25052011tailieuChúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm A

Cv 8:5-8, 14-17; 1Pr 3:15-18;Ga 14:15-21

1. Lời hứa sẽ hiện diện giữa các môn đệ.

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật trước kết thúc với lời loan báo rằng sứ mệnh của Đức Giêsu sẽ sinh hoa kết quả trong thời gian và không gian qua việc làm của các tín hữu “Ai tin vào Thầy sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa vì Thầy đến cùng Chúa Cha”.

- Trước tiên, câu 16 và 17 là lời hứa ban Chúa Thánh Thần: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật”

Thánh Thần được Chúa Cha ban xuống nhờ sự can thiệp của Chúa Con. Nhiệm vụ của Ngài là: “ở với anh em luôn mãi”. Đây cũng chính là ý nghĩa của tên Ngài. Vì thế, đây là một sự hiện diện thường xuyên, “luôn mãi”, sự hiện diện như bóng với hình bên người tín hữu và ở với họ “với anh em; bên cạnh anh em; trong anh em”.

- Ngài được gọi là Đấng Bảo Trợ. Ngài sẽ là trạng sư của các môn đệ Chúa và là đấng bào chữa cho họ. Ngài sẽ phụ lực và giúp đỡ họ trong vụ kiện sống còn mà “thế gian” theo đuổi để chống lại Đức Giêsu và các môn đệ Ngài.

- Ngài được gọi là Thần Khí sự thật: Ngài sẽ đào sâu đức tin cho họ, làm cho họ hiểu biết “tận đáy lòng” cuộc sống Đức Giêsu và sứ điệp của Ngài (xem Ga 14,25;16,12-15) Ngài sẽ soi rọi những hoàn cảnh mới và bất ngờ mà các môn đệ sẽ phải đương đầu.

- Tiếp theo sau, các câu 18-20 là lời hứa ban một kiểu Hiện Diện khác của Đức Giêsu: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy, Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy vì Thầy sống và anh em cũng sẽ đuợc sống.”

Lời hứa về sự hiện diện hoàn toàn mới mẻ này sẽ trở thành hiện thực vào chính ngày lễ Phục sinh: các môn đệ sẽ thấy Đấng Phục Sinh (Ga 20, 20-25) nhưng những cuộc hiện ra trong dịp phục sinh không phải là kết thúc. Chúng mở màn cho một Sự Hiện Diện kéo dài, một sự Hiện Diện dành riêng cho con mắt đức tin. Cuộc “đăng trình” của Đức Giêsu khơi nguồn một kỷ nguyên mới “khởi đầu với vinh quang phục sinh của Chúa và kéo dài trong thời gian với Giáo Hội. trong suốt cuộc sống chúng ta, Chúa đến, chúng ta nhìn thấy Người. Đây không còn phải là thị kiến của các môn đệ trước Đấng Phục Sinh nữa mà là một thị kiến của niềm tin giúp ta ý thức về sự hiện diện và hiệp thông đời sống” (Assemblées du Seigneur số 27, p.42)

2. Cuộc sống vĩnh hằng đã khởi đầu.

Trong thời đại của Giáo Hội, Đức Giêsu hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tiếp sau sự hiện diện lịch sử của Ngài là một kiểu hiện diện mới mang lại cho chúng ta một nếp sống mới, hợp nhất với Đức Giêsu và Chúa Cha dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Như vậy, với các môn đệ, đời sống vĩnh cửu đã bắt đầu. cuộc sống họ “ngay trên trần gian này đã tương đương với cuộc sống của Đấng Phục Sinh, đã thông phần với cuộc sống của chính Thiên Chúa, với cuộc sống của Chúa Ba Ngôi. cuộc sống họ là một sự hiệp thông, trong tình yêu, với từng ngôi Thiên Chúa đang ở trong họ.” (M.E.Boismard và A. Lamouille, “Tin Mừng thánh Gioan” Cerf, p.360) “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy, Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống, Đức Giêsu hứa như vậy. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em.”

BÀI ĐỌC THÊM:

1. Một cuộc sống mới: (G. Bessière, trong “Thiên Chúa thật gần”)

Rõ ràng, điều quan trọng ở đây là có được mối tương liên cá biệt với Đức Giêsu hay đúng hơn, được “yêu mến Ngài”. Các Phúc Âm Mátthêu, Marcô, Luca mời gọi ta tiến vào nước Trời. Phúc âm Gioan, xuất hiện trễ hơn, không đề cập đến nước Trời ấy nữa mà tập trung vào Đức Giêsu và qui kết về Ngài.

Hình ảnh cây nho và cành nho biểu hiện rõ rệt về điều đó: mỗi môn đệ đều kết hợp trực tiếp với Đức Kitô. Người ta đã có thể nói về “tính đồng đẳng” của thánh Gioan: theo Ngài, mọi người phải sống với Đức Giêsu bằng mối dây tình yêu. trong lòng cộng đoàn tín hữu, mỗi Kitô hữu trực tiếp trao đổi với Ngài.

Tình yêu này không hàm hồ. Nó không phải là một thúc đẩy cảm tính về một hình ảnh mơ hồ qua đó người ta có thể dự phóng những giấc mơ của mình. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của thầy.” Đây là một tình yêu với những việc làm cụ thể. toàn bộ phúc âm là một bằng chứng về cuộc sống mới đã khởi đầu nơi Đức Giêsu: Phải tái sinh, phải mở mắt, phải uống nước vọt lên từ nguồn suối, phải ăn bánh hằng sống, phải để Đức Giêsu rửa chân và chúng ta phải làm đầy tớ cho nhau. Một cuộc sống khác đã khai mở, cuộc sống của chính Thiên Chúa, đúc kết nơi Đức Giêsu.

Tin mừng của thánh Gioan diễn ra trong bầu khí căng thẳng. Sự cắt đứt với với do thái giáo đã chín mùi, và sự đối đầu thật gay go. Tác giả tin mừng thứ tư hết sức cứng rắn với người do thái. Ngài nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống. Từ nay, ngoài Ngài ra, không còn con đường nào khác. Các môn đệ sẽ không ngừng đón nhận sự tự do của Ngài và cùng khám phá với Ngài cuộc sống yêu thương.

Nhưng làm sao có thể sống thân thương được với một người mà kỉ niệm đã xa mờ trong quá vãng? Khi Tin Mừng thánh Gioan được soạn thảo xong, thế hệ những chứng nhân bằng xương bằng thịt đã qua đời. chỉ còn lại những bản văn, những lời chứng, những mẩu chuyện và những lời nói uyên thâm cho phép ta không ngừng gặp gỡ Đấng vĩnh hằng. Song còn hơn thế nữa: còn có một Đấng luôn ở cạnh bên, như một trạng sư hay một Đấng Bảo Trợ, đó là Thần Khí sự thật.

Nhờ Ngài. công việc của Đức Giêsu sẽ luôn hiện thực trước những hoàn cảnh mới. Thánh Thần sẽ không lập lại những lời nói cũ mòn nhưng Ngài cách tân chúng theo dòng đời luôn luôn đổi mới.

Chính trong Ngài mà mối tương giao dấu ái với Đức Giêsu sẽ không ngừng nối kết những con người qua các thế kỷ; nó hệt như một ngọn lửa luôn chiếu sáng và sưởi ấm cõi lòng.

2. Một Đấng Bảo trợ khác

Đấng Bảo Trợ, là từ Hi Lạp, thoạt đầu, theo nghĩa luật pháp, tức là trạng sư, người trợ lí, người bảo vệ. Về sau, từ này được dùng theo nghĩa rộng để chỉ người an ủi và người can thiệp giúp. Có điều lạ là từ này được áp dụng cho Đức Giêsu (trong thư thứ nhất của thánh Ga 2,1): “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” còn hầu hết thì chỉ Chúa Thánh Thần. Vì thế, nếu gán cho Chúa Thánh Thần mọi phẩm tính trên, ta sẽ thấy, nếu chỉ có một mình, người ta sẽ khó sống trung thành với Đức Kitô tới mức nào.

Nhưng đây cũng chính là sứ điệp của Đức Giêsu: các con sẽ không mồ côi, một mình. Đức Kitô vô hình nhường chỗ cho Đấng Bảo Trợ các tín hữu, mang đến cho họ những kháng độc tố cần thiết cho cuộc sống công chính theo Tin Mừng giữa muôn vàn thử thách. Tốt đẹp biết bao khi tin rằng- từ khi Đức Giêsu ra đi trong ngày Ngài lên trời- tất cả những gì được Đức Kitô thực hiện trên trần gian này một cách hữu hình đều do những người nam và người nữ đã mạo hiểm với niềm tin dũng cảm, đôi khi phải trả giá bằng chính cái chết của mình.

Chính vì họ không đơn độc. Vị đạo diễn vĩ đại, hợp nhất toàn cả vũ trụ, hợp nhất Giáo Hội chính là Đấng Bảo Trợ vô hình, Người ân ban sức mạnh tràn trề cho những người yếu đuối nhất và lòng can đảm cho những kẻ nhát đảm nhất. Niềm ủi an của Chúa Thánh Thần sẽ như ngọn lửa lan truyền giữa các tín hữu từ đời này cho tới đời kia.

- Fiches Dominicales