Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên, Năm A

Ga 1: 29-34

Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng đã bị sát tế trên Thập giá, và cũng là đối tượng đức tin của mọi Kitô hữu. Cái chết của ‘Chiên Con khải hoàn’ đã khai mở cho chúng ta kỷ nguyên ơn cứu độ.

Hình ảnh Con Chiên trong Thánh kinh

Thánh Kinh nói khá nhiều về con chiên. Bên bờ sông Giordan, Thánh Gioan tiền hô đã giới thiệu Đức Giêsu cho đám đông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, vị chủ tế cũng nhân danh Giáo hội đọc lại văn thức này trước lúc mọi người tiến lên hiệp lễ. Khi chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được ngồi vào bàn tiệc cưới Con Chiên, Đấng đã bị hiến tế, và máu của Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi nơi chúng ta.

Trong xã hội Do Thái ngày xưa, hình ảnh con chiên đã trở nên rất quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày của người dân, vốn sống đời du mục. Trong đêm xuất hành khỏi đất Ai Cập, người Do Thái cũng ăn bữa tiệc vượt qua với thịt chiên. Máu chiên được bôi lên cửa như dấu chỉ sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đấng cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ. Bữa ăn vượt qua năm xưa là hình ảnh tiên báo bàn tiệc cánh chung mà sách Khải Hoàn gọi là ‘Tiệc Cưới Chiên Con’. Những ai tham dự bàn tiệc này, đều mặc áo trắng tinh, tấm áo đã được giặt trong máu con chiên vô tội, dấu chỉ của sự trinh trong và vinh thắng khải hoàn. Sách khải hoàn đã lập đi lập lại tất cả 27 lần hình ảnh con chiên sát tế này.

Bài học của Thánh Gioan Tiền Hô.

Gioan đã giới thiệu và làm chứng về Đức Giêsu cho mọi người. Ngài là một ngôn sứ lỗi lạc, nhưng đã ẩn mình để Đức Giêsu được lớn lên. Thánh Gioan công bố: “Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài”. Được Thần Khí thúc đẩy, vừa thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu Đấng Messia cho mọi người.”

Cũng như Gioan, chúng ta đã biết về Đức Giêsu và trở nên môn đệ Ngài. Nhưng sự hiểu biết về Đức Giêsu không phải chỉ dừng lại trên bình diện tri thức, song còn phải biến trở thành hành động, bằng một lối sống cụ thể. Mỗi lần chúng ta đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, chúng ta có thực sự đến để tiếp cận Đức Giêsu – Chiên Thiên Chúa, hay chúng ta đi tham dự Thánh lễ chỉ vì bổn phận hoặc theo thói quen. Khi lên rước lễ, chúng ta có thực sự ý thức ‘đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian’, hay chúng ta chỉ tiến lên một cách máy móc như một cái xác vô hồn. Chúng ta cần phải đi sâu vào cảm thức đức tin để trong cuộc sống, chúng ta luôn sống xứng đáng là những môn đệ của Đức Giêsu một cách đích thực.

Thánh Gioan đã cảm nhận ra Đấng Cứu Thế nơi nhân vật đang tiến về phía mình. Ngài liền lên tiếng giới thiệu Chúa cho mọi người. Giáo hội mời gọi chúng ta cũng hãy học lấy thái độ của Thánh Gioan, không chỉ đào sâu niềm tin vào Đấng Cứu Thế, song còn phải giới thiệu Chúa cho những người khác, qua chính cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.

Sứ điệp của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa.

Trong bài đọc một, tiên tri Isaia cũng phác vẽ hình ảnh Đấng Messia, như một người tôi tớ của Giavê. Người tôi tớ đó đã được Đức Chúa đặt làm ‘Ánh sáng muôn dân’ để đem ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Cũng vậy, khi Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ngài cũng gợi nhắc về hình ảnh con chiên bị sát tế rất hiền lành và khiêm tốn, một con chiên bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở miệng. Chúa Giêsu cũng đã từng mời gọi các học trò: “Các con hãy học với Ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đây là bài học căn bản nơi Đức Giêsu, con chiên bị sát tế trên Thập giá, mà chúng ta phải học hỏi, phải học mãi, và học cho đến suốt đời.”

Đức Cha Roncali, khi còn làm Sứ thần Tòa thánh ở Bungari đã nhận được một bức thư mà một linh mục nọ đã viết để bêu xấu Ngài. Vị linh mục chỉ trích Ngài một cách thậm tệ, nhưng Đức Cha không hề buồn giận chút nào. Ngài vẫn cầu nguyện cho người anh em linh mục đó. Hai mươi năm sau, Ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng với tước hiệu Gioan 23. Trong một lần về Rôma để yết kiến Đức Thánh Cha, vị linh mục kia cũng ghi danh vào trong phái đoàn để gặp gỡ vị chủ chăn đáng kính. Vị linh mục này hy vọng rằng thời gian đã lâu, vả lại với bao công việc bề bộn, có lẽ Đức Thánh Cha chẳng còn nhớđến bức thư năm xưa. Nhưng khi vào triều yết, vị linh mục này rất ngạc nhiên khi được Đức Thánh Cha chào đón niềm nở và hỏi thăm công việc mục vụ của Ngài rất chân tình. Sau đó vị chủ chăn tiến đến bàn làm việc lấy ra cuốn sách nguyện, trong đó có kẹp lá thư mà vị linh mục kia đã gửi cho Ngài trước đây. Đức Thánh Cha nói: “Con yên tâm, Cha cảm ơn con nhiều lắm. Cha vẫn giữ món quà quý giá này và để nó trong sách nguyện của Cha. Cha vẫn thường đọc lại bức thư đó để xét mình hằng ngày”. Sau đó, Đức Thánh Cha ôm hôn vị linh mục một cách thắm thiết”. Đây là hình ảnh rõ nét về một vị mục tử chân chính, luôn diễn bày sự khiêm tốn và hiền lành đối với hết mọi người, nhất là đối với các anh em linh mục.

Kết luận

Trên nóc nhà thờ Werden ở một ngôi làng nhỏ bên Đức, thay vì đặt một cây Thánh gía, người ta cho đúc tượng một con chiên. Truyền thuyết kể lại rằng khi xây dựng nhà thờ, một anh công nhân từ trên tháp chuông đã bị rơi xuống đất, ở dưới có mấy con chiên đang gặm cỏ. Người công nhân rơi trúng một con chiên ở dưới. Con chiên đã chết, còn anh công nhân vẫn không hề hấn gì. Truyền thuyết đó gợi nhắc về Đức Giêsu, là Con Chiên vượt qua, Đấng đã chết để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta giặt chiếc áo linh hồn mình trắng tinh trong máu Con Chiên vô tội và được tham phần vào bàn tiệc Nước Trời. Đây là món quà lớn nhất mà Thiên Chúa ban trao. Chúng ta hãy tham đự Thánh lễ với cảm thức đức tin sâu xa này, để đến lượt mình, chúng ta cũng biết quảng diễn tình yêu cứu thế của Chúa Giêsu cho mọi người.

Lm. GB. Trần Văn Hào