2622015202540374Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm B

Mc 9,2-10

Nếu hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật II Mùa Chay và có người hỏi chúng ta mong đợi những gì nơi Thánh Lễ này, hay chúng ta hy vọng những gì nơi việc cử hành bí tích Thánh Thể, v.v… thì chúng ta sẽ trả lời ra sao ?

Rất có thể là chúng ta đi xem lễ, vì cảm thấy cần phải tiếp xúc thường xuyên với các Kitô hữu khác, cần phải cùng với họ bày tỏ và sống Ðức Tin của mình ngay giữa lòng Giáo xứ. Nhưng cũng rất có thể là chúng ta đi xem lễ, vì đó là một điều đương nhiên, tức trong ngày Chúa Nhật tự bản thân cũng như cùng với cả gia đình cần phải đi nhà thờ. Vâng, chính nơi đây chúng ta muốn củng cố và đồng thời sưởi ấm lại niềm tin của mình, chính nơi đây chúng ta muốn múc lấy cho mình nghị lực để sống niềm tin Kitô giáo của mình trong suốt cả tuần lễ sắp tới. Và sau cùng, có lẽ chúng ta đi xem lễ là để tìm kiếm sự an bình, sự rảnh rỗi, sự thư giãn và sự yên tĩnh cho cuộc sống.

Tất cả những chờ đợi và mong ước đó nơi Thánh Lễ, nơi bàn tiệc Thánh Thể, đều chính đáng. Tuy nhiên theo thiển ý tôi, một vài mong đợi đó cũng mang màu sắc tương tự như sự hiểu lầm của Phêrô mà bài Phúc Âm hôm nay tường thuật lại, khi ông muốn cắm lều và ở lại luôn trên núi Tabor, nơi ông được chứng kiến sự vinh quang của Ðức Giêsu, khi Người biến hình.

Thật ra, người ta không được phép dừng lại nơi cái hé nhìn về một viễn tượng tương lai tốt đẹp; người ta không được phép ở lại trên « núi biến hình » được. Thánh Lễ ngày Chúa Nhật phải được gắn liền với cuộc sống hằng ngày, với cuộc sống trong những ngày đã qua cũng như những ngày sắp tới trong tương lai, với mọi thử thách và mọi gian khổ của chúng.

Nếu chúng ta không muốn để mình rơi vào sự hiểu lầm của Phêrô, thì chúng ta đừng để cho mình bị thu hút bởi những an ủi tạm thời trước mắt để vẽ vời cho mình một tương lai quá sáng lạn. Bởi thế, đối với Phêrô cũng như đối với tất cả chúng ta, lời cảnh tỉnh của Chúa Cha luôn cần thiết : « Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người ! »

Vâng, cũng như Phêrô, chúng ta thường dễ bị rơi vào một ảo vọng nguy hiểm : Là bị lóa mắt và đắm chìm vào một tương lai quá huy hoàng do niềm tin của chúng ta hứa hẹn mà bỏ quên việc cần phải sống tốt, thật tốt giây phút hiện tại; Là bị thu hút bởi những niềm hoan lạc trên Nước Trời từng được khát khao mong đợi mà lãng quên cuộc chiến đầy căm go với những đau khổ và thử thách trần thế hiện tại. Những kiểu chạy trốn thế gian cách tiêu cực và thiếu thực tế như vậy, chắc chắn không phải là quan điểm của Ðức Kitô, nếu không, Người đã không bị treo trên thập giá !

Biến cố nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, sự xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô trong cuộc đời trần thế loan báo thời giờ cứu độ đã điểm, Nước Thiên Chúa đã đến gần và tương lai của Thiên Chúa đã bắt đầu khơi mào. Tuy nhiên, để thấu hiểu được trọn vẹn điều mới mẽ đó, không phải là chuyện dễ dàng đối với các môn đệ xưa kia và đối với các Kitô hữu ngày nay, nghĩa là : Hạnh phúc và sự cứu rỗi của chúng ta đã được Thiên Chúa hứa ban, giờ đây đã trở thành hiện thực, mặc dầu chưa đạt tới sự trọn vẹn sau cùng. Biến cố Chúa biến hình được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay muốn nói lên tình trạng « giờ đây đã trở thành hiện thực » và đồng thời « chưa đạt tới sự trọn vẹn sau cùng » của sự cứu rỗi của chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.

Do đó, cũng như Ðức Giêsu Kitô, qua cuộc sống con người, cả đến ngày hôm nay vẫn còn bị kết thúc trên thập giá bằng hàng triệu cách thức khác nhau, thì ánh sáng phục sinh cũng đã chiếu tỏa ngay bây giờ rồi cũng bằng cả hàng triệu cách thức khác nhau. Vâng, chính vì tin tưởng chắc chắn vào sự hoàn tất sung mãn của cuộc sống chúng ta và cuộc sống thế giới trong niềm vui phục sinh khải hoàn, chúng ta càng được tăng thêm nghị lực để can đảm bước đi trên những con đường thập giá, trên những con đường đầy gian nan thử thách dưới muôn mặt của chúng ta. Chúng ta có thể cam chịu được những « ngày thứ sáu chịu nạn » của đời chúng ta, bởi vì chúng ta là Kitô hữu, biết sống trong sự hy vọng vào buổi sáng Phục Sinh huy hoàng.

Dĩ nhiên, niềm hy vọng phục sinh của chúng ta không phải là lớp sơn đạo đức giả tạo tương tự như một sự « biến hình » qua thời. Trái lại, niềm hy vọng phục sinh của chúng ta là một sự thôi thúc nội tâm hết sức mạnh mẽ, khiến chúng ta vẫn còn hy vọng tất cả những gì không còn hy vọng được nữa. Bởi vì « đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được » (Lc 1,37).

Nói tóm lại, chúng ta rất cần đến sự cố Biến Hình của Ðức Giêsu Kitô trên núi Tabor. Vì khi được nhìn ngắm sự hoàn tất vẽ vang và sự vinh quang cả sáng của Người, chúng ta được thêm nghị lực để kiên trì trong suốt cuộc hành trình đầy thử thách gian nan tiến về sự cứu rỗi. Sự nhìn ngắm một thế giới được biến đổi sáng láng, càng nung đốt chúng ta nhân danh Thiên Chúa đem hết mọi nghị lực để biến đổi một thế giới chưa được biến đổi, và điều đó không chỉ vì sự hoàn tất sung mãn của thế giới, nhưng còn của cả chính chúng ta nữa. Tuy nhiên, bao lâu còn sống trên trần thế, chúng ta phải kiên trì chiến đấu trên « chiến trường », chứ chưa được rui về « hậu phương » để nghĩ ngơi hưởng thụ. Những an ủi và những động viên trong cuộc sống đức tin ở đời này là một phương tiện giup chúng ta thêm hăng hái và can đảm trong cuộc chiến đấu dằng co của cuộc sống, chứ không phải là mục đích để chúng ta dừng lại nếm hưởng. Trong nghĩa đó, biến cố Biến Hình của Ðức Giêsu vừa là một vinh quang vừa là một thách đố đối với chúng ta tất cả !

Niềm tin tưởng trọn vẹn vào quyền năng phục sinh cả sáng của Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng bước theo tiếng của Chúa Cha phán ra từ đám mây và khả năng biết lắng nghe và sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô. Ðể giúp chúng ta thực hiện được điều đó, bữa tiệc Thánh Thể hôm nay bổ sức và củng cố cho chúng ta, dĩ nhiên hoàn toàn không vì sự biến hình chóng qua, nhưng là sự hướng nhìn lên một Ðức Kitô đã được biến hình sáng láng.

LM Nguyễn Hữu Thy