Tại Sài Gòn trước đây, có tờ báo chạy mục ‘Chuyện chúng mình’, bàn về chuyện đàn bà con gái, được phái nữ rất ưa chuộng. Tuy nhiên cánh đàn ông và con trai tò mò cũng thích tìm đọc.

Thực ra phái nào và lớp tuổi nào cũng có những chuyện chúng mình để kể cho nhau. Trẻ con có chuyện chúng mình của trẻ con, người lớn có chuyện chúng mình của người lớn. Đàn bà có chuyện chúng mình của đàn bà. Con gái có chuyện chúng mình của con gái. Con trai có chuyện chúng mình của con trai. Đàn ông có chuyện chúng mình của đàn ông. Linh mục có chuyện chúng mình của linh mục. Nữ tu có chuyện chúng mình của nữ tu. Linh mục trẻ có chuyện chúng mình của linh mục trẻ. Lớp linh mục cao niên, có chuyện chúng mình của linh mục cao niên. Có lẽ giới tu hành nhà Phật như nhà sư, ni cô cũng có chuyện chúng mình để kể cho nhau.

Những năm đầu sau khi sang Mĩ từ năm 1975, giới linh mục Việt Nam di tản, chưa có nhiều trách nhiệm để chu toàn, vì chưa được bổ nhiệm làm chính xứ giáo xứ Mĩ hay Việt, mà chi là phó xứ quèn, hoặc phụ tá của giáo xứ Mĩ, hoặc quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, nên có nhiều giờ rảnh rang. Giới linh mục Việt tại Mĩ cũng chưa sửa soạn để tự cung cấp cho mình thêm nhũng vốn liếng về học vấn và tinh thần hầu có thể khai phá những hoạt động riêng. Vì thế có những linh mục qui tụ thành những nhóm nhỏ  tuỳ theo địa phương, tuổi tác, sở thích, lập trường, hoặc đã cùng trải qua những năm thụ huấn. Mỗi nhóm linh mục có những chuyện chúng mình riêng để kể cho nhau.

Tại một miền kia ở Mĩ, có nhóm linh mục hay tổ chức đi câu cá, đi du ngoạn, đi trượt tuyết (Ice skate), hoặc ngồi chơi bài, đánh cờ, ăn uống với mấy lon bia. Tháng này ăn uống ở nhà linh mục này, tháng kia ăn uống ở nhà linh mục kia. Cứ thế mà luân phiên để nói chuyện: chuyện chúng mình, những chuyện xẩy ra trong quá khứ: chuyện chính trị, xã hội, chuyện giáo hội, chuyện giáo xứ, chuyện gia đình, chuyện bạn bè, chuyện sa cơ thất thế, chuyện vui, chuyện buồn, cả chuyện tiếu lâm, gồm tiếu lâm nhà đạo nữa.

Có linh mục trong nhóm kể mẩu chuyện như sau: Khi người tị nạn Việt Nam mới sang Mĩ vào năm 1975, có y tá nhà thương Mĩ nhờ linh mục thông dịch cho một chị Việt Nam mới sinh con trai, nhờ hỏi xem chi có muốn bác sĩ cắt bì cho con không và giải thích cho chị: Cắt bì (circumcision) nghĩa là gì? Tưởng cũng nên biết, tại nhà thương Mĩ, bác sĩ thường cắt bì cho con trai mới sinh, mặc dù phụ huynh không phải là người Do Thái. Sau khi cắt nghĩa cho chị về ý nghĩa cắt bì, chị ta bèn trả lời cho linh mục, được trích dẫn nguyên văn 100% như sau:

  • Thôi đi chú ơi! Nếu vậy thì thôi đi chú.

Còn những câu trích dẫn chữ nghiêng sau đây gần như nguyên văn từ 90 đến 95 phần trăm.

Rồi linh mục đó kể tiếp: có lần vào tiệm Tầu mua đồ, chủ tiệm hỏi:

  • Chú là người Giệc hả?

Sau đó cả mấy chục năm, linh mục đó vào ăn tiệm phở, một nữ nhân viên tiếp bàn vào trạc tuồi từ 18 đến 30 đi qua thấy linh mục nhét khăn giấy vào đai thắt lưng cho nó khỏi rớt khi ngồi ăn, mới nhắc nhở:

  • Chú nhớ khi ra khỏi tiệm, lấy khăn giấy khỏi tắt lưng, kẻo người ta trông thấy có vẻ kì lắm.

Linh mục đó théc méc là không biết có phải chị tiếp bàn tò mò hay không vì linh mục ở thế ngồi ăn, còn chị tiếp bàn đi qua ở thế đứng. Chị ta phải cúi xuống và đưa mắt nhìn ngang hay chéo mới thấy được khăn giấy nhét vào thắt lưng linh mục.

Bây giờ linh mục đó đã về hưu rồi mà vào tiệm Việt Nam, linh mục đó nói người ta vẫn gọi mình bằng chú:

-           Chú muốn mua gì hông chú?

-           Chú muốn lấy loại nào?

Cũng vào thời kì mới sang Mĩ, trong một miền kia, có hai linh mục Việt Nam thường đi câu cá với nhau. Trong lúc lái xe hay ngồi câu cá, có bàn đến những vấn đề nọ kia. Linh mục này có khi bất đồng ý kiến với linh mục kia. Linh mục kia có tên đệm là Trang nên linh mục này nói đùa:

  • ‘Ngài’ đúng là ‘Trạng’. Tên đệm của ‘ngài’ phải là Trạng, thay vì Trang.

Và từ đó thường gọi linh mục kia là ‘Trạng N.’ Đến khi có linh mục khác méc là có linh mục L. nghĩ linh mục gọi linh mục kia là Trạng N. là có vẻ tâng bốc vì linh mục kia vì có bằng trạng sư. Nghe vậy linh mục gọi linh mục N. là Trạng, mới nói:

  • Đã vậy mình cũng sẽ gọi linh mục L. là Trạng L.

Lúc đầu Linh mục được gọi là Trạng L. cảm thấy chưa quen, nhưng rồi sau đó ‘ngài’ cũng thích được gọi như vậy. Khi linh mục gọi nhóm linh mục trong miền là ‘Trạng nọ, Trạng kia’ sang Mê-hi-cô để học tiếng Tây Bán Nhà, được mấy ngày thì có điện thoại gọi từ Mĩ, người đầu giây nói:

  • Trạng L. đây’ (Nghĩa là người kêu điện thoại, gọi chính mình là Trạng L.)

Nghe giọng nói, linh mục nhận điện thoại biết rõ là ai gọi rồi, nhưng hỏi giả vờ xem sao:

  • Trạng L. đây là Trạng L. đâu’.

Linh mục Trạng L. trả lời: gọi để giới thiệu một người họ hàng sang thủ đô Mexicô hành hương và cầu nguyện ở Đền Đức Mẹ Guadaluppê và xin được hướng dẫn.

Từ đó số linh mục trong miền được gọi là Trạng: Trạng nọ, Trạng kia tăng thêm cho nhóm.

Khi một linh mục Việt Nam khác trong Miền sang Rôma gặp Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Vị Hồng Y mới hỏi chuyện:

  • Sao miền Cha ở, có những linh mục nào, kể ra xem tôi có biểt cha nào không hề?

Linh mục Việt Nam đó buột miện trả lời:

  • Miền chúng con có nhiều Trạng lắm.

Hồng Y Thuận bèn hỏi lại:

  • Trạng là thể nào?

Nếu trước đây một linh mục trong miền nói với Hồng Y Thuận: ‘Miền chúng con có nhiều Trạng lắm’ thì bây giờ một linh mục khác trong miền nói:

  • Miền chúng tôi bây giờ gần hết Trạng rồi.

Gần hết Trạng rồi có nghĩa là nhóm linh mục trong miền đã qua đời gần hết rồi. Hết Trạng rồi thì không còn Trạng để nói về chuyện chúng mình nữa. Những chuyện hệ trọng và nghiêm chỉnh của Giáo Hội, của Quê Hương, những mất mát trong quá khứ, những giá trị đã bị đảo lộn và những ước mong cho cuộc sống mai hậu cần chia sẻ mà không có người để bàn đến thì cũng thiếu vắng. Những chuyện buồn, vui như chuyện tiếu lâm, gồm cả tiếu lâm nhà đạo mà không có người để kể cho nhau nghe và để cười với nhau thì cũng thiếu vui.

Mà nói đến cười, thì trong nhóm linh mục này, có một linh mục có điệu cười khác biệt: cười bằng bụng. Khi cười bằng bụng thì những bắp thịt  trong bụng hoạt động co rút lại, rồi lại căng dãn ra. Người cuời bằng bụng mà cảm thấy đau bụng thì phải ôm bụng mà cười. Người ngồi sau không thấy họ nhe răng ra cười, nhưng thấy vai họ nhô lên, rồi lụn xuống, thì cũng biết là họ đang cười bằng bụng. Người ta nói cười bằng bụng là cách tập thể thao cho thành gia bụng khỏi xệ.

Nói về chuyện chúng mình thì phải có người hiểu biết và đồng cảm thì người ta mới có hứng mà nói. Nói chuyện với những người không hiểu biết thì người ta không muốn nói. Cũng thế, nói chuyện tâm tình với những người không đồng cảm hoặc không thông cảm bằng những cử chỉ phản ứng như gật gù hay lắc đầu, hoặc bằng cách đáp trả bằng lời nói như: phải rồi, sao thế được …, thì người ta không có hứng để nói. Nói chuyện tâm tình với những người chỉ nghe bằng tai, mà không nghe với tâm tình, thì người ta cũng không muốn nói, nghĩa là khi tâm tình không cùng rung một nhịp thì người ta không muốn nói. Đúng như cổ nhân nói:

  • ‘Nói chuyện với người không hiểu biết, thì thà vạch đầu gối ra mà nói’.

Suy ra người ta cũng có thể nói: Nóí chuyện với người không đồng cảm, thì thà vạch đầu gối ra mà nói.

Mà đúng như vậy. Có những chuyện mà ngay cả vợ chồng cũng không muốn nói cho nhau nghe, mà chỉ kể cho bạn bè quen biết, cùng tuổi, cùng lập trường, cùng chí hướng.

Còn đối với giới linh mục, thì có những chuyện mà linh mục không được phép tiết tộ như chuyện trong toà cáo giải. Nói chung là linh mục thì theo đưổi cùng một lí tưởng, một chí hướng và một mục đích. Tuy nhiên nếu nhóm linh mục khác nhau về tính tình, về sở thích, về quan điểm, về lập trường, về cách nhìn đời, cách làm việc, cách xử thế, về mối quan tâm cho những vấn đề khác nhau, thì cũng khó đi đến đồng cảm khi nói chuyện chúng mình với nhau, mặc dù cùng lứa tuổi, cùng quê quán, cùng cách thế được huấn luyện. Vì thế có những chuyện mà linh mục này cũng không muốn nói cho linh muc khác.

Chuyện linh mục của nhóm này, có thể khác chuyện linh mục của nhóm kia. Có những chuyện của nhóm linh mục này có thể bị coi là chuyện vớ vẩn đối với người khác. Tuy nhiên đối với những linh mục cùng nhóm thì lại là chuyện vui cười vì có điển tích, có kỉ niệm của nhóm trong đó: nói để mà cười. Trước mặt giáo dân linh mục có thể tỏ ra nghiêm túc và chỉnh tề. Còn giữa linh mục quen biết nhau trong những buổi họp mặt giải trí, thì lại là chuyện khác. Những dịp như vậy linh mục có thể bận quần áo xuề xoà, nói chuyện vui đùa và còn kể chuyện tiếu lâm nữa.

La ngữ có câu: ‘Similis similem quaerit’ nghĩa là ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’ là một thành ngữ Hán Việt có nghĩa là trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa. Cũng có kiểu nói tương tự khác là: ‘Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn’. Hiểu theo nghĩa bóng thì những người cùng sở thích, cùng chí hướng, cùng lập trường thường tìm đến nhau để chuyện vãn với nhau.

Không phải chỉ có một nhóm linh mục trên mới có chuyện chúng mình, nhưng phải có những nhóm linh mục khác cũng có những chuyện chúng mình để kể cho nhau. Như vậy, mỗi nhóm linh mục nên tạo những cơ hội gặp nhau để nói chuyện chúng mình: những chuyện hệ trọng để giúp nhau giữ vững lập trường và lí tưởng và cả những chuyện vui đùa để cười với nhau cho đời linh mục lên hương.

Trẻ con sống cho hiện tại. Người trẻ sống cho tương lại. Người cao niên sống cho dĩ vãng, nhớ về chuyện đã xẩy ra trong quá vãng và thích kể cho nhau những chuyện quá khứ.

Một linh mục trong nhóm nói: nếu hết Trạng rồi có nghĩa là không còn Trạng để nói về chuyện chúng mình nữa, thì bây giờ là thời gian để tập sống kiểu ẩn tu trong nếp sống hiện tại, để tiếp tục chiêm niệm lời hằng sống, suy nghĩ về thế sự và cầu nguyện.

Trên đây là những mẩu chuyện chúng mình có thật của một nhóm linh mục Việt Nam tại Mĩ. Còn sau đây có câu chuyện thuộc loại tiếu lâm nhà đạo được in trong Báo ‘Catholic Digest’ như sau để kết thúc:

Có linh mục kia khi tuổi đã cao niên mới nhận ra mình không còn giữ được sự chú ý của giáo dân khi thuyết giảng, khiến họ ngủ gật. Linh mục đó mới tìm đến xin ý kiến giám mục sở tại.

Khi vị linh mục bày tỏ vấn đề với vị giám mục, vị giám mục mới đề nghị  cho linh mục đó một giải pháp như sau và nói: ‘Vào Chúa nhật tới, khi Cha giảng, hãy nói với cộng đoàn giáo dân là Cha cảm thấy yêu một người phụ nữ, và đã yêu người phụ nữ đó cả mấy chục năm rồi. Khi thấy cộng đoàn giáo dân hoang mang và xôn xao, mong đợi Cha kể tiếp, thì Cha nói người phụ nữ đó tên là Maria. Cha sẽ gây được chú ý của mọi người và Cha có thể nói về Mẹ  Maria và Mẹ có ý nghĩa gì với hàng linh mục và với giáo dân’.

Linh mục đó bèn cám ơn vị giám mục rối rít lên. Tới Chúa Nhật tuần sau, khi linh muc đó bắt đầu bài giảng lễ, mới nói: ‘Vị giám mục của chúng ta đang yêu một người phụ nữ trong vòng 20 năm nay’. Nghe tin đó khiến cộng đoàn giáo dân bừng tỉnh khỏi buồn ngủ, mong đợi linh mục kể tiếp. Lúc này vị linh mục ngập ngừng gãi đầu gãi tai nói: ‘Tôi quên tiệt tên của người phụ nữ đó rồi’.

Gia Vị