24082011tailieu_copyChúa Nhật 22 Thường Niên, Năm A

Mt 16,21-27

Từ viên đá góc trở thành viên đá gây vấp phạm

Trong trình thuật về cuộc tuyên xưng tại thành Xê-da-rê, nhân vật chính không phải là Ðức Giêsu và các mầu nhiệm của Người, nhưng là Phêrô, vị tông đổ kiểu mẫu. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng cho người đọc một cảm nghĩ tương tự. Trong trình thuật trước, người ta đã thấy ông Phêrô bước đi trên sóng nước và sợ hãi. Trong trình thuật sau, người ta lại ngạc nhiên vì đức tin của ông cũng như sự yếu kém lòng tin của ông.

"Từ lúc đó...". Thánh Mát-thêu đã sử dụng thành ngữ này để đưa người đọc bước vào cuộc đời công khai của Ðức Giêsu. Giờ đây, một trang mới được mở ra. Ðức Giêsu bắt đầu rời bỏ miền Ga-li-lê. Ðây là sự thay đổi về nơi chốn, đổng thời cũng là sự thay đổi về bầu khí, bởi vì Giê-ru-sa-lem là nơi diễn ra những mâu thuẫn.

Giê-ru-sa-lem vẫn là thành phố có tính quan trọng của Thánh Kinh. Chính thành phố này là nơi diễn ra hầu hết mọi biến cố quan trọng trong lịch sử Dân Thiên Chúa. Cho đến lúc này tính cách đó vẫn còn. Ðức Giêsu biết điều đó, và Người "phải đi Giê-ru-sa-lem", bởi vì chính từ đây, ánh sáng của Ðức Giêsu dọi chiếu trên trần gian bắt đầu được lan toả.

Nhưng Ðức Giêsu cũng rất sáng suốt. Người hiểu rằng sứ điệp của Người sẽ làm đảo lộn thế giới : mọi khát vọng cơ bản của con người đều bị đặt thành vấn đề. Ðức Giêsu không lên thành thánh để mưu tìm cuộc tấn phong đầy vinh quang ; trái lại, Người lên đó, để rổi qua những cuộc đối thoại, những vấn đề thực sự của con người được xem xét lại và được sáng tỏ. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là một cuộc thử thách. Mà cuộc thử thách trước tiên là với các môn đệ.

Ðức Giêsu vừa mới được "trưởng nhóm" Phêrô tuyên xưng là Ðấng Cứu Thế. Bây giờ Người lại tự nhận là Người Tôi Tớ Ðau khổ, Người sẽ trải qua cuộc Thương Khó và cái chết để chuộc lại đoàn dân. Dĩ nhiên là Ðức Giêsu cũng muốn đề cập đến việc Phục Sinh, nhưng các môn đệ không hiểu điều Người muốn nói. Và ngay tức khắc, do lòng nhiệt thành với Thầy, Phêrô đã muốn ngăn cản, muốn chống lại sự dữ dằn trong chương trình của Thiên Chúa. Cũng ngay tức khắc, người ta thấy Ðức Giêsu thay đổi cung giọng trong lời nói với Phêrô.

Trước đó mấy câu, Ðức Giêsu đã khen ngợi Phêrô : "Này anh Si-mon con ông Gio-na, anh thật là có phúc", còn bây giờ Người nghiêm giọng nói với ông : "Ðồ quỷ Xa-tan, xéo đi cho khuất mắt Thầy". Vừa mới đây, Phêrô là "Ðá" khá vững chắc để Ðức Giêsu thiết lập Hội Thánh, còn lúc này ông là "đá cản đường" tiến bước của Ðấng Cứu Thế. Trước đó ít lâu, "phàm nhân không tài nào mặc khải điều ấy được, nhưng chính là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời, đã mặc khải cho anh", giờ đây "tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".

Ðiều mâu thuẫn đã xảy ra, nhưng Ðức Giêsu đã bước qua. Còn với các môn đệ, đây quả là một thử thách.

Ðường của Thầy, đường của môn đệ

Ðau khổ. Xin Thiên Chúa thương đừng để xảy ra chuyện này. Chẳng ai muốn phải chịu đau khổ.

Chẳng có ai nghĩ đến chuyện người bạn đang sống với mình lại ra đi. Một người bạn thân tình và mọi chuyện đều diễn tiến tốt đẹp.

Nhưng Thiên Chúa lại như thế. Người hứa ban, Người thực hiện những điều kỳ diệu, đổng thời Người cũng báo trước cái chết, báo trước đau khổ.

Ðức Giêsu đã xuất hiện trên trần gian. Người không chỉ an ủi, nhưng còn thực hiện những phép lạ, còn cho thoáng thấy một vương quốc khác hẳn với thế giới này, một vương quốc chan hoà tự do, sự thật và lòng bao dung. Ðức Giêsu đã giúp đám đông dân chúng hiểu rõ niềm tin của cha ông họ, đã dạy họ cầu nguyện, đã hứa ban cho họ hạnh phúc vĩnh cửu, nhất là những người nghèo khó và khiêm nhường. Thế mà giờ đây, Người lại nói với họ về việc Người phải ra đi, phải chịu chết, một cái chết đầy xót xa, tủi nhục.

Tại sao thế ?

Chính vì để cứu độ con người mà Ðức Giêsu có mặt ở trần gian, và Ðức Giêsu phải trải qua thập giá để đem lại ơn cứu độ. Người không chỉ đón nhận thập giá cho riêng mình, nhưng còn buộc các môn đệ của Người cũng phải đón nhận thập giá, như dấu hiệu rõ rệt của người môn đệ. Người không muốn biến Kitô giáo thành một thứ tôn giáo thảnh thơi. Người không chỉ yêu cầu phải tình nguyện từ bỏ tất cả những gì làm cản trở việc trở nên giống như Người, nhưng còn buộc phải đón nhận đau khổ, tủi nhục và thập giá. Người môn đệ của Ðức Kitô không chỉ thi hành một loạt những hy sinh, nhưng còn phải nỗ lực nên giống như Thầy mình, bước theo Thầy là người Tôi Tớ Ðau khổ.

Tuy vậy, không một người môn đệ nào có thể được mời gọi bước theo con đường này nếu trước đó không có cảm nghiệm về bước đường của Thầy mình. Chính Người đã đi trước trên con đường thập giá, và đã đem lại ơn cứu độ. Giờ đây, chỉ có ai đón nhận thập giá mới có thể hiểu được Người cách thực sự.

"Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy." (Lc 9,24)

Ðức Giêsu đã tuyên bố như thế vì Người đã liều mạng sống mình vì tất cả nhân loại. Cả cuộc đời của Người là một cuộc đánh đổi, chứ không phải là sự mất mát : từ bỏ những điều nhỏ nhặt, để đổi lấy những niềm vui lớn lao. Và niềm vui lớn nhất là mọi người được cứu độ.

Như vậy, Ðức Giêsu không chỉ muốn các môn đệ của Người tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa, nhưng còn là Ðấng chịu đóng đinh. Ðây cũng là điều kiện để được sống đời đời : không phải chỉ là tuyên xưng suông, nhưng còn là vác lấy thập giá và bước theo Người.

Hôm qua cũng như hôm nay, thập giá vẫn là một thử thách khó vượt qua đối với cá nhân mỗi người cũng như đối với toàn thể Hội Thánh.

Tập suy nghĩ theo như Thiên Chúa muốn

Xưa kia, ngôn sứ I-sai-a đã từng cảm nghiệm và loan báo cho dân Ít-ra-en :

"Hãy tìm Ðức Chúa khi Người còn cho gặp.

Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,

người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có,

mà trở về với Ðức Chúa,

Người sẽ xót thương,

về với Thiên Chúa chúng ta,

Người sẽ rộng lòng tha thứ.

Thật vậy, tư tưởng của Ta

không phải là tư tưởng của các ngươi,

và đường lối các ngươi

không phải là đường lối của Ta.

- sấm ngôn của Ðức Chúa." (Is 6-8)

Sau này, thánh Phaolô diễn tả thêm : "Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt ; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí ..." (Rm 8,5)

Cần phải suy nghĩ theo Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta, giúp chúng ta có thể kêu lên "Cha ơi !" Chúng ta đã có Thần Khí, hãy cố gắng bước theo Người để rổi cũng biết được những gì đang chờ đợi chúng ta.

Ðây là một giáo huấn đơn giản và bền vững : những suy nghĩ phàm trần cho chúng ta thấy thế giới như là sở hữu của riêng mình, với những bức tường vây quanh, trong đó có cả hy vọng lẫn nghi ngờ và sợ hãi. Còn Thần Khí Thiên Chúa vượt lên trên những suy nghĩ này. Người thỗi vào chúng ta cơn gió thần linh - có khi êm dịu, có khi mãnh liệt - để nâng đỡ, thúc đẩy, đôi khi còn làm đảo lộn. Người giúp chúng ta nhận định và cai quản thế giới như Thiên Chúa muốn.

Như vậy, mỗi ngày chúng ta phải chết đi cho "con người cũ". Cần phải luôn suy nghĩ về điều này, không bao giờ được quên, mặc dù chúng ta vẫn đang sống. Bởi vì không thể nói là sống nếu như không trải qua cái chết mỗi ngày, và cũng không thể nào đạt tới hạnh phúc đích thực nếu không trải qua con đường thập giá, con đường Ðức Kitô đã đi.

* * *

Lạy Thiên Chúa,

xin cho tâm hổn con luôn trong sạch,

và ý hướng con luôn ngay thẳng.

Xin chân lý của Chúa

soi chiếu cuộc đời con

và thánh ý Chúa được thể hiện.

(theo Raissa Maritain)

- Nguyễn Cao Luật, OP