CN-XXI-thuongnienChúa Nhật 21 Thường Niên, Năm A

Is 22, 19-23; Rm 11, 33-36; Mt 16, 13-23

Hôm thứ Năm 18/7/2002, toà án tại quận Ambikapur thuộc bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ đã ra lệnh phạt tù Sr. Bridhi Ekka, 56 tuổi, thuộc dòng Ursula, 6 tháng tù giam vì tội đã dám chiêu dụ tín đồ Ấn Giáo trái phép.

Sr. Bridhi bị kết án theo một đạo luật đang gây ra rất nhiều tranh cãi tại Ấn Độ, khi một người muốn được rửa tội theo Công Giáo, người đứng ra rửa tội cần phải báo với đồn cảnh sát gần nhất và chờ đợi cho đến khi nào đồn cảnh sát cho phép thì mới được rửa tội cho người muốn xin theo đạo. Thông thường, trong các trường hợp như vậy, cảnh sát sẽ mời người muốn xin theo đạo lên để hăm dọa, kể cả đánh đập để họ từ bỏ ý muốn xin theo đạo.

Sr. Bridhi Ekka đã rửa tội cho một người đang lúc hấp hối. Sr. đã không báo cáo với cảnh sát và cũng không chờ cho đến khi cảnh sát có ý kiến. Đó là lý do tại sao quan toà bỏ tù Sr. Ngay sau khi quan toà kêu án, Sr. Ekka đã bị lôi ngay vào nhà giam.

Như thế, chúng ta thấy từ khi Đức Kitô, Đấng sáng lập ra Kitô giáo chịu chết treo trên thập giá cho đến tận bây giờ. Giáo Hội của Ngài vẫn liên tục bị bách hại. Thế nhưng, Giáo Hội ấy vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ đúng như lời của Đức Kitô đã nói trước với Phêrô: “Con là Đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được” (Mt 16, 18). Do đó, trong giờ chia sẻ này, tôi muốn cùng quý ông bà anh chị em cùng nhau nhìn lại Mầu nhiệm Giáo Hội dưới ánh sáng của phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

1. Giáo Hội được chính Đức Kitô thiết lập

Sau những bài giảng và dụ ngôn cùng với những phép lạ, chúng ta thấy công cuộc rao giảng của Đức Giêsu có vẻ thất bại nhiều hơn là thành công. Tin mừng Gioan còn ghi lại rõ sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhất là sau bài giảng về “Bánh Hằng Sống” (Ga 6). Nhiều người đã bỏ Ngài mà đi. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu đã đưa các tông đồ đến miền Césarée Philipphê, tách khỏi đám đông dân chúng, để Ngài có thời gian nhiều hơn cho việc huấn luyện các tông đồ. Chính tại nơi đây, sau khi lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên Tảng đá Phêrô, Ngài nói với Phêrô: “Con là Đá, trên đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18). Tuy nhiên, Ngài cũng khẳng định rõ, lời tuyên xưng của thánh Phêrô không do bởi Phêrô, nhưng là do ơn Chúa tác động: “Hỡi Simon, con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17).

Như thế, chúng ta cũng có thể kết luận rằng, Giáo Hội là do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, Giáo Hội luôn có Chúa ở cùng. Và nếu có Chúa ở cùng, Giáo Hội đó chắc chắn sẽ bền vững như lời Đức Kitô đã hứa: “và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Nói đến đây, tôi nhớ đến tác phẩm “Quo Vadis” của một nhà văn Ba Lan, Sionkievich. Trong đó, ông kể lại câu chuyện tình của (Vinius), một sĩ quan dưới triều đại của Néron và nàng Ligia, một thiếu nữ Công giáo. Câu chuyện tình này được đặt nền trên bối cảnh lịch sử của cuộc bách hại đẫm máu người Công giáo dưới thời vua Néron. Khi kết thúc tác phẩm, ông viết: “Thế là qua đi Néron như đã qua đi cơn lốc, như đã qua đi giông bão, hoả hoạn, chiến tranh hay một cơn ác mộng. Còn nhà thờ lớn của ông Phêrô, cho tới nay vẫn đang ngự trị thành đô Roma và thế giới, từ trên ngọn đồi Vatican.”. Vâng Néron đã qua đi, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển cách vững mạnh.

Thế nhưng, Giáo Hội ấy lại được đặt nền trên những con người không những rất bình thường mà còn yếu đuối nữa như Elyakim, như Phêrô. Nhưng cho dù bình thường và yếu đuối, những con người ấy có một đặc điểm chung là hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Tể tướng Sobna, trong bài đọc một, khi đứng trước sự đe doạ của nước Assirie, ông đã không tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng lại muốn liên kết với Ai Cập để chống đỡ. Vì thế, ông đã bị mất chức. Quyền hành của ông được trao cho Êlyakim, một người hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của ngôn sứ Isaia. Đức Chúa phán: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó”. Êlyakim đã tin lời Chúa và đã cứu dân khỏi chết. Còn Phêrô đã mạnh mẽ tuyên xưng Đức tin vào con Thiên Chúa, nên đã được chọn làm nền tảng cho Giáo Hội của Đức Kitô.

Tất cả những điều này cho thấy ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa khác xa đường lối của con người, như lời lời Ngài phán trong sách ngôn sứ Isaia: “Quả thế, ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi,.. Vì trời cao hơn đất (bao nhiêu), cũng vậy, đường lối của Ta vượt hơn đường lối của các ngươi (bấy nhiêu).” (Is 55, 8-9). Chính thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng cảm nghiệm điều đó khi thốt lên: “Ôi sâu thẳm thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Ngài làm sao hiểu được, và đường lối của Ngài làm sao dò được”

(Rm 11, 33). Như thế, Thiên Chúa chọn ai tuỳ Ngài muốn, chứ không do công trạng hoặc tài năng của chính người được chọn.

2. Bổn phận của chúng ta:

Ý thức, Giáo Hội được Đức Kitô thành lập, và chính Ngài mới thực sự là người điều khiển và ban sức sống cho Giáo Hội. Đồng thời, Ngài đã dùng những con người có khi thật yếu hèn để thay Ngài hướng dẫn chúng ta. Hơn nữa, Giáo Hội không chỉ được xây dựng trên nền đá Phêrô, nhưng mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động góp phần xây dựng nên toà nhà Giáo Hội như lời thánh Phêrô: “cả anh em nữa, ví thể những viên đá sống; hãy để Ngài xây cất anh em làm toà nhà thiêng liêng” (1 Pr 2, 5). Do đó, là thành phần của Giáo Hội, tôi nghĩ chúng ta cần đóng góp phần mình để xây dựng Giáo Hội đó ngày càng thánh thiện hơn như Thiên Chúa là Đấng Thánh. Để làm được việc này, có lẽ điều cần thiết và quan trọng nhất là cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm, nhất là Đức Thánh Cha của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện để ngài luôn gắn bó với Chúa, và được đầy tràn Chúa Thánh Thần để các ngài thật sự là những người thay mặt Chúa hướng dẫn chúng ta sống theo ý Chúa. Điều này được phụng vụ Giáo Hội nhắc nhở thường xuyên trong mỗi thánh lễ, nhưng không biết chúng ta có để ý không: “Lạy Cha, xin nhớ đến Hội Thánh Cha lan rộng khắp hoàn cầu, và làm cho Hội Thánh nên hoàn hảo về đức mến, trong niềm hiệp thông với Đức Thánh Cha …, Đức Cha….giám mục giáo phận chúng con, và toàn thể hàng giáo sĩ.”.

Kế đến là tâm tình vâng phục trong đức tin. Xác tín, hàng giáo phẩm là những người được Chúa đặt lên để thay mặt Chúa hướng dẫn chúng ta. Chúng ta cần khiêm tốn đón nhận những giáo huấn của Hội Thánh với tâm tình con thảo. Không chỉ nghe theo những giáo huấn của Đức Thánh Cha, của Đức Giám Mục, nhưng chúng ta còn có bổn phận vâng theo những hướng dẫn của Cha Xứ, người được Đức Giám Mục giáo phận đặt thay mặt ngài ở cạnh chúng ta, nhất là trong lãnh vực đức tin và luân lý. Chính khi thi hành những việc xem ra rất nhỏ này, chúng ta đang góp phần làm nên sự hiệp nhất của Giáo Hội và xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian này.

Trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã cho chúng ta được sinh ra và lớn lên trong Giáo Hội của Ngài. Giờ đây, xin mời cộng đoàn cùng đứng lên tuyên xưng đức tin.

Lm Trần Thanh Sơn