Trong buổi họp báo 5 Tháng 2, 2019  trên chuyến bay trở về Vatican, sau cuộc viếng thăm đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tại Abu Dhabi,

một phóng viên hỏi Đức Phanxicô  xem ngài nghĩ gì về bài viết trong nguyệt san “Women Church World" phát hành bổ túc của báo Vatican “L'Osservatore Romano” viết về việc có những linh mục lạm dụng tình dục nữ tu tại một số quốc gia. Ngài trả lời là có vấn đề và vấn đề vẫn còn xẩy ra và chúng tôi đã đang chỉnh sửa. Ngài còn đi xa hơn nữa khi nói Đức Bê-nê-đi-tô XVI đã hành động chống lại việc một linh mục nọ mới sáng lập một tu hội nữ kia tại một quốc gia nào đó, đưa đến việc lạm dụng tình dục nữ tu. Đức Phanxicô cho đó là “nô lệ tình dục”. Tu hội này sau đó bị Đức Benedictô XVI giải tán vì làm cản trở cuộc điều tra.

Về vấn đề lạm dụng tình dục ở tu viện đã bị giải tán, thì bài báo L’Observatore Romano không nêu ra, và phóng viên trên chuyến máy bay cũng không biết mà đề cập đến. Đó là vấn đề Đức Phanxicô tự phơi bầy ra thôi. Như vậy Ngài có cần phải phơi bầy ra việc lạm dụng tình dục đã xẩy ra dưới triều đại Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI trong một quốc gia nào đó khi báo chí không hỏi và đó không phải là cuộc điều tra pháp lí?

Việc Đức Phanxicô coi việc lạm dụng tình dục trong quá khứ tại một quốc gia là “nô lệ tình dục” đã làm chấn động dư luận thế giới. Có những linh mục và cả nữ tu phải kinh ngạc về từ ngữ “nô lệ tình dục” mà Ngài dùng. Còn những thành phần chống đối Giáo Hội và ghét đạo Công Giáo thì mừng rỡ vì được thêm đạn dược để bắn phá Giáo Hội Công Giáo bằng cách viết bài, gửi điện thu phơi bày những tội lỗi của những linh mục liên hệ.

Chỉ một ngày hôm sau  để làm rõ từ ngữ của Đức Phanxicô sử dụng, thì viên chức Vatican nói “nô lệ tình dục” theo cách nói của Đức Phanxicô, chỉ có nghĩa là việc lạm dụng quyền hành mà đưa đến việc lạm dụng tình dục thôi. Lời cải chính này không thể do viên chức Vatican tự ý nói ra, mà không có sự gợi ý và đồng thuận của “chủ nhà” Vatican. Cho họp báo đột phát mà không đòi hỏi phóng viên đặt câu hỏi trước để sửa soạn tư tưởng mà trả lời thì rất dễ đưa đến việc nói lỡ miệng / lỡ lời hoặc dùng sai từ ngữ.

Bàn đến vấn đề lạm dụng tình dục, thì nếu tìm hiểu và tìm đọc, người ta đều thấy trong những giáo phái hoặc tôn giáo khác, cũng có vấn đề giáo sĩ có gia đình, người tu hành lạm dụng tình dục. Vần đề lạm dụng tình dục cũng xẩy ra với những người không tu hành mà lập gia đình. Tuy nhiên vì Giáo Hội Công Giáo là một thực thể có tổ chức, có cấp bậc và ảnh hưởng nên thường dễ bị chĩa súng vào.

Cũng nên bàn thêm là có những cách thế lạm dụng tình dục với người khác hoặc với chính mình, là do yếu tố tâm lí đưa đẩy. Khi người ta cảm thấy cô đơn, buồn chán, lẫn lộn về căn tính, đánh giá hoặc bị  đánh giá thấp về mình, không được chấp nhận, không hoàn thành với chính mình (self-fulfilling), người ta dễ đi tìm đối tượng cho việc lạm dụng tình dục. Riêng vấn đề cô đơn thì không đồng nghĩa với cô độc, bởi vì người ta có thể sống cô độc, cô thân hay cô thế, nghĩa là ở một mình, mà không cảm thấy cô đơn. Trái lại người ta vẫn có thể cảm thấy cô đơn, mặc dù có lập gia đình, sống giữa đám đông và giữa cảnh vui nhộn. Chẳng thế mà đại thi sĩ Nguyễn Du mới mô tả cái buồn của nàng Kiều trong vần thư bất hủ: “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”. Những cách thế lạm dụng tình dục vì lí do tâm lí thì không hẳn là theo đúng nghĩa lạm dụng tình dục, nhưng có thể chỉ là những cử chỉ âu yếm và trìu mến để lấp đầy những thiếu thốn về tâm trí.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Phanxicô đã nói lỡ miệng / lỡ lời hoặc dùng sai từ ngữ, khi được phỏng vấn. Việc nói lỡ miệng/lỡ lời hoặc dùng sai từ ngữ không những làm thiệt hại cho cá nhân Ngài, mà còn  khiến cho độc giả hiểu sai về giáo huấn của Giáo Hội và đường lối phúc âm.

Độc giả có thể đọc thêm về những lời Đức Phanxicô giải thích không rõ, hoặc báo chí trích sai lời Ngài trong tiết mục: “Việc cho phỏng vấn và họp báo bất thường trên máy bay” trong  bài viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ của cùng tác giả với tựa đề: “Tại sao Đức Phanxicô nói và làm những điều ngoại lệ với phong cách giáo hoàng?:

https://www.mucvuvanbut.net/bai-viet/bai-viet-cua-tac-gia-trang-chu/4451-t-i-sao-d-c-gh-phanxico-noi-va-lam-nh-ng-di-u-ngo-i-l-v-i-phong-cach-giao-hoang

https://www.mucvuvanbut.net/bai-viet/bai-viet-cua-tac-gia-trang-chu/4522-why-does-pope-francis-say-and-do-things-in-a-non-papal-manner

Để cho tiện và dễ tìm đọc, tác giả cho trích tóm lại đây những lần Ngài phát biểu lỡ miệng / lỡ lời trước báo chí hoặc báo chí trích một phần của lời Ngài theo ý báo chí trong bài viết trên:

Trên chuyến bay từ Brazil trở về Rome ngày 29 Tháng 07, 2013, phóng viên của báo Times hỏi Đức Phanxicô nghĩ gì về linh mục đồng tình luyến ái, Ngài trả lời: “Nếu một người đồng tính mà tìm Chúa và có ý tốt, thì tôi là ai mà xét đoán?”. Phóng viên chỉ hỏi Ngài nghĩ gì về người có khuynh hướng đồng tính,và  Đức Phanxicô cũng chỉ trả lời cách Ngài nghĩ về người có khuynh hướng đồng tính. Báo chí không hỏi Ngài về hành động đồng tính và Ngài cũng không trả lời về hoạt động đồng tính. Vì thế khi báo chí trích lời Ngài: “Tôi là ai mà xét đoán?” thì khiến cho độc giả hiểu rằng Ngài không xét đoán về việc làm đồng tính hoặc tội đồng tính mà Thánh Kinh đã kết án.

Sáng lập viên tờ La Republica với tên Euginio Scallfari khi hỏi Đức Giáo Hoàng về linh hồn những người làm sự dữ  sẽ đi đâu và chịu hình phạt ở đâu? Scalfari trích lời Đức Phanxicô nói: “Họ không bị phạt. Những người ăn năn sám hối nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và được vào hàng ngũ những người chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Còn những người không  sám hối và không được tha thứ, thì biến mất. Hoả ngục không hiện hữu, sự biến mất của những linh hồn tội lỗi hiện hữu”.

Như vậy, nếu Đức Phanxicô trả lời như báo La Republica và Reuters loan tin thì ngài đi ngược lại với lời Chúa dạy trong Thánh Kinh và sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về hoả ngục. Câu trả lời của Đức Phanxicô được báo chí loan truyền đi khắp thế giới. Do đó chức sắc Vatican đã phải cải chính. Viên chức Vatican nói việc bình luận lan truyền trên mạng truyền thông xã hội là không phản ảnh điều mà Đức Phanxicô đã nói. Viên chức Vatican nói Đức Giáo Hoàng chỉ coi là cuộc gặp gỡ riêng tư với Scalfari và bài báo của Scalfari là kết quả của việc bố trí lại tư tưởng của Đức Phanxicô, chứ không phải thuật lại cách trung thực lời Đức Giáo Hoàng.

Đây là lần thứ ba giới chức Vatican đã đưa ra thông tin không tán thành những bài viết của Scafari về Đức Giáo Hoàng, gồm bài viết năm 2014 nói Đức Giáo Hoàng chối bỏ tội lỗi.

Khi cải chính thì chỉ một số nhỏ độc giả có thể đọc được tin cải chính. Còn bao nhiêu người đã đọc câu trả lời trước đó, thì có thể không biết có câu trả lời được cải chính mà đọc. Khi một rổ lông gà, lông vịt đã đổ tung ra cho gió cuốn đi, thì chỉ thu lại được một rúm tay. Nhận thức được tai hại đó, theo Michael M. Chapman của Báo Cnsmews.com  ngày 2 Tháng 4, 2018, Sơ Theresa Aletheia, người đã bỏ đạo, trước khi đi tu vào Dòng Saint Paul, mới nói: Đức Phanxicô “cần một Sơ quyết liệt – needs a sassy nun” như là phụ tá riêng, để ngăn chặn Ngài khỏi nói chuyện với Scalfari lần nữa.

Chắc đã phải nghe có những bài báo đạo và cả đời, cũng như những lời bàn tán trong Giáo Triều Rôma, phê bình những lời phát biểu và việc làm ngoại lệ của Ngài, mà ngày 10 Tháng 4, 2018 Đức Phanxicô đã kêu gọi hiệp nhất “Pope Francis urges unity”. Yahoo đăng lại bài báo mà Fox News viết về lời kêu gọi hiệp nhất của Đức Phanxicô. Ngài nói: “Chia rẽ là việc của ma quỉ”. Người ta thấy có những độc giả phản bác lại lời Ngài qui tội chia rẽ cho quỉ, có khi chỉ nửa dòng, hoặc 1, 2, 3 dòng. Họ nói đại khái ai là cớ chia rẽ và sao Ngài không làm rõ những lời giảng dạy mơ hồ. Độc giả Dr Vinny viết: Nếu Ngài nói không có hoả ngục thì sao có quỉ được. Có độc giả mang tên là “toughcritic” viết: Đức Phanxicô chính là nguồn bất thuận giữa những người sống trung thành với tín lí và thần học truyền thống hàng chục thế kỉ và những đổi thay theo khuynh hướng tự do chi phối người Công Giáo, không sống theo giáo huấn của Chúa. Độc giả khác với tên Richard viết: Ý niệm hiệp nhất của Giáo Hoàng Phanxicô là mỗi người phải vâng lời Giáo Hội Công Giáo ngay cả khi đối nghịch với Lời Chúa.

Những bình luận trên những phương tiện truyền thông về lời nói và việc làm ngoại lệ của Ngài hoặc những lời bàn tán trong Giáo Triều Rôma về những lời nói và việc làm đó của Ngài, có nhất thiết phải là những lời tầm phào, hoặc nói hành-nói “tỏi” về Ngài, hay đó là “việc của ma quỉ” như Ngài khẳng định, hay chỉ là những lời bàn bạc để học hỏi và tìm hiểu cho ra lẽ?

Gia Công