Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm B

Ga 2:13-25

3_Sun-Ord-BTrong nền kinh tế thị trường hôm nay, người ta có khuynh hướng quy mọi sự thành hàng hóa. Thật vậy, trong quan niệm thông thường, tất cả những gì có thể đem ra bán mua đều được gọi là hàng hóa. Người ta mua bán chức tước, mua bán bằng cấp, mua bán tình cảm và thậm chí mua bán cả thần linh.

Cứ mỗi độ xuân về, những người trảy hội lên đền đông như mắc cửi. Tất nhiên trong dòng người trảy hội có nhiều người thành tâm, muốn tìm cho mình một không gian an tịnh hoặc muốn tĩnh tâm hướng tới những điều thiêng thánh. Tuy nhiên, không ít người lên đền xuống phủ với những động cơ thuần túy vật chất. Cảnh bát nháo giằng co tranh khách ở nơi đền phủ và những trung tâm lễ hội càng làm cho  tôn giáo, tín ngưỡng có nguy trở thành một cái chợ.

Trong cái “chợ tôn giáo” này, người ta mua bán đủ mọi thứ hỗn tạp. Một số Ki-tô hữu vừa tin vào Chúa vừa tin vào bói toán, tử vi và những mê tín dị đoan khác. Đối với họ, việc đi lễ cầu nguyện chỉ dừng lại ở những nhu cầu vật chất. Một số hoạt động của các hội đoàn cũng mang tính cạnh tranh, tìm để được nổi bề ngoài hơn là giúp lắng đọng tâm hồn và sống đức tin chiều sâu.

Tại bên Hoa Kỳ, một số cộng đoàn công giáo Việt Nam , nhất là ở tiểu bang Texas, miền nam, đã có sáng kiến mua lại những khu chợ của người bản xứ để làm nhà thờ. Vì thế mà một số người Hoa Kỳ nhận định: ngày xưa Chúa Giê-su đuổi người buôn bán vì họ biến nhà thờ thành chợ; ngày nay người công giáo Việt Nam đang biến chợ thành nhà thờ! Một nhận định thật dễ thương và mang ý nghĩa tốt lành.

Hình ảnh một Đức Giê-su “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò… đổ tung bàn đổi tiền…” xem ra hơi lạ đối với chân dung của Người mà  các tác giả Tin Mừng thường diễn tả. Điều đó cho thấy sự kiên quyết của Chúa, nhắm tới đề nghị thanh tẩy tâm tình tôn giáo. Nơi khác, Người đã nhiều lần lên án thói đạo đức giả hình của người Biệt phái. Người so sánh họ giống như những chiếc mả tôi vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong đầy rẫy những thối tha. Người phê phán họ chỉ biết lo rửa chén, bát đĩa mà “quên” thanh tẩy tâm hồn.

Người tín hữu đích thực là người lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Những hoạt động bên ngoài phải diễn tả tâm tình đạo đức bên trong. Những thực hành đạo đức phải góp phần làm thăng tiến bản thân và giúp anh chị em đồng loại cũng thăng tiến. Mùa Chay là thời điểm để chúng ta nghĩ về đời sống đạo đức của mình. Đây cũng là mùa thanh luyện đức tin. Mỗi người hãy tự trả lời cho câu hỏi: Đức tin của tôi là một đức tin tinh ròng hay đã nhuốm màu trần tục? Phải chăng có lúc tôi đã nghĩ rằng có nhiều tiền bạc dâng cúng là có thể an tâm làm những điều phi pháp? Lời mời gọi thanh tẩy của Chúa và của Giáo Hội ngay từ đầu Mùa Chay phải được mỗi người tín hữu đón nhận và sinh hoa kết trái, nếu không, Mùa Chay sẽ chỉ dừng lại ở những lễ hội lòe loẹt, ầm ĩ bên ngoài, như thanh la não bạt, như những chiếc thùng rỗng kêu to mà chẳng để lại hiệu quả thiêng liêng nào.

Sống tinh thần Mùa Chay còn là nhìn lại mình. Tấm gương để soi bản thân mình là kinh Mười Điều răn của Chúa (Bài đọc II). Mười Điều răn được ghi khắc trong lương tâm con người, như những chuẩn mực đạo đức để nhờ đó con người được nên thánh. Mỗi khi chúng ta lãnh nhận bí tích Hòa giải, chúng ta thường dựa vào Mười Điều răn để duyệt xét lại cuộc đời mình, soi rọi những nơi ẩn khuất tối tăm, sám hối sửa mình để nên hoàn thiện. Trong truyền thống của Giáo Hội, xưng tội, rước lễ là những việc làm không thể thiếu trong Mùa Chay, đối với những ai muốn sống làm người tín hữu tốt.

Trong quan niệm nơi một số người, khiêm tốn bị coi là hèn hạ, sám hối bị coi là nhu nhược. Đã hai ngàn năm, một con người chịu treo trên thập tự, đó là Đức Giê-su. Người cũng đã bị xỉ nhục, chê cười và khinh bỉ. Thập giá của Chúa Giê-su đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Nơi thập giá, chúng ta tìm được những bài học khôn ngoan để làm con Chúa và làm con người (Bài đọc II).

Giữa “chợ đời”,  tôi phải làm gì để khỏi bị những toan tính trần gian điểu khiển? Nơi dương thế, tôi phải sống sao cho trọn một niềm tin? Xin Chúa giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh từ cây thập giá, để dù đang sống giữa đời mà không vươn mùi thế tục, đang sống dưới đất mà vẫn vươn lên trời cao.

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên                              Nguồn: Trang Tin GP Hải Phòng

TGM Hải Phòng