ThuongNien18Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm A

Mt 14,13-21

Trong ba năm giảng dạy của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng kể lại hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Phép lạ kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay là lần thứ nhất, xảy ra vào tháng Tư, gần lễ Vượt Qua của năm 29, tức là vào năm thứ hai giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúa muốn nói gì với chúng ta khi làm phép lạ này ?

Điều thứ nhất, Chúa muốn nói với chúng ta về lòng thương xót. Xưa kia trong sa mạc, trên đường về Đất Hứa, dân Do Thái đã kêu xin Chúa ban lương thực cho họ. Trước những lời kêu xin đó Thiên Chúa đã không làm ngơ và đã ban man-na cho họ. Cũng vậy, Chúa Giêsu đã không làm ngơ trước cảnh dân chúng đi theo Ngài để nghe Ngài giảng dạy ở một nơi đồng không mông quạnh mà không có gì ăn, Ngài đã hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no, Ngài đã thương xót họ. Trong bối cảnh của phép lạ này, chúng ta thấy có hai thứ thương xót, Các môn đệ thấy trời đã về chiều và người ta mệt mỏi rồi, các ông tội nghiệp họ và đã thưa với Chúa : “Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua thức ăn”. Đó là thứ thương xót thứ nhất, thứ thương xót nhập đề. Lòng thương xót nầy cần thiết vì là khởi điểm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ. Vì thế, Chúa muốn các môn đệ bước qua thứ thương xót khởi điểm đó, đem thứ thương xót nhập đề vào thứ thương xót thứ hai, thứ thương xót nhập cuộc : “Các con hãy lo cho họ ăn”.

Quả thực, có tấm lòng thương xót người khác là một điều tốt rồi, nhưng chưa đủ. Có những lời nói xót thương người khác cũng là một điều tốt rồi, nhưng chưa đủ, mà cần phải có việc làm cụ thể, phải có hành động xót thương thực sự nữa, Chúa Giêsu đã thể hiện như thế và Ngài dạy chúng ta hãy sống như thế. Chúng ta hãy nghĩ xem : trước những nỗi đau của người khác, trước những túng thiếu của người anh em, chúng ta thường có những thái độ nào ? Thái độ ngoảnh mặt làm ngơ, bưng tai giả điếc là thái độ không thể nào chấp nhận được, mà trong thực tế có nhiều người trong chúng ta đã có thái độ đó. Rồi có lòng trắc ẩn hay những lời nói an ủi, khích lệ, thông cảm là thái độ tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là biết chia sẻ, biết san sẻ, giúp đỡ. Chúa không đòi chúng ta những việc làm to lớn, nhưng đòi chúng ta phải biết san sẻ, phải biết cho những gì nằm trong tầm tay, nằm trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện. Chúng ta hãy nhớ : điều quan trọng không phải là cho ít hay cho nhiều nhưng là ở chỗ biết ý thức người khác cũng là con Thiên Chúa, cũng là anh chị em của chúng ta.

Trong ý hướng đó, chúng ta hãy suy nghĩ những lời phát biểu trước quốc hội của ông Găng-đi, vị anh hùng đã áp dụng phương pháp bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của Anh Quốc. Ông Găng-đi đã nói : “Theo quan niệm của tôi thì về một ý nghĩa nào đó, chúng ta là những người ăn cắp. Bởi lẽ nếu tôi có một vật nào đó mà tôi không cần ngay bây giờ nhưng tôi vẫn giữ nó, thì đó là tôi ăn cắp vật đó từ một người khác đang cần đến nó. Tại Ấn Độ hiện nay, chúng ta có 3 triệu người mỗi ngày chỉ ăn một bữa và thức ăn của họ chỉ là một miếng bánh và một nhúm muối. Trước thực tại này, quý vị và tôi không có quyền sở hữu một vật gì mà chúng ta không trực tiếp cần đến, cho đến khi 3 triệu người này được ăn no, mặc ấm”. Những lời phát biểu đó cũng là những gợi ý giúp chúng ta hiểu và sống lời Chúa hôm nay.

Điều thứ hai, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua phép lạ hóa bánh này là sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa. Với quyền năng vô biên, Chúa chỉ cần phán một lời là có dư thừa bánh cho mọi người ăn, nhưng Chúa muốn các môn đệ cộng tác với Ngài khi Ngài bảo các ông : “Các con hãy lo cho họ ăn”. Khi các môn đệ tìm được 5 chiếc bánh và 2 con cá rồi Chúa mới làm phép lạ. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết : cần có sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta, nghĩa là bên cạnh tình thương và ơn phúc của Chúa, cần có sự cộng tác của chúng ta để xây dựng cuộc đời mình.

Dĩ nhiên với quyền năng vô biên, Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có, kể cả sự dốt nát, hèn kém, vô dụng của chúng ta. Chúng ta đừng chỉ trông mong Chúa làm phép lạ, dĩ nhiên Chúa có thể làm, nhưng Chúa muốn chúng ta đóng góp bằng thiện chí, bằng cố gắng, bằng kiên nhẫn, bằng hy sinh. Đừng kể trong đời thường mà thôi nhưng cả trong ơn cứu chuộc nữa, như thánh Âu-Tinh đã nói : “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta”.

Câu chuyện sau đây minh họa cho điều đó : Một nhà văn Ki-tô giáo đã dựng một vở kịch diễn tả vụ hành quyết một tên trọng phạm tại một thị trấn nhỏ thời Trung cổ. Theo phép nước, chỉ có một lối thoát chết cho tử tội là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp tặng hết số vàng 700 đồng mang theo trong một chuyến tuần du qua đây, hoàng hậu theo gương có 200 đồng cũng giúp hết, các cận thần đi theo cũng dốc túi. Người ta đếm được 999 đồng, còn thiếu một đồng. Công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành pháp lệnh. Toán hành quyết tròng giây thừng vào cổ tên tử tội thiếu may mắn. Khi sắp sửa rút giây thì có một tiếng kêu lớn : “Khoan đã, lục soát người nó đi. biết đâu đấy”, tên đao phủ lần mò khắp người tội nhân và móc ra được một đồng hắn giấu trong lưng quần từ hồi nào mà hắn cũng không nhớ nữa. Thế là đủ 1000 đồng, tên tử tội được thoát chết. Có lẽ chúng ta đều hiểu câu chuyện này phải không ? Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, Mẹ Maria đã trợ giúp chúng ta, các thánh cũng trợ giúp chúng ta, và chính chúng ta cũng phải góp phần.

Tóm lại, dù chúng ta là ai, dù chúng ta hèn kém thế nào, chúng ta hãy cố gắng với hết khả năng của mình, Chúa sẽ trợ giúp chúng ta.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP