Phuc_SInh_BChúa Nhật Phục Sinh, Năm B

Ga 20: 1-9

Đức Giêsu đã sống lại. Ngài vẫn còn đang sống. Đó là niềm tin của các tông đồ. Đây cũng là niềm tin của tất cả Hội Thánh, của mọi Kitô hữu. Đức Giêsu đã sống lại, biến cố này làm chấn động tất cả, đặc biệt các tông đồ là những người liên hệ cụ thể với Đức Giêsu.

I. Các tông đồ trước cái chết ô nhục của Đức Giêsu

Biến cố Đức Giêsu bị bắt và bị giết diễn ra quá nhanh, chỉ từ đêm thứ năm đến trưa thứ sáu, làm các tông đồ và các môn đệ bàng hoàng sửng sốt. Đức Giêsu bị giết, kéo theo tất cả các mơ ước của các tông đồ. Từ mơ ước “ngồi bên tả ngồi bên hữu” đến hoài bão xây dựng một nước Israel mới. Cái chết của Đức Giêsu đánh đổ mọi hy vọng của các tông đồ.

Bây giờ Kitô hữu biết Đức Giêsu như các tông đồ biết Đức Giêsu sau khi Ngài đã sống lại; tuy nhiên, khi Đức Giêsu còn đang sống tại thế với họ, thì các tông đồ chưa biết rõ Đức Giêsu như sau khi Ngài phục sinh. Trước khi Đức Giêsu chết và sống lại, các tông đồ cũng như đa số dân Do Thái, tin Đức Giêsu là một tiên tri, và hơn nữa, là Đấng Kitô Thiên Chúa sai tới để giải phóng dân. Đa số người Do Thái thời đó đang mong chờ Đấng Thiên Sai giải phóng họ khỏi cảnh đô hộ của người Roma. Họ mong chờ Đấng Thiên Sai (Đấng được xức dầu, Đấng Kitô) giải phóng họ, như trong quá khứ cha ông họ đã chờ đợi, cầu xin, và Thiên Chúa đã ban cho họ Môsê và các thẩm phán, để giải phóng họ khỏi cảnh áp bức.

Đức Giêsu chết, và một cái chết trần trụi ô nhục, làm các tông đồ vỡ mộng. Các tông đồ không chỉ vỡ mộng, mà còn bị khủng hoảng vì tại sao Thầy Giêsu của họ, một người tốt, một người làm nhiều dấu lạ, mà bây giờ Thiên Chúa lại bỏ Ngài, để Ngài phải chết ô nhục như vậy! Lúc Đức Giêsu còn đang sống với các tông đồ, các Ngài chưa biết Thiên Chúa là Ba Ngôi, và Đức Giêsu là Thiên Chúa Con như các Kitô hữu bây giờ. Các tông đồ buồn sầu, thất vọng, và bị khủng hoảng cả về niềm tin vào Thiên Chúa nữa.

II. Các tông đồ trước sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh

Tin Đức Giêsu đã sống lại, do các chị phụ nữ mang lại, làm các tông đồ xao xuyến. Chuyện như mơ. Điều các chị phụ nữ nói làm sao tin được? Họ là phụ nữ mà. Gioan và Phêrô chạy tới mộ. Mồ trống. Cái gì đã xảy ra? Tin mừng Gioan nói: “ông thấy và ông tin” (Ga.20, 8). Gioan tin cái gì? Gioan không nói rõ về điều này. Chỉ biết rằng theo tin mừng Máccô: “Sau cùng, Người đã tỏ mình ra cho chính nhóm mười một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trổi dậy” (Mc.16, 14).

Không phải chỉ có tông đồ Thomas không tin Đức Giêsu sống lại cho dù các chị phụ nữ và các tông đồ khác đã loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho ông (Ga.20, 24-29), mà tất cả các tông đồ đều không tin Chúa phục sinh, kể cả hai môn đệ đã chán nản bỏ cuộc và đang trên đường về quê (Mc.16, 12-13). Biến cố Đức Giêsu phục sinh là biến cố rất khó tin, kể cả đối với các tông đồ, vì chẳng có tông đồ nào tin Đức Giêsu phục sinh nếu đã không được Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho họ. Họ chỉ tin Đức Giêsu phục sinh khi họ thấy Ngài.

Trong các tin mừng có nói Đức Giêsu đã loan báo ba lần Ngài sẽ chết và sẽ sống lại (Mc.8, 31; 9, 30-32; 10, 32-34), nhưng các tông đồ đã quên điều này khi Ngài bị giết. Tại sao họ quên? Có thể vì chuyện đó không thể tin được nên các tông đồ đã quên. Chỉ sau khi sự thực xảy ra, nghĩa là, chỉ sau khi Đức Giêsu phục sinh, mới làm các tông đồ nhớ lại các lời đó thôi. Biến cố Đức Giêsu phục sinh, là biến cố không thể tin nếu không được tận mắt thấy Ngài (như các chị phụ nữ và các tông đồ), và nếu có ai tin thì đó là một ơn vô cùng lớn: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga. 20, 29).

III. Con người trước tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh

Một số người thời các tông đồ đã cho rằng, các tông đồ trộm xác Đức Giêsu và loan tin Ngài sống lại (Mt.28, 11-15). Thế nhưng, các tông đồ đã làm chuyện đó để làm gì? Tại sao tất cả các tông đồ (trừ Gioan) đã đem chính mạng sống họ để làm chứng rằng Đức Giêsu đã phục sinh? Tại sao họ lại phải vất vả, gian khổ, và phải chết vì chuyện đó (nếu đó là gian dối thực!)?

Một số người thời đại cho rằng các tông đồ đã bị hoang tưởng tập thể. Họ đã mong Đức Giêsu sống lại, nên cứ tưởng rằng Đức Giêsu sống lại thật. Tuy nhiên, như các tin mừng làm chứng, các tông đồ đâu có dễ tin Đức Giêsu sống lại. Chẳng có ai tin Đức Giêsu sống lại, nếu không phải chính họ đã thấy Ngài. Trường hợp tông đồ Thomas giúp Kitô hữu thấy điều này rõ ràng hơn. Sự cứng lòng của Thomas lại là một lý chứng giúp các Kitô hữu vững tin vào sự kiện Đức Giêsu phục sinh.

Một số khác cho rằng, Đức Giêsu có phục sinh hay không, cũng không quan trọng. Điều quan trọng là tin mừng Phục Sinh gợi cho người ta một ý nghĩa nào đó. Đức Giêsu Phục Sinh là một biểu tượng của một đời sống mới, của sự chiến thắng. Thánh Phaolô cũng phải đương đầu với lối giải thích này, và ngài nói: “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, … thì đức tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em…. Và nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cor.15, 12-19).

Kitô hữu là người tin Đức Giêsu sống lại thật sự, tuy dù sự sống lại của Đức Giêsu khác với sự sống lại của Ladarô (Ga.11, 1-44), của em bé (Mc.5, 21-43) được Đức Giêsu cho sống lại. Thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh đã được biến đổi, vật chất không còn giới hạn được Ngài nữa. Thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh là thân xác thần khí. Đức Giêsu phục sinh, là biến cố vô cùng quan trọng, và giúp con người hiểu hơn về Đức Giêsu, hiểu hơn về Thiên Chúa, và hiểu hơn về chính con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có tin Đức Giêsu đã phục sinh không? Tại sao bạn tin Ngài phục sinh?

2. Tin Đức Giêsu phục sinh, bạn được lợi ích gì?

Lm Giuse Phạm Thanh Liêm