28042011chungChúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:19-31)

          Đức tin vào Chúa Phục sinh không chỉ là đức tin cá nhân, như người môn đệ bạn ông Phê-rô đã bày tỏ:  “Ông đã thấy và đã tin” (Gio-an 20:8), nhưng còn là đức tin cộng đoàn như câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại.  Câu chuyện ông Tô-ma nói lên một khía cạnh của đức tin là “phúc thay những người không thấy mà tin”.  Tuy nhiên cũng trong câu chuyện này, sự vắng mặt của ông Tô-ma chiều ngày thứ nhất trong tuần và sự có mặt của ông tám ngày sau trong cả hai lần Chúa hiện ra lại giúp chúng ta nhìn đức tin theo chiều kích mới, là liên hệ giữa đức tin cá nhân với cộng đoàn.

          Trước hết trong lần hiện ra ngày thứ nhất trong tuần, hình ảnh Chúa Giê-su “đứng giữa” các môn đệ, chúc bình an và ban Thánh Thần cho họ diễn tả một cộng đoàn đức tin, trong đó có Chúa Phục sinh là tâm điểm, với sức sống và quyền bính là Chúa Thánh Thần.  Cộng đoàn đức tin ấy có sứ mệnh hòa giải thế gian với Thiên Chúa (tha tội và cầm giữ) để tiếp nối công trình cứu độ của Thiên Chúa.  Nhưng cộng đoàn đức tin ấy lại thiếu vắng Tô-ma, một người muốn chủ trương một đức tin duy thực nghiệm.  Trả lời cho các anh em môn đệ muốn chia sẻ đức tin với ông, ông Tô-ma nói: “Nếu tôi không thấy…, nếu tôi không xỏ ngón tay… và nếu tôi không đặt bàn tay, thì tôi không tin”.  Nói khác đi, theo Tô-ma, đức tin phải chủ động và phát sinh từ người tin chứ không phải từ Đấng được tin.  Ông chưa hiểu được rằng đức tin đích thực xuất phát từ tình yêu, uy tín và quyền năng của Thiên Chúa và mời gọi con người đáp lại tình yêu và những phẩm chất ấy của Thiên Chúa.  Tô-ma biểu tượng cho những phần tử không sống trong sự liên kết với cộng đoàn đức tin.  Hậu quả của việc thiếu liên kết này là “cứng lòng” hoặc “nghi ngờ”.

          Nhưng Chúa Phục sinh không chịu “chào thua” sự cứng lòng của Tô-ma đâu!  Tám ngày sau, Người trở lại.  Chúng ta có cảm tưởng như lần hiện ra này là vì Tô-ma và dành riêng cho Tô-ma thôi!  Ngay sau lời chào hỏi chúc bình an tất cả, Chúa Giê-su đến với Tô-ma.  Người không lập tức trách mắng Tô-ma, nhưng Người muốn chữa lành ông bằng lời mời gọi:  “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy.  Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.  Thật là một lời mời gọi tha thiết.  Chúa bảo Tô-ma đặt tay vào cạnh sườn Người để ông có thể “cảm nghiệm” được cả Tình yêu của Người.  Đây là trái tim Thiên Chúa yêu nhân loại đến đổ ra giọt máu cuối cùng!  Đức tin không loại bỏ những căn bản dựa trên giác quan hoặc dừng lại ở đó, nhưng đức tin đưa chúng ta sang một lãnh vực mới, đó là lãnh vực của tình yêu.

          Trong vấn đề đức tin, cá nhân có thể “cứng lòng” hoặc “nghi ngờ”, nhưng cộng đoàn thì không.  Họ là những người được mời gọi “để tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”.  Ở trong cộng đoàn ấy, Chúa Ki-tô luôn luôn “đứng giữa” chúng ta, mời gọi chúng ta như đã mời gọi Tô-ma, để đức tin của chúng ta cũng được vững mạnh mà tuyên xưng:  “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Có nhiều người chủ trương đạo tại tâm, hoặc tin Chúa là vấn đề cá nhân, không cần thiết phải dự vào cộng đoàn.  Có thể đức tin ấy có khuynh hướng lý thuyết hoặc sách vở.  Trái lại, đức tin cộng đoàn biểu lộ rõ rệt qua những thực hành đức tin, nhất là những sinh hoạt phụng vụ.  Hình ảnh sống đức tin cộng đoàn ấy đã được sách Công Vụ Tông Đồ mô tả trong bài đọc thứ nhất hôm nay:  các Ki-tô hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng, hiệp thông, tham sự Thánh lễ, cầu nguyện, chia sẻ cho nhau của cải vật chất họ có… Quả thực là một đức tin sống động!

          Chúng ta cho rằng lý tưởng ấy ngày nay không thể thực hiện được hay sao?  Câu trả lời chắc chắn là có thể thực hiện được.  Nhưng điều có thể ấy lại hoàn toàn tùy thuộc mỗi Ki-tô hữu chúng ta.  Không nhất thiết lý tưởng ấy phải thực hiện được ngay hôm nay và trên toàn thế giới, nhưng ít ra nó phải được khởi đầu lúc này và ở gia đình chúng ta!      

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi