Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên, Năm A

Mt 4: 12-17

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu hai việc làm quan trọng của Ðức Giêsu, đó là: rao giảng về Nước Thiên Chúa (cc.12-17) và kết nạp những môn đệ đầu tiên (cc.18-22).

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Rao giảng về Nước Thiên Chúa. – Tin Mừng Matthêu cho thấy Ðức Giêsu được công khai giới thiệu là Con Thiên Chúa về cuối trình thuật Người chịu phép rửa (3,13-17). Kế đến, Người đã tỏ ra hoàn toàn gắn bó với ý của Thiên Chúa qua các cơn cám dỗ nơi sa mạc (4,1-11). Chính qua thử thách Ðức Giêsu tỏ rõ Người mật thiết với Thiên Chúa như thế nào trong tư cách là Con Thiên Chúa.

Từ Giuđê, Ðức Giêsu xuống Galilê để thi hành thừa tác vụ của mình cách công khai (4,12-17). Sự kiện ông Gioan Tẩy Giả bị tiểu vương Hêrôđê bắt bỏ tù chưa phải là lý do chính yếu để Ðức Giêsu thi hành sứ vụ tại Galilê thay vì tại Giuđê. Lý do chính yếu là ý của Thiên Chúa, như được loan báo trong sách ngôn sứ Isaia 9,1-2.

Cốt lõi của lời Ðức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa được tóm gọn trong câu 17: “Anh em hãy sám hối vì Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Gioan Tẩy giả đã từng rao giảng nguyên văn cũng lời đó (3,2).

Sám hối (metanoia trong Hy ngữ) là thay đổi não trạng. Không chỉ dứt bỏ hành động tội lỗi nhưng dứt bỏ tâm trạng hướng ta tới hành động đó. Cần thống hối để trở về đường thiện, tức là trở lại (epistrephein trong Hy ngữ).

Nhưng tại sao cần phải sám hối? Lý do vì Nước Thiên Chúa đã đến gần. Nước Thiên Chúa chỉ về quyền lực và cuộc phán xét do Ngài, cũng như chỉ về quyền thống trị của Ngài trên mọi thọ tạo. Ta sẽ thấy cuộc chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa được khai trương nơi tác vụ của Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Chính Thầy đã chọn anh em để anh em đi và mang lại nhiều hoa trái

Kết nạp những môn đệ đầu tiên. – Trình thuật của Matthêu về cuộc kết nạp này cũng giống như trong Mc 1,16-20. Theo kế hoach tổng quát, Matthêu giới thiệu ba môn đệ trở thành bộ ba thân cận nhất trong nhóm Mười Hai, đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Bộ ba này sẽ có mặt khi Ðức Giêsu cho một người đã chết sống lại (Mc 5,37), khi Người biến hình trên núi (Mt 17,1) và khi Người cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni (Mt 26,37).

Các môn đệ sẽ là những người đến gần Ðức Giêsu khi Người giảng bài giảng trên núi, bài giảng này được kể như hiến chương về Nước Thiên Chúa (Mt 5,1). Chính từ những người được gọi là môn đệ, Ðức Giêsu sẽ thiết lập nhóm Mười Hai (Mt 10,1-4). Và nhóm Mười Hai này sẽ là nhóm được giao sứ mạng đi đến với muôn dân và làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ðức Giêsu (Mt 28,19).

Giữa nhóm Mười Hai, nổi bật nhất là ông Simon, được Ðức Giêsu gọi bằng danh xưng mới là Phêrô. Khi ông Simon tuyên xưng Ðức Giêsu là “Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Ðức Giêsu liền nói với Simon: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,16-18).

Vậy mọi Kitô hữu đều phải trở nên môn đệ của Ðức Giêsu, môn đệ theo nghĩa họ phải tuân giữ mọi điều Ðức Giêsu đã dạy. Những điều ấy nhóm Mười Hai có nhiệm vụ truyền lại cho muôn dân (Mt 28,20). Chính nhờ gương sáng của các tông đồ, là các môn đệ đầu tiên, người Kitô hữu nhận ra mình được mời gọi để tiến triển như thế nào trong ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu.

Cựu Ước hầu như không có ý niệm về người môn đệ theo cái nhìn của Chúa Giêsu. Trước thời lưu đày Babylon (597-538 B.C), dân Ít-ra-en còn có một số ngôn sứ với đồ đệ tháp tùng, như ngôn sứ Êlia có Êlisêu là môn đệ. Sau thời lưu đày, tại Ít-ra-en, người ta thấy xuất hiện các thầy Rápbi thay thế các ngôn sứ. Các thầy này dạy người ta các luật phải giữ trong Do thái giáo dựa theo các truyền thống khác nhau. Các thầy rápbi không chọn học trò để truyền kiến thức; chính các học trò chọn đến với thầy rápbi nào họ muốn.

Chính Thầy đã chọn anh em (Ga 15,16). – Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chính Ðức Giêsu đã chọn các moan đệ đầu tiên (cc.19.21). Sau này, Người còn gọi ông Lêvi (Mt 9,9). Người cũng gọi ông Philipphê (Ga 1,43). Tóm lại, “Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Trong Tin Mừng Gioan, điều đó được Ðức Giêsu khẳng định rất rõ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15,16).

Với xã hội Do thái, chọn học với một thầy rápbi là xây dựng cho mình một nghề, nghề đó bảo đảm cho học viên chỗ đứng đáng ước ao trong xã hội. Với Ðức Giêsu, điều hứa hẹn khác hẳn. Trở nên môn đệ của Ðức Giêsu là để ở lại với Người để chia sẻ cuộc sống và sứ mạng của Người. Cốt lõi của ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu là cuộc dấn thân vào sự sống và vào sứ mạng của Người.

Bước theo Ðức Giêsu là bước trên đường Thập Giá đưa tới vinh quang

Ðó chính là điều Chúa Giêsu phục sinh nói với hai môn đệ đi Emmau: “Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (Lc 24,26). Ai đến học với một thày rápbi đạo Do thái, không bao giờ chấp nhận điều kiện như vậy. Người đó không buộc phải từ bỏ điều gì thuộc về nghề nghiệp và chỗ đứng của mình trong xã hội.

Ngược lại, người môn đệ Ðức Giêsu phải nhận lấy cái nhìn của Ðức Giêsu làm cái nhìn của mình về mọi sự. Lý do vì Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa đến thiết lập Nước của Ngài trên mọi thọ tạo. Toàn thể tạo thành phải được điều khiển theo ý Ngài và ý đó chính Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, biết rất rõ: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.” (Mt 11,27).

Ðức Kitô mạc khải cho các môn đệ ý của Thiên Chúa không qua một bài báo hoặc một cuốn sách. Tất cả các sách Tân Ước sau này mới được viết ra. Ðó là khi trọn ý của Thiên Chúa đã được chu toàn qua lời nói và việc làm của Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Linh soi sáng, các môn đệ là những người được gọi để ở lại với Ðức Giêsu từ khi Người công khai rao giảng về Nước Thiên Chúa cho tới khi Người tắt thở và được phục sinh, khi ấy mới rõ ý Thiên Chúa đã trở nên sống động nơi cuộc đời của Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Nền giáo dục mà các môn đệ của Ðức Giêsu được hấp thụ là một nền giáo dục thiết thân với sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Ðức Giêsu. Các ông được khuyến cáo đảm nhận lấy nền giáo dục đó: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng nhân hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-29).

Luật Cựu Ước xưa trở nên ách nặng nề cho dân Thiên Chúa. Nay Ðức Giêsu là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa, đến làm cho mọi sự trở nên nhẹ nhàng nhờ sức mạnh của yêu thương. Chính Ngài hy sinh để muôn dân được hạnh phúc. Ngài mời gọi họ trở nên môn đệ Ngài và đi trên cũng một con đường yêu thương chính Ngài lãnh đạo.

Một số câu hỏi gợi ý

  1. Bạn hiểu thế nào về sám hối khi nói: Sám hối đòi ta không chỉ dứt bỏ hành động tội lỗi mà còn phải dứt bỏ não trạng hướng ta tới những hành động đó?
  2. Bạn hiểu thế nào khi nói: Bước theo Ðức Giêsu là bước trên đường thập giá đưa tới vinh quang?

Radio Veritas Asia