Trong quá khứ, khi xẩy ra một vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong một giáo phận Công Giáo, thì giám mục của giáo phận đó thường giải quyết vấn đề một cách kín đáo, chẳng hạn như thuyên chuyển linh mục đó đến giáo xứ khác, đôi khi giàn xếp cho đến một giáo phận khác để cho xa đối tượng và xa môi trường cũ với hi vọng vấn đề được giải quyết.

Vào đề

Vào đầu năm 2002, tờ báo Boston Globe phơi bầy ra những vụ lạm dụng tình dục trong Tổng Giáo Phận Boston, Bang Massachusetts, Hoa Kì. Những cuộc điều tra của những tờ báo khác cho thấy những vụ lạm dụng tình dục trong một số giáo phận lớn tại Mĩ, rồi đến nhiều giáo phận Mĩ khác. Sau đó nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại những quốc gia khác trên thế giới cũng đứng ra tố cáo.

Đến khi truyền thông / báo chí Mĩ đồng loạt phơi bầy ra những vụ lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ, thì Hội Đồng Giám mục Mĩ không biết phải giải quyết vấn đề lạm dụng tìng dục theo luật đời như thế nào. Trước khoá họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì vào tháng 6, 2002 tại Dallas, Texas, có những giám mục triệu tập hàng linh muc trong giáo phận để hỏi ý kiến xem làm sao để vấn đề khỏi xẩy ra và làm sao giải quyết vấn đề.

Ảnh hưởng của phong trào cách mạng tính (dấu sắc) dục đưa đến việc lạm dụng tình (dấu huyền) dục

Theo cựu Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, thì vấn đề lạm dụng tình dục là do ảnh hưởng của phong trào cách mạng tính dục “Sexual revolution” (sexual liberation) vào thập niên 60 của thế kỉ 20. Tại Hoa Kì, người ta thấy xuất hiện những nhóm “hippies, feminists, beatniks, long hairs, gay rights” chống lại những cách cư xử truyền thống về phái tính và liên hệ giữa phái tính như nam nữ thì phải cư xử thế nọ, thế kia nơi công cộng. Chẳng hạn như cách cư xử truyền thống bên Trung Hoa thời Khổng Tử quy định cho nam nữ nơi công cộng phải “thụ thụ bất thân”. Cách cư xử truyền thống đó ảnh hưởng đến giới Việt nho sĩ thời phong kiến tại Việt Nam, và rồi cũng ảnh hưởng đến quần chúng Việt Nam một thời gian sau đó.

Phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại Mĩ được manh nha bởi cách thế tường thuật của báo chí / truyền thông về chiến tranh Việt Nam, cũng ảnh hưởng đến thái độ và hành động của giới trẻ, bằng cách phản kháng lại những nề nếp, cách cư xử và ăn bận truyền thống của xã hội.

Đại Ca Nhạc Hội Woodstock 3 ngày từ 15 đến 18, Thánh 8, 1969 được tổ chức ngoài trời ở nông trại Max Yasgur, rộng 600 mẫu tây, nuôi và sản xuất sữa bò, gần Bethel, New York, thu hút gần nửa triệu thành phần trẻ từ khắp nước Mĩ. Người ta thấy những nhóm hippies, để tóc và râu ria dài, bận quần Jean rách rưới, thả trễ lộ cả 2 mông ra, áo để ngoài quần hoặc không bận áo. Ban nhạc trình diễn 33 xuất ca nhạc ngày đêm cả khi trời mưa. Mưa bão làm đầu tóc, mình mẩy khán thính giả ướt như chuột, phải bước đi trong bùn lầy và dẵm lên phân bò, mà vẫn ở lại tham dự, mặc dầu thiếu đồ ăn thức uống, thiếu nhà vệ sinh, thiếu trạm ý tế. Nhân viên tình nguyện với tiếp vận y tế phải đến bằng trực thăng vì đường xá bị kẹt xe, dài cả chục dậm. Có những trường hợp tham dự viên phải bẻ bắp ngô mà ăn. Có những vụ hút sách và nghiện ngập xì ke ma tuý bị cảnh sát tóm cổ và xẩy ra 2 vụ chết người. Khu vực dành cho Đại Nhạc Hội được rào lại, thì tham dự viên phá rào khiến bò đi vào khu cấm trại mà không gây ra vấn đề giữu người và bò.

Với số lượng tham dự viên đông đảo vượt quá xa mức dự tính lúc đầu như vậy, thì kể là thành công vượt bậc về con số. Gần vào ngày cuối, ban tổ chức phải cho những người đến sau vào cửa miễn phí, thay vì phải mua vé 18 mĩ kim một xuất, và còn kêu gọi trên truyền thanh truyền hình, xin đừng đến dự nữa. ((Những tin tức và dữ kiện về Đại Ca Nhạc Hội Woodstock trong bài này được tóm rất vắn gọn từ Internet).

Cách mạng tính (dấu sắc) dục đưa đến những hành động tình (dấu huyền) dục (sex acts). Trên những sạp báo bên vỉa hè đường phố, người ta thấy đầy dẫy những sách báo đủ loại phơi bầy những hình ảnh khiêu dâm, trác táng bày bán một cách công khai. Tại những quán “giải trí” bên đường phố như trên Đường 42 tại Thành Phố Nữu Ước, người ta thấy đặt những máy ngó gọi là “Peep show”. Muốn ngó chỉ cần bỏ vào máy hai mươi lăm xu tiền cắc, thì một người có thể ngó được những hình ảnh khiêu dâm đủ loại, đủ kiểu trong vòng mấy chục phút chẳng hạn. Muốn ngó thêm thì nhét tiền tiếp vào máy. Người ta còn gặp những ma cô sẵn sàng dẫn lối đưa đường.

Về phía nhà đạo, thì do những  đổi mới của Công Đồng Vaticanô II nhất là về lễ nghi phụng vụ, cũng khiến một số thành phần trong Giáo Hội muốn thử nếp sống khác lạ. Trong một vài tuần san của một dòng tu nam kia tại Hoa Kì, người ta thấy xuất hiện những bài viết giới thiệu việc tìm cảm giác “sensibility” trong giới tu hành.

Chính sách đề phòng và chữa trị việc lạm dụng tình dục của Hội Đồng Giám mục Hoa Kì

Do áp lực của truyền thông / báo chí, vị Giám Mục Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Mĩ (HĐGMM), lúc đó là người da mầu, cho phép báo chí / truyền thông vào dự phiên họp thường niên của HĐGMM bàn về cách thế giải quyết vần đề giáo sĩ lạm dụng tình dục. Từ đó để giải quyết vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục, HĐGMM thiết lập một hiến chương để bảo vệ trẻ em và người trẻ nhằm đề phòng và chữa trị việc lạm dụng tình dục do nhân viên trong giáo phận gồm linh mục gây ra. Chính sách bảo vệ trẻ em và người trẻ từ đó được kiểm điẻm bởi một ủy ban kiểm chứng gồm thành phần dân sự, không làm việc cho giáo phận, trong một tài liệu gọi là “The Dallas Charter”. Chính sách này đã bị giới tâm lí gia phê bình vì không cho linh mục lỗi phạm cơ hội để sửa đổi.

Sau cuộc họp, Chủ Tịch HĐGMM còn bay sang La Mã đề tường trình vấn đề với Giáo Hoàng Phanxicô và xin ý kiến giải quyết. Việc giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Hoa Kì sau đó có ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trong những giáo phận khác tại những quốc gia khác trên thế giới.

Chủ Tịch HĐGMM lúc đó là Phó Chủ Tịch HĐGMM trước đó. Trong bất cứ tổ chức nào, hoặc là dân sự, chính quyền hoặc giáo quyền, khi đến việc bầu chủ tịch, mà thành viên không biết bầu cho ai, thì để cho tiện, họ có thể bầu cho phó chủ tịch lên làm chủ tịch. Có những loại phó chủ tịch được bầu; có những loại phó chủ tịch được chủ tịch mời cộng tác làm phó.

Giả sử vấn đề lạm dụng tình dục được HĐGMM giải quyết vào thời điểm khác, do chủ tịch khác, thì vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục có thể được giải quyết một cách khác, không bị chi phối nhiều bởi phía dân sự và không bị phơi bầy ra một cách rộng rãi bởi báo chí / truyền thông.

Lí do tâm lí và văn hoá không được cứu xét trong việc điều tra vấn đề “lạm dụng tình dục”.

Trong việc điều tra và xét xử vấn đề linh mục lạm dụng tình dục, theo tác giả bài viết này, người ta đã bỏ qua yếu tố văn hoá và tâm lí. Tại một số quốc gia, người ta coi việc hai người cùng phái, cùng lứa tuổi hoặc khác tuổi  khoác tay nhau hay một người đặt cánh tay trên vai người khác, có thể là vị thành niên khi ngồi, đứng hoặc đi bộ là chuyện bình thường. Còn những cách thế mà người ta cho là “lạm dụng tình dục” vì lí do tâm lí đưa đẩy như cô đơn, buồn chán, không được trọng dụng, không được đánh giá đúng mức, lẫn lộn về căn tính phái tính, thì không hẳn là theo đúng nghĩa lạm dụng tình dục để thoã mãn nhu cầu sinh lí. Việc mà người ta gọi là lạm dụng tình dục trong trường hợp này, có thể chỉ là những cử chỉ âu yếm và trìu mến của đối tượng bị kiện cáo  như là để lấp đầy những thiếu thốn về tâm tình cảm nơi phạm nhân, như là để tìm sự an ủi. Những cử chỉ âu yếm và trìu mến đó có thể là cách nói lên ý muốn làm người bố, bày tỏ cảm tình của bố và diễn tả tâm tình cảm của bố với con.

Động chạm đến phần thân thể riêng tư của trẻ em vị thành niên, cũng có thể là do tính tò mò thúc đẩy, hơn là lạm dụng tình dục. Tính tò mò này còn thấy nơi cả trẻ con. Có những trẻ con gái nhỏ khi nhận ra phần thân thể riêng tư của bố mình, khác của mình, cũng có khuynh hướng nghịch ngợm “của quí” của bố một cách hồn nhiên.

Ngoài ra khi điều tra và kết tội một linh mục lạm dụng tình dục trong “toà án” đạo của giáo phận, thì bị cáo thưòng không có luật sư để bào chữa và phản biện lại bên tố cáo. Nếu có luật sư do giáo phận cung cấp, thì luật sư cũng chỉ ngồi nghe cho có hình thức thôi vì người tố cáo không dự phiên toà xét xử. Còn khi điều tra và kết tội một linh mục lạm dụng tình dục đã qua đời, thì người chết không thể hiện về để biện hộ cho mình được.

Tại sao vấn đề lạm dụng tình dục gần đây mới được đưa ra ánh sáng?

Vấn đề lạm dụng tình dục đã có từ rất xa xưa trong xã hội loài người, giữa người lớn nói chung với trẻ em, giữa bố với con, có khi giữa mẹ với con. Trước đây xã hội cũng như tôn giáo chưa nhận thức rõ được những tai hại về đời sống tâm lí và tình cảm của nạn nhân bị lạm dụng tình dục nên đặt nhẹ vấn đề này. Những luật lệ trong xã hội cũng như tôn giáo chống lại việc lạm dụng tình dục cũng còn lỏng lẻo. Ngoài ra nạn nhân cũng muốn giữ kín chuyện bị lạm dụng tình dục, nên không muốn cho ai biết, gồm cả cha mẹ. Có những trường hợp nạn nhân được đút lót tiền bạc để giữ yên lặng nên không muốn tiết lộ việc bị lạm dụng tình dục. Những trường hợp khác thì nạn nhân bị đe doạ đến tính mạng, nếu tiết lộ chuyện bị lạm dụng tình dục, nên đành giữ yên lặng.

Sau một thời gian, nạn nhân bị lạm dụng tình dục một cách đúng nghĩa lạm dụng trong một thời gian, họ mới tiết lộ cho người được họ tín nhiệm như là linh mục chẳng hạn và cho biết họ cảm thấy nhục nhã, mang mặc cảm tội lỗi vì bị lạm dụng, khiến đời sống tình cảm của họ không được phát triển một cách bình thường. Những linh mục lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên có thể không ý thức được những tác hại về đời sống tâm lí và tình cảm của nạn nhận. Gỉả sử ý thức trước được thì những ham muốn lạm dụng có thể được kiềm chế.

Khi vấn đề lạm dụng tình dục bị báo chí / truyền thông phơi bầy ra, thì tin tức được người dân tiếp cận nhanh chóng trong thời đại tin học. Tại trường học, học sinh được dạy đề phòng khỏi bị lạm dụng tình dục. Những người làm việc với trẻ vị thành niên phải khai báo là chưa bao giờ bị tố cáo và xét xử về việc lạm dụng tình dục mới được làm việc với trẻ em. Rồi giới luật sư vào cuộc bằng cách đề nghị cho nạn nhân kiện tụng. Giới luật sư nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo giầu có vì thấy có những cơ sở như trường học, nhà thờ đồ sộ với những lối kiến trúc cổ kính, lại thêm bảo tàng viện tàng viện với những bảo vật mĩ thuật đáng giá, thì càng đòi giá đền bù lớn cho vụ kiện. Do đó sau khi bị kiện tụng về vấn đề linh mục lạm dụng tình dục, có những giáo phận đã phải khai phá sản. Khuynh hướng kiện tụng còn lan rộng đến cả những lãnh vực khác như việc bác sĩ hành nghề mà người kiện cho là bất cẩn. Có những luật sư mới ra trường chưa có việc làm, còn đề nghị giúp kiện miễn phí cho thân chủ để lấy kinh nghiệm. Vì thế có thời giới bác sĩ có khuynh hướng kình địch giới luật sư.

Bách hại Giáo Hội dưới hình thức loan tin về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục

Bàn đến vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, thì linh mục Công Giáo có nhiều cơ hội bị cám dỗ về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vì linh mục thường tiếp xúc với trẻ  em hàng ngày trong nhà thờ, nơi trường học của giáo xứ.

Còn nếu tìm hiểu và tìm đọc vấn đề trên báo chí, truyền thông, người ta đều thấy trong những giáo phái hoặc tôn giáo khác, cũng có vấn đề giới lãnh đạo tinh thần, hoặc giới tu hành, có gia đình hoặc không có gia đình, lạm dụng tình dục, gồm cả vấn đề loạn luân. Điều đó có nghĩa là luật độc thân cho hàng linh mục Công Giáo, không phải là lí do đưa đến vấn đề lạm dụng tình dục.

Vấn đề người tu hành sống độc thân hay có gia đình lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, đều  xẩy ra trong các tôn giáo và giáo phái. Tuy nhiên vì Giáo Hội Công Giáo là một thực thể có tổ chức, có cấp bậc và ảnh hưởng nên báo chí truyền thông dễ tìm đến “hỏi thăm”. Do đó hành vi lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo dễ bị chĩa súng vào. Hỏi thăm về một vụ lạm dụng tình dục trong giáo hội Công Giáo tại Âu Mĩ thì quá dễ dàng. Báo chí / truyền thông có thể đặt câu hỏi về một vụ lạm dụng tình dục ở đâu đó với một linh mục hay vị giám mục hoặc cả giáo hoàng. Mà hỏi vị giáo hoàng về một vụ lạm dụng tình dục xẩy ra ở đâu đó trên thế giới, chỉ là câu hỏi “đổng” vì làm sao một vị giáo hoàng có thể biết hết được các vụ lạm tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, khi đã có giáo quyền địa phương giải quyết. Còn hỏi về việc lạm dụng tình dục   trong những tôn giáo và giáo phái khác tại Âu Mĩ, thì nhiều khi không biết đâu mà hỏi, nên ít thấy tường thuật trên báo chí / truyền thông.

Khi báo chí / truyền thông tường thuật và phê phán những vấn đề lạm dụng tình dục trong một  tôn giáo, mà những thành phần trong tôn giáo đó phản ứng bất lợi cho người tường thuật và phê phán, thì người tường thuật và phê phán cũng có thể phải e ngại cho sự an toàn của mình trong những bài tường thuật và phê phán với dự định xuất bản trong tương lai. Vậy thì, điều gì có thể khiến cho báo chí / truyền thông sợ khi tường thuật và phê phán về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo?

Cùng một hành vi phạm pháp, mà kí giả tường thuật có khuynh hướng ác cảm, hoặc chống đối đạo Công Giáo, khiến cho bài viết của họ có tính cách thiên vị. Người viết báo mà không có cảm tình với đạo Công Giáo cũng có ảnh hưởng đến tư tưởng của họ đối với đạo Công Giáo và lời văn họ dùng khi nói về đạo Công Giáo. Cùng một câu chuyện lạm dụng tình dục, mà người viết báo, chống đối Giáo Hội, thì câu chuyện sẽ khiến cho người đọc có ác cảm với đạo Giáo Hội.

Báo chí / truyền thông khai thác vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên một cách triệt để. Họ đưa tin hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục ngay cả tại những giáo phận thuộc những quốc gia hải ngoại. Họ phơi bầy vấn đề lạm dụng tình dục trong giáo hội Công Giáo trong quá khứ xa xưa mà luật báo cáo và điều tra việc lạm dụng tình dục đã quá hạn (statute of limitations). Dưới hình phạt bị phơi bày việc lạm dụng tình dục, có những linh mục đã phải tự kết liễu đời mình như một cách tự phạt mình. Có những linh mục đã qua đời cũng bị tố cáo lạm dụng tình dục. Dưới áp lực của báo chí/truyền thông, có những giáo phận vẫn phải báo cáo.

Chuyên gia Toà Thánh Vatican nhận định về vấn đề lạm dụng tình dục

Nữ kí giả Inés San Martín của tạp chí Crux, mới đây có bài báo ra ngày 14 tháng 12, 2019 – do dịch giả Vũ Văn An đăng trong vietcatholic ngày 14 tháng 12, 2019 với tựa đề: “Chuyên gia thượng thặng của Tòa Thánh: luật độc thân và đồng tính luyến ái không gây ra cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục”. Chuyên gia “thượng thặng” chống lại việc lạm dụng tình dục mà Vũ Văn An nói đến là Linh mục Jordi Bertomeu [01].

Bằng những dữ kiện do các Giáo Hội Kitô giáo và không Kitô giáo khác cung cấp, Cha Bertomeu viết: “Ngài trích dẫn Giáo Hội Hợp Nhất ở Úc, một Giáo Hội có khoảng 240,000 thành viên, không có hàng giáo phẩm và chỉ có hàng giáo sĩ nam nữ có gia đình”. Trong mấy tháng gần đây, Giáo Hội này được nhiều người chú ý vì 2,500 trường hợp lạm dụng trẻ em. Cha lý luận rằng “các dữ kiện như thế trái ngược với các dữ kiện của Giáo Hội Công Giáo, với 466,000 linh mục và 6,000 trường hợp được báo cáo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin” [02].

 Linh mục Bertomeu còn nói: “Mặc dù Giáo hội nên xấu hổ vì số linh mục đã phạm tội lạm dụng, ngài lưu ý rằng đó chỉ là một phần trăm nhỏ các giáo sĩ, so sánh với số người lạm dụng trong xã hội nói chung” [03].

Cha Bertomeu cũng lập luận rằng: “Luật độc thân bắt nguồn từ Tin Mừng, như đã được các nghiên cứu lịch sử chứng minh, chứ không phải là một điều xuất hiện vào thế kỷ thứ 12 để “kiểm soát tốt hơn nền kinh tế của các giáo phận”, khỏi rơi vào tình thế có “các gia đình giáo sĩ”. [04].

Vấn đề lạm dụng tình dục còn xẩy ra với những người không tu hành mà có gia đình. Về vấn đề này, linh mục Bertomeu viết “Đúng hơn, đa số những người lạm dụng là những người đàn ông có vợ” [05]

Linh mục Bertomeu cho rằng, “Một số cơ quan truyền thông đã đối xử vô trách nhiệm với hiện tượng vi phạm hình sự các vị thành niên, đến mức đã cổ vũ “cuộc bách hại bừa bãi tầng lớp xã hội giáo sĩ hoặc không tin tưởng bất cứ linh mục nào chỉ vì sự kiện ngài là một linh mục” [06].

Bách hại Kitô giáo nói chung và người Công Giáo nói riêng

Bách hại Giáo Hội dưới hình thức loan tin về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục chỉ là một phần của việc bách hại Kitô giáo nói chung trên toàn thế giới như trong bài tường thuật của Hồng Thuỷ với tựa đề: “Hội nghị quốc tế về bách hại Kitô hữu” đăng trong Vaticannews.va ngày 29/11/ 2019. Hội nghị diễn ra từ ngày 26-28/11, với 650 tham dự viên thuộc 40 quốc gia, bao gồm nhiều lãnh đạo Kitô giáo từ Syria, Iraq, Lebanon. Trong lời khai mạc Hội nghị, ông Tristan Azbej, Tổng Thư ký Ủy ban về Kitô hữu bị bách hại của Hungary, đã nói: “Chúng ta có 245 triệu lý do để ở đây. (245 triệu là số Kitô hữu trên toàn thế giới bị bách hại). Đây là cách nhiều người bị bách hại hàng ngày vì niềm tin Kitô giáo của họ.” [07].

Còn bài tường thuật của Hồng Thuỷ với tựa đề khác: “ĐTC Phanxicô: Nhiều Kitô hữu bị bách hại và hy sinh vì đức tin” đăng trong Vaticannews.va ngày11/12/ 2019, trong đó Đức Phanxicô nói với 8000 tín hữu hành hương: “Ngày nay, trên thế giới, tại châu Âu, rất nhiều Kitô hữu bị bách hại và hy sinh mạng sống vì đức tin, hay bị bách hại bởi những người mang găng tay trắng, nghĩa là bị loại ra, gạt ra bên lề. Tử đạo là không khí của cuộc sống Kitô hữu, của cộng đoàn Kitô giáo. Luôn luôn có những vị tử đạo ở giữa chúng ta: điều này là dấu hiệu chúng ta đang đi trên con đường của Chúa Giêsu. Thật là phúc lành của Chúa khi có người nào đó trong cộng đồng dân Chúa làm chứng tá tử đạo này”. [08]. Theo hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo số ra ngày 30/12/2019 cho biết có 29 nhà truyền giáo bị sát hại trên thế giới trong năm 2019 gồm đa số là linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Ngay tại Hoa Kì, người Công Giáo cũng bị kì thị hàng mấy thế kỉ nay. Theo Wikipedia  năm 2012, “Bầu khí kì thị Công Giáo ăn rễ sâu trong thái độ chống Công Giáo do người Tin Lành Anh Giáo đem đến các thuộc địa Mĩ” [09].

Qua mấy thế kỉ, người ta thấy được những định kiến chống Công Giáo trong văn chương và truyền thông Mĩ. Do đó tác giả Robert P Lockwood mới viết “Thực ra, dù không luôn được công nhận rằng, có thiên kiến chống Công Giáo trong báo chí / truyền thông nói chung. Nhiều phóng viên ý thức được nền văn hoá tràn ngập thế tục và lí trí” [10].

Đó là lí do tại sao chính phủ Hoa Kì chỉ thiết lập bang giao với toà thánh Vatican vào năm 1984 dưới thời Tổng Thống Reagan khi mà những thế lực phản kháng trong Nước như Quốc Hội, các toà án và các nhóm Tin Lành, không còn chống đối việc thiết lập bang giao quyết liệt như trước nữa.

Gần đây khi đọc hay nghe tin tức về những vấn đề xã hội, chính trị.., báo chí / truyền thông Mĩ bị tố cáo là đưa tin khiếm diện, giả tạo và còn là “tin bịa đặt” (fake news). Trong hậu bán thập niên thứ hai và đầu thập niên thứ ba của Thế kỉ 21, đa số giới bình luận gia người Mĩ gốc Việt còn gán cho báo chí / truyền thông thiên tả tự do là truyền thông “thổ tả”. Thiên đọc trại ra là thổ. Nghĩa đen của thổ tả là ói ra. Nghĩa bóng của thổ tả là giả dối, bịa đặt với ý định lừa bịp dư luận quần chúng. Vấn đề loan tin thiếu trung thực và còn bịa đặt như vậy của báo chí / truyền thông thiên tả về chiến tranh Việt Nam cũng đã khởi sự từ đó.

Kết luận

Vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên phải là nỗi đau buồn của người Công Giáo. Điều này phải nhắc nhở người Công Giáo cầu nguyện cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục, cho giáo sĩ lạm dụng tình dục và cho cả giới báo chí / truyền thông về cách thế loan tin vấn đề giáo sĩ  lạm dụng tình dục. Người Kitô Giáo - gồm người Công Giáo - cũng không quên cầu nguyện cho người Kitô Giáo bị bách hại trên thế giới vì đức tin và cho cả những cá nhân và tổ chức bách hại Kitô Giáo nữa. Người Kitô giáo còn cầu nguyện cho cả người chống đối mình như Đức Kitô dạy: “Hãy cầu nguyện cho người bách hại và bỏ vạ anh em” (Mt 5:44) và “Hãy cầu nguyện cho người vu khống anh em” (Lc 6:28).

Gia Pháp

----------------------

[01]. Vũ Văn An. Chuyên gia thượng thặng của Tòa Thánh: luật độc thân và đồng tính luyến ái không gây ra cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục: www.vietcatholic.net: Tin Giáo Hội Hoàn Vũ.  14/Dec/2019.

[02]. Ibid như [1]

[03]. Ibid như [1]

[04]. Ibid như [1]

[05]. Ibid như [1]

[06]. Ibid như [1]

[07]. Hồng Thuỷ. Hội nghị quốc tế về bách hại Kitô hữu: www.vaticannews.va: Thế Giới. 29 tháng mười một 2019, 14:43

[08]. Hồng Thuý. ĐTC Phanxicô: Nhiều Kitô hữu bị bách hại và hy sinh vì đức tin: www.vaticannews.va. Đức Giáo Hoàng. 11 tháng mười hai 2019, 11:36.

[09]. Wikipedia. Anti-Catholicism in the United States. Ed. May 2012

[10]. Robert P. Lockwood. Anti-Catholicism in the media. Catholic League.  https://www.catholicleague.org/anti-catholicism-in-the-media/                Mar 20, 2017.