ThuongNien14Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A

Mt 11, 25-30

Trong bài giảng trên núi Chúa Giêsu đã nói : “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Khi nói Chúa hiền lành, chúng ta liên tưởng đến hình ảnh Con Chiên bị đem đi xén lông, đem đi giết mà không kêu tiếng nào, thánh sử Mát-thêu đã nhắc lại lời ngôn sứ I-sa-i-a rằng : “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,1-3 ; Mt 12,19-20).

Hiền lành và khiêm nhường là đức tính quan trọng của con người.Thường thì ai cũng thích người đơn sơ, hiền lành và từ tốn, hơn là một người cao ngạo, tự tôn, cái gì cũng cho mình hơn người, cái gì cũng cho là mình biết, mình giỏi khinh khi người khác. Người kiêu căng không biết chấp nhận giới hạn của mình, không biết nhận ra nhược điểm của mình , trái lại luôn lên mặt dậy đời, luôn muốn răn đe người khác. Tự cao, tự đại cũng là nguyên nhân làm cho con người không nhận ra ơn Chúa : "Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường" ( Lc 1, 51-52 ).

Để có một đức hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu, cần phải chiêm ngưỡng Chúa Giêsu toàn diện, nghĩa là cả con người, cả cuộc đời của Chúa đã được trình bày trong Tin Mừng.  Chúa xuống trần gian để mang tình yêu Thiên Chúa lại cho loài người, và làm cho loài người biết thương yêu nhau. Để thực hiện điều đó Chúa đã dạy loài người hãy học với Người để biết sống hiền lành và khiêm nhường.

Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên trong cảnh khó khăn nghèo hèn. Ngài đã đến như một kẻ nghèo, sống giữa người nghèo, thâu nạp các môn đệ đầu tiên cũng đủ mọi thành phần xã hội, đặc biệt những người trong lớp lao động nghèo nàn. Chúa và các môn đệ của Ngài loan truyền Tin Mừng cho những người nghèo khó, cho lớp người thấp kém trong xã hội, những người bơ vơ vất vưởng. Nuớc trời, Chúa Giêsu rao giảng, loan báo mở ra cho những người nghèo : nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần nghĩa là những kẻ khiếm khuyết, tội lỗi, cần nhận ơn tha thứ. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã yêu thương các trẻ nhỏ vì các em có tâm hồn đơn sơ, hiền từ.

Chỉ với trái tim yêu thương, con người mới nên đơn sơ, hiền từ và khiêm nhường. Thánh Phaolô đã nói : "Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi…". Quả thực, con người chỉ có thể hiểu được mầu nhiệm Nước Trời khi họ không cậy dựa vào sự thông thái, khôn ngoan của loài người mà phải có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng và phải qua Chúa Giêsu, con người mới có thể đi vào sự thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa và được cứu độ : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng là mạc khải cho những kẻ bé mọn" (Mt 11, 25).

Ngày nay, dầu muốn hay không, con người vẫn cảm thấy mình bị giằng co, lôi kéo giữa hai sức mạnh là xác thịt và thần trí. Một đàng là sức mạnh và tiếng nói của sự dữ, nhưng tôi vẫn làm. Đàng khác là tiếng gọi của Thần Khí : tôi biết nhưng nhiều khi tôi không nghe theo. Vậy, nếu chúng ta sống theo xác thịt thì chúng ta sẽ chết. Nếu nhờ Thần Trí mà chúng ta diệt được hành động xác thịt thì chúng ta sẽ được sống. Đó là hai sức mạnh tương phản của con người.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Chúa kêu mời chúng con hãy học cùng Chúa, vì Chúa hiền lành và khiêm nhường. Chúa đã hạ mình xuống, sống thân phận người nghèo nàn, khiêm nhường và kêu gọi chúng con bắt chước. Chính thánh Phaolô đã thốt ra những lời thống thiết : “Người đã hủy mình đi, lãnh lấy thân phận tôi đòi… đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá” (Pl 2,7-8)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa đã ưu đãi kẻ bé mọn thấp hèn. Xin làm cho trái tim chúng con đừng bao giờ kiêu ngạo, nhưng vui vẻ sống đơn sơ, xin mở tâm hồn chúng con biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở, với tâm hồn khiêm tốn và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn. Xin Chúa cho chúng con biết sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Amen./.

Giuse Lê Xuân Hiệp, OP