức Gioan Phao-lô II can thiệp trực tiếp vào việc điều hành Dòng Tên, cho ngưng hiến pháp của Dòng và vượt quyền của Tổng Quyền kế vị Cha Arrupe. Sau hai năm thử nghiệm, Đức Gio-an Phao-lô II cho phép Dòng Tên tổ chức họp công nghị và bầu tổng quyền mới [3].

Thời kì mà Toà Thánh Vatican không hài lòng với Dòng Tên, thì linh mục Jorge Mario Bergoglio – bây giờ là Gia1o Hoàng Phanxicô - là lãnh đạo Dòng Tên từ năm 1979 đến 1983 tại Á Căn Đình (Argentina). Ngài phê bình thần học giải phóng theo xu hướng Mác-xít, nhưng cổ võ việc phục vụ người nghèo.

Khi Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Dòng Tên, là Tồng Giám mục Buenos Aires, được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13 Tháng 3, 2013, Ngài là Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên, và là Giáo Hoàng thứ nhất ngoài Âu Châu và cũng là Giáo Hoàng thứ nhất người Nam Mĩ. Là Giáo hoàng thuộc Dòng tên mà Ngài không chọn tông hiệu là I-nha-xi-ô, vị sáng lập Dòng Tên, hay Phanxicô (Sa-vi-ê), vị thánh đồng sáng lập Dòng Tên, mà lại chọn Phanxicô (Assisi), vị thánh sáng lập dòng Phanxicô khó nghèo. Quyết định này phù hợp với chủ trương bênh vực người nghèo như khi Ngài là bề trên Dòng Tên ở Á Căn Đình.

Việc lựa chọn những phương tiện đơn giản để ăn ở và đi lại

Thay vì sống trong căn hộ giáo hoàng trong Dinh Giáo Hoàng mà các vị giáo hoàng tiền nhiệm gần đây đã sống và làm việc, thì Đức Phan-xi-cô lại chọn sống trong nhà khách Martha, trong phòng đôi số 201, mà Ngài đã bắt thăm được, khi đến bầu Giáo Hoàng năm 2013. Nhà khách Martha gần Đền Thờ Thánh Phêrô, được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho xây cất và hoàn tất 1996 như là nhà khách cho hàng giáo sĩ-phẩm có công vụ đến Vatican và còn như là “khách sạn” cho hồng y đoàn khi đến Vatican, họp công nghị bầu giáo hoàng, tạm trú cho tiện lợi. Đây là toà nhà 5 lầu, có 106 phòng đôi – mỗi phòng đôi có phòng ngủ, phòng làm việc, phòng tắm và vệ sinh riêng, với đồ đạc làm việc và ngủ nghỉ, có vẻ thoải mái, nhưng không có gì là xa xỉ. Ngoài ra nhà khách Martha còn có 22 phòng đơn và một phòng như nhà ở (apartement). Nhà Martha còn có nhà nguyện và phòng ăn chung và những dịch vụ cá nhân được cung cấp.

Với vị thế giáo hoàng mà Ngài chọn ở đó thì làm mất tự nhiên cho những giáo phẩm sĩ đến ở tạm thời khi ra vào, đi lại và ngồi ăn chung. Mặc dầu là hồng y, giám mục hay linh mục ở đó, thì cũng chỉ coi nhau như khách trọ. Nay có vị Giáo Hoàng ở đó như là Chủ Nhà và là Bề Trên, sẽ khiến cho khách phải dè dặt hơn trong lời ăn tiếng nói và cách cư xử.

Việc Ngài chọn ở nhà khách Martha đâu phải đơn giản, dễ dàng và tiết kiệm như Ngài tưởng. Để bảo vệ an ninh cho Ngài, luôn có 2 vệ binh Thuỵ sĩ túc trực thay phiên canh gác ngày đêm cho Ngài. Rồi còn phải làm phòng ngủ cho đội ngũ giữ an ninh cho Ngài nữa.

Còn trong những chuyến tông du đến thăm một số quốc gia, thì từ sân bay vào thành phố, Ngài dùng những hiệu xe khác nhau như Mercedes, Toyota, Isuzu, Kia, Hyundai, Land Rover và Jeep. Khi sang thăm Hoa Kì vào Tháng 9, 2015, Ngài dùng xe Fiat 500L nhỏ, mầu đen từ sân bay vào Thủ Đô. 

Khi đi lại trong thành phố để chào thăm dân chúng, Đức Phanxicô ưa dùng loại xe pick-up truck mầu trắng, có đặt lồng kiếng rộng và cao bao phủ phía trên và trước với tay vịn 2 bên mà không có kiếng chống đạn, bao vây xung quanh để Ngài được tự do thông đạt với dân chúng đứng chào đón 2 bên đường, chứ không phải xe đã có sẵn với lồng kiếng nhỏ bịt bùng như trước. Điều này gây nhức đầu cho nhân viên cảnh sát và an ninh trong việc điều động thêm cảnh sát để bảo vệ an ninh cho Ngài. Khi Ngài sang thăm Hoa Kì, thấy nhân viên an ninh đỡ em bé từ tay bà mẹ cho Ngài ôm hôn.

Cử hành Lễ Tiệc Li tại nhà tù, rửa chân cho nữ giới và cho người ngoài Công Giáo rước lễ

Vào Thứ Năm Tuần Thánh 2013 đầu tiên dưới thời giáo hoàng của Ngài, Đức Phanxicô dâng Thánh lễ Tiệc Li ở trung tâm giam giữ thiếu niên Casal del Marmo tại Roma và rửa chân cho 12 thiếu niên tù nhân thuộc những quốc tịch và tôn giáo khác nhau: 10 nam và 2 nữ, trong đó có một thiếu nữ Hồi giáo. Ngài còn cho mọi người hiện diện trong nhà nguyện rước lễ. Báo Vatican Insider viết: "Đức Phanxicô đã nêu gương xấu bằng việc rửa chân cho hai người nữ và vi phạm luật Giáo hội”.

Năm 2014, Ngài cử hành Thánh lễ Tiệc Li tại trung tâm người khuyết tật Don Gnocchi tại Roma, và cũng rửa chân cho cả những người nữ. Năm 2015, Đức Giáo hoàng đã đến cử hành Thánh lễ Tiệc Li tại nhà tù Rebibbia ở Roma.

Giáo Hội Công Giáo chủ trương tự do tôn giáo. Theo chính sách của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kì, thì hiện nay khi có đám cưới khác đạo, linh mục chỉ cử hành nghi thức Phụng Vụ Lời Chúa, rồi đến nghi thức hôn phối, mà không cần cử hành nghi thức Thánh Thể, nghĩa là không cử hành thánh lễ vì không muốn áp đặt thánh lễ Công Giáo đối với những người khác đạo. Khi Đức Phanxicô cho phép đem tù nhân khác đạo đến dự lễ và tham dự vào việc rửa chân, lại còn cho rước lễ là áp đặt niềm tin Công Giáo đối với người khác đạo. Có nhiều cách thế để phục vụ người nghèo, chứ không phải chỉ rửa chân cho họ tại nhà tù vào lễ nghi Thứ Năm Tuần Thánh. Ngoài ra khi Đức Giêsu rửa chân cho các tông đồ là muốn các ông phục vụ mọi người chứ không phải chỉ riêng người nghèo mà thôi.

Trong bối cảnh của Bí Tích Thánh Thể, Chúa rửa chân cho các tông đồ và dạy các ông rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Vào ngày này theo truyền thống Giáo Hội, các linh mục cử hành thánh lễ tiện li trong nhà thờ giáo xứ, các giám mục cử hành nghi lễ Thứ Năm tuần Thánh trong nhà thờ chính toà của Giáo phần, các vị giáo hoàng cử hành lễ nghi thứ Năm Tuần Thánh tại Vương Cung Thánh đường Lateranô, hoặc ở Đền Thánh Phêrô, cho giáo dân cùng tham dự và cử hành nghi thức rửa chân để nhắc nhở giáo dân rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ lẫn nhau thì Ngài lại đi dâng lễ cho nhóm thiểu số ở nhà tù và rửa chân cho họ.

Đáng lẽ Đức Phanxicô cần duy trì nghi thức phục vụ cao đẹp này trong thánh đường để làm mẫu mực cho các giáo hội địa phương, thì Ngài lại đem truyền thống rửa chân ở nhà tù địa phương Buenos Aires, làm mẫu mực cho Giáo hội trung ương ở Rôma sao? Thánh đường là nhà Chúa, nơi tôn nghiêm để giáo dân đến cầu nguyện, thờ phượng và cảm tạ. Việc dâng lễ tiệc li ở nhà tù, nhà khuyến tật, nhà tị nạn không phải là trường hợp khẩn cấp để làm như vậy.

Năm 1988 Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích gửi thư luân lưu về việc cử hành các lễ nghi dịp lễ Phục Sinh. Số 51 của Thư Luân Lưu viết: “Việc rửa chân” là nghi thức chỉ được thực hiện cho người nam được chọn. Theo bản gốc tiếng Latinh, thì những người được chọn là ‘viri selecti’.

Rửa chân cho đàn bà con gái trong trường hợp khác, ngoài bối cảnh ngày Thứ Năm Tuần Thánh thì người ta không đặt vấn đề. Còn muốn rửa chân cho người nữ vào lễ Tiệc Li, Ngài cần cho thay đổi luật chữ đỏ trước đã, để khỏi gây hoang mang cho giáo dân và khỏi gây khó xử cho những linh mục và giám mục chủ tế, mà không rửa chân cho nữ giới khi có những người nữ muốn được rửa chân. 

Ngày 6 Tháng 1, 2016, bằng một văn kiện của Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật các Bí Tích, Ngài đã cho phép những người được chọn cho việc rửa chân là “dân Chúa”, thay vì những người đàn ông. Như vậy với vị thế giáo hoàng, Ngài đã lỗi luật Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích về việc rửa chân 3 lần từ Thứ Năm Tuần Thánh 2013 đến 1015.

Còn việc Ngài cho người ngoài Công giáo rước lễ cũng gây hoang mang đối với người Công Giáo. Người ngoài Công Giáo rước lễ mà không tin có sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, thì người rước lễ chỉ coi là miếng bánh thôi. Và như vậy là tội phạm thánh vì người ta coi Mình Thánh Chúa như là mẩu bánh, thiếu lòng tin, cậy, mến nơi họ.

Trong những tờ thông tin hay tập phụng vụ thánh lễ bên Hoa Kì, thường có mấy lời nhắc nhở của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì: (1). Đối với người Công Giáo mà không rước lễ: “Những người không rước lễ được khuyến khích bầy tỏ trong tâm hồn ước muốn hiệp nhất với Chúa Kitô và với người khác”. (2). Đối với người Kitô Giáo (Tin Lành): “Đạo Tin Lành và Công Giáo chưa hiệp thông trọn vẹn, nên chúng tôi chưa thể mời gọi quí vị lên rước lễ”. (3). Đối với người không phải Tin Lành /Công Giáo: “Chúng tôi xin quí vị cầu nguyện cho hoà bình và hiệp nhất gia đình nhân loại, nhưng không thể mời gọi quí vị lên rước lễ”.

Việc cho phỏng vấn và họp báo bất thường và trên máy bay

Cho họp báo mà không giới hạn về những vấn đề nào được hỏi và không sửa soạn tư tưởng để trả lời, thì không diễn tả được hết điều người cho họp báo muốn nói, lại còn có thể nói lỡ miệng và nói sai nữa. Khi nhà báo trích lại lời nói của người cho họp báo, họ có thể trích lại theo ý của họ, hay trích không hết hoặc không đúng theo bối cảnh của vấn đề. Khi cho họp báo mà không giới hạn về những vấn được hỏi thì được cảm tình của giới báo chí. Tuy nhiên báo chí cũng là con dao hai lưỡi. Khi muốn quảng bá điều gì, báo chí có thể giúp loan truyền tốt. Báo chí cũng có thể khiến cho người ta bị tổn thương như có kiểu nói Việt ngữ “làm báo nói láo ăn tiền”. Ngày nay trên thế giới, người ta thấy báo chí còn đưa những tin bịa đặt, tin khiếm diện và tin giả tạo, nhằm để hạ giá và đánh phá người khác hoặc nhóm người khác.

Trên chuyến bay từ Brazil trở về Rome ngày 29 Tháng 07, 2013, phóng viên của báo Times hỏi Đức Phanxicô nghĩ gì về linh mục đồng tình luyến ái, Ngài trả lời: “Nếu một người đồng tính mà tìm Chúa và có ý tốt, thì tôi là ai mà xét đoán?”. Phóng viên chỉ hỏi Ngài nghĩ gì về người có khuynh hướng đồng tính,và  Đức Phanxicô cũng chỉ trả lời cách Ngài nghĩ về người có khuynh hướng đồng tính. Báo chí không hỏi Ngài về hành động đồng tính và Ngài cũng không trả lời về hoạt động đồng tính. Vì thế khi báo chí trích lời Ngài: “Tôi là ai mà xét đoán?” thì khiến cho độc giả hiểu rằng Ngài không xét đoán về việc làm đồng tính hoặc tội đồng tính mà Thánh Kinh đã kết án. (St. 19; Lv. 18:20; Lev. 20:13; Mt 10: 15; Mt 20: 21-24; Rm 1: 26-28; 1Cr 6:9-10).

Theo Reuters, thì ngày 29 Tháng 3, 2018, chức sắc Vatican đã phải cảnh giác nhà báo Ý nổi tiếng khi trích lời Đức Phanxicô nói là hoả ngục không hiện hữu. Viên chức Vatican nói việc bình luận lan truyền trên mạng truyền thông xã hội là không phản ảnh điều mà Đức Phanxicô đã nói. Việc này xẩy ra khi nhà báo vô thần Eugenio Scalfari, 93 tuổi, tìm cách làm bạn trí thức với Đức Phanxicô, gặp Ngài gần đây và viết câu chuyện dài, gồm phần câu hỏi và trả lời ở cuối. Viên chức Vatican nói Đức Giáo Hoàng chỉ coi là cuộc gặp gỡ riêng tư và bài báo của Scalfari là kết quả của việc bố trí lại tư tưởng của Đức Phanxicô, chứ không phải thuật lại cách trung thực lời Đức Giáo Hoàng.

Theo Scallfari, người sáng lập tờ La Republica, có hỏi Đức Giáo Hoàng về linh hồn những người làm sự dữ  sẽ đi đâu và chịu hình phạt ở đâu? Scalfari trích lời Đức Phanxicô nói: “Họ không bị phạt. Những người ăn năn sám hối nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và được vào hàng ngũ những người chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Còn những người không  sám hối và không được tha thứ, thì biến mất. Hoả ngục không hiện hữu, sự biến mất của những linh hồn tội lỗi hiện hữu”.

Như vậy, nếu Đức Phanxicô trả lời như báo La Republica và Reuters loan tin thì ngài đi ngược lại với lời Chúa dạy trong Thánh Kinh và sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về hoả ngục. Câu trả lời của Đức Phanxicô được báo chí loan truyền đi khắp thế giới. Do đó chức sắc Vatican đã phải cải chính. Đây là lần thứ ba giới chức Vatican đã đưa ra thông tin không tán thành những bài viết của Scafari về Đức Giáo Hoàng, gồm bài viết năm 2014 nói Đức Giáo Hoàng chối bỏ tội lỗi.

Khi cải chính thì chỉ một số nhỏ độc giả có thể đọc được tin cải chính. Còn bao nhiêu người đã đọc câu trả lời trước đó, thì có thể không biết có câu trả lời được cải chính mà đọc. Một rổ lông gà, lông vịt đã đổ tung ra cho gió cuốn đi, thì chỉ thu lại được một rúm tay. Nhận thức được tai hại đó, theo Michael M. Chapman của Báo Cnsmews.com  ngày 2 Tháng 4, 2018, Sơ Theresa Aletheia, người đã bỏ đạo, trước khi đi tu vào Dòng Saint Paul, mới nói: Đức Phanxicô “cần một Sơ quyết liệt – needs a sassy nun” như là phụ tá riêng, để ngăn chặn Ngài khỏi nói chuyện với Scalfari lần nữa.

Việc cử hành đám cưới trên chuyến bay

Trên chuyến bay vắn 1250 của hãng hàng không Latam, từ Santiago đến Iquique thuộc Chile, 18 Tháng 01, 2018, Đức Phanxicô làm đám cưới cho Paula Podesta Ruis, 39 tuổi, tiếp viên hãng hàng không, người Công Giáo và Carlos Ciuffardi Elorriga, 41 tuổi, quản lí hãng hàng không, theo đạo Lutêrô. Ngồi bên cạnh Đức Phanxicô, họ bắt đầu chuyện vãn. Đức Phanxicô hỏi xem họ đã cưới hỏi chưa? Họ trả lời đã dự định làm đám cưới thì trận động đất ở Chile năm 2010 làm sập nhà thờ, họ định xin cưới nên phải trì hoãn lại. Họ đã làm đám cưới dân sự và có hai con là Rafaela, 6 tưổi và Isabela 3 tuổi. Theo họ, thì Đức Phanxicô nói Ngài có thể làm đám cưới cho họ ngay lúc này trên chuyến bay, cao 36 ngàn bộ Anh. Anh Chị này rất đỗi ngạc nhiên và rất thích. Rồi Ngài làm phép nhẫn của họ và nói cần người làm chứng. Họ nhờ chủ hãng máy bay làm chứng, rồi Ngài  cử hành nghi thức hôn phối.

Người Công Giáo được dạy các bí tích trong Giáo Hội thường phải được cử hành trong nhà thờ Công Giáo hoặc một số nhà nguyện. Bằng việc cử hành đám cưới trên chuyến bay, Đức Phanxicô đã phá luật của Giáo Hội cà hàng chục thế kỉ. Việc Ngài cử hành đám cưới cho hai tiếp viên hàng không, không phải là trường hợp khẩn cấp để Ngài làm như vậy vì 2 người vẫn còn khoẻ và đi làm. Việc nhà thờ bị sập vì động đất thì linh mục giáo xứ vẫn phải cử hành đám cưới và các bí tích khác ở đâu đó cho giáo dân. Chứ chẳng lẽ đã 8 năm nay từ khi nhà thờ bị sập, thì không có thánh lễ hay đám cưới nào được cử hành cho giáo dân trong giáo xứ sao? Việc Ngài cử hành đám cưới trên chuyến bay sẽ gây ra khó xử cho những linh mục khi có những đôi tân hôn xin làm đám cưới chẳng hạn như ở công viên, bãi biển hoặc khách sạn.

Trước khi cử hành đám cưới, đôi tân hôn phải trải qua một thời gian như bên Hoa Kì là sáu tháng để được phỏng vấn, điều tra xem có ngăn trở gì cho việc cử hành đám cưới trong nhà thờ không. Rồi đôi tân hôn còn phải học hỏi về giáo lí hôn nhân nữa. Đức Phanxicô nói cần người chứng. Hai tiếp viên hãng máy bay nhờ một tiếp viên khác làm chứng cho đám cưới mà Ngài sắp cử hành. Trong ngạn ngữ La Tinh, thì một người chứng là phi chứng (Testis unus, testis nullus). Ngoài ra hai tiếp viên này chưa có hai người chứng để chứng nhận xem trước đó họ đã cưới hỏi ai chưa và có ngăn trở gì khác nữa không. Họ còn cần xin giấy chuẩn vì hai người khác đạo. Nếu cách đây 8 năm, họ không có ngăn trở gì về hôn nhân, thì trong 8 năm qua, một trong hai người, có thể đã làm gì để gây ngăn trở cho việc xin làm đám cưới. Nếu vậy họ cần làm gì để loại bỏ ngăn trở đó. Họ nói là họ dự định cưới thôi, chứ không nói là đã học giáo lí hôn nhân chưa.

Sau đám cưới, linh mục cử hành đám cưới phải cho ghi sổ sách trong xứ đạo và thông báo cho xứ đạo mà đôi tân hôn đã được rửa tội để được ghi vào sổ rửa tội là họ đã làm đám cưới ở xứ đạo khác để sau này nếu cần kiểm chứng về tình trạng độc thân của họ, thì đã có hồ sơ trong hai xứ đạo là họ đã cưới hỏi rồi. Việc Đức Phanxicô làm đám cưới vội vã cho nhân viên hãng bay như vậy còn khiến cho linh mục xứ đạo khó xử khi có những cặp hôn nhân muốn đi đường tắt cho việc học hỏi giáo lí hôn nhân. Đáng lẽ Đức Phanxicô nên nói với hai nhân viên hãng máy bay về xin với linh mục trong giáo xứ tiến hành đám cưới cho họ thì hơn.

Đời nay muốn cưới trong nhà thờ, cặp tiền hôn phải đợi và sửa soạn.  Đây không phải để làm khó cho những ai muốn cưới.  Đủ thời giờ đợi chờ trước đám cưới là để giúp đôi tiền hôn tìm hiểu nhau xem có thích hợp không. Điều tra trước khi làm đám cưới là để xem cặp tiền hôn có khai sự thật không. Trong quá khứ đã xẩy ra có những người giấu giếm ngăn trở để được cưới trong nhà thờ. Việc học hỏi đủ giáo lí dự bị hôn nhân là để giúp cặp tiền hôn hiểu ơn gọi sống đời và trách nhiệm hôn nhân.                  

Có khá nhiều bình luận Online về việc cử hành đám cưới trên máy bay sau một bài báo do Yahoo đăng lại. Trong đó có một bình luận rất vắn tắt, nhưng gây chú ý của một cư dân mạng, ghi tên là Ilpezkato, không biết thuộc thành phần nào và theo tôn giáo nào. Khi một vị giáo hoàng được bầu, thì một hồng y trong công nghị bầu giáo hoàng, ra trước ban công của đền thờ Thánh Phêrô  tuyên bố cho dân chúng một cách rất vắn tắt bằng La Ngữ là: Habemus Papam (Chúng ta có giáo hoàng rồi), thì cư dân mạng này viết trên mạng ngày 18 Tháng 01, 2018 sau một bài báo bằng Anh Ngữ tường thuật về đám cưới trên máy bay là: Habemus Demagogue (Chúng ta có giáo hoàng mị dân).

Không biết Đức Phan-xi-cô, khi còn là linh mục, có được bổ nhiệm làm linh mục phó xứ hoặc chính xứ thực thụ trong một giáo xứ thực thụ và kéo dài trong một thời gian đủ để thu thập kiến thức và kinh nghiệm về việc cử hành lễ nghi Thứ Năm Tuần Thánh và làm đám cưới bao giờ không? Chứ còn những linh mục đã làm phó xứ và chính xứ đạo, thì không biết có dám cử hành lễ nghi Thứ Năm Tuần Thánh ở nhà tù, rửa chân cho nữ giới trước luật mới năm 2016, hoặc làm đám cưới trên máy bay kiểu đó không. Nếu làm lúc này có thể bị giáo dân biểu tình phản đối, và còn bị giám mục bản quyền áp dụng kỉ luật cho mà chừa.

Chương 8 của Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia)

Nhiều vị hồng y, giám mục, linh mục và cả giáo dân gồm nhà báo và thần học gia coi Chương 8 của Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu, công bố 8-4-2016, tại Phòng báo chí Tòa Thánh, có tính cách mập mờ, lẫn lộn, không rõ ràng, gây hoang mang, bối rối cho giáo dân và cả linh mục hướng dẫn. Dựa theo cách cắt nghĩa vòng quanh trong Chương 8 của Tông Huấn này, mỗi người giáo dân và mỗi linh mục hướng dẫn có thể cắt nghĩa cách khác nhau. Nếu xẩy ra như vậy, thì lại giống kiểu cắt nghĩa của người Tin lành rồi.

Người trí thức Công giáo khi nghiên cứu vấn đề, có thể đặt câu hỏi. Còn người giáo dân cần được một cảm giác an toàn sống trong Giáo Hội. Họ so sánh giáo luật và giáo lí Công Giáo thì lại dạy khác.

Sách Giáo Luật năm 1983 Điều 916 viết: Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lí do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm chừng nào có thể.

Sách Giáo Lí của Giáo Hội Công Giáo xuất bản năm 1992 , Số 1415 viết: Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong hiệp lễ Thánh Thể phải ở trong tình trạng có ân sủng. Nếu ai biết mình đã phạm tội nặng, thì không được bước tới bàn tiệc Thánh Thể, nếu không nhận được ơn tha tội trước đó nơi bí tích Cáo Giải tội.

Bốn vị hồng y Walter Brandmüller, cựu Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học lịch sử; Raymond L. Burke, lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta, Charles Caffara (nguyên Tổng Giám mục Bologna) và Joachim Meisner (nguyên Tổng Giám mục Cologne) đã gửi cho Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ngày 19/9/2016, xin Đức Giáo hoàng làm rõ một số nghi ngờ liên quan đến Chương 8 của Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng “Amoris Laetitia” về hôn nhân và gia đình.

Sau khi Hồng Y Meisner qua đời năm 2017, ba vị hồng y Burke, Caffarra và Pujats đã kí tên 4/10/2018 khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và Thánh Thể. Bản “Tuyên bố trung thành với giáo huấn không thay đổi của Giáo hội về hôn nhân và kỉ luật các bí tích, không bị gián đoạn của Giáo Hội” đã thu thập được hơn 4.000 chữ kí trên toàn thế giới gồm 6 giám mục, 45 linh mục, còn đa số là giáo dân [4].

Michael W. Chapman viết bài báo trong báo cnsnews.com  ngày 6 Tháng 3, 2018 tựa đề: “Đức Phanxicô đã tạo ra đủ lẫn lộn. Như vậy giáo dân có thể làm ngơ giáo huấn về luân lí”. Trong bài báo, Chapman còn viết: “Philip Lawler, chủ bút được đánh giá cao của Báo Catholic World News và tác giả của 10 cuốn sách và cả trăm bài viết về Giáo Hội Công Giáo nói Đức Phanxicô đã tạo ra sự lẫn lộn trong Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt xung quanh việc rước lễ cho những cặp li dị và tái hôn, làm mơ hồ về luân lí và tín lí, tới cột mốc cho phép giáo sĩ và giáo dân bỏ qua những giáo lí luân lí của Giáo Hội” [5].

Tại sao trong Chương 8 từ số 299 đến 312 của Tông Huấn Amoris Laetitia lại gây nhiều hoang mang, hồ đồ, bối rối, nghi vấn như vậy? Có phải vì lời lẽ viết trong Tông Huấn có vẻ dài dòng, mập mờ, không rõ ràng không? Đọc Tông Huấn, linh mục cũng như giáo dân có thể hiểu và cắt nghĩa cách khác nhau và áp dụng khác nhau. Khi thấy áp dụng khác nhau, nghĩa là người ta thấy người này sống trong tình trạng hôn nhân ngăn trở mà đi xưng tội rước lễ, còn người kia cũng sống trong tình trạng hôn nhân như vậy, mà không được, ngườì ta càng hoang mang bối rối.

Thực ra những giáo huấn về luân lí hôn nhân có tính cách mập mờ, không rõ ràng đã manh nha từ năm 2014 là Năm Gia Đình, sửa soạn cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới Năm 2015 tại Philadelphia, khi Đức Phanxicô triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) khoá đặc biệt Thứ 3 được tổ chức tại Toà Thánh Vatican với chủ đề: “Những thách đố về việc mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.

Theo Hồng Y Walter Kasper, người Đức đã về hưu, được Giáo Hoàng Phanxicô mời vào Hội Nghị THĐGM, thì ý của Đức Phanxicô là muốn lắng nghe các nghị phụ phát biểu trong bầu khí tự do và cởi mở, về những cảm nghĩ của giáo dân trước những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân/gia đình của họ như li dị-tái hôn, đồng tính, sống chung, ngừa thai, phá thai, v.v. Do đó khi những bài phát biểu của một số nghị phụ được giới truyền thông gồm cả đạo lẫn đời tường thuật lại và suy đoán trên báo chí, truyền thanh, truyền hình và mạng tin hoàn cầu, khiến người tín hữu trên thế giới, trung kiên với Giáo Hội, đã tỏ ra lẫn lộn và lo âu về những giáo huấn truyền thống lâu đời của Giáo hội đang bị tấn công, làm lung lạc và đảo lộn. Ngay cả những câu trả lời của một số nghị phụ như Hồng Y Walter Kasper, về những bài phỏng vấn của giới truyền thông trước những vấn đề luân lí hôn nhân và tính dục cũng làm người tín hữu hoang mang.

Theo Associated Press, khi soạn thảo Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu, Đức Phanxicô cho đón nhận những suy tư của THĐGM khoá đặc biệt Thứ 3 về các đề tài tranh luận khác nhau và đón nhận những nhận xét khác nhau của nhiều nghị phụ.

Đón nhận những suy tư khác nhau và những nhận xét khác nhau về các đề tài tranh luận mà không thanh lọc và đào thải, có lẽ là lí do khiến cho Chương 8 của Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu mang tính cách dài dòng văn tự, không rõ ràng, mập mờ, lẫn lộn, hiểu lầm cho giáo dân và cả linh mục hướng dẫn như đã xẩy ra khi THĐGM phát biểu và trả lời báo chí năm 2014.

Trong "Thư gởi cho các Giám Mục Giáo hội Công Giáo về việc nhận lãnh Thánh Thể bởi những tín hữu li dị và tái hôn", ngày 14-9-1994, Hồng y Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo lí Đức tin viết một cách rõ ràng về kỉ luật bí tích, nhưng vẫn mời gọi người li dị và tái hôn thực hành sống đời sống đức tin Công Giáo:

"Tín hữu phải được  giúp hiểu sâu xa hơn giá trị của sự thông phần hiến tế của Đức Kitô trong Thánh lễ, của việc rước lễ thiêng liêng, của lời cầu nguyện, của việc gẫm Lời Chúa, của việc bác ái và sống công chính."

Nhận xét chung về con người và đường lối của Đức Phanxxicô

Nói chung theo cái nhìn của dân chúng qua những phương tiện truyền thông, thì Đức Phanxicô được cảm tình của nhiều người, gồm cả người ngoài Công Giáo về tính cởi mở, bình dân, đơn giản, đối thoại, lắng nghe, sống nghèo, bênh vực người nghèo, người tị nạn, người ngoại biên và sống ngoài lề xã hội.

Giới báo chí truyền thông cũng có cảm tình với Ngài vì được tự do hỏi về bất cứ vấn đề gì và họ có nhiều cơ hội hơn để tác nghiệp nghề báo. Họ còn có dịp đi tham quan đó đây nhờ việc đi tháp tùng Ngài trong những chuyến tông du ngoại quốc. Nếu đôi khi được cho ăn uống miễn phí trong chuyến tông du, thì chắc họ cũng thích đấy.

Tuy nhiên cũng có nhiều bài báo và những phương tiện truyền thông đạo và đời, bằng những ngôn ngữ khác nhau, phê bình đường lối cũng như những việc làm ngoại lệ của Ngài. Đối với giới bảo thủ, muốn sống trung thành với giáo lí Công Giáo và những truyền thống đạo đức của Giáo Hội, gồm hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, thần học gia và cả giáo dân Công Giáo, thì Ngài đã gây hoang mang và lẫn lộn trong Giáo Hội.

Có cả những người ngoài Công Giáo, họ cũng muốn Đức Phanxicô cổ võ và duy trì những nếp sống đạo đức truyền thống, một nền đạo đức làm người mà thượng đế đã phú bẩm trong tâm khảm họ, chứ không hẳn là nền dạo đức của tôn giáo nào. Trên những bài báo, những lời bình luận vắn gọn về Ngài sau những bài báo, họ cũng đã phê bình những việc làm ngoại lệ của Ngài. Họ muốn Ngài là đồng minh với họ trong việc bảo vệ những giá trị luân lí cổ truyền. Có những người sống ngoại lệ và ngoại biên cũng không đồng ý với những lời nói và việc làm ngoại lệ của Đức Phanxicô. Họ coi lối sống ngoại lệ và ngoại biên của họ là trường hợp trừ, mà họ chưa thoát khỏi được hay không thoát khỏi được. Còn những người yên lặng, không phê bình những lời nói và việc làm ngoại lệ của Ngài thì họ không hài lòng về cách thế Ngài điều hành Giáo hội và Ngài không giành được cảm tình trìu mến và kình yêu của họ.

Bất bình bằng hành động là ba thẩm phán Công Giáo  thuộc Tối Cao Pháp Viện liên bang Hoa Kì. Ba thẩm phán này đã tẩy chay không dự thính - để ba chỗ ngồi trống trên hàng ghế đầu - khi Đức Phanxicô đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc Hội Mĩ ngày 24 Tháng 9, 2015. Danh tính ba thẩm phán tẩy chay này có thể được tìm thấy trên Internet. Còn chánh án Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kì cũng là Công Giáo, nhưng là chánh án, nên ông phải có mặt. Năm thẩm phán liên bang khác không phải là Công Giáo, nhưng có tham dự buổi nói chuyện của Đức Phanxicô tại Quốc Hội.

Chắc đã phải nghe có những bài báo đạo và cả đời, cũng như những lời bàn tán trong Giáo Triều Rôma, phê bình những lời phát biểu và việc làm ngoại lệ của Ngài, mà ngày 10 Tháng 4, 2018 Đức Phanxicô đã kêu gọi hiệp nhất “Pope Francis urges unity”. Yahoo đăng lại bài báo mà Fox News viết về lời kêu gọi hiệp nhất của Đức Phanxicô. Ngài nói: “Chia rẽ là việc của ma quỉ”. Người ta thấy có những độc giả phản bác lại lời Ngài qui tội chia rẽ cho quỉ, có khi chỉ nửa dòng, hoặc 1, 2, 3 dòng. Họ nói đại khái ai là cớ chia rẽ và sao Ngài không làm rõ những lời giảng dạy mơ hồ. Độc giả Dr Vinny viết: Nếu Ngài nói không có hoả ngục thì sao có quỉ được. Có độc giả mang tên là “toughcritic” viết: Đức Phanxicô chính là nguồn bất thuận giữa những người sống trung thành với tín lí và thần học truyền thống hàng chục thế kỉ và những đổi thay theo khuynh hướng tự do chi phối người Công Giáo, không sống theo giáo huấn của Chúa. Độc giả khác với tên Richard viết: Ý niệm hiệp nhất của Giáo Hoàng Phanxicô là mỗi người phải vâng lời Giáo Hội Công Giáo ngay cả khi đối nghịch với Lời Chúa.

Những bình luận trên những phương tiện truyền thông về lời nói và việc làm ngoại lệ của Ngài hoặc những lời bàn tán trong Giáo Triều Rôma về những lời nói và việc làm đó của Ngài, có nhất thiết phải là những lời lời tầm phào, hoặc nói hành-nói “tỏi” về Ngài hay đó là “việc của ma quỉ” như Ngài khẳng định, hay chỉ là những lời bàn bạc để học hỏi và tìm hiểu cho ra lẽ?

Người ta biết Fox News không phải là báo đài Công Giáo, nên những độc giả bình luận lời Ngài kêu gọi hiệp nhất cũng không nhất thiết phải là người Công Giáo, mà họ biết được Ngài đã nói và làm như vậy,. Do đó người ta phải giả sử rằng những lời Ngài viết trong Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amroris Laetitia) và lời Ngài phát biểu về “hoả ngục không hiện hữu” theo như báo chí đăng tải đã lan truyền rộng rãi.

Thay lời kết

Có muôn vàn cách thế để phục vụ người nghèo, người sống ngoại biên và ngoài lề xã hội, khác những việc Đức Phanxicô đã làm, để tỏ lòng cảm thông, gần gũi và giúp đỡ họ. Những việc làm ngoại lệ với phong cách giáo hoàng của Đức Phanxicô có phải là do ảnh hưởng của đường lối Dòng Tên sau Công Đồng Vaticanô II, dưới thời Tổng Quyền Arrupe không, hay là do bản tính riêng của Ngài, hay do lí do nào khác?

Khi Đức Giê-su gọi người nào làm công việc của Chúa, thì ơn thánh Chúa không huỷ diệt bản tính tự nhiên của con người (Gratia supponet humanam naturam). Sau khi Chúa gọi Phêrô, ông  vẫn còn nóng tính. Khi Chúa bị quân lính đền thờ bắt trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Thánh Phêrô liền tuốt gươmg chém đứt tai viên đầy tớ của thượng tế.

Trong lịch sử Giáo Hội: giáo hội địa phương (giáo xứ, dòng tu, giáo phận), cũng như Giáo Hội hoàn vũ, người ta ghi nhận có những linh mục, giám mục, hồng y, có khi cả giáo hoàng nữa, là những vị giỏi giang, đã làm nhiều công việc tốt lành, đạo đức, thánh thiện, đem lại lợi ích cho Giáo hội. Có những vị  có thể là thánh thiện, đạo đức, tốt lành và giỏi giang, nhưng có những lời nói năng, viết lách và việc làm là do kết quả của trí phán đoán lệch lạc, thiếu quân bình, đã gây thiệt hại cho Giáo Hội hoàn vũ hoặc giáo hội địa phương, không nhiều thì ít. Trái ngược với trí phán đoán lệch lạc là trí phán đoán lành mạnh hoặc quân bình (common sense, bon sense).

Lạc quan hay bi quan trước những đổi thay trong Giáo Hội và trong xã hội loài người và bất luận trong cảnh huống hay trường hợp nào, Chúa dặn bảo người tín hữu qua các tông đồ: “Hãy cầu nguyện liên lỉ, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36). Chúa còn hứa bảo đảm với người tín hữu qua các tông đồ ngay trước khi về trời: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Gia Công

----------------------------------------------------

Bổ túc của Tác Giả:

Đầu Tháng 5, 2018, Hội Đồng Giám Mục Đức gửi thư cho Toà Thánh Vatican để xin phê chuẩn Bản Hướng Dẫn Toàn Quốc cho phép người Kitô hữu Lu-têr-ô lập gia đình với người Công Giáo được rước Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ.

Ngày 25-5-2018, Hồng Y tân cử Luis Ladaria, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin, nhân danh Đức Phanxicô, gửi thư cho Hồng Y Reinhard Marx, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, có đoạn ghi là ‘Bản Hướng Dẫn’ chưa chín chắn đủ để được công bố, rồi yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Đức đừng công bố Bản Hướng Dẫn.

Về điểm này, người ta tự hỏi “Những hướng dẫn về việc Xưng Tội” và “Bài giảng về việc chuẩn bị tâm hồn để rước lễ” của Lutêrô bên Đức cách đây đúng 500 năm vào năm 1518, dẫn đến cuộc tấn công toàn diện của Lu-tê-tô vào nền thần học bí tích của Giáo Hội Công Giáo, có ảnh hưởng gì đến 2/3 số giám mục Đức, ủng hộ việc cho phép người Kitô hữu Luthêrô lập gia đình với người Công Giáo được rước Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ không?

Người ta có thể giả sử rằng Hồng Y Walter Kasper, người Đức, đã về hưu, được Đức Phanxicô mời vào Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về gia đình năm 2014, để có tiếng nói khác những giám mục khác về những vấn đế liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình, nằm trong 2/3 Hội Đồng Giám Mục Đức, ủng hộ ‘Bản Hướng Dẫn’.

Người ta cũng có thể giả sử chắc chắn rằng Hồng Y Gerhard Ludwig Muller, Nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin, mà Đức Phanxicô không gia hạn nhiệm kì làm Tổng Trưởng Thánh Bộ này và Hồng Y Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln, bỏ phiếu với 1/3 Hội Đồng Giám Mục Đức, không ủng hộ ‘Bản Hướng Dẫn’..

Người ta cũng có thể giả sử rằng bằng việc yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Đức, không công bố ‘Bản Hướng Dẫn’, Đức Phanxicô đã học được kinh nghiệm về Tông Huấn “Niềm Vui của Tình yêu” đã gây hoang mang, lẫn lộn cho người Công Giáo. Ngài chủ trương muốn lắng nghe và đón nhận những suy tư khác nhau và những nhận xét khác nhau, đặc biệt của Hồng Y Walter Kasper, người Đức về các đề tài tranh luận liên quan đến hôn nhân/gia đình của họ như li dị-tái hôn, đồng tính, sống chung, ngừa thai, phá thai trong Thượng Hội Hội Đồng Giám Mục về gia đình năm 2014, như ghi ở triệt chữ đậm trong bài này.

---------------------------------------------------

[1]. Ý tưởng và những con số về Dòng Tên trong triệt (Paragraph) này được mượn và lời văn được đổi từ:

Howell, Patrick, S.J. The ‘New’ Jesuits. The Response to the Society of Jesus to Vatican II, 1962-2012: some alacrity, some resistance. https://epublications.market.edu . September 2012.

[2]. Personnel numbers about Opus Dei are from Wikipedia.

[3]. Malone, M., S.J. Remembering the Jesuit who paved the way for Pope Francis. December 06, 2016

[4]. Chapman, M.W. Pope's Confusing Teaching Rejected, Cardinals Issue Declaration on Marriage.  www. Cnsnews.com. Apr 10/2018

 [5]. Chapman, M. W. Catholic Scholar: 'Pope Francis Has Created Enough Confusion,' So People Now Can Ignore 'Moral Teachings’. March 6, 2018 | 5:42 PM EST