Le_ChuaTTChúa Nhật Lễ Hiện Xuống, Năm B

Ga 20:19-23

Sau phục sinh, Chúa Kitô dạy các tông đồ ở lại Giêrusalem chờ đợi ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô sẽ ban từ nơi Chúa Cha. Vâng theo lời căn dặn này, các tông đồ tụ họp tại nhà tiệc ly, sốt sắng lắng chìm trong cầu nguyện chờ đợi điều Chúa Kitô đã hứa.

Bài đọc I của thánh lễ hôm nay, trích sách Công vụ Tông đồ cho thấy Chúa Kitô thực hiện lời hứa ấy: Vào ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần ngự đến trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Nghĩa là trên đầu mỗi người hiện diện trong nhà tiệc ly hôm ấy, người ta thấy xuất hiện một cái lưỡi bằng lửa cháy sáng. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Hình lưỡi có ý nhấn mạnh công tác truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô. Bởi khi thực hành công tác truyền giáo, các môn đệ nối tiếp sứ mạng của Chúa Kitô trong sự trợ lực và nâng đỡ lớn lao của Chúa Thánh Thần. Còn lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Các môn đệ Chúa Kitô sẽ là những người mang trong mình tình yêu của Thiên Chúa, họ hãy nhiệt thành suốt đời truyền bá Tin Mừng tình yêu của Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn tác sinh tình yêu và lòng nhiệt thành này nơi các môn đệ của Chúa Kitô, để càng ngày các môn đệ càng hăng hái hơn trong trách vụ loan báo Tin Mừng của mình. Như vậy, hình lưỡi lửa trong ngày lễ Hiện Xuống, chính là hình ảnh của Chúa Thánh Thần gắn liền công tác truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô.

Các môn đệ của Chúa cũng chính là chúng ta. Như các tông đồ xưa, ta nhận lãnh, cùng với ơn Chúa Thánh Thần là sứ mạng truyền giáo qua mọi thế hệ, trong mọi môi trường sống của ta.

Hoa trái của ơn Chúa Thánh Thần được tuôn đổ trên Hội Thánh nhằm phục vụ công tác truyền giáo là rất nhiều. Ta thử liệt kê một vài trong số các hoa trái ấy.

I. LÒNG CAN ĐẢM DẤN THÂN CHO TIN MỪNG

Sau ngày Chúa Kitô bị giết, kể cả sau khi Người sống lại, các môn đệ của Chúa Kitô rất sợ hãi. Họ trở thành những kẻ bạc nhược, mất hết can đảm, mất hết ý chí vươn lên. Ngay cả khi ở trong nhà, họ vẫn đóng kín cửa. Thánh Gioan nói rõ, “họ đóng kín cửa nhà vì sợ người Dothái” (Ga 20, 20). Như vậy các tông đồ không còn một chút can đảm nào.

Ngày Chúa Thánh Thần ngự đến, Người biến lòng các môn đệ nên dũng cảm phi thường. Từ những kẻ chỉ biết sợ, sau khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, ngay lập tức, các ông mở toan cửa nhà, lên tiếng tuyên xưng đức tin Chúa Phục sinh bằng mọi ngôn ngữ, không một chút sợ hãi. Cũng bắt đầu từ ngày đó, các môn đệ quyết tâm sống chết cho Tin Mừng mà mình lãnh nhận. Các ngài tỏa ra khắp thế giới làm cho niềm tin vào Chúa Phục sinh lan rộng không ngừng. Như vậy, chính ngày Chúa Thánh Thần ngự đến là cột mốc đánh dấu thời gian lòng can đảm bùng lên mạnh mẽ nơi Hội Thánh Chúa Kitô.

Lòng can đảm đó cần thiết cho mỗi chúng ta là những Kitô hữu khi nối tiếp sứ mạng các tông đồ. Ta cũng phải lên đường truyền giáo. Cuộc lên đường của ta là đời sống mỗi ngày trong trách nhiệm sống đức tin, sống tình yêu thương, sống ơn hiệp nhất để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Lòng can đảm đó càng cần thiết khi ta quyết giữ lòng mình sốt sắng, mến yêu Chúa, lo tuân giữ luật Chúa giữa một thế giới nhiều cám dỗ, nhiều đau khổ mà nhân loại gây ra cho nhau. Như các tông đồ xưa, ta sốt sắng cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, xin Người ban cho ta lòng can đảm, để ta dấn thân cho Tin Mừng suốt đời ta.

II. BÌNH AN TRONG TÂM HỒN

Mỗi lần Chúa Phục sinh hiện ra, Người đều thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cùng lúc trao bình an cho các môn đệ. Chẳng hạn, bài Tin Mừng trong lễ Chúa Thánh Thần, có đến hai lần Chúa Phục sinh trao bình an: “Bình an cho anh em”, rồi lại: “Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy,Thầy cũng sai anh em”. Dù vậy, lòng các môn đệ chưa thật sự chín mùi, chưa có sự chuẩn bị, chưa hề có lòng ao ước để ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô sinh hiệu lực. Đúng hơn, các ông chưa có tâm tình cầu nguyện đủ. Ngược lại, bao nhiêu tác động của cuộc thương khó, bao nhiêu nỗi khiếp hãi vẫn chưa phai, cuộc sống đầy chao đảo, lòng rối bời, dẫn tới việc các tông đồ không có bình an, không một chút yên lòng. Ơn bình an Phục sinh chưa phục sinh trong lòng các môn đệ của Chúa.

Chúa Thánh Thần làm cho ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô nên hiệu lực nơi tâm hồn các tông đồ. Ngày ngự đến, Người biến đổi một trăm tám mươi độ (180 degree) tâm hồn những kẻ đầy hoang mang, chết khiếp, thành can đảm phi thường. Chính sự can đảm ấy, bày tỏ hết sức tỏ tường những tâm hồn giờ đây đã chất chứa bình an. Nhờ bình an thẳm sâu trong nội tâm, các tông đồ, cũng như lớp lớp môn đệ Chúa Kitô trong suốt dòng lịch sử đã hiêng ngang, bất khuất, bất chấp mọi lao lung, mọi cực hình, người đời dành cho mình.

Bình an nội tâm là ơn cần thiết vô cùng cho mỗi chúng ta hôm nay. Bởi hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta là thời đại đang diễn ra quá nhiều những hỗn tạp, có sức làm chao đảo ngay cả những người được coi là vững vàng nhất. Đức Bênêđictô XVI coi đó là “tình trạng trẻ thơ trong đức tin” (Hồng y Ratzinger - Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005). “Trẻ thơ” là do lòng người quá yếu đuối, không kiên định, không dứt khoát, lại để mình nghiêng ngã, “trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Eph 4, 14).

Ơn Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta bình an nội tâm. Có bình an, ta đủ sức chống chọi mọi làn gió thổi ngoài Tin Mừng Chúa Kitô, ngoài sức hấp dẫn của Thánh Thần của Người. Những làn gió đang tác động mạnh mẽ trong thời đại là, “Từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp…Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và sẽ xảy ra điều mà thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (Ep 4, 14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Hội Thánh, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín…” (Hồng y Ratzinger - Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005).

Hãy mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô có sức lớn mạnh trong tâm hồn ta. Có bình an tâm hồn nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ta sẽ kiên định đến cùng Chúa trong đức tin, trong lòng mến, trông sự cậy trông nơi tình yêu của Đấng Phục sinh. Nguyện cho bình an của Đấng Phục Sinh ngự trị trong lòng chúng ta. Nguyện cho ân sủng tuyệt đối là chính Chúa Thánh Thần và bình an của Người sống mã trong lòng Kitô hữu. Nguyện cho mỗi Kitô hữu “chân cứng đá mềm” để xứng đáng hưởng nhờ bình an phục sinh và hăng hái trao ban bình an mà mình được lãnh nhận.

III. ƠN THA THỨ

Thiên Chúa là tác nhân của ơn tha thứ. Nhưng ơn tha thứ cần đến sự cứu độ của Chúa Kitô và ơn Thánh Thần của Người. Trong công thức giải tội, Hội Thánh bày tỏ niềm xác tín tình yêu Ba Ngôi, mà Chúa Thánh Thần là ơn ban cần thiết hết sức để thanh tẩy tâm hồn hối nhân: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Chính bài Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, Chúa Kitô càng cho thấy rõ hoa trái của ơn tha thứ phát sinh nhờ Chúa Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Cũng từ việc Đấng Phục sinh trao ban Thánh Thần để Hội Thánh thực hành sứ mạng tha thứ cho nhân loại, chúng ta biết được, từ nay, Chúa Kitô Phục sinh sẽ hoạt động trong Hội Thánh, trong từng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người.

Từ nay, Hội Thánh hoạt động trong ơn Chúa Thánh Thần, rộng rãi trao ban nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Vì thế, từ ngày Chúa Kitô vinh quang bên Chúa Cha, bất cứ ai tin nơi Chúa Kitô, rộng lòng đón nhận Thánh Thần nhờ tham dự vào đời sống của Hội Thánh, sẽ được Chúa Thánh Thần ngự đến và được Người lôi cuốn tiến về phía Thiên Chúa như đích đến cuối cùng của đời mình.

* * *

Trên đây là những hoa trái trong rất nhiều hoa trái do ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng không phải tự nhiên mà lòng ta có thể hưởng nhờ. Bởi ngày xưa, các tông đồ chỉ có thể làm trổ sinh ơn Chúa Thánh Thần sau khi các ông đã có một quá trình chìm lắng trong cầu nguyện. Cũng vậy, chỉ có một bí quyết cho chúng ta được hưởng nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần đó là sự cầu nguyện liên lỷ, thâm sâu và xác tín.

Sách Công vụ Tông đồ từng ghi nhận sự hiện diện của Đức Maria nơi tông đồ đoàn khi họ cầu nguyện tại nhà tiệc ly, sau khi Chúa Kitô về trời. Ngày nay, ta cũng hãy cậy nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ để làm phát sinh hoa trái của ơn Chúa Thánh Thần trong tâm hồn ta. Cậy nhờ Đức Mẹ, không chỉ vì Đức Mẹ xứng đáng dâng lời cầu nguyện hơn ta, mà còn vì Đức Mẹ cảm nghiệm thâm sâu về Chúa Thánh Thần qua cả một chiều dài của đời sống kết hiệp cùng Chúa Kitô trong suốt cuộc đời của Mẹ. Hơn nữa, Mẹ đã nhận được chính Chúa Thánh Thần là quà tặng của Thiên Chúa trao ban, để từ nơi Mẹ, Chúa Kitô nhập thể làm người. Ngày nay, Chúa Thánh Thần đến trong trần gian, là một cuộc nhập thể mới của Thiên Chúa. Nếu lần nhập thễ trước, Thiên Chúa cần đến Mẹ, thì cuộc nhập thể mới, nhờ Thánh Thần, chắc Chúa cũng cần sự cộng tác cách nào đó của Mẹ. Hiểu như thế, ta thấy, cách nào đó, Đức Mẹ cũng là trung gian của ơn Chúa Thánh Thần.

Với vai trò thật lớn lao của Đức Mẹ như thế, càng khiến chúng ta phó thác cho lời chuyển cầu của Đức Mẹ trong việc hưởng nhờ hoa trái của ơn Chúa Thánh Thần trong suốt đời ta. Như vậy sự cầu nguyện của ta và công nghiệp của Đức Mẹ sẽ là bí quyết chắc chắn dẫn ta đến cùng Thiên Chúa, hưởng nhờ hoa trái của ơn Chúa Thánh Thần và ngày càng xứng đáng là Con Thiên Chúa.

Lm. JB Vũ Xuân Hạnh